Nhân dịp trong lễ hội này, có đàn Dược Sư cầu quốc thái dân an, nên Hòa thượng Thích Trí Quảng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về ý nghĩa trong quyển Kinh Dược Sư mà đại chúng đã đang và sẽ thụ trì: “Kinh Dược Sư là một bộ kinh mà thường sử dụng cho tất cả các nước theo hệ Bắc Truyền hay gọi là Phật giáo Đại Thừa. Ở trong Phật giáo Đại Thừa, chúng ta có một bộ kinh A Di Đà để nói về Pháp môn Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ có thể vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà. Nhưng mà, khi qua đời, thì mới vãng sinh về thế giới cực lạc của Phật A Di Đà, còn khi chúng ta tại thế thì sao? Tức là, khi chúng ta còn tại thế thì tất cả những điều không tốt thường xảy ra với chúng ta, vì mang thân tứ đại nên không thể thoát khỏi bốn tướng sinh – già – bệnh – chết. Thêm nữa là nghèo đói, khổ sở. Cho nên, Ngài Văn Thù Bồ Tát mới thỉnh Đức Phật Thích Ca nói thêm về bản nguyện của chư Phật ở trong mười phương để cho tất cả chúng hữu tình thời thượng pháp biết để tu hành, để thoát li tất cả cảnh khổ. Vì sự cung kính, cầu thỉnh của Bồ Tát Văn Thù mà Đức Bản Sư Thích Ca mới thuyết ra bộ kinh Dược Sư này. Như vậy, bộ kinh Dược Sư được thuyết sau bộ Kinh A Di Đà để nhằm bổ túc cho phần còn lại của Kinh A Di Đà. Đức Phật A Di Đà khi xây dựng thế giới Tịnh Độ có phát 48 lời nguyện. Còn Đức Phật Dược Sư thì khi xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, Ngài cũng có phát 12 lời nguyện. Như vậy, trước nhất chúng ta thấy các Đức Phật đều có phát nguyện. Mà những lời nguyện đó nhằm vào trong cuộc sống của chúng ta. Cho nên, 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà ở trong đó, thế giới cực lạc không có 3 đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn thế giới của chúng ta thì có đủ 6 đường sinh tử địa ngục, ngạ, quỷ, súc sinh, a tu la, Người và Trời. Cho nên, ở trong thế giới của chúng ta có 3 đường ác, thì bây giờ về cực lạc mới không có ba đường ác. Ở đây chắc chắn là chúng ta có 3 đường ác. Thì ở trong 3 đường ác này làm sao để hóa giải? Do đó mà Đức Phật giới thiệu cho chúng ta về hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư gồm có 12 lời nguyện”.
Vì vậy, Hòa thượng nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta cầu nguyện ở đây, cũng có nghĩa là chúng ta học theo nguyện của Đức Phật Dược Sư để chúng ta thực tập, tu theo hạnh nguyện này thì lúc bấy giờ mới hóa giải được các nạn tai ở trong cuộc sống thế giới Ta Bà của chúng ta”.
Qua đó, Hòa thượng đã giảng cho hàng Phật tử hiểu về ý nghĩa của những lời nguyện lớn của Đức Phật Dược Sư, qua sự liên hệ giữa tấm gương sáng là Đức Trần Thái Tông với lời nguyện quan trọng nhất đầu tiên của Đức Phật Dược Sư: “Đức Trần Thái Tông khi Ngài hoàn toàn khổ, tuyệt vọng, không muốn sống, nên lúc bấy giờ Ngài mới muốn từ bỏ ngai vàng mà lên Yên Tử này tầm đạo. Cái khổ ở trong thế gian không phải người nghèo đói mà khổ, người giàu có cũng khổ, người quyền thế cũng khổ, tất cả mọi người chúng ta đều khổ. Bấy giờ, Ngài đi lên Yên Tử để tìm con đường thoát khổ đó là con đường tu hành. Cho nên khi lên núi này, việc đầu tiên là tìm thấy được sự an lành. Tìm thấy sự an lành này đồng nghĩa tìm thấy ánh quang của Đức Phật Dược Sư. Tại vì Đức Phật Dược Sư phát nguyện ai thấy được ánh quang thì họ liền phát bồ đề tâm, họ thấy được sự an lành. Cho nên, hôm nay chúng ta lên núi Yên Tử tụng kinh Dược Sư, và lật ra lại lời nói này để chúng ta suy niệm, để tìm thấy cho được ánh quang của Đức Phật rọi vào lòng ta, thì lúc đó tất cả nghiệp chướng trần lao tức thời đều rơi xuống, và tâm bồ đề chúng ta phát lên, sáng lên, chúng ta thấy được con đường ra khỏi sinh tử. Đây là điểm quan trọng nhất”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng toàn thể đại chúng hãy “Học hạnh của Phật Dược Sư, tu theo hạnh của Phật Dược Sư thì chúng ta sẽ nhận được sự gia trì của Đức Phật Dược Sư. Cho nên trước khi mở đàn Dược Sư, đất này đất thiêng thanh tịnh, tâm chúng ta phải thanh tịnh và thân chúng ta cũng phải tròn 8 phần trai giới thì sẽ có kết quả”.
Sau thời pháp thoại của Hòa thượng Thích Trí Quảng là Pháp hội Dược sư cầu quốc thái dân an và nghi lễ tạo chú, đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng để trấn quốc an dân.