Chiếc sọ cọp huyền bí ở chùa Diêu Quang

Thứ hai - 01/07/2013 15:39
Xung quanh chiếc sọ cọp huyền bí này có nhiều giai thoại thú vị khó tin.
Người dân làng Khánh Hậu, Long An cho đến bây giờ vẫn lưu truyền những câu chuyện ly kì về Thám Xoài, người có sức mạnh vô song và được tôn là người hùng đánh hổ của vùng.

Tương truyền, thuở xưa Thám Xoài thường ăn mặc chỉnh tề, côn trên tay và kính cẩn mời… cọp rừng ra đấu võ. Có lần, ông đã dùng trâu rừng giết được một con cọp 3 chân vô cũng hung hãn. Người dân hoan hỉ, xẻ thịt cọp ăn mừng và đem sọ cọp về một ngôi miếu ở địa phương lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Xung quanh chiếc sọ cọp huyền bí này có nhiều giai thoại thú vị khó tin.

Từ giai thoại Thám Xoài đánh cọp

Chiếc sọ cọp trong câu chuyện “Thám Xoài đánh cọp” hiện vẫn còn được lưu giữ tại chùa Diêu Quang thuộc xã Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An.  Ngôi chùa này trước kia là miếu Dao Quang, tên của một trong bảy vì sao (thất tinh) theo tín ngưỡng tu tiên, thờ cúng các vị tiên thánh.

Đại đức Thích Thiện Thạnh, trụ trì chùa Diêu Quang, cho biết, sau bao lần bể dâu biến đổi, miếu biến thành chùa. Và có lẽ do sợ đồng âm nên Dao Quang được gọi trại đi thành Diêu Quang. Chúng tôi đã đến thăm chùa Diêu Quang và được nghe nhiều giai thoại ly kỳ xoay quanh chiếc sọ cọp hàng trăm năm nay.

Theo dân gian, chiếc sọ cọp này là của một con cọp cái ba chân vô cùng hung hãn. Nó đã bị Thám Xoài chặt mất 1 chân, và khi quay lại trả thù, nó đã bị đôi trâu rừng của Thám Xoài kết liễu.

Tương truyền, sở dĩ nhân vật huyền thoại này có tên Thám Xoài là bởi ông từng theo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, giữ chức Thám kỵ quân làm nhiệm vụ trinh sát, do thám quân tình. Ông rất thích nhắm xoài rừng, xoài xanh với rượu nên dân gian thường gọi là Thám Xoài. Sau khi Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh giết, quân khởi nghĩa Đông Sơn tan đàn xẻ nghé, một số trở về dưới trướng chúa Nguyễn. Còn Thám Xoài do bất mãn thời cuộc nên từ bỏ việc đao binh về quê nhà vui thú điền viên.

Chúng tôi đã được tham khảo tài liệu của cụ Nguyễn Văn Hai (1918 – 2003). Sinh thời cụ Hại ngụ ở Khánh Hậu, là một trí thức hiểu biết và chuyên nghiên cứu về lịch sử dân gian tại nơi này. Chiếu theo nghiên cứu của cụ Hai thì Thám Xoài ở bìa rừng, lũ hổ đói nghe mùi thịt người vẫn thường xuyên lui tới nhà ông để rình mồi. Nhưng lúc nào chúng cũng thất thủ dưới tay Thám Xoài và con trai.

Dân gian kể lại, Thám Xoài thường ăn mặc chỉnh tề, tay cầm trường côn, đầu chít khăn đỏ, ra giữa sân võ đối diện bìa rừng mà kính cẩn mời cọp ra tỷ thí. Thám Xoài rất tinh nhạy trong việc nghe được những dấu hiệu của loài cọp khi chúng tiến gần khu vực của ông. Ông thường dạy con và bảo với dân làng: "Cọp cũng như trâu, chúng rất ghét màu đỏ và dễ bị màu đỏ chi phối. Bởi vậy, tôi luôn chít khăn đỏ lên đầu để khiến chúng bị kích động, chỉ cần thấy màu đỏ, cọp sẽ ngay lập tức nhào đến đối thủ”.

Thám Xoài còn diễn giải, khi giao đấu với người, cọp luôn muốn đoạt vũ khí của người rồi mới dùng chân tát một cú chí mạng, hay vồ đến cắn xé. Lúc muốn đoạt vũ khí, chúng sẽ giương vuốt và chồm lên, để hở hai bên mạn sườn. Khi ấy, Thám Xoài sẽ xuống xà tấn (một thế tấn trung bình trong võ thuật cổ truyền Việt Nam) dùng trường côn đánh vào hai bên mạng sườn của chúng.

Hổ khi vồ bên trái thì quật đuôi về bên phải, vồ bên phải thì lại quật đuôi về bên trái, vồ thẳng thì đuôi duỗi thẳng. Thám Xoài khí chất tinh anh, nên ông dễ dàng nắm được nhất cử nhất động của cọp khi nó muốn tấn công. Bởi vậy, Thám Xoài có thể bình tĩnh né tránh rồi từ từ tìm cách hạ loài vật hung hãn bậc nhất này.

Mỗi lần Thám Xoài giao đấu với cọp, hai đứa con trai của ông lại cầm vũ khí đứng ngoài, để phòng khi cha gặp hiểm nguy thì xông vào trợ giúp. Nhưng ông dũng mãnh vô song, ít khi nào chịu bại trận hay để mình lâm vào tình thế nguy hiểm.

Tuy toàn thắng là vậy, nhưng ông lại không chủ ý giết cọp, ông chỉ muốn chúng sợ hãi mà chạy vào rừng sâu, không dám bén mảng đến gần xóm làng, làm hại dân làng. Cho nên, mỗi khi muốn kết thúc trận giao đấu, ông thường lựa thế, xoay người lách ra phía sau, chụp lấy đuôi cọp, đá mạnh vào hạ bộ, khiến chúng đau đớn mà quay đầu về bìa rừng, chạy biến.

Cọp cái ba chân và chiếc sọ cọp lưu giữ ở chùa

Nhưng loài vật làm sao có lòng bao dung được như con người, đặc biệt là loài mãnh thú chuyên ăn thịt người như cọp thì có tha chết cho chúng vạn lần chúng cũng chẳng biết ơn. Chính vì khoan nhượng, mà trong một lần giao đấu với cọp, Thám Xoài suýt mất mạng.

Năm ấy, Thám Xoài đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy, tuy vẫn tinh anh, khỏe mạnh, nhưng sức lực không thể sung mãn bằng thời còn trai trẻ, thế nên chỉ trong một lần sơ suất, ông đã để cọp thắng thế. Hôm ấy, ông giao đấu với cọp, cũng như mọi lần, khi đã nắm thế thượng phong, ông liền lách ra sau nắm đuôi cọp và co chân đá vào hạ bộ.

Nhưng chẳng may đối thủ lại là một con cọp cái, nên chẳng những đau đớn bỏ chạy mà nó còn hung dữ gấp bội lần. Quần thảo với con cọp cái gần hai canh giờ, Thám Xoài đã thấm mệt.

Ông quyết định vứt chiếc khăn đỏ trên đầu xuống đất, và theo thói thường, cọp sẽ chạy lại vồ xé chiếc khăn đỏ. Nhưng con cọp cái này lại khác, nó cứ say máu tấn công ông quyết liệt. Thám Xoài bị dồn vào thành giếng, tình thế vô cùng nguy cấp. Con cọp cái thắng thế, sắp tát Thám Xoài một đòn lấy mạng, thì hai con của ông ngay lập tức ném vũ khí vào. Ông chụp lấy và nhanh như cắt chặt đứt lìa cái chân đang chực tát mình của con cọp cái.

Cọp đau đớn, gầm lên một tiếng thê thảm rồi quay đầu chạy thẳng vào rừng. Nghe tiếng gầm của thú dữ, bà con trong làng liền xách giáo mác chạy đến hòng trợ lực, nhưng chỉ thấy Thám Xoài đang vận khí điều hòa, và bên cạnh là bàn chân hổ trong vũng máu đầm đìa.

Không ngoài dự đoán, ít lâu sau, con cọp cái ba chân tìm về làng để trả thù. Bấy giờ tại một ngôi nhà gần nơi Thám Xoài ở có nuôi một đôi trâu rừng. Trâu rừng tuy  khỏe mạnh nhưng lại hung dữ, thường xuyên nổi máu húc nhau với đồng loại. Con cọp cái 3 chân vì muốn trả thù nên cứ lảng vảng gần làng. Nghe mùi thú dữ, đôi trâu rừng kêu rống lồng lộn, phá chuồng dữ dội.

Thám Xoài vốn rất nhạy với sự xuất hiện của cọp, cộng với việc đôi trâu rừng bỗng nhiên cuồng loạn lạ thường, ông liền suy đoán là cọp về phá làng nên thổi tù và báo động. Đoạn, ông đi khuyên nhà nọ thả đôi trâu đi, vì trâu rừng vốn rất kỵ với cọp.

Vừa mới được tháo dây, hai con trâu rừng đã vùng chạy vào bìa rừng. Dân làng liền chạy theo, khua chiêng gióng trống trợ oai. Đôi trâu rừng đánh hơi được chỗ cọp đang rình rập thì lao tới, dân làng và Thám Xoài đều nhận ra đó là con cọp cái ba chân ngày nào, nay quay về trả thù.

Đôi trâu xông vào giao chiến với cọp. Sau một hồi quần nhau quyết liệt, cọp đã bị trâu rừng dùng sừng húc chết. Kể từ đó, để giúp dân làng đối phó với cọp, ông Thám Xoài liền hướng dẫn họ bắt trâu rừng về thuần phục. Hai chú trâu rừng khỏe mạnh có thể dễ dàng hạ được một con cọp. Vốn ghét cọp nên hễ thấy mùi cọp là trâu liền giậm chân, lồng lộn lên, đó cũng là một dấu hiệu để dân làng biết có cọp về.

Về phần con cọp cái 3 chân, sau khi bị trâu húc chết, dân làng liền khiêng về, xẻ thịt, lấy da, còn chiếc sọ thì đem vào miếu Dao Quang. Sở dĩ vậy là bởi xưa dân ta hay tín ngưỡng rằng những con mãnh thú bị thương hay quá hung hãn, mạnh khỏe khác thường là đã thành tinh, đã có linh hồn.

Cọp 3 chân cũng là hình tượng thường xuất hiện trong các giai thoại mãnh thú thành tinh lúc xa xưa. Và nhờ thế, nên cho đến nay chiếc sọ cọp vẫn được lưu giữ tại chùa Diêu Quang hàng mấy trăm năm qua. Và những giai thoại thú vị về Thám Xoài, lẫn chiếc sọ cọp vẫn thường được các cao niên tại Tường Khánh mà nay đã thành Khánh Hậu xem như món quà chiêu đãi khách phương xa.

Nguồn tin: Kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây