Về dự buổi lễ có chư tôn giáo phẩm GHPGVN, các vị trong Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh cùng hàng nghìn bà con phật tử trong và ngoài tỉnh.
Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Giác Toàn, phó chủ tịch Hội đồng trị sự, kiêm Trưởng ban Kinh tế - Tài chính TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, phó chủ tịch Hội đồng trị sự, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh và Thượng tọa Thích Thọ Lạc Uỷ viên dự khuyết HĐTS, Phó ban thường trực Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An.
Về phía chính quyền có ông Trần Minh Kỳ, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, MTTQ tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh về dự và chúc mừng buổi lễ.
Hòa thượng Thích Giác Toàn thay mặt TƯGHPGVN đã ôn lại truyền thống hơn hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam hòa mình vào lịch sử thăng trầm nhưng đầy vẻ vang của dân tộc, chặng đường gian nan vận động các hệ phái Phật giáo đi đến thống nhất năm 1981để hôm nay phật tử trong và ngoài nước có “mái nhà chung” - Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa Thượng cũng cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho bà con phật tử sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, thành lập tổ chức, xây dựng chùa chiền, bổ nhiệm sư trụ trì...
Đồng thời Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng căn dặn bà con phật tử Hà Tĩnh phải luôn luôn sinh hoạt tôn giáo theo đường hướng của TWGHPGVN là “ Đạo pháp – dân tộc và CNXH” và luôn sống thực hiện đúng tinh thần Tứ ân của nhà Phật là: ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ; ân Tam bảo; ân đất nước, quê hương và ân đồng bào, chủng sinh.
Đến dự buổi lễ ông Trần Minh Kỳ thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh có bài phát biểu chúc mừng tới Hội đồng chứng minh, Tỉnh Hội phật Giáo tỉnh Hà Tĩnh và bà con phật tử.
Trong lời phát biểu chúc mừng, ông Trần Minh Kỳ đã nhắc lại truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với dân tộc là thực hiện sứ mệnh tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2000 năm truyền bá giáo lí Đức phật và viết tiếp những trang sử mới của Phật giáo Việt Nam.
Dù trải qua những thế kỷ vàng son hay có lúc suy thoái; Phật giáo Việt nam luôn gắn bó với dân tộc, tạo ra những yếu tính cơ bản cho văn hoá Việt Nam, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của non sông Đất Việt.
Lịch sử đã ghi nhận những tấm gương sáng “hộ quốc – an dân” của các nhà sư, điển hình như Khuôn Việt đại sư (đời Đinh), nhà sư Vạn Hạnh (đời Lý), Phật hoàng Trần Nhân Tông - Tổ sư phái Thiên Trung Lâm – Yên Tử (đời Trần) và biết bao người con ưu tú, trung kiên của Đức Phật đã hy sinh quên mình cho quê hương, tổ quốc mà không thể kể hết.
Phật giáo Việt Nam đã hòa mình trong lòng dân tộc, lại được rèn luyện trong tinh thần vô ngã, phá chấp, lục hòa nên có ý thức sâu sắc về sức mạnh của sự đoàn kết và đó là tiền đề quan trọng để đưa đến những thành công bền vững của sự nghiệp.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công đến trước năm 1981, tăng ni, phật tử Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành 4 cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam: năm 1951, 1960, 1964, 1980. Như vậy, nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong cả nước đã được chư tôn giáo phẩm, cư sĩ phật tử các tổ chức hệ phái Phật giáo quan tâm khởi xướng từ rất sớm.
Cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba diễn ra trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh chia cắt, cơ duyên chưa hội đủ để thực hiện đúng ý nghĩa, danh xưng thống nhất Phật giáo trong cả nước.
Hội nghị thống nhất Phật giáo được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội, với sự hiện diện của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước. Sự hoà hợp, đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức trong trang sử mới của Phật giáo Việt Nam, thành lập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, GHPGVN không ngừng hành thiện, lợi đạo, ích đời, cứu khổ, độ sinh; đồng hành, đồng tiến cùng dân tộc theo đường hướng của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, nhằm tạo sức mạnh đoàn kết không ngừng góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời đại mới.
Sự phát triển của GHPGVN nằm trong sự đổi mới và phát triển chung của đất nước, được sự giúp đỡ, quan tâm và ủng hộ của Nhà nước và Chính quyền các cấp, đặc biệt sau khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo được ban hành, Tăng Ni Phật tử cả nước tin tưởng và hoan nghênh.
Hiện nay, đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… mang lại những cơ hội và thách thức rất lớn cho đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng. Phật giáo phải đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần tạo dựng sự an lạc trong vật chất, tinh thần và tâm linh, tôn vinh giá trị đạo đức cao đẹp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trước những đòi hỏi của thời đại, GHPGVN cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, Tăng Ni trau dồi Giới, Định, Tuệ, trưởng dưỡng đạo tâm …
Đối với Phật giáo ở Hà Tĩnh, ông Trần Minh Kỳ cho rằng: Phật giáo Hà Tĩnh tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể các cấp ở Hà Tĩnh, cũng như của TW GHPGVN cùng sự cố gắng của mỗi Phật tử, đến năm 2004 Ban Đại diện Phật giáo Hà Tĩnh được thành lập, năm 2007 tổ chức Đại hội lần thứ nhất và thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, đến nay đã có 12/12 Ban đại diện Phật giáo các huyện, thành phố, thị xã, có 15 chùa có sự trụ trì, có 10 vị đại đức, 01 vị Thượng tọa và gần 5000 phật tử quy y tam bảo.
Hoạt động phật sự của tổ chức và phật tử đã đi vào quy cũ, đường hướng gủa TƯGHPGVN và chấp hành tốt chủ trường của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, nhìn chung Phật tử Hà Tĩnh thực hiện tốt các nghĩa vụ Đạo - Đời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh tiến bộ, góp phần vào những thành quả chung của tỉnh nhà.
Nhân dịp này, ông Trần Minh Kỳ cũng thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận những đóng góp các tổ chức và bà con Phật tử trong và ngoài tỉnh với tinh thần gắn bó với dân tộc, với quê hương trong những năm qua đã hưởng ứng các phòng trào chung ở địa phương.
Đặc biệt với tinh thần tư bi, hỷ xả của nhà Phật và truyền thống “Thương người như thể, thương thân”, “Lá lành, đùm lá rách” của dân tộc, bà con Phật tử Hà Tĩnh đã tích cực trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt .v.v.v.. , đồng thời tin tưởng rằng bà con Phật tử Hà Tĩnh sẽ không ngừng khắc phục những khó khăn, phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp vốn có, xây dựng “ngôi nhà chung” - Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một vững chắc, đẹp hơn trong lòng dân tộc, cũng như góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự