Hàng trăm độc giả gọi điện, viết thư đến tòa soạn, muốn hiểu về cuộc đời của ông Trần Ngọc Lâm. Trong loạt bài này, VTC News sẽ giới thiệu câu chuyện như huyền thoại về cuộc đời của “người rừng” Trần Ngọc Lâm
Kỳ 1: Đi tìm "người rừng" trên đỉnh Hoàng Liên Sơn
Cách nay 8 năm, rất tình cờ, trong một chuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, tôi được nghe chuyện về một vị đạo sĩ kỳ lạ đang tu hành khổ hạnh và sống chung với căn bệnh ung thư phổi bằng những bài thuốc bí truyền.
Ông thoắt ẩn, thoắt hiện trên những mỏm đá cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ. Người dân Sapa chỉ biết vậy, còn ông sống ở cánh rừng nào, mỏm núi nào, thì không ai tường tận. Người ta chỉ tôi gặp nhạc sĩ Lê Trọng Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Du lịch Sapa. Ông Hùng thường xuyên đi rừng cùng ông Trần Ngọc Lâm thời gian đó.
"Người rừng" Trần Ngọc Lâm, lương y Phạm Văn Thanh đã giúp đỡ tác giả chinh phục thành công đỉnh Tây Côn Lĩnh sau 4 năm thất bại. Ông Lê Trọng Hùng có niềm đam mê kỳ lạ với đỉnh Fansipan quanh năm lạnh cóng, mây vờn. Ông đã từng ăn lương khô, thịt hộp, nhai lá rừng suốt cả tháng trời và lang thang quanh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ chỉ để tìm cho được một góc đẹp chụp đỉnh Fan đủ 4 góc độ.
Cũng vì cả đời gắn với cảnh đẹp, con người hoang sơ trên Đại Hùng Sơn hùng vĩ mà ông đã xúc cảm viết nên khá nhiều ca khúc đậm chất dân ca bản địa.
Ông Hùng mê “nóc nhà Đông Dương” đến nỗi, khách du lịch muốn chinh phục đỉnh Fansipan cứ rủ là ông đi liền. Đang nấu nướng cho vợ, thấy người rủ đi, ông cũng bỏ việc đi luôn.
Ông muốn giới thiệu cho cả thế giới biết đến vẻ đẹp hùng vĩ của “nóc nhà Đông Dương” cũng như chỉ cho các nhà quản lý biết được thế mạnh của tuyến du lịch mạo hiểm đầy tính khám phá này.
Ông Lê Trọng Hùng trên đường dẫn tác giả tìm "người rừng" Trần Ngọc Lâm. Cho đến nay, dù đã ở tuổi ngót 70, đã nghỉ hưu, không còn sung sức nữa, nhưng ông vẫn leo núi phăm phăm và mỗi khi cần cảm hứng sáng tác, ông lại ba lô, túi xách, xỏ ủng lên đường. Cảm hứng chỉ dạt dào khi nào ông hít mây thở gió trên đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Lần tôi qua ngôi nhà bên sườn núi ven thị trấn Sapa thăm ông, thì gặp ông đang chăm vườn thuốc quý. Ông bảo: "Toàn loại cây thuốc cực quý, do cậu Lâm sống trên đỉnh Fansipan tặng đấy!".
Tôi tò mò muốn gặp “người rừng”, mà người Sapa thường gọi là đạo sĩ ẩn tu trong rừng Hoàng Liên Sơn, ông Hùng đồng ý dẫn đi ngay. Vậy là tôi và ông Hùng ba lô, túi ngủ, bánh mì, thịt hộp lên đường...
Hình ảnh "người rừng" Trần Ngọc Lâm cách đây 10 năm do khách du lịch chụp. Gửi xe máy ở Núi Xẻ, chúng tôi lần theo con đường mòn hướng thẳng lên đỉnh Fansipan. Ông Hùng bảo rằng, riêng con đường chinh phục đỉnh Fan này, cũng có ối chuyện cãi vã. Đã từng có thời kỳ báo chí tranh cãi nảy lửa về việc ai là người phát hiện ra con đường này. Có tới mấy ông lên tiếng nhận công.
Ông Hùng khẳng định, con đường chinh phục Fan ngắn nhất mà mọi người đang đi, được người Pháp vạch ra từ cả trăm năm trước, nhưng đã bị cỏ mọc bít lối, bao năm qua không ai biết nữa. Người mở lại con đường này chính là “người rừng” Trần Ngọc Lâm. Câu chuyện này sẽ được nêu kỹ trong kỳ báo sau.
Chúng tôi đi qua một khoảnh rừng tái sinh, trước mắt xuất hiện những bãi cỏ mênh mông, ngút tầm mắt, trải dài qua hết sườn núi này đến sườn núi khác.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên lắm, vì giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn lại có một thảo nguyên mênh mông như bên Mông Cổ. Ông Hùng cười và kể rằng, mấy năm trước có mấy nhà khoa học nghiên cứu về rừng rú đi qua đây đã nhảy cẫng lên sung sướng: "Ôi! ở đây có thảo nguyên, có cánh đồng cỏ".
Tác giả và "người rừng" Trần Ngọc Lâm lần đầu gặp mặt. Hình ảnh chụp dưới tán rừng rậm như cảnh đêm. Thực tế, người dân phá sạch rừng để trồng thảo quả. Khi đất cằn cỗi, thảo quả chết đi, những khu vực rộng mênh mông trước đây là rừng già biến thành cánh đồng cỏ, chứ thực tế giữa rừng làm gì có hệ sinh thái nào giống như thảo nguyên.
Nhận được thông tin từ ông Lâm, ông Hùng đã phản đối quyết liệt chính sách phát triển, mở rộng trồng cây thảo quả, bởi theo ông trồng thảo quả trong rừng không khác gì đem chất độc hóa học vào rừng rải.
Bởi vì, muốn thảo quả sống được, phải phá sạch những cây nhỏ, nhưng để lại những cây lớn làm tán che nắng. Nhưng giống thảo quả tiết ra một loại chất dịch rất nóng và độc vào lòng đất khiến những cây cổ thụ cũng không sống được. Thành thử, vài mùa thảo quả trôi qua, cây cổ thụ đều héo hon, chết đi.
Khi cây bóng mát chết, ánh nắng rực rỡ chiếu xuống, thảo quả cũng chết theo và người ta lại đi tìm vùng rừng khác để trồng. Như vậy, nếu dùng rừng để trồng thảo quả, không khác gì phá rừng một cách tàn khốc nhất.
Ông Trần Ngọc Lâm đang lấy thuốc. Trong thời gian lang thang trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tôi được tận mắt chứng kiến tình trạng phá rừng diễn ra hết sức đau lòng.
Trước đây, dãy núi Hoàng Liên Sơn là lãnh địa của pơ-mu cùng nhiều loại gỗ đặc biệt quý hiếm, nhưng giờ đây, gỗ quý ngày một vắng bóng. Tôi và ông Hùng vừa đi tìm “người rừng” Trần Ngọc Lâm, vừa đi tìm xem có còn gốc pơ-mu nào không.
Chúng tôi cuốc bộ suốt nửa ngày, xuyên qua mấy ngả núi, mấy con suối mà không thấy còn cây nào. Đang đi thì gặp một lâm tặc người Mông, tôi liền hỏi thăm về gỗ pơ-mu. Anh người Mông nhiệt tình dẫn chúng đi tìm cây pơ-mua mà anh biết. Đi suốt mấy tiếng đồng hồ thì anh ta chỉ một cây đúng là giống pơ-mu, nhưng thân cây chỉ to bằng cái ấm, cong queo.
Anh chàng người Mông bảo: "Thân nó mà thẳng thì tao chả chặt đem bán từ lâu rồi. Nó cong cong thế này, có bán cũng chả ai mua".
Cây thuốc quý có hoa 2 màu tuyệt đẹp mà các nhà dược học Việt Nam chưa biết đến, được ông Lâm đặt tên là Quỳnh Linh. Tôi và ông Hùng đi xuyên qua những “thung lũng chết”, những “quả núi chết chóc”. Nơi ấy, từng có những cánh rừng gỗ quý, nhưng chỉ mồi lửa, đã thiêu trụi hàng ngàn héc-ta rừng. Thật chẳng có gì xót xa hơn.
Chúng tôi cuốc bộ đến hết ngày thứ 2, mới gặp được “người rừng” Trần Ngọc Lâm, khi ông đang dùng dao rọc vỏ cây thuốc giữa một cánh rừng trên độ cao khoảng 2.800m.
Khác với hình dung của tôi về một vị đạo sĩ đầu trọc, mặc áo cà sa, ngồi tu thiền trong hang đá như ở Tây Tạng, trông ông như người bình thường.
Mái tóc sương gió, bộ râu quai nón, ông đeo chiếc balô, xỏ đôi giày vải bộ đội, đội mũ tai bèo lúp xúp. Ông đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để tìm thuốc, chăm sóc, gieo trồng cây thuốc quý nhằm cứu tính mạng mình và những người khác.
Ông chính là “người rừng” Trần Ngọc Lâm. Hộ khẩu thường trú của ông ở TP. Lào Cai, nhưng đã có 7 năm sống cùng thú hoang trên độ cao 2.900m của dãy Hoàng Liên Sơn, cách “nóc nhà Đông Dương” chỉ còn 2 tiếng cuốc bộ.
Còn tiếp…