Làng So, nay là xã Cộng Hòa và Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) từ bao đời nay đã có tục lệ đặt tên họ không giống quy tắc chung của người Việt. Con trai vẫn theo họ bố nhưng con gái lại lấy tên đệm của bố làm họ. Hầu hết phụ nữ làng So đều mang những tên họ đặc biệt như: Trí Thị Lợi, Tiếp Thị Hồng, Đắc Thị A, Sỹ Thị…
Con ruột hóa con nuôi
Thời đi học và làm việc xa quê , cô Sỹ Thị Hải, 36 tuổi, giáo viên trường Mầm non Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) thường gặp rắc rối với họ của mình. Bởi trong sổ hộ khẩu ghi rõ chị là con ruột của ông Nguyễn Sỹ Thái.
Nhiều cơ quan không chấp nhận hồ sơ của chị Hải, cho rằng chị là con nuôi, họ không trùng với bố hoặc mẹ ruột. Chị phải về xã xin giấy xác nhận do phong tục đặt tên của địa phương.
Chị Hải chia sẻ: “Nhớ ngày nhập học trường cao đẳng sư phạm, điểm danh đến tên Sỹ Thị Hải khiển nhiều bạn bật cười. Ai cũng hỏi sao họ lạ thế? Ở quê tôi, con gái được lấy tên đệm của bố làm họ là niềm tự hào, thể hiện sự gửi gắm của gia đình, dòng tộc”.
Chị Sỹ Thị Hải, giáo viên trường Mầm non Cộng Hòa kể về tên họ đặc biệt của mình
Các bô lão trong làng cũng không ai biết cái kiểu đặt tên lạ đời này từ bao giờ. Ông Nguyễn Danh Hữu, 74 tuổi, thủ từ đình So cho hay làng có 34 dòng họ. Trong đó chỉ họ Hoàng, Trần, Giang, Dương lấy họ làm chữ đầu như thông thường, vì đó là các dòng họ di cư đến.
“Người làng tôi đặt họ con gái khác con trai không phải vì phân biệt đối xử. Con gái lớn lấy chồng, đặt họ ở giữa thì coi như mất họ cha. Theo quan niệm ở đây chữ Vương, chữ Nguyễn lại là tên đệm, còn họ chính là chữ thứ nhì như Đắc, Đình, Sỹ, Tri, Ngọc, Văn, Tiếp, Doãn, Quế, Danh, Hữu, Khắc... Đặt tên con gái là chữ thứ nhì để nhắn gửi con dù đi lấy chồng xa vẫn nhớ về gốc tích, nguồn cội của mình”, ông Hữu nói.
Đến năm 2006, phong tục đặt tên kỳ lạ của làng vẫn được duy trì. Nhưng con em đi học, làm ăn xa đều gặp vướng mắc giấy tờ do khác họ cha.
Một xã cả nghìn người xin đổi họ
Phải đổi lại họ là nỗi buồn của phụ nữ làng So, bà Trí Thị Lợi, 53 tuổi ngậm ngùi nói: “Tôi chẳng mấy khi đi xa, dù đổi họ dễ dàng tôi cũng chẳng muốn đổi làm gì. Còn hai đứa con gái tôi, phải đổi họ để tiện việc học hành. Chúng nó coi như mất họ bố”.
Một giấy khai sinh con gái khác họ bố được địa phương xác nhận
Ở xã Cộng Hòa (một phần của làng So) ngay cả cán bộ xã cũng đặt tên con theo phong tục. Ông Vương Sỹ Hồng, Phó chủ tịch xã đặt tên con gái là Sỹ Thị Dung. Chị Dung đã ra trường đi làm nhiều năm và vẫn giữ nguyên họ Sỹ.
Ông Hồng cho biết: “Nhiều trường hợp như con gái tôi, giấy tờ, bằng cấp đều mang một họ. Đổi lại họ thì tất cả giấy tờ qua nhiều thủ tục, tốn nhiều thời gian nên vẫn giữ nguyên. Phong tục địa phương từ hàng trăm năm rồi. Bà con về xin xác nhận chúng tôi đều giải quyết ngay”.
Theo ông Hồng, chính quyền xã nắm được những bất cấp trong việc đặt tên họ nên đã vận động người dân đặt tên họ con gái theo đúng họ bố. Từ sau năm 2006 đến nay, hầu như không có trường hợp sinh mới lấy tên đệm của bố làm họ cho con gái.
Anh Hoàng Tùng Bách, cán bộ hộ tịch xã Cộng Hòa cho hay, từ khi có Nghị định 58, năm 2008, xã có quyền cải chính, thay tên đổi họ cho người dưới 14 tuổi. Trong vòng 2 năm, xã tiếp nhận, giải quyết đơn xin đổi họ cho hơn 2000 trẻ em dưới 14 tuổi.
“Chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn, vận động bà con nên đặt họ cho con sao cho đúng với họ bố hoặc mẹ. Nếu người nào vẫn nhất quyết giữ theo phong tục, chính quyền xã cũng phải linh động giải quyết”, anh Bách nói.
Nguồn tin: Khám phá
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự