Việc lớn nhất trong đời người chúng ta là gì

Thứ bảy - 03/06/2023 16:46
Vấn đề then chốt nhất, quan trọng nhất của cả một kiếp người đó là vấn đề trang bị cho cận tử nghiệp, đó là cái nghiệp cận kề lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, bởi cận tử nghiệp là cái nghiệp thúc đẩy chúng ta đi vào cảnh giới tốt hay xấu ở kiếp gần nhất.
Việc lớn nhất trong đời người chúng ta là gì
Vì lẽ đó chúng ta phải trang bị cho mình cận tử nghiệp tốt. Cận tử nghiệp trong nhà Phật có 2 loại đó là cận tử nghiệp thiện và cận tử nghiệp ác. Cận tử nghiệp ác: Nếu người sắp chết mà khởi tâm ác, liền bị chuyển cả sự tu hành hay công đức trước đó của mình mà tái sinh vào cõi không tốt. Lúc chuẩn bị xả bỏ báo thân, trút hơi thở cuối cùng, theo đúng tiến trình chết bắt đầu địa đại tan vào thủy đại tức là cơ thể cảm thấy nặng nề, mệt mỏi thế nên người sắp mất có các hiện tượng co rút tay chân, gân mạch run rẩy…

Giai đoạn thứ hai thủy đại tan vào hỏa đại, là lúc chúng ta thấy háo nước, cơ thể như có luồng hơi lạnh xâm lấn khiến toàn thân lạnh cóng. Giai đoạn thứ ba hỏa đại tan vào phong đại, và giai đoạn thứ tư phong đại tan vào không đại và bước vào A lại Gia Thức. Đối với khoa học lúc này tim ngừng đập, mũi ngừng thở nhưng với Phật học thì lúc này thần thức chuẩn bị lìa khỏi xác thân để theo nghiệp duyên đã tạo trong quá khứ và hiện tại mà tái sanh vào các cảnh giới tương ứng. Lúc này nếu chúng ta không biết mà lay động thân xác, khóc than, kể lể, gia đình sát sinh để cúng tế…thì đây chính là các cận tử nghiệp ác. Khi nằm trên giường mà nghe người thân bàn bạc về việc chôn hay thiêu, người thân lay động thân xác, phân chia của cải .. thì trong tâm thức người đó nếu không có sự tu tập hoặc sự tu tập không đạt đến cảnh giới khống chế được cận tử nghiệp thì thần thức này sẽ nổi tâm tham, sân, si, và như vậy địa ngục ngạ quỷ súc sinh sẽ giăng chờ. Nhưng chúng ta cũng đừng sợ vì:
Nỗ lực cần tu cho liễu ngộ,
Sợ gì muôn kiếp phải trầm luân.
Bên cạnh khái niệm cận tử nghiệp còn có khái niệm tích lũy nghiệp. Cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp có ảnh hưởng chi phối nhau mà quyết định đưa người chết đến cõi lành hay cõi dữ. Song song với cận tử nghiệp ác có 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Cận tử nghiệp ác, tích lũy nghiệp ác
Đây là trường hợp cả đời tạo nghiệp ác, sát sinh hại vật, làm những việc có hại cho chúng sinh… Lúc lâm chung con cháu lại bàn nhau chia tài sản, lay động thân xác rồi sát sinh để cúng tế và làm cơm đãi khách. Những trường hợp này chắc chắn sẽ bị đọa vào 3 đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Trường hợp 2: Cận tử nghiệp ác và tích lũy nghiệp thiện
+ Tích lũy nghiệp cực thiện: là trường hợp tu hành đã đạt đến cảnh giới rất cao thì người ta có thể khống chế được cận tử nghiệp ác. Những bậc thánh tăng có thể hoàn toàn khống chế được điều này. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Tuệ trung Thượng Sỹ, trước lúc ngài xả bỏ báo thân vợ con đã than khóc, ngài bèn tỉnh dậy nói rằng “ tại sao các ngươi lại khóc, các ngươi có biết ta đi về đâu không mà khóc, nói xong ngài nằm theo tư thế niết bàn và xả bỏ báo thân. Hoặc những người đã niệm Phật đến cảnh giới nhất tâm bất loạn thì dù cận tử nghiệp có ác đến đâu cũng không ảnh hưởng tới họ chính là nhờ công phu tu hành đã đẩy được cận tử nghiệp ác.

+ Tích lũy nghiệp thiện nhưng chưa đến độ hóa giải được cận tử nghiệp ác thì họ sẽ có thể bị đọa vào đường ác nhưng chỉ bị đọa trong thời gian ngắn rồi họ mới tái sinh theo đúng tích lũy nghiệp thiện của mình.

Cận tử nghiệp thiện: Nếu người khi gần chết mà tâm khởi niệm lành liền tái sinh vào cảnh giới lành.

Người có cận tử nghiệp lành là người mà lúc lâm chung được con cháu hiểu biết về Phật học, mời người khai thị, mời Ban trợ niệm đến để giúp đỡ cho thần thức. Rồi họ khởi những tâm niệm rất tốt đẹp như phóng sinh, bố thí, cũng dường, ấn tống kinh sách…Đây chính là các cận tử nghiệp lành và đương nhiên những người có cận tử nghiệp lành và tích lũy nghiệp lành sẽ được tái sinh vào cảnh giới lành. Bên cạnh cận tử nghiệp lành lại có 2 loại đó là:

Trường hợp 1: Cận tử nghiệp thiện, tích lũy nghiệp ác
Trong trường hợp có tích lũy nghiệp ác nhưng vì 1 nhân duyên nào đó mà lúc lâm chung có thiện hữu tri thức đến khai thị, Ban trợ niệm đến trợ niệm rất hiệu quả, gia đình không sát sinh hại vật con cháu không lay động thân xác… khiến cho người này dứt bỏ tâm sân hận, tâm oán thù, tâm luyến tiếc của cải, con cháu và họ khởi tâm niệm Phật mười câu liên tiếp theo đúng bi nguyện của đức Phật A Di Đà thì người này vẫn được về Tây phương cực lạc. Đây chính là trường hợp đới nghiệp vãng sanh nghĩa là khi người đó đã niệm Phật 10 câu liên tiếp với tâm chí thành chí kính thì người đó vẫn được Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại thế chí cùng hàng thánh chúng tiếp dẫn về Tây phương cực lạc nhưng thần thức này sẽ ở trong hoa sen cho tới khi hết sạch nghiệp thì hoa sen sẽ nở.

Trường hợp 2: Cận tử nghiệp thiện, tích lũy nghiệp thiện
Nếu 1 người có cận tử nghiệp thiện và tích lũy nghiệp cũng thiện thì Tây Phương Cực Lạc chính là nơi chốn quê để họ quay về.
Tác giả: Thích Quảng Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây