Vui thay chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người bận rộn,
Ta sống không rộn ràng. (1)
Trong lời Phật, rộn ràng là biểu hiện của lối sống nhiều ham muốn, nhiều dục vọng, bị tham dục chi phối, bị ái dục buộc ràng và dẫn dắt, khác với thư thái là dấu hiệu của lối sống thiểu dục tri túc, không bị dục vọng hay ái dục làm cho dao động quay cuồng. Bài kệ đơn giản là lời khuyên “bớt ham muốn để cuộc sống được thanh thản” mà bậc Giác ngộ muốn nhắn gởi đến mọi người.
Thế nào là bớt ham muốn hay sống không rộn ràng theo lời dạy của Phật? Đó là một lẽ sống thanh thản an lạc mà con người có thể đạt được nhờ nhận thức rõ lòng tham dục (abhijjhà), vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava) của tham dục và thực hành con đường xuất ly (nissarana) khỏi tham dục.
Theo quan niệm của đạo Phật thì tham dục (abhijjhà/chandaràga) là một hiện tượng tâm lý xuất hiện khi các giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tiếp xúc với các đối tượng tạo thích ý, hấp dẫn, mê say mà biểu hiện là sự hân hoan, thích thú, khao khát, muốn chiếm hữu hay muốn ôm ấp nắm giữ mọi thứ cho riêng mình. Nó là thói quen ham muốn khoái lạc vật chất được tích tập lâu ngày, tiềm ẩn trong tâm thức gọi là dục ái (kàmatanhà) hay dục lậu (kàmàsava) mà khi có điều kiện thuận hợp thì sinh khởi và tăng trưởng gọi là dục trưởng dưỡng (kàmaguna). Nó được gọi là dục trưởng dưỡng vì do năm điều kiện tiếp xúc khả ái ấy mà lòng tham của con người bị kích động, đi đến tăng trưởng và lớn mạnh không dứt. Một khi tham dục (abhijjhà) bị kích động và tăng trưởng mạnh mẽ thì bấy giờ nó biến thành tà tham (visamlobha), tức là lòng ham muốn bất chấp cả đạo lý để độc chiếm cho được cái mà nó khao khát cho dù cái ấy là thuộc sở hữu của người khác.
Vị ngọt của tham dục tức là sự thích thú, hân hoan, hỷ lạc phát sinh khi mắt thấy sắc đẹp, tai nghe âm thanh hay, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân cảm nhận sự xúc chạm êm dịu. Một cách hiểu khác, đó là sự hân hoan thích thú của con người khi sở hữu được các ham muốn thường tình của thế gian như tiền tài vật chất (tài), danh vọng quyền lực (danh), sắc đẹp khác phái (sắc), cao lương mỹ vị (thực), chăn gối êm ái (thùy).
Theo lời Phật thì chính vị ngọt hay niềm thích thú hân hoan đắm chìm trong men dục lạc là nguyên nhân khiến mọi phiền toái khổ đau phát sinh, vì nó làm cho con người trở nên mê loạn, mù lòa, không còn tỉnh táo, mất tự chủ, bất chấp đạo lý, rơi vào các ý nghĩ xấu ác, lời nói xấu ác, việc làm xấu ác tạo khổ đau cho mình và gây tổn hại khổ đau cho người khác (2).
Nó là động cơ của các hành vi xấu ác bất thiện như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Chính vì thế mà Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) nói rằng lòng tham rất nguy hiểm vì nó tìm cầu khoái cảm giác quan và không từ bỏ cái gì có hại. Đại kinh Khổ uẩn thuộc tuyển tập Trung Bộ nêu dẫn một loạt các phiền toái khổ đau do tham dục gây ra:
- Phải lao tâm khổ tứ, làm việc cật lực, thức khuya dậy sớm, chịu nắng chịu mưa trong công cuộc mưu sinh.
- Rơi vào phiền muộn khổ não, nếu công ăn việc làm gặp phải trở ngại hay mọi nỗ lực đầu tư bị thất bại.
- Lo lắng tài sản làm ra bị tổn thất bởi nạn trộm cướp, bởi quan lại nhũng nhiễu, bởi thiên tai hỏa hoạn hay bởi con cái hư hỏng phá tán.
- Rơi vào các việc làm sai trái xấu ác, vi phạm pháp luật khiến bị tù tội, chịu nhiều thống khổ.
- Rơi vào vòng tranh chấp cãi vã xâu xé lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em hay giữa bạn bè với nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn dục vọng ích kỷ cá nhân.
- Tranh chấp dòng tộc, đấu tranh giai cấp dẫn đến đả thương, tàn hại lẫn nhau vì lý do danh vọng quyền lợi không được chia đều.
- Tranh chấp lãnh thổ, xâm chiếm đất đai, chiếm đoạt tài nguyên giữa các quốc gia hay các khối chủ nghĩa khiến hận thù chiến tranh xảy ra gây chết chóc tang thương cho vô số người.
- Gây tạo các ác nghiệp về thân, về lời, về ý do duyên tham dục nên sau khi thân hoại mạng chung, bị tái sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Về giải pháp khắc phục các phiền não khổ đau do tham dục gây ra, mẩu đối thoại sau đây giữa du sĩ Channa và Tôn giả Ànanda nêu rõ:
- Thưa Hiền giả Ànanda, do thấy nguy hại của tham như thế nào, các Người tuyên thuyết đoạn tận tham?
- Người có tham, thưa Hiền giả Channa, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác. Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai. Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn. Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả Channa, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. (3)
Nhận thức rõ sự nguy hại của tham dục và lợi ích của lối sống ly tham để khắc phục và diệt trừ tham dục là chủ trương thiết thực của đạo Phật trong việc thiết lập đời sống hạnh phúc an lạc, thoát ly mọi phiền não khổ đau. Có nhiều biện pháp được đề xuất cho công việc này được nói đến trong kinh điển Phật giáo. Chẳng hạn, bố thí hay mở tâm chia sẻ hạnh phúc với mọi người khác là một cách giúp cho con người khắc phục lòng tham, chuyển hóa tâm dục vọng ích kỷ thành ra lòng bao dung từ ái. Giữ giới hay biểu thị lòng thương quý và tôn trọng hạnh phúc của người khác thông qua việc từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu cũng là một phương pháp giúp cho con người khắc phục và hóa giải lòng tham dục. Xem xét sự nguy hiểm của tham dục hay nghĩ đến hậu quả tai hại, đầy phiền toái khổ đau xảy ra cho mình và cho người do động cơ dục vọng để quyết tâm từ bỏ lòng tham dục cũng là một giải pháp có công năng hạn chế và khắc phục lòng tham dục.
Thiết thực hơn cả là pháp môn chuyển hóa tham dục thông qua thiền định hay thay thế dục lạc (kàmasukha) bằng Thiền lạc (jhànasukha), nghĩa là hóa giải lòng đam mê sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu hay lòng ham muốn tài, danh, sắc, thực, thùy bằng phương pháp thiền định, chuyển hóa và phát triển nội tâm. Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì dục lạc có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với đời sống của con người và nó chỉ được ngăn chặn và hóa giải bằng công phu chuyển hóa nội tâm thông qua hành Thiền (4). Sở dĩ Thiền có công năng đối trị và hóa giải lòng đam mê dục lạc ấy là bởi hành Thiền khiến phát sinh Thiền lạc (jhànasukha) hay niềm vui nội tâm (ajjhattasukha) với cảm giác thoải mái và an ổn hơn so với dục lạc (kàmasukha) hay khoái lạc giác quan thường đi kèm với cảm giác mệt mỏi và phiền muộn sau khi thọ hưởng. Dục lạc là cảm giác thích thú gắn liền với đấu tranh, tranh chấp, giành giật, tàn hại, nhiệt não nên nó là khoái cảm chỉ mang lại sự mệt mỏi, chán chường, vật vã, bức bách, đưa đến tâm khổ tâm ưu; khác với Thiền lạc là cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát vì nó là trạng thái buông bỏ, xả ly, không ôm ấp, không nắm giữ, không tàn hại, không nhiệt não, đưa đến tâm thanh thản an lạc. Dục lạc làm cho con người mệt mỏi khổ đau bởi bản chất của dục là tranh chấp, chiếm đoạt và làm tăng trưởng lòng tham (5), trong khi Thiền lạc khiến cho con người thoải mái an lạc vì tự tánh của nó là nhàm chán, buông xả và ly tham (6). Nó là tiến trình thanh lọc tâm và thanh lọc cảm thọ đạt đến chỗ thuần tịnh và thanh lương nhờ buông xả; chẳng hạn, sự ly dục, ly các pháp bất thiện ở Thiền thứ nhất; sự buông bỏ tầm và tứ ở Thiền thứ hai; sự ly hỷ trú xả ở Thiền thứ ba; sự xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu ở Thiền thứ tư. Chính do tiến trình buông xả tuần tự này mà Thiền được mệnh danh là Tăng thượng tâm (Adhicitta), nghĩa là sự hướng thượng hay thanh tịnh của tâm thức ở các cấp độ khác nhau từ thấp lên cao nhờ tinh tấn buông bỏ các bất thiện pháp (năm triền cái) và vượt qua các thiện pháp (năm thiền chi). Đó là phương pháp nâng cao tâm hồn con người, cũng đồng nghĩa là nâng cao trí tuệ giác ngộ của con người, theo lộ trình thực hành Tăng thượng giới (Adhisìla)-Tăng Thượng tâm (Adhicitta)-Tăng thượng trí tuệ (Adhipannà). Chính bản chất hướng thượng của Thiền hay các cấp độ thanh tịnh tiến triển của tâm thức ở trong thiền định là phương tiện hữu hiệu giúp con người thoát khỏi tham dục, chuyển hóa tâm khổ tâm ưu thành ra tâm lạc tâm hỷ và sau cùng đạt đến trong sáng thanh tịnh. Do tính chất cao thượng của nó trong việc chuyển hóa tâm thức, chuyển hóa đời sống con người, Đức Phật ví người hành Thiền, thực nghiệm Thiền lạc, giống như người leo núi cao có thể thưởng ngoạn nhiều cảnh quan kỳ vĩ, trong khi người không tu Thiền, bị dục lạc chi phối, tựa như người quanh quẩn dưới chân đồi không bao giờ biết thêm điều gì khác ngoài khung cảnh chật hẹp hàng ngày (7).
Sau cùng, một phương pháp tu tập khác có khả năng giúp con người loại bỏ hoàn toàn lòng tham dục để sống một đời sống thanh thản an lạc, đó là quán sát với trí tuệ, thấy rõ lòng tham (chủ thể) và các dục (đối tượng) là pháp duyên sinh, vô thường, biến hoại, khổ đau, không nắm giữ được, không làm chủ được, để sinh tâm nhàm chán, ly tham, buông bỏ lòng tham dục; nghĩa là thấy rõ chính bản thân mình cũng như mọi thứ mà mình ham thích đều là hư ảo, trống không, không thực thể, biến đổi nhanh chóng, không tồn tại mãi, không nắm bắt được, không làm chủ được để rời bỏ lòng ham muốn, loại bỏ dục tưởng, không còn bị dục vọng hay dục tưởng ám ảnh và chi phối khiến rơi vào lối sống mê lầm khổ đau.
Trong cách nói của Ngài, Đức Phật gọi tham dục là một chứng bệnh (8) và xem người bị tham dục chi phối và sai sử giống như người bị ốm đau bệnh tật hay như kẻ nô lệ luôn luôn cảm thọ những cảm giác nặng nề, u uất, chán chường và mệt mỏi, không có được sự thoải mái, an lạc, tự do, tự tại trong đời sống của mình. Chính vì vậy mà Ngài khuyên mọi người nên sáng suốt nhận rõ sự nguy hại của lòng tham dục để nỗ lực ngăn ngừa và chữa trị bệnh tham, để không còn bị nó chi phối và sai sử, để thoát khỏi bệnh hoạn và lệ thuộc, để được sống thanh thản và an lạc, tự do và tự tại trong đời sống hàng ngày. Ngài dùng hình ảnh kẻ bệnh hoạn (bị tham dục chi phối) và người không ốm đau (thoát ly tham dục) để khuyên nhắc mọi người về ý nghĩa lợi lạc của lối sống thiểu dục tri túc, lối sống bớt ham muốn hay rời xa các dục:
Vui thay chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau;
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống không ốm đau. (9)
Chú thích:
1. Pháp Cú, kệ số 199.
2. Đại kinh Khổ uẩn Trung Bộ.
3. Kinh Channa, Tăng Chi Bộ.
4. Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
5. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
6. Kinh Chân nhân, Trung Bộ.
7. Kinh Điều ngự địa, Trung Bộ.
8. Kinh Sợ hãi, Tăng Chi Bộ.
9. Pháp Cú, kệ số 198.