Từ dưới đáy giếng, nước hai màu “chui” lên
Nằm tít trên núi cao, từ trung tâm xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chỉ đi vài cây số nữa là bước sang huyện Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lâu cùng chung những khó khăn về địa hình núi đá vôi với huyện Bá Thước, đất đai thiếu nước nên chỉ có thể trồng ngô, phần đất cấy được lúa là rất ít.
Trưởng bản Khộp – anh Bùi Văn Quyết – ngoài hai mươi tuổi, giọng nói vừa “hoàn cảnh” vừa tự hào: “Bản Khộp chúng tôi chẳng có gì đáng giá, đáng nhắc đến bằng cái giếng thần giữa bản đâu. Từ ngày con người có mặt ở đây là giếng đã có rồi, chẳng bao giờ cạn nước đâu. Cả bản ăn uống, tắm giặt, nước cấy lúa cũng từ giếng này mà ra đấy. Hôm nào nắng to, giữa trưa còn thấy hai tia nước hai màu vàng, trắng “chui” từ khúc gỗ lên nữa”.
Sát vách nhà trưởng bản Quyết là nhà cụ Bùi Thị Ôi, năm nay 88 tuổi, cụ vẫn minh mẫn và hiểu tiếng Kinh, nhưng cụ chỉ trả lời được bằng tiếng Mường. “Bà hiểu đấy, nhưng không nói được” - cụ Ôi cười móm mém. Thế là cụ Ôi nghe tôi hỏi rồi trả lời bằng chất giọng ồi ồi đặc trưng của người sống trên non cao, câu chuyện của cụ Ôi lại được phiên dịch sang tiếng Kinh: “Giếng thần của người Mường nhà bà đấy, thiêng lắm, không cẩn thận còn bị bắt vía nữa. Giếng có từ lâu lắm rồi, ngày trước chỉ là cái mó nước thôi, sau sửa sang lại thì gọi là giếng”.
Nếu vớt khúc gỗ Nhội này lên, giếng thần sẽ cạn sạch nước.
Cụ Ôi nhớ lại câu chuyện được nghe kể từ hồi còn là đứa trẻ: “Các cụ kể ngày xưa ông Đùng bà Đà đẻ đất đẻ nước, cái giếng này là dành cho cả con người và muông thú uống. Ngày xưa nhiều thú rừng mà, cọp, beo cũng nhiều, thấy chúng thì tránh thôi chứ không được xua đuổi, vì mọi loài đều được sống như nhau mà. Ngày xưa người bị thú dữ ăn thịt không nhiều bằng bị con ma rừng bắt đâu, nó bắt nhiều người mang về hang núi lắm. Người thường chẳng làm gì được nên cầu cứu ông pháp sư nổi tiếng nhất Mường Bi, ông ấy đạp nước sông Mã, cưỡi mây lên Ngọc Lâu rồi yểm bùa để trị con ma rừng. Ông ấy còn dặn người dân phải thường xuyên tắm ở cái mó nước giữa bản Khộp, con ma rừng sẽ không bắt nữa, vì mó nước ấy là do vị thần trên núi cao ban xuống mà”.
“Khúc gỗ mà mang lên là nước giếng đi mất, không về nữa đâu”
Hỏi về khúc cây dưới đáy giếng, cụ Ôi kể: “Bà thấy các cụ bảo nó là một phần cây gậy của pháp sư bị gãy hồi đánh nhau với con ma rừng. Nhiều năm lắm rồi, không ai nhớ được đâu, nhưng khúc gỗ mà mang lên là nước giếng đi mất, không về nữa đâu”.
Từng chứng kiến nước giếng cạn sạch, lại là người trực tiếp tham gia kéo cành Nhội dưới giếng lên, ông Bùi Văn Trình kể: “Hồi ấy tôi còn thanh niên, cũng phải gần hai chục năm rồi. Ông Nhiên, Chủ nhiệm HTX bấy giờ, bảo có cái quỹ UNICEF gì đấy (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) hỗ trợ cải tạo hệ thống nước sinh hoạt cho những xã nghèo, cái mó nước ở bản Khộp cũng phải cải tạo, phải nạo vét bùn lên. Tôi với sáu, bảy cậu nữa nhảy xuống mó nước, buộc chão vào khúc cây rồi kéo lên. Lúc kéo được khúc cây lên bờ, nước vơi đi một nửa thôi, nhưng vài ngày sau thì cạn sạch, chỉ thấy toàn là bùn, chẳng còn nước mà ăn uống nữa. Cái ao cạnh giếng cũng cạn hết nước. Bà con sợ lắm, hết nước thì lấy đâu ra lúa gạo, thế là lại thả khúc cây xuống. Sáng sớm hôm sau cả bản kéo ra thì thấy giếng lại đầy nước rồi”.
Nước ao bên cạnh cũng từ giếng chảy ra, đục ngầu chứ không trong văn vắt như nước giếng, những con cá vàng, đen, trắng to nhỏ vẫn sống dưới giếng, cá cứ sống tự nhiên, khi nào to thì lần lượt các hộ bắt về ăn. Quanh giếng, ngày nào cũng đông người đến tắm giặt, gội đầu như hình ảnh thường thấy ở giếng làng dưới xuôi thuở trước. Các bà, các cô vẫn tắm tiên đúng như những thông tin chúng tôi nghe được từ trước: “Ở Ngọc Lâu có “đặc sản” tắm tiên...”.
Người dân bản Khộp tắm giặt bên giếng, nước giếng còn dùng để ăn uống, sinh hoạt.
Dưới đáy giếng bản Khộp, hai tia nước trắng, vàng “chui” lên từ thân gỗ khoảng 2 mét, khúc gỗ còn xù xì những u, bướu của một cây lâu năm. Lý do vì sao khúc gỗ lại nằm dưới giếng mà tôi được nghe lại không giống nhau. Khác câu chuyện của cụ Ôi, ông Trình bảo: “Tôi chỉ biết hồi bé đi chăn trâu cùng các cụ, thấy các cụ kể là có ông Đá Đèn (ông Đá ở xóm Đèn nên gọi là ông Đá Đèn) xóm dưới ăn khỏe lắm, mỗi bữa ăn hết 9 cân gạo, ông ấy to, béo, da dày quá, con ruồi trâu còn không đốt được. Mỗi bữa 9 cân gạo, người Mường bảo nhau phải giết cái thằng Đá Đèn đi, chứ nó ăn thế thì hết thóc hết gạo của người Mường ta mất. Mọi người mới bàn nhau rình lúc ông Đá Đèn ngủ thì chặt cành cây Nhội để cành cây đè chết ông ta đi. (Vì người già bảo ngày xưa cây đó to lắm, gốc ở mãi Nà Cả trên xã Ngọc Sơn, qua Ngọc Lâu chỉ là cái cành thôi, còn tán lá thì mãi dưới xã Tân Mỹ cơ). Chả biết ông Đá Đèn có chết không nhưng một phần cành Nhội thì rơi xuống giếng giữa bản Khộp”.
Lễ cầu thần giếng
Cụ Bùi Văn Chính 79 tuổi, từng là công nhân cầu đường, được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Cụ Chính lại kể câu chuyện khác về khúc gỗ dưới giếng: “Ngày xưa có hai anh em, người anh sống ở trên xóm Điện, còn người em thì ở dưới Khộp này, nhờ giếng thần mà người em cấy được lúa, quanh năm no đủ, sung túc, hay giúp đỡ xóm giềng nên ai cũng quý. Người anh ở trên kia thấy thế ghen tức lắm mới trèo lên chặt cành cây Nhội để đè chết người em, nhưng cành Nhội chỉ trúng cái giếng chứ không vào nhà người em”. Cụ Chính lại kể: “Cái giếng là của thần trên núi đấy, nước từ trên núi chảy qua lòng đất rồi “chui” lên. Ngày trước giếng to lắm, bằng cả cái nhà ông cơ (nhà cụ Chính rộng gần gấp 3 lần cái giếng), khi xây đá bao quanh thì nó bé thế đấy. 16ha lúa của bản Khộp cũng là nhờ nước giếng thần chứ các bản khác chỉ có 2 - 3 ha thôi”.
Nghe những câu chuyện mà người bản Khộp kể, tôi bắt đầu hiểu vai trò của nguồn nước với cuộc sống của xứ Mường nơi đây - cũng giống như “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người dân dưới đồng bằng, quanh năm sẵn nguồn nước mặt. Tôi hỏi: “Giếng thần thiêng như thế, vậy bà con mình có cách đối xử nào đặc biệt với giếng thần không cụ?”.
“Có chứ. Nhưng năm chục năm nay người ta bỏ mất rồi...” - cụ Chính nói chậm rãi, giọng buồn buồn - “Ngày trước cứ đến ngày 7 tháng 7 hàng năm, thầy mo trong bản lại ra giếng làm lễ. Các nhà trong bản cũng chuẩn bị mỗi nhà một bó nhang, một chai rượu tự nấu, một đĩa xôi nếp từ gạo của vụ mùa mới và một con gà. Chiếu của nhà nào thì nhà ấy mang ra, đặt lễ vật lên chiếu rồi quỳ gối nghe thầy mo làm lễ. Có một người đánh cồng để báo cho thần giếng về mùa màng, các nhà thì tạ ơn thần đã cho một vụ mùa bội thu và cầu xin thần cho được mùa mãi mãi để dân được no ấm. Lễ cúng từ ngày 7 đến ngày 27, kéo dài cả ngày lẫn đêm, cứ tối đến là nhà nào cũng một bó đuốc, sáng rực cả góc rừng ấy”.
Tôi lại hỏi cụ Chính: “Cháu thấy nhiều người kể là cũng có 4 - 5 người bị thần giếng bắt vía, cụ có nghe chuyện này không ạ?”. Cụ Chính cười: “Người ta nói thế, chứ đã là thần thì thần nào lại bắt người vô tội. Ngày ông còn thanh niên, độ 16, 17 tuổi thì đúng là có 4 - 5 người bị bắt vía, nhưng toàn là trẻ con 3 - 4 tuổi bị chết đuối dưới giếng thôi chứ không phải bị bắt vía đâu”.
Xung quanh cái giếng thần có khúc gỗ chấn long mạch kia còn rất nhiều câu chuyện huyền hoặc, song cũng chính những câu chuyện đó đã lưu giữ phần nào nét văn hóa từ thuở hồng hoang của cộng đồng người Mường nơi đây.
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự