Những “thánh nhân” có khả năng chữa bách bệnh, đọc vanh vách tiền sử bệnh nhân cho bất kỳ ai… Cứ thế “tiếng lành” đồn xa, ngày nào cũng có hàng trăm người từ các nơi đổ về nhờ các thầy chữa bệnh, gây nhốn nháo cả một vùng quê.
Mà điều lạ là các “thánh nhân” tập trung trong một xóm nhỏ, được người xưng tụng là “xóm thánh nhân”, thuộc tổ 13, TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam.
Vào “xóm thánh nhân”
Chúng tôi lần tìm về “xóm thánh nhân” theo sự chỉ dẫn của một người bạn là dân địa phương, bên ngoài xóm rất yên bình, nhưng bên trong lại nhốn nháo đủ người ở mọi lứa tuổi. Trước mỗi nhà thánh nhân có hàng chục xe máy, xe con chủ yếu mang biển ngoại tỉnh dựng ngay ngắn trong góc sân.
Nhà “thánh nhân” Thanh
Chúng tôi chọn một “thánh nhân” tên Thanh, chừng 50 tuổi nằm giữa xóm, đoán chừng có ít xe nhất thì chắc là ít người nhất để có thể mục sở thị. Nhưng vào đến nơi đã thấy một đám đông đi lại hết trong nhà đến ngoài sân.
Thánh nhân ngồi trong nhà, có người đứng lên bê đồ lễ hộ “thầy”. Người ta chen lấn nhau để có một chỗ đứng trong căn phòng hơn 10m2. Người đến khám trước chưa kịp đứng lên, người sau đã đẩy ra ngoài để lấy chỗ. Cứ thế, dòng người lũ lượt chờ đến lượt mình trong hơi nóng hầm hập, mồ hôi vã thành giọt của cái nắng miền trung đổ lửa.
Chúng tôi ngồi quan sát gần một giờ đồng hồ, ai đến xem cũng “được” phán: “Bệnh tật như thế mà không chịu đến đây sớm!”. Rồi “thầy” chữa bệnh bằng cách bốc bát nhang bản mệnh, lễ tạ các “bà cô, ông cậu” có căn, lấy một ít nước lã xoa đều lên tay người bệnh… rồi lấy với giá “hữu nghị” từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Thật ra chẳng phải riêng ai, khách nào “thầy” cũng phán kiểu “có bệnh”, hỏi vài câu thăm dò phản ứng rồi chữa bằng cách ấy. Nản quá, chúng tôi bước ra ngoài, ngồi bên một bà chừng 50 tuổi, bà này thỏ thẻ: “Thầy chữa giỏi lắm, lắm người tưởng chết đi sống lại rồi thế mà không hiểu “thầy” làm cách gì mà qua hết!”. Hỏi về quá khứ của “thầy”, bà ta ngẩn ra, rồi thốt một câu: “Chắc “thầy” có người âm phù trợ mới giỏi thế!”...
Chúng tôi đến một thánh nhân tên Hòa các đó chừng 3 ngôi nhà, “bà thầy” này có vẻ “cao tay” hơn vì rất đông người. Mỗi suất chữa phải mất đến nửa tiếng đồng hồ.
Tôi ngồi mỏi cả người vẫn chưa đến lượt. Trong khi đó, người đến mỗi lúc một đông. Theo lời mọi người, “bà thầy” này tuy bị mù nhưng trên sành thiên văn, dưới tường địa lý, chữa bệnh rất mát tay.
Thuốc của bà thầy này chỉ đơn giản là một nắm rễ cây không biết loại gì, phơi khô là thành. Hỏi thêm mới biết thầy làm nghề chữa bệnh từ hồi 28 tuổi. Thầy ở miền Bắc về đây và làm nghề này đã mấy chục năm.
Ngoài chữa bệnh bằng rễ cây, bà thầy này còn bói bài, bói tay xem số mệnh... đang tìm hiểu về thầy, thì được thầy gọi đến. Trong bộ dạng một người bệnh bị đau xương vai, tôi lật đật lên điện để thầy chữa bệnh.
Sau khi khám bệnh một hồi bằng cách nắn bóp lên vai, lên cổ. Bà thầy lấy một nắm rễ cây đặt dưới gầm giường ra xem xét, rồi bốc lấy một ít, gói vào trong tờ giấy bản, dặn về sao nước uống liền ba ngày sẽ hết.
Ra đến bên ngoài, tôi giở nắm thuốc ra xem, thấy trong đám thuốc rễ cây vẫn còn dính cả đất cát cáu bẩn. Anh bạn đi cùng chép miệng: “Uống mớ rễ cây này bệnh cũ chưa hết chắc thêm bệnh mới!”. Anh bạn tôi còn bảo tôi phải tới nhà thầy Hùng để khám bệnh thêm. Gần nhà thầy Hùng còn có thầy Quý nghe nói cũng mát tay lắm. Nhưng đuối quá, tôi đành bỏ cuộc...
Chính quyền địa phương không biết?!
Chỉ trong một xóm nhỏ, chúng tôi đã được người dân nơi đây kể tên hàng chục thầy chữa bệnh bằng đủ các kiểu, từ lấy nước lã làm nước thánh, đến rễ cây tạp nham làm thuốc thần, đến bùa chú với những nét vẽ lằng ngoằng theo thể chữ “tào” (tào lao – PV)... các thầy được mệnh danh là mát tay, chữa bệnh như thần được kể đến như thầy Hùng (47 tuổi), thầy Thanh (50 tuổi), thầy Quý (gần 60 tuổi) thầy Hòa (42 tuổi) thầy Hồng (48 tuổi)... và nhiều thầy khác nhưng kém mát tay hơn nên ít người nhớ.
Tìm hiểu kỹ lai lịch của các thầy, thì mới té ngửa ra khi biết có thầy vốn làm nghề chăn vịt bỗng chốc trở thành “thầy thuốc” chữa bệnh bằng mấy loại rễ cây lăng nhăng, rồi có “thầy” bỗng dưng nửa đêm nằm mơ cũng thành “thầy”. Lạ một điều nữa là tài năng của “thầy” chỉ “linh nghiệm” với khách phương xa, chứ dân địa phương sống gần đó lại rất ít người đến chữa bệnh.
Nhà "thầy" Hoà
Để phục vụ khách thập phương đến nhà “thầy” coi bói, quanh nhà “thầy”, hàng quán ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi mọc lên như nấm. Ngay phía đối diện nhà “thầy” Thanh là một cửa hàng “dịch vụ tổng hợp” bao gồm trông giữ xe, ăn uống, giải khát kiêm luôn địa chỉ ngả lưng cho khách thập phương trong ngày và dài ngày để chữa bệnh.
Các “thần y” liên tiếp xuất hiện trong thời gian qua ở xóm nhỏ này, tuy “phương pháp” chữa bệnh rất khác nhau nhưng cùng chung ở một điểm là không dựa trên cơ sở khoa học nào, cũng chẳng có một chút kiến thức y khoa.
“Đất sống” của những “thầy bà” kiểu này bắt nguồn từ sự mê muội của một bộ phận dân chúng. Nhưng vấn đề đặt ra là trong xã hội hiện đại ngày nay, khi công nghệ thông tin và internet đã hiện diện khắp mọi nơi, vì sao những chuyện nhảm nhí ấy vẫn tồn tại? Không ít lần người ta tự hỏi: Vì sao đến thế kỷ thứ 21 rồi mà vẫn còn những người mê muội, tin vào những thứ nhảm nhí đến thế?
Một câu hỏi khác nữa: Liệu chính quyền địa phương có biết, khi mà các thần y ở “xóm thánh nhân” này hành nghề đã hơn một năm mà vẫn không hề thấy sự nhắc nhở, kiểm tra của các ngành chức năng?
Những sự vô lý ấy vẫn tồn tại ở nơi được coi là trung tâm văn hóa hành chính của một huyện trong cả năm nay, chứng tỏ đất sống của nó vẫn có người cấp “thẻ đỏ”. Trong lúc chính quyền chưa có biện pháp xử lý mạnh tay, các “thầy” vẫn tiếp tục gây nhốn nháo cả một vùng với “trung tâm chữa bách bệnh” của mình, tuyên truyền mê tín dị đoan và gây mất an ninh trật tự tại địa phương./.
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự