'Người rừng' đỉnh Fansipan đánh bại ung thư thế nào?

Thứ bảy - 24/01/2015 18:52
Kỳ 2: Đi làm để chết
'Người rừng' đỉnh Fansipan đánh bại ung thư thế nào?
Sau khi đã lấy đủ thuốc, “người rừng” Trần Ngọc Lâm dẫn tôi cuốc bộ ngược hướng đỉnh Fansipan tìm đến cái hang, nơi ông sinh sống và tu thiền suốt mấy năm trời. Đó là cái hang đá nông choèn, chỉ đủ cho một người nằm. Ông Lâm phải dựng một cái mái lá để che mưa khỏi hắt vào trong hang.

Ngay phía trên hang đá này, là một hang động của bầy khỉ. Bọn khỉ ríu rít ở trên đầu. Cách đó chừng 200m, là hang của vợ chồng nhà gấu. Câu chuyện ông Lâm sống vui vầy với bọn thú, sẽ được kể trong phần sau.


Ông Trần Ngọc Lâm bên một tảng đá ở bãi đá có hình khắc chưa từng được biết đến trong rừng Hoàng Liên Sơn.
Tại hang đá này, ông đã chống chọi sinh tử với căn bệnh ung thư qua bao mùa băng giá. Đỉnh Hoàng Liên Sơn bốn mùa trăng lạnh liêu trai, gió lộng giật những thân cây rào rào, mây đặc quánh ngập tràn khắp nơi, lạnh thấu xương.

Quả thực, ai muốn hưởng cái lạnh giữa mùa hè thì trèo lên đỉnh Fansipan. Tại đây, khi mà ở dưới đồng bằng, trời nóng như đổ lửa thì trên đỉnh Fansipan chỉ 4-5 độ C. Còn mùa đông thì lúc nào cũng âm độ, nước đóng băng, tuyết phủ trắng trời.

Giữa đêm giá lạnh trong cảnh núi rừng hoang sơ, ông Lâm nhóm lửa nấu chè. Thứ chè ngàn năm trên độ cao 2.800m, phải đun mấy tiếng đồng hồ mới uống được. Không chỉ lá chè dày, khó thôi tinh chất ra nước, mà nấu nước ở độ cao này sôi ở nhiệt độ 80 độ C, nên phải đun rất lâu chè mới chín.


Ông Lâm cởi trần ngồi thiền trong hang đá trên độ cao 2.900m, với cái lạnh âm độ.
Giữa cảnh rừng hoang trăng lạnh, ông Lâm lấy ống sáo trúc thổi mấy điệu buồn. Tiếng sáo réo rắt giữa cảnh rừng hoang nghe xao động lòng người.

Và rồi, bên bếp lửa bập bùng sưởi ấm, tôi được nghe những câu chuyện vô cùng kỳ lạ về cuộc đời của “người rừng” Trần Ngọc Lâm.

Ông Trần Ngọc Lâm sinh năm 1952 trong một gia đình đông anh em. Năm 1972 vào bộ đội, đi chiến trường B, từng vào sinh ra tử trong rất nhiều trận đánh khốc liệt.


Một mình trong rừng hoang, ông thường thổi sáo cho đỡ buồn.
Bạn bè, đồng đội ngã xuống rất nhiều, nhưng ông may mắn sống được đến ngày hòa bình. Đất nước giải phóng, ông về làm lái xe và sửa chữa ô tô ở đội xe của bưu điện tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Năm 1989, ông có triệu chứng bệnh tật, thường xuyên ho rất nặng, thậm chí ho cả ra máu, cơ thể sa sút rất nhanh. Đi khám ở đâu bác sĩ cũng bảo bị bệnh lao.

Chữa trị suốt 2 năm trời, song bệnh tình chỉ càng nặng thêm. Những lúc cơn đau dồn lên, ông không thở được, ngực đau như có ai cầm dùi đâm thấu phổi.

Đến năm 1991, cơ thể kiệt quệ, chỉ còn bộ xương được bọc da, không đứng dậy nổi nữa. Người em trai khi đó là quan chức trong quân đội liền đưa ông về Bệnh viện quân đội 103 điều trị.


Ông Lâm bên một gốc chè ngàn năm trên độ cao 2.800m, ngay dưới đỉnh Fansipan.
Sau khi các bác sĩ chiếu chụp, làm các xét nghiệm cần thiết, đã khẳng định ông bị ung thư phổi. Bác sĩ bảo, muốn sống thêm khoảng 2 năm nữa thì phải dùng phương pháp hóa trị và xạ trị.

Ông Lâm chứng kiến cả trăm người sống lay lắt với căn bệnh ung thư ở bệnh viện mà nản. Các bệnh nhân được hóa trị, tóc rụng sạch sẽ, không còn sức lao động, chỉ có thể nằm im một chỗ. Nhưng rồi, chết vẫn hoàn chết, chỉ có điều chết sớm hay chết muộn mà thôi.

Nghĩ rằng có điều trị tích cực, tốn rất nhiều tiền, cũng chỉ sống được thời gian ngắn nữa thôi, người em của ông Lâm bảo: "Anh em mình từng vào sinh ra tử, sống chết đâu có nghĩa lý gì, mà sống như vậy thì chết còn hơn".


Ông Lâm dựng lều giữa rừng trúc để ngủ
Ông Lâm cũng nghĩ vậy và nói: "Nếu chết như vậy vừa không có ý nghĩa lại làm khổ vợ con. Thôi! quãng đời còn lại làm gì được cho vợ con thì cố mà làm".

Thế là hai anh em trốn bệnh viện về Lào Cai. Nghĩ rằng, ngày xông pha trận mạc chết vì mọi người còn không tính toán, nay chết vì vợ con thì đâu cần phải lăn tăn, thế là ông lao vào làm việc.

Ông giấu bệnh tật của mình, không nói cho ai biết và làm việc cật lực để mong mất nhiều sức, chết nhanh hơn. Vợ hỏi: “Sao bệnh tật, ốm yếu không uống thuốc?”. Ông giấu vợ bảo không có bệnh tật gì. Uống thuốc mà vẫn chết thì uống làm gì.


Tác giả trong một chuyến xuyên rừng Hoàng Liên Sơn cùng ông Trần Ngọc Lâm.
Ông làm việc trong một xưởng sửa chữa ô tô. Những lúc đau quá, ông ra sức quay máy để quên cơn đau, để được chết nhanh. Vận động quá sức, khiến máu ộc cả ra mồm, mũi. Ông cắn tấm khăn nhịn đau để làm việc. Có ngày cơn đau dữ dội, ông nghiến nát mấy cái khăn.

Những lúc gara ô tô không có việc, ông sang Trung Quốc làm cửu vạn bốc vác thuê. Ông làm việc quần quật suốt ngày đêm, được đồng nào lại gửi về cho vợ nuôi 3 người con. Ông không dùng đồng tiền kiếm được để bồi bổ, ăn uống, mua thuốc. Ông nghĩ, đâu cũng chết nên chả phí phạm những đồng tiền ít ỏi đó.

Càng ngày, sức khỏe ông Lâm càng suy kiệt. Không muốn vợ con nhìn thấy mình, nên ông lên tận Sín Tẻn (Mường Khương) sửa chữa ô tô cho cả người Việt Nam lẫn người Trung Quốc.


Ông Lâm lấy thuốc trong rừng Hoàng Liên Sơn.
Ông sang Trung Quốc mua những chiếc xe cũ, tháo ra lấy phụ tùng và bán đồng nát cho dân buôn đồng nát dưới Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lên mua.

Ông cứ nhằm lúc nào cơn đau đến là lao vào làm việc quần quật. Càng đau ông càng làm việc hăng hái hơn.

Có lần, cơn đau quật ngã ông. Anh em lao động khiêng về cho vợ con ở Lào Cai để đem đi chôn. Nhưng rồi, ông vẫn sống lay sống lắt.

Nhiều đêm, vợ thương chồng mà nước mắt ròng ròng. Bà phải nhấc chân ông lên trời, chúc đầu ông xuống đất cho dễ thở.

Lẽ đời, người mong sống thì chết, còn người mong được chết mà cứ sống dai dẳng. Căn bệnh ung thư quật ngã ông, ông lại đứng dậy. Ông sống lay lắt hết năm này qua năm khác. Tử thần ở cạnh mà không bắt nổi ông đi.


Cứ rảnh rỗi, ông Lâm lại ngồi thiền.
Sau này, có một vị bác sĩ người Trung Quốc bảo rằng, chính vì ông làm việc cật lực, làm việc để chết nên ông mới sống.

Theo ông ta, khi con người làm việc cực nhọc, vận động mạnh, cơ thể sinh ra chất đề kháng mạnh mẽ và tiêu đi những phần bệnh tật khiến khối u phát triển chậm lại, thậm chí không phát triển được nữa.

Nếu hồi phát hiện ra bệnh ung thư, ông Lâm đau khổ, dặt vặt, mất hết niềm tin, nằm lỳ một chỗ thì không thể sống được đến ngày nay.

Chính ý chí mạnh mẽ, quật cường đã giúp ông Lâm đánh bại căn bệnh ung thư phổi, loại ung thư được cho là nặng nhất, khó chữa nhất trong các loại bệnh ung thư.

Còn tiếp…

Nguồn tin: VTC News

 Từ khóa: đi làm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây