Đã từ lâu, người dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa biết đến cái tên Ngốc Cùng và Cửa Hà với nỗi khiếp sợ, ám ảnh vì núi cao, vực sâu với những vách đá dựng đứng, sắc nhọn như chông mai phục dưới dòng nước cướp đi biết bao mạng người.
"Trận địa" Ngốc Cùng
Cái tên Ngốc Cùng đã ám ảnh vào tâm trí của người dân đôi bờ sông Mã, đến mức người dân cùng cánh thương lái thường xuyên xuôi ngược sông Mã phải thốt lên: "Nhất Suội, nhì Cả, ba Long/Lòng còn kinh sợ Ngốc Cùng mà thôi". Qua được thác Ngốc Cùng coi như mới sống sót trở về...
Nghe chúng tôi hỏi chuyện về thác Ngốc Cùng, ông Trần Đức Thịnh, thủ từ đền Cửa Hà liền dẫn chúng tôi là một bãi cát phẳng lì nép bên bờ sông Mã. Rồi ông trở thành "hướng dẫn viên" bất đắc dĩ cho chúng tôi: "Đó! Ngốc Cùng ở đó, thác chảy qua làng Ngốc, thị trấn Cẩm Thủy và là thác cuối cùng của sông Mã nên người ta đặt tên là Ngốc Cùng. Gọi vậy cho nó vần ấy mà. Dân thuyền chài liệt thác Ngốc Cùng vào một trong bốn thác nguy hiểm nhất trong tất cả các thác, ghềnh trên dòng sông Mã là thác Suội, thác Cả, thác Long và Ngốc Cùng".
Đứng bên bãi bồi ven sông nhìn dòng nước trôi êm, tôi hỏi: "Nói là thác sao lại chẳng thấy có thác ghềnh gì thế cụ?". Ông Thịnh cười một chặp rồi mới gằn giọng trả lời: "Mấy chục ngầm đá ẩn dật dưới mặt nước làm sao chú thấy được. Cách đây mấy chục năm, ở giữa dòng sông còn có mấy ghềnh đá nhấp nhô cao thấp khiến thuyền bè qua lại trong mùa lũ cũng như mùa khô hạn đều rất khó khăn, sau đó chính quyền ốp mìn đánh tan mấy ngầm đá đó nên thuyền bè mới qua lại được như bây giờ, nếu không thì...".
Nói thác Ngốc Cùng nguy hiểm bởi dưới lòng thác không chỉ có nhiều ngầm đá mai phục sẵn mà dòng nước còn chảy theo hướng vòng cung rồi đâm tuột vào một hõm hàm ếch dưới chân núi Cửa Hà. Người và thuyền, bè không may bị tai nạn thì không những bị những ngầm đá đánh tơi tả mà còn bị nghiền nát dưới chân núi Cửa Hà.
Bà Nguyễn Thị Tám, ở tổ 5 thị trấn Cẩm Thủy - một người đã từng ngược lường buôn tre, luồng từ vùng cao Bá Thước, Lang Chánh về xuôi kể lại: "Thác Ngốc cùng có những mỏm đá lởm chởm như hàm răng hổ. Vào mùa khô, khi nước sông Mã cạn, dòng chảy bị thu hẹp, thuyền bè muốn qua được vực này chỉ có thể đi được một hướng duy nhất là lái bè nép sát về bờ phía Bắc để tránh đá. Hướng đi này rất khó khăn, nước chảy siết, sau khi lái bè qua bờ Bắc những người đi bè phải bẻ lái qua bờ Nam ngay lập tức, nếu chậm chân thì bè có thể bị dòng nước đẩy vào bãi đá ngầm, từ người cho đến thuyền bè đều bị đánh tan xác. Vào mùa lũ, thác Ngốc Cùng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Những chỏm đá chìm ẩn dưới dòng nước, nước mùa lũ chảy mạnh đến nỗi nếu thuyền bè không may rơi vào trận địa đá ngầm thì chắc chắn thuyền tan người nát".
Ông Thịnh kể lại lịch sử Vực Ngốc Cùng. Bỏ xác bên Ngốc Cùng
Bà Tám nhớ lại quãng đời hơn chục năm theo chồng xuôi ngược các bến sông Mã đi buôn luồng. Trong hơn chục năm đó, đã hơn chục lần bà bị tai nạn ở Ngốc Cùng, bè bị cuốn vào trận địa đá ngầm vỡ tan tác, vài người bạn của bà đã chết đuối vì va phải đá ngầm.
Đến nay, bà Tám vẫn nhớ như in hình ảnh một người bạn thân tên Hường cùng đi buôn luồng từ miền núi xuống xuôi bị chết đuối ở Ngốc Cùng. Ông là người có kinh nghiệm hơn 30 năm chở hàng hóa, tre, luồng ngược xuôi sông Mã. Năm 1985, khi hội buôn của bà chở một bè luồng qua Ngốc Cùng thì bị rơi vào bẫy đá ngầm, bè bị đánh tan nát, ông Hường rơi xuống nước rồi chìm nghỉm. Một tuần sau, xác ông Tám nổi lên ở vực dưới chân núi Cửa Hà chứ không trôi về xuôi". Từ đó, những người bạn của bà dần giải nghệ, vài năm sau cái chết của ông Hường, bà Tám cũng bỏ nghề vì khiếp sợ thác Ngốc Cùng.
Ông Nguyễn Văn Cư, một người dân sống cạnh vực Ngốc Cùng cho biết thêm: "Đã có rất nhiều vụ người chết đuối ở vực Ngốc Cùng nhưng xác không trôi đi chỗ khác. Gia đình nạn nhân cứ đỏ mắt tìm kiếm ở tít tận Eo Lê, Cẩm Tân... nhưng hơn chục ngày sau khi đến Cửa Hà thì lại thấy xác nổi ở đó. Nhiều trường hợp khác bị chết đuối ở phía thượng nguồn, khi trôi về đến Ngốc Cùng và Cửa Hà thì cũng bị mắc lại chứ không thể trôi tiếp".
Ông Cư đồn đoán rằng, có lẽ vực Ngốc Cùng và Cửa Hà có cấu tạo rất phức tạp khiến cho xác người khi bị cuốn vào đó thì không thể trôi đi được. Trước đây, đã có nhiều thợ lặn giỏi của các làng chài đem theo bình oxy thám hiểm con vực dưới chân núi. Thế nhưng những người thợ lặn vẫn không thể phát hiện ra điều gì đặc biệt ẩn sâu dưới dòng nước. Thậm chí có thợ lặn vừa mới thả mình xuống dòng nước để thám hiểm thì bị sóng nước cuốn phăng và chết ngay tại chỗ. Ông Cư đùa vui: "Có lẽ chỗ này là cái miệng của con thuồng luồng há sẵn ra để mai phục con mồi. Người nào xấu số đi qua miệng thuồng luồng sẽ bị bắt...".
Ông Cư cho biết: "Vì có nhiều người chết vì tai nạn ở Ngốc Cùng, nên chính quyền đã đánh phá các ngầm đá án ngữ giữa lòng sông từ cách đây hơn 20 năm. Kể từ đó thuyền, bè đi lại rất dễ dàng, không còn nhiều người bị chết đuối khi buôn bán, qua lại trên vực Ngốc Cùng nữa và cái hõm ở gần chân núi Cửa Hà không còn trở nên nguy hiểm như trước đây".
"Vào thời nhà Lê, khu vực Cẩm Thủy là doanh trại quân của nghĩa quân Lê Lợi. Sử sách ghi rằng, nghĩa quân Lê Lợi đã có một trận chiến sinh - tử với giặc Minh ở Cấm Giang (thuộc Ngốc Cùng) ngày nay. Trong trận chiến này, Thừa tướng Nguyễn Hữu Lưu đã anh dũng hy sinh. Chỉ tiếc rằng ngôi mộ của ông đã bị những đợt lũ lụt, trâu bò tàn phá nên không còn nữa. Ngoài ra, ở khu xung quanh khu vực Ngốc Cùng còn phát hiện được cả những thanh gươm cổ mà nghĩa quân Lê Lợi bỏ lại". Ông Trần Đức Thịnh (Thủ từ đền Cửa Hà)