Trung tâm Phật giáo này nằm trong khu rừng rộng,
xen kẽ những con suối, hồ nước trong vắt, chim chóc bay nhảy trên bãi cỏ, những
chú rùa phơi nắng tự nhiên. Mặc dù số nhân công cắt cỏ hàng ngày của
trung tâm lên tới hàng trăm người nhưng nơi đây vẫn tĩnh lặng.
Không áo đỏ, không biểu ngữ, không ồn ào, chỉ còn sự
bình yên.
Nhiều tòa nhà kiến trúc theo phong cách Phật giáo Thái
Lan tọa lạc dưới bóng cây. Tòa “viharn” làm bằng đá cẩm thạch chứa 1.418 tấm
bia cẩm thạch, thực sự là kỳ quan. Mỗi tấm bia là một trang chính tạng Pali khắc
bằng chữ Thái, mạ vàng. Các tấm bia này được chính tay những vị sư khắc, để đảm
bảo tính chính xác.
Vào công viên, sẽ nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca đang
đi, cao nhất thế giới do giáo sư Silpa Bhirasri thiết kế vào năm 1955 và được
đúc vào năm 1981. Tượng cao 18m, xung quanh có bốn công trình được xây dựng để
ghi nhớ bốn giai đoạn quan trọng của cuộc đời Đức Phật: Ngày sinh của Ngài được
tượng trưng bằng bảy hoa sen, sự giác ngộ mà Ngài đạt được dưới cây bồ đề, bài
Pháp đầu tiên của Ngài và ngày Ngài nhập Niết Bàn.
Hôm ấy, Trung tâm Phật giáo Thái Lan đón nhận thêm một
tượng Phật: tượng Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Tháp tùng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ Việt Nam sang
Thái Lan có ông Ngô Văn Quán, Ủy viên thường vụ BCH Liên hiệp các Hội
Unesco Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Unesco Ứng dụng Phật học Việt Nam, phó Tổng
biên tập báo Ngày Nay; Giáo sư, TS Phạm Đức Dương, chủ tịch Hội nghiên cứu
Đông Nam Á – Việt Nam.
Đặc biệt, buổi lễ tặng tượng có sự hiện diện của
đạo sư Duy Tuệ, người đã dành cả đời mình tiếp nối tinh hoa Thiền phái Trúc
Lâm – Yên Tử của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, từ đó sáng tạo ra phương pháp thiền
Minh triết, một phương pháp giúp con người khai mở trí tuệ và tình yêu thương.
Nhiều người tiếp cận với phương pháp này và đã có những thay đổi kinh ngạc về
tinh thần cũng như sức khỏe.
Phía Thái Lan cũng tề tựu những nhân vật có ảnh hưởng lớn
đối với Phật giáo nước này: Tiến sĩ Ăm nạt Bunxirị, Giám đốc Văn phòng Tổng thư
kí Hội đồng Phật giáo - Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan; Tiến sĩ Ka nôộc
Xẻn pa xợt, Giám đốc Văn phòng Phật giáo Butthạ Môn thôn; Tiến sĩ Chun na xắp,
Giám đốc Sở Ngoại vụ Văn phòng Tổng thư kí Hội đồng Phật giáo Thái Lan...
Một số tờ báo lớn của Thái Lan cũng cử phóng viên đến
đưa tin về sự kiện này.
Ông Ngô Văn Quán đã nêu tóm tắt về Phật Hoàng Trần Nhân
Tông. Chỉ tóm tắt thôi, nhưng phía bạn đã rất đỗi ngạc nhiên và ngưỡng mộ
một vị vua đã trở thành điểm tựa tinh thần để quân dân Đại Việt đánh tan đế quốc
Nguyên - Mông mạnh nhất thời bấy giờ, và sau khi đất nước ca khúc khải hoàn,
thì Đức Vua đã rời bỏ ngai vàng để lên núi Yên Tử lập nên Thiền phái Trúc Lâm nổi
tiếng.
Cũng trong buổi lễ này, Đạo sư Duy Tuệ đã nêu rõ trí huệ
Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, di sản của Ngài để lại cho đến nay vẫn làm
cho lớp hậu sinh phải ngỡ ngàng.
Tiến sĩ Ăm nạt Bunxirị cùng đoàn Thái Lan cung kính đảnh
lễ Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trung tâm Phật giáo Thái Lan đã có tượng của
vị Phật Hoàng mà từ thế kỷ 13 đến nay luôn tỏa ánh sáng tâm hồn và
trí tuệ. Ánh sáng ấy đã vượt qua biên giới Việt
“Sự kiện này giúp cho người Thái và Việt thông hiểu và
gắn bó với nhau hơn”, ông Ăm nạt Bunxirị - Giám đốc Văn phòng Tổng thư kí
Hội đồng Phật giáo - Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan nhấn mạnh.
Tôi cảm nhận được sự chân thành và không có vẻ gì là ngoại
giao, khi ông Ăm nạt Bunxirị bày tỏ mong muốn Trung tâm Phật giáo Quốc tế Thái
Lan được tìm hiểu và nghiên cứu về Thiền phái Trúc lâm Yên Tử cũng như phương
pháp thiền Minh Triết, qua đó đem lại lợi ích thực tiễn trong cuộc sống cho Phật
giáo cũng như con người Thái Lan.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự