Hà Nội: Khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Đình Quán

Thứ hai - 06/10/2014 17:22
Chủ Nhật ngày 12/09/Giáp Ngọ (05/10/2014), khóa tu một ngày an lạc chùa Đình Quán (Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội), với sự hướng dẫn của cư sĩ Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng, hơn 100 thiền sinh mọi lứa tuổi cảm thấy được hạnh phúc thật giản đơn.
Hạnh phúc hiện hữu trong tâm hồn mỗi người, nhờ vào trạng thái tỉnh thức tĩnh lặng như mặt gương soi chiếu những vẻ đẹp của cuộc sống, bên cạnh đó điều kiện đủ là nhờ tình yêu thương ấm áp lan tỏa trong nội tâm. Hạnh phúc hiển bày trên từng bước chân của thời gian đi qua cuộc đời, chỉ cần sống chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp tinh tế trong đời sống.

Sống chậm là trạng thái an yên tĩnh tại, nhờ thân và tâm được buông lỏng thư thái, để hạnh phúc dần dần thấm vào tâm hồn, giống như vị thiền trà trước đắng sau ngọt thanh mát.

 
Nếu những bạn trẻ không đến với khóa tu mà chọn những hình thức giải trí thông thường, cảm nhận về hạnh phúc sẽ trôi qua nhanh chóng và đọng lại rất ít dư vị, cũng như nắm giữ nước trong bàn tay.

Vào một ngày Chủ Nhật thời tiết trong sáng mát lành sau cơn mưa buổi sớm, các bạn trẻ và các bác Phật tử hơn 100 người đã trải nghiệm ngày nghỉ để tu thiền tại chùa Đình Quán; nhờ đó mỗi người được tăng trưởng phúc đức đón nhận ánh sáng trí tuệ từ chư Phật, cũng như tăng cường sức khỏe nhờ những lợi ích khoa học của pháp tu thiền.

Ngày nghỉ, mọi người không đi làm mà vẫn tạo ra được tài sản, bởi theo lời Phật dạy “ Tài sản quý giá nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ”.

Mở đầu chương trình khóa tu, cư sĩ Thiện Đức đã chia sẻ với đại chúng những lợi ích của pháp môn tu thiền đối với thanh thiếu niên, hoàn toàn dựa theo trải nghiệm học thiền của mình. Thanh niên trẻ có lợi thế là chân tay dẻo dai, tinh thần minh mẫn, đặc biệt các em còn trẻ biết đến chùa thường có tâm hồn trong sáng, nên đến với thiền các bạn trẻ dễ tập trung nhiếp tâm vào hơi thở, chân tay dẻo dai không dễ bị mỏi và yếu ớt, thích hợp để ngồi thiền lâu.


 
Bên cạnh đó, tinh thần Phật giáo đồng hành cùng đời sống dân gian Việt Nam từ ngàn năm kết đọng trong câu ca dao:
 
“Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”
Điều đó nghĩa là pháp môn tu thiền với điều kiện ngồi thẳng lưng, đi thẳng lưng và từ tốn đã và đang uốn nắn cho lớp măng non có dáng dấp đẹp, và sức sống vững vàng mãnh liệt như lũy tre xanh – một trong những biểu tượng cho hình ảnh dân tộc:
 
“Loài tre đâu chịu mọc cong
Mới lên đã thẳng như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho măng
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc, có gì lạ đâu”
Đoạn thơ trên trong bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy đã gói gọn tinh thần cốt cách của người Việt trong lẽ sống vô thường, hơi hướng đạo Phật thể hiện qua tâm thái chấp nhận sự vô thường như một quy luật tự nhiên của tạo hóa, với câu thơ “Tre già măng mọc, có gì lạ đâu”. Tâm thái tự tại, an nhiên đó là tâm thiền gồm có cả trí tuệ và từ bi mà “tre” đã nhường cho “măng” manh áo cộc duy nhất.


Ngày nay, để phát huy tâm thiền như vậy giữa thế hệ trẻ, pháp tu thiền là cân bằng giữa trí tuệ và từ bi, theo ngôn ngữ khoa học thì điều đó nghĩa là cân bằng giữa hai bán cầu não bên trái chi phối lý trí và bán cầu não phải điều khiển cảm xúc; phương pháp đó là xếp 2 bàn tay đặt lên nhau, lòng bàn tay ngửa, hai ngón tay chạm nhẹ vào nhau.
 
Nhờ phương pháp này, người học Phật biết dùng trí điều tâm, để chính bản thân có thể giúp mình và giúp người nhiều nhất khả năng có thể. Vì trí tuệ là ý thức nhận biết thế nào là đúng, là sai khi đối nhân xử thế trong đời sống. Ví dụ như một người con có trí tuệ sẽ không bao giờ biếu cha mẹ rượu bia thuốc lá gây tổn hại sức khỏe, từ đó mỗi người biết nên làm gì để mang lại những điều tốt đẹp đối với những người khác. Quả thật như lời Phật dạy, con người có hiểu biết và hiểu nhau mới yêu thương nhau trọn vẹn.
 
Những khóa tu thiền tổ chức tại chùa Đình Quán đã được hưởng trọn vẹn bầu không khí mát lành phảng phất hương hoa cỏ, nơi đây thiền sinh có thể hít sâu vào và thở ra miệng mỉm cười thư thái, lắng lòng nghe tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. Tiếng chuông thiêng liêng là tiếng gọi của đức Phật đánh thức người tu luôn tỉnh thức, không hôn trầm và vọng tưởng khi hành thiền cũng như trong cuộc sống.
Nếu thiền tọa đã giúp những thiền sinh huân tu nên những phẩm chất của hiểu biết về tình yêu thương và sự đồng cảm, thì thời khóa thiền ca đã mang những dòng nước mát lành khéo léo tưới tẩm khu vườn Bồ Đề tâm đâm chồi nảy lộc từ trong tiềm thức. Đó là khoảng thời gian đong đầy yêu thương và niềm an vui trong tâm đại chúng. Trong ánh nắng mới hửng, nụ cười của thiền sinh thật tươi sáng. 
 
Không khí tuyệt vời đó tỏa ra từ tâm bình an của đại chúng. Thiền ca là hát trong tâm thái tỉnh thức, nhờ việc kết hợp giữa ngôn ngữ cơ thể minh họa phù hợp cho lời hát, giúp thiền sinh cảm nhận được hương vị của Thiền trong ý nghĩa câu ca:
 
“Mời bạn đến bên tôi đây, những lúc vui buồn
Bình trà thơm mình hãy uống cho chánh niệm
Thở cho sâu, thở thật nhẹ, cười lên nhé em.
Để thấy rằng cuộc đời kia rất chân thật.”
Trong nghệ thuật giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể truyền tải 80% thông điệp muốn truyền tải. Vậy nên những động tác giao tiếp với nhau trong bài “ Người tôi yêu, tôi thương”:
 
“Người tôi yêu, tôi thương là người bên trái của tôi
Người tôi yêu, tôi thương là người bên phải của tôi
Người tôi yêu, tôi thương là người xung quanh tôi đó
Người tôi yêu, tôi thương là người trước mặt tôi đây”
Cư sĩ Thiện Đức đã hướng dẫn đại chúng đưa tay chạm nhẹ vào vai người ngồi cạnh mỗi khi hát từng câu trong bài hát này, mắt hướng sang nhìn người ngồi kế bên mình một cách trìu mến ấm áp. Nhờ đó, sự hỷ lạc được lan tỏa, những trái tim cùng chung nhịp đập tỉnh thức. Bao bỡ ngỡ, ngại ngùng buổi ban đầu được buông bỏ vì những bài thiền ca ở khóa tu một ngày của chùa Đình Quán đã dạy các thiền sinh mọi lứa tuổi tập yêu thương lại từ đầu, như những “em bé lớn tuổi” chơi cùng nhau, học cùng nhau một cách tự nhiên chân thật, không phải gượng gạo ngượng ngùng.


Ở ngoài xã hội, mỗi người chúng ta gặp gỡ nhau trong vai trò đối tác hoặc người yêu, chúng ta phải gồng mình lên tỏ ra hoàn hảo để thu hút đối phương, sao cho mình làm ăn suôn sẻ hoặc được yêu chiều. Điều đó cũng tốt thôi. Vậy bất cứ khi nào bạn muốn buông bỏ lớp vỏ hoàn mỹ đó để được sống thật với chính con người của mình, mái chùa với không gian trong lành thoảng hương hoa cỏ luôn mở rộng cửa đón bạn vào thư giãn thân tâm.
 
Ở đây, chúng ta cùng mặc áo lam, trông đều giống như những nén tâm hương thanh tịnh cúng dường lên Tam Bảo, ở đây bạn và tôi không còn là ai khác biệt với ai, không còn cần tỏ ra quá gượng gạo cũng như không quá suồng sã như giao tiếp ngoài xã hội; mỗi người bày tỏ tấm chân tình một cách hồn nhiên như trẻ thơ, đóa hoa vô ưu vẫn đang hàm tiếu trong tim bạn đó thôi:
 
“Mời bạn đến bên tôi đây, khi thấy mệt nhoài
Đặt vào tim một bàn tay như vỗ về
Thở cho sâu, thở thật nhẹ, cười lên nhé em
Để thấy rằng cuộc đời kia rất tuyệt vời”.

Nguồn tin: www.phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây