Ở nơi con ở đã cố gắng hình thành một ban trợ niệm giúp người lâm chung khi cần. Tuy nhiên vừa qua, có một anh trưởng ban của đạo tràng niệm Phật và ban trợ niệm lại bị tai nạn chết bất đắt kỳ tử, chúng con không thể tiến hành trợ niệm. Mọi người vô cùng hoang mang vì người đạo tràng trưởng này chuyên làm việc thiện, luôn sẵn sàng đi trợ niệm giúp người mọi lúc mọi nơi. Vậy nếu đúng ra theo lý nhân quả người đạo tràng trưởng này phải có quả tốt và người niệm Phật luôn có các vị Bồ Tát gia hộ. Vậy tại sao lại bị nhân quả như thế này? Nếu vậy người ấy sẽ sanh về cảnh giới nào. Xin Sư hoan hỷ cho chúng con được biết.
Đáp:
Làm phước được phước
Người có tâm trợ niệm cho người sắp lâm chung và người lâm chung được vãng sanh thì công đức của người trợ niệm vô cùng to lớn. Trong kinh Địa Tạng, phẩm thứ VII, Phật dạy: “Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cà việc về thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó...”. Vì vậy, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành sẽ đặng hưởng trọn phần công đức.
Việc trợ niệm cho người sắp lâm chung được vãng sanh là một Phật sự lớn như tất cả các Phật sự lớn khác trong nhà Phật, mà quan trọng nhất là việc niệm Phật trợ duyên cho người sắp lâm chung là việc dành cho những người con Phật phát bồ đề tâm giúp người cứu người trong cơn bức ngặt. Việc giúp người cứu người là việc hệ trọng, không cần đắn đo suy nghĩ “làm việc thiện để được đem đến sự tốt lành, quả lành”. Người làm việc thiện, Bạn cần giữ tâm trong sạch, thần thái tinh mơ như một vị Bồ tát “thi ân bất cầu báo”; chắc chắn khi giúp người chính là Bạn đang trang nghiêm công đức bồi đắp cho phần tự thân được nhiều quả phước cho tương lai rồi đó.
Ban Hộ niệm ở nơi Bạn có thỉnh quý Sư chứng minh không? Rất cần sự chứng minh của quý Sư, để nhằm vào việc nương tựa công đức của Tăng già, thì Phật sự của Bạn càng được trang nghiêm và vững chảy hơn, công đức tạo tác của Bạn vẫn không mất mát vào đâu, nhưng sẽ làm cho các Bạn nhẹ nhàng, thân tâm thư thái, những chướng duyên nạn tai không quấy nhiễu.
Lại nữa, công đức của người xuất gia sẽ ảnh hưởng lực đến kẻ mất người còn, khiến cho các nghiệp duyên trong ba đời đều được giảm nhẹ dẫn đến siêu thoát, không còn những ảnh hưởng lực xấu xảy đến, không còn những chướng duyên, nghịch lý làm tổn hại đến thân hoặc tâm của người làm Phật sự.
Làm phước gặp nạn?
Kinh Trung A Hàm, Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp của mình". Nghiệp là do tự mỗi người tạo từ nhiều đời trước, khi đã tao thì chính những nghiệp ấy đi theo người đó từ đời nầy sang đời khác như bóng theo hình, như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Khi nào có đủ điều kiện, đủ duyên thì kết thành quả.
Thuở Đức Phật còn tại tiền, có chàng thanh niên tên Sudha, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, muốn tìm chân lý, đến gần Ngài và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do nào và nguyên nhân nào trong đời có người yểu và có người thọ, người bệnh hoạn và người khoẻ mạnh, người xấu xa và người đẹp đẽ , có hạng người làm gì cũng không ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe và hạng người có thế lực, làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe , có người nghèo khổ và người giàu sang , có người sanh trưởng trong gia đình bần tiện và có người dòng dõi cao sang, có người dốt và có người trí tuệ ?
Đức Phật trả lời vắn tắt như thế này:
"Tất cả chúng sanh đều mang theo cái Nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh."
Vị Đạo tràng trưởng của Ban, đứng đầu Ban Hộ niệm cũng có sứ mạng thiêng liêng cao cả, tuy nhiên không vượt qua được những nghiệp dĩ, quá khứ gần hoặc xa xôi tiền kiếp, do “nghiệp sát” nhiều nên mệnh yểu theo quy luật nhân quả dưới dạng mọi hình thức (tam đồ bát nạn). Việc trợ duyên cho người lâm chung vãng sanh là trang nghiêm công đức tô bồi cho báo thân vị Đạo tràng trưởng sẽ được phần thưởng xứng đáng và thọ hưởng trong tương lai. Theo luật nhân quả, không nên suy niệm và dùng những công đức hiện tại có được để cân đối che chắn với những tác nhân tạo nghiệp ác từ kiếp trước.
Sự biến chuyển từ nhân đến quả có khi nhanh khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng nhất:
Có những nhân và xảy ra kế tiếp nhau, liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện, như khi vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát hiện ra (quả); hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên. Có khi nhân đã gây rồi, nhưng quả đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống, cho đến khi gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng. Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa trẻ mới cắp sách đi học đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là mười năm.
Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa quả mới xuất hiện. Chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia, đến khi thực hiện được nền độc lập ấy, cần phải qua bao thế kỷ.
Vì lý do mau chậm, trong sự phát hiện cái quả, chúng ta không nên nóng nẩy hấp tấp, mà cho rằng cái luật nhơn quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả (Phật học Phổ Thông - Lý Nhân Quả trang 245 - tác giả HT. Thích Thiện Hoa).
Trong quá trình tạo nghiệp, nghiệp báo chúng sanh thường đi đôi với luật nhân quả, nghiệp lực của một người đã tạo trong quá khứ khi đủ điều kiện chín mùi thì quả sẽ đến ngày trong giây phút hiện tại và những tác nhân hiện tại sẽ xây dựng cho quả báo trong tương lai, cứ như thế xây vần như một quy luật tất yếu: Tuy nhiên thường thì chúng sanh ít thấy, nhưng làm con nhà Phật sẽ thấy rõ như ban ngày! Vì thế Bạn không nên bi ai về việc vị Đạo tràng trưởng làm phước, tại sao gặp nạn tai thọ yểu!
Phật giáo nhìn nhận có phần ảnh hưởng của sự truyền thống (gen) và của giới thân cận (cộng nghiệp), nhưng không đủ để chứng minh. Thế nên, Phật giáo thêm vào định luật nghiệp báo, tức là sự tổng hợp các hành động khác trong quá khứ và hiện tại. Chính chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm về những hành động của chúng ta trong quá khứ và gặt hái hoàn cảnh an vui hay đau khổ trong hiện tại. Chính ta tạo thiên đàng cho ta. Cũng chính ta tạo địa ngục cho ta. Ta là người xây dựng tương lai của ta....( Đức Phật và Phật Pháp - Lý Nhân Quả, chương 18-21, tác giả Nàrada Mahà Thera - Phạm Kim Khánh dịch).
Làm Phật tử, Bạn nên có những suy nghiệm tích cực hơn sẽ hóa giải những bi quan trong đời sống hằng ngày.
Mệnh yểu chết bất đắc kỳ tử sanh về đâu?
Người mệnh yểu, chết bất đắc kỳ tử: Quan niệm người đời là chết không có hẹn, không định hướng, không biết thần thức xuôi về đâu!
Người chết thọ yểu, chết bất đắc kỳ tử vẫn đi theo nghiệp thức của người đó mà tái sanh. Nếu họ làm thiện thì đi về cõi thánh thiện Trời, Người, làm ác thì về cõi ác A tu la, Địa ngục, Ngạ quỹ, Súc sanh. Dù người đó có qua đời theo hình thức nào đi nữa, nhưng thức tâm vẫn phải bi cuốn hút theo nghiệp lực đã tạo.
Trong kinh A Hàm có câu chuyện, như sau: Ông Ma Ha Nam là em bà con chú bác với đức Phật. Khi đức Phật trở về hoàng cung giáo hóa trong thân tộc, thì ông đến xin Phật cho ông quy y giữ năm giới và tu thập thiện. Đức Phật tán thán sự phát tâm của ông và cho ông được toại nguyện. Từ ngày đó, ông trở thành một vị Ưu bà tắc rất thuần thành.
Một hôm, Cư sĩ nêu ra vấn đề hỏi Phật, bạch Đức Thế tôn: Một người cả đời vâng theo lời Phật dạy tu hành, chuyên làm việc thiện, bỗng một hôm nào đó, bất thần xảy ra tai nạn, chết bất đắc kỳ tử, như vậy, thì thần thức người đó sẽ sanh về đâu? Có bị sa đọa địa ngục không? Vì chết như thế, đâu có ai trợ duyên niệm Phật cho mình mà được siêu thoát!
Đức Phật không trả lời thẳng câu hỏi của ông, mà đức Phật hỏi vặn lại:
Nầy Cư sĩ Ma Ha Nam, giả như có một cái cây mà nó đã nghiêng sẵn về một hướng, bỗng một hôm có người đến cưa, thì cây đó ngã về hướng nào ?
Thưa Thế Tôn, cây nghiêng hướng nào, khi cưa thân cây sẽ ngã theo hướng đó.
Phật dạy: “Cũng vậy đó Cư sĩ, hàng ngày Cữ sĩ thường tạo nghiệp lành, khi chết thì ông sẽ theo nghiệp lành mà tái sanh vào cõi lành. Ngược lại, nếu người nào hàng ngày tạo nghiệp ác, thì khi chết sẽ tái sanh vào cõi ác. Như vậy không phải người chết bất đắc kỳ tử là đọa địa ngục”.
Người chết, dù chết già, chết trẻ, chết ở tuổi trung niên, chết bất đắc kỳ tử nghiệp dĩ không mất, mà thần thức sẽ theo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác mà hóa sanh vào cảnh giới lành hay cảnh giới dữ. Đối với người con Phật, điều quan trọng là hàng ngày chúng ta nên xem xét lại mình, kiểm soát những hành vi cử chỉ của mình, những suy nghĩ của mình tạo nghiệp lành nhiều hay nghiệp ác nhiều. Hiện đời mình nặng về nghiệp gì, thì khi chết mình sẽ đi theo nghiệp đó.
Căn cứ theo lời Phật dạy cho Cư sĩ Ma Ha Nam, thì chúng ta không nên lo sợ, khi chết bất đắc kỳ tử không biết có sanh về cảnh giới lành hay không? Vấn đề nầy, nếu suy nghiệm vào đời sống thực tế của người đó, thì chúng ta sẽ thấy rõ họ sanh về đâu.
Trong lúc thọ báo, người chết bất đắc kỳ tử, là trường hợp chết không có ý niệm trước, tuy nhiên vẫn ở trong môi trường của cận tử nghiệp, như vậy cái nghiệp tích lũy thiện ác trước kia vẫn không bao giờ mất. Qua khỏi thời điểm cận tử nghiệp, tùy thời gian lâu mau không nhứt định, thì ta trở lại thụ hưởng cái tích lũy nghiệp mà hiện đời ta đã gây tạo. Nếu là nghiệp lành như vị Đạo tràng trưởng của Bạn, thì sanh về cảnh giới lành, như nếu tái sanh làm người thì vẫn được có địa vị cao quý trong xã hội, hay giàu sang tột bực, nếu có tu hành niệm Phật trường chay thì chắc chắn vãng sanh Cực Lạc… Ngược lại, chiêu cảm quả ác thì!!!
Nhân quả ba đời thật không sai
Thiện ác sinh ra đã an bày
Hành thiện găp thiện là chơn lý
Ác báo nhãn tiền phải trả vay.