Giai thoại về chiếc sọ đá có họ người
Mảnh đất Hà Giang tự bao đời nay luôn được xem là địa điểm hấp dẫn với những cây bút có khát khao khám phá, kiếm tìm những điều mới lạ, độc đáo. Chuyến đi Hà Giang trong vòng 10 ngày thực sự là một quãng thời gian đáng nhớ trong chặng đường làm báo của tôi.
Hà Giang hấp dẫn chúng tôi không chỉ ở vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, bí ẩn mà trên hết, nó tạo cho tôi có cảm giác như đang được trở về với gia đình mình bởi cái tình người ấm áp, chân thành của những người dân bản địa.
Trên “con ngựa sắt” cáu bẩn, già nua, tôi cùng anh Chảo Văn Bảo - một chàng trai người Xuồng, thân hình to cao, vạm vỡ, giọng nói ồm vang - đã có chuyến hành trình vào tận bản người Xuồng thuộc xóm Thăm Noong, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Đó là một tộc người có nhiều nét văn hóa độc đáo, khác lạ ở Hà Giang nói riêng và trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam nói chung.
Sau gần 2 giờ đồng hồ đánh đu với cung đường đèo dốc, một bên là vách núi đá cao ngút tầm mắt, một bên là vực sâu hun hút, lạnh đến ghê người, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân tới trung tâm bản Thăm Noong của người Xuồng. Một nét gì đó hoang sơ, huyền bí của bản làng đã cuốn hút những người cầm bút như chúng tôi ngay từ những cái nhìn đầu tiên.
Bên tách trà mạn thơm nồng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá vui vẻ với già làng Nùng Y Hoo - một cây đại thụ của bản làng, năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Với đôi mắt thẳm sâu, đôi lông mày rậm, kéo dài, cùng giọng nói ồm vang, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện thú vị và độc đáo về tộc người của mình.
Có những câu chuyện, những linh vật thiêng luôn được người Xuồng thường xuyên ôn lại trong các ngày lễ hội, những cuộc họp bản, họp làng như là một nét đẹp văn hóa nhằm ôn lại những truyền thống đẹp đẽ của dân tộc mình.
Chúng tôi đặc biệt chú ý khi ông nhắc tới ngôi miếu thiêng có thờ chiếc sọ đá - một linh vật thiêng nhằm bảo vệ sự bình yên cho bản làng tự bao đời nay.
Nói về nguồn gốc của chiếc sọ đá, ngay cả những người già nhất hiện còn sống ở bản người Xuồng cũng không biết nó có tự bao giờ. Chỉ biết, khi họ còn rất nhỏ họ đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện huyền bí xung quanh ngôi miếu thiêng này.
Theo những thông tin khá mơ hồ của người dân, trước đây bản Thăm Noong vốn là nơi trú ngụ của người dân tộc Giáy.
Chiếc sọ đá vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều khá đặc biệt là chiếc sọ đá còn mang họ người: họ Lương. Xung quanh chiếc sọ bằng đá này, người dân truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí, khó lý giải.
Tòa án giữa rừng già…
Theo lời kể của những cụ già trong làng, trước đây bản Thăm Noong vốn là nơi sinh sống của người dân tộc Giấy. Nhưng sau một vài biến cố của dòng chảy lịch sử, họ đã di cư đến một vùng đất mới để sinh sống và lập nghiệp.
Lúc đó, những người dân tộc Xuồng đầu tiên đặt chân tới Mèo Vạc đã lựa chọn bản Thăm Noong là nơi lập nghiệp cho con cháu của mình. Trong quá trình di dời, người Giấy đã vô tình quên mất việc chuyển theo chiếc sọ bằng đá mà họ trước đó đã thờ cúng như một linh vật thiêng để bảo vệ buôn làng.
Sau khi người Xuồng chuyển đến vùng đất này sinh sống được 1 - 2 đời, xung quanh ngôi miếu thiêng mà người Giấy bỏ lại xảy ra rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí. Nghĩ rằng, đây chính là nơi trú ngụ của thánh thần nên người dân trong buôn làng đã bàn nhau tu tạo lại ngôi miếu thiêng để thờ cúng như thành hoàng làng. Từ đó, bản làng Thăm Noong luôn được sống trong cảnh bình yên, người dân lúc nào cũng được ấm no, vui vẻ.
Cách đây khoảng 10 năm, có một ông thầy mo rất cao tay người dân tộc Giấy thường cưỡi ngựa, đeo kiếm và đội mũ sắt khá uy nghi đến ngôi miếu này để làm lễ cúng. Trong những lần như vậy, thầy mo này thường tiết lộ cho những người dân nơi đây thêm những chuyện bí ẩn khác về chiếc sọ đá.
Thấy bản làng người Xuồng ngày càng làm ăn phát đạt, những người dân tộc Giấy cho rằng đó là nhờ chiếc sọ đá kia che chở và phù hộ. Vì vậy, một số người Giấy đã lập mưu tới bản Thăm Noong để tìm cách cướp chiếc sọ đá mang về bản làng mình thờ cúng.
Bốn chàng thanh niên người Giấy cao to, lực lưỡng, có sức khỏe phi thường đã được trao trọng trách quan trọng đó. Ngay trong đêm, họ đã lẻn đến ngôi miếu thiêng nằm sâu trong bản người Xuồng với ý định cướp chiếc sọ đá. Nhưng điều lạ lùng đã xảy ra. Chiếc sọ người bằng đá chỉ to bằng một chiếc ấm nước, nhưng bốn chàng thanh niên phải dùng hết sức lực mới có thể nhấc được lên khỏi mặt đất.
Càng đi xa ngôi miếu, chiếc sọ đá càng ngày càng nặng hơn. Cho tới khi đi được khoảng 500m, cả bốn chàng thanh niên to khỏe đó đã không thể di chuyển được chiếc sọ đá, dù đã dùng đủ mọi cách.
Nghĩ rằng thánh thần hiển linh, bốn chàng thanh niên tỏ ra sợ hãi nên đã để lại chiếc sọ đá nhằm tháo chạy thoát thân. Sáng ngày hôm sau, khi những người Xuồng đi làm nương bất ngờ phát hiện chiếc sọ đá nằm ngay giữa đường đi đã phải về mời thầy cúng đến làm lễ rước chiếc sọ đá về ngôi miếu cũ.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi đã tận mắt quan sát chiếc sọ người bằng đá đầy bí hiểm. Ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng đồi, xung quanh là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngôi miếu nhỏ lợp bằng lá rừng, có bốn trụ gỗ. Phía bên trong, chiếc sọ đá được đặt ở vị trí chính giữa, xung quanh bày biện những đồ thờ cúng.
Chiếc sọ có kích cỡ nhỏ đúng bằng một cái đầu người, có đầy đủ hai hốc mắt, răng, cùng trán nhô và bóng. Chiếc sọ đã ngả màu xanh, trông hình dáng khá dữ tợn. Chúng tôi có ý định thử chạm tay vào chiếc sọ đá nhưng đã bị người hoa tiêu dẫn đường can ngăn, bảo rằng không nên đụng vào linh vật, nếu làm liều sẽ bị thánh thần trách phạt.
Chiếc sọ đá tự bao đời nay vẫn vậy, luôn được xem là một linh vật thiêng liêng của buôn làng người dân tộc Xuồng. Một câu chuyện khá thú vị nữa mà chúng tôi được nghe về ngôi miếu thiêng là nó còn có tác dụng hòa giải.
Bất kể những người nào trong buôn làng có xảy ra xích mích, mâu thuẫn tới mức gay gắt mà chính quyền không thể giải quyết được, họ thường tìm đến ngôi miếu thiêng để cầu mong thánh thần chỉ lối. Sau những lần như vậy, những người tưởng chừng như sẽ không bao giờ còn nhìn mặt nhau nữa lại trở lại sống hòa thuận cùng nhau, trò chuyện, tâm sự và hiểu nhau hơn.
Bên cạnh đó, ngôi miếu thờ chiếc sọ đá xanh còn có một năng lượng kì bí khó lý giải nữa là có tác dụng tìm lại của cải bị mất. Nhiều câu chuyện về việc người dân bị mất vàng bạc, trâu bò, khi đến làm lễ tại miếu đã tìm lại được của bị mất chỉ một thời gian sau đó trong những hoàn cảnh rất ngẫu nhiên.
Theo một cán bộ văn hóa xã Tát Ngà cho biết, ngôi miếu thờ cúng chiếc sọ bằng đá xanh của bản người Xuồng có một ý nghĩa rất riêng và thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân. Trong cuộc sống, có những lúc con người thực sự mất hết niềm tin và phương hướng, họ thường tìm tới một thế lực siêu nhiên để bấu víu. Rất nhiều người đã tìm thấy niềm tin vào cuộc sống.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần tránh những câu chuyện ma quỷ, tuyên truyền mê tín dị đoan để không mang những suy nghĩ sai lệch về những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng trong phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số.