Với đề tài “Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội” là một Đề tài rất mới, vì từ trước nay nhiều cuộc Hội thảo, tọa đàm, tranh luận cũng chỉ ở lĩnh vực Văn chương, học thuật mà hiếm có một tổ chức hay đơn vị nào đề cập đến Phật giáo.
Chủ trì buổi Tọa đàm có ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.
Nhiều tác giả trình bày tại buổi Tọa đàm, Đại thi hào Nguyễn Du đã khai thác rất nhiều những nội dung mang tính triết lý Phật giáo, vừa là “LÝ”, vừa là “SỰ”. Đại thi hào Nguyễn Du không những hiểu về Phật giáo mà còn rất uyên bác bởi cụ Nguyễn Du đã trình bày hầu như đầy đủ với những tình tiết mang đậm triết lý nhân sinh trong 2 tác phẩm (truyện Kiều và Văn tế Thập loại chúng sinh), cụ Nguyễn Du tóm gọn lại và làm sâu sắc thêm về Giáo lý “nghiệp” và “nghiệp báo”. Cụ đã trình bày rất rõ về “HIẾU” và “HIẾU ĐẠO”, “TÂM” (Tâm tức Phật - Phật tức Tâm), Cụ đã khẳng định trong những câu Kiều: “Thúy Kiều hiếu nghĩa đủ đường/Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi” (“nghiệp” và trả “nghiệp”) và “Bán mình đã động “HIẾU”.
HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học dù không gửi bài tham luận, nhưng có phát biểu: Trong các tác phẩm chính của Cụ Nguyễn Du mà đặc biệt là Văn tế thập loại chúng sinh rất gắn với tinh thần từ bi hỷ xả, tình yêu thương nhân loại được thể hiện rất rõ nét. Các tác phẩm của Cụ mong muốn làm sao con người có quyền sống, quyền hạnh phúc, được tôn trọng, được đề cao. Chính những cái đó nó xuất phát từ trong con người Cụ có phật tính, cho nên thông qua tư tưởng của Cụ Nguyễn Du trong các tác phẩm mà đặc biệt là Truyện Kiều.
Cái nhìn của Cụ Nguyễn Du về bản chất của cuộc đời là vô thường, khổ não, như trong cuộc đời bể dâu thông qua Truyện Kiều, cái này đúng với tư tưởng của Phật giáo. Liên quan đến tư tưởng của cụ Nguyễn Du trong Phật giáo đó là cụ có một tấm lòng từ bi bao la thương yêu tất cả chúng sinh được thể hiện ở tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh.
Và Nguyễn Du đã hơn một lần nói lên ước vọng đi tu trong thơ của mình:
“Hà năng lạc phát quy lâm khứ
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân”
Tạm dịch:
Những ước cạo đầu vào núi ẩn
Đàn thông nằm lắng tiếng lưng trời
Mơ ước lánh xa cõi trần tục lụy và đau khổ là mơ ước lớn nhất của Nguyễn Du:
“Na đắc khiêu ly phù thế ngoại
Trường tùng thu hạ tối nghi nhân”
Tạm dịch:
Ước gì thoát được vòng trần tục
Ngồi dưới gốc tùng thú biết bao nhiêu
Buổi Tọa đàm Khoa học đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi để góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề mà Đại thi hào Nguyễn Du đã gửi gắm cho hậu thế để làm tốt đẹp cho xã hội hôm nay và cho cả mai sau thông qua triết lý Nhân sinh Nhà Phật.