Giải bí ẩn tảng đá quan tài trấn yểm đình Vạn Phúc

Thứ ba - 23/07/2013 16:49
Nói về gốc tích tảng đá quan tài trấn yểm đình Vạn Phúc, ông Cửu cho rằng, đó chỉ là tảng đá để dựng cột cờ ngày xưa.
Chuyện tảng đá hình quan tài khắc 11 lỗ vuông ở đình Vạn Phúc (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) khiến sinh khí đất đình rất thấp, cùng với việc trước đây, người Tàu đã từng dựng nghĩa trang ở núi Văn Chỉ trông sang đình khiến người ta tin rằng tảng đá đó được dùng để trấn yểm, làm tiêu hao sinh khí đất làng. Vậy, thực hư câu chuyện này thế nào?

Đàn ông sống không quá 60 tuổi (?)

 
Ông Đỗ Văn Thành, 78 tuổi, người gốc làng Vạn Phúc bảo, sống gần trọn cuộc đời ở làng, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay ở đây từ những ngày làng còn là vùng nông thôn thuần nhất đến khi làng lên phố, nhà cửa san sát, ông đã chiêm nghiệm những chuyện mà có lẽ đó không đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. "Trước nay, chuyện nam giới sống không thọ bằng nữ giới, khoa học đã chứng minh. Nhưng ở làng Vạn Phúc, có một chi họ mà nam giới sống không qua được tuổi 60", ông kể. 
 
Anh Vân - một người dân ở làng Vạn Phúc cũng bổ sung vào câu chuyện với những chi tiết khá ly kỳ: Trong làng, có một dây đất với nhiều nhà sống không mấy suôn sẻ khi người thì bị dị tật, người bị dở, người thì nát rượu. Ở khu đó, chẳng có nhà nào phất lên được (?). "Chẳng biết có phải vì trấn yểm gì hay không nhưng chuyện đó là có", anh Vân khẳng định.
 
Để  xác nhận thêm nhận định đình và làng Vạn Phúc đã bị hòn đá quan tài trấn yểm, ông Thành dẫn tôi ra đình và mang theo bộ đồ nghề gồm dây ăng ten và con lắc. Khi đưa ăng ten lại gần các lỗ vuông trên tảng đá, đầu ăng ten bị hút vào. Dùng con lắc đo chỉ số Bovis (đo năng lượng cảm xạ), con lắc dao động thẳng ở góc 900. Ông Thành bảo, như vậy là sinh khí đất trung bình, vì hòn đá đã được chuyển vị trí và ngửa các lỗ vuông lên trời "nhưng nó vẫn phát ra năng lượng xấu, không làm cho sinh khí đất đình lên được".
 
 
Sự tích Văn Chỉ và chuyện ao làng trấn trạch
 
Ông Nguyễn Đắc Liên năm nay 81 tuổi, được biết đến là "pho sử sống" của làng Vạn Phúc. Ông Liên có ông nội từng làm thủ từ đình Vạn Phúc hồi những năm 50 của thế kỷ trước. Ông cũng từng giữ chức Phó ban Quản lý di tích, hiện là hội trưởng Thập tam trại (13 trại), trong đó có Vạn Phúc.
 
Ông xác nhận: Đúng là có chuyện người Tàu từng đến núi Văn Chỉ (hay còn gọi là núi Trúc) và dựng nghĩa trang ở đó. Văn Chỉ thờ Khổng Tử, xây vào năm Tự Đức thứ 29 (1876). Tổng số tiền xây dựng là 588 quan, trong đó dân làng công đức được 62 quan, còn 526 quan được chia đều cho 357 hội viên hội Tư văn trại Vạn Bảo, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ai đỗ đạt cao sẽ được ghi vào Văn Chỉ. 
 
Sau, Chánh tổng Bạo bán cho người Tàu ở phố Hàng Buồm. Họ dựng nghĩa trang trên đỉnh núi. Có một thời gian khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, chuyện học hành trong làng cũng trồi sụt, rất ít người học lên được đến cấp 2 tương đương bây giờ. Sợ là do nghĩa trang người Tàu trên núi Văn Chỉ nhìn thẳng vào đình làng nên sự học của làng bị ảnh hưởng, dân làng liền đào Ao Viên trước cửa đình để trấn trạch. "Từ đó, chuyện học hành cũng khởi sắc. Sau này, nhiều người là Tiến sĩ, Thạc sĩ", ông Liên cho hay.
 
Còn chuyện người Tàu đã từng giấu vàng ở trên núi Văn Chỉ, ông Nguyễn Văn Cửu, thành viên Ban quản lý di tích đình, đền, chùa Vạn Phúc cho biết: Ngày còn bé, tôi vẫn thường lên trên núi chơi. Trước khi lên khu nghĩa trang, người ta phải đi qua cái miếu có giếng trước cửa. Người làng bảo người Tàu đào giếng để trấn yểm. Có những ngôi mộ được lát đá rộng như bàn uống nước, trẻ con chúng tôi còn nằm lên đó chơi. Sau này, khoảng năm 1974 - 1975, chính quyền cho di dời khu nghĩa trang, có những ngôi mộ vẫn còn vải liệm, vòng bạc đường kính chừng 5 - 6cm. Sau đó, giếng cũng bị lấp nhưng có thấy vấn đề gì đâu? "Đó chỉ là lời đồn thổi thôi, vì người ta thường có mô típ người Tàu trấn yểm để giữ của. Thực hư như thế nào thì chẳng ai biết được", ông Cửu bảo. 
 
 

Ông Đỗ Văn Thành đang đo năng lượng tại đình Vạn Phúc.

Tảng đá quan tài chỉ là cột cờ 
 
Nói về gốc tích tảng đá hình quan tài khắc 11 lỗ vuông đặt ở đình Vạn Phúc, ông Cửu xua tay khi được hỏi liệu có phải để trấn yểm. Ông cho rằng, đó chỉ là tảng đá để dựng cột cờ ngày xưa. Người ta đục các lỗ để gài các thanh làm bệ đỡ cho cột đứng vững. Theo lập luận này thì sẽ có một tảng đá tương tự nhưng đã bị thất lạc.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Liên lại cho rằng: Tảng đá đó vốn không phải của đình. Ông cho hay: "Năm 1951, ông nội tôi làm thủ từ của đình, tôi ra đó thì chẳng thấy có tảng đá nào như thế cả". Từ đó, ông Liên lập luận tảng đá này không phải của đình mà từ bên ngoài đưa vào. "Trước đây, quanh khu đình là ao, giếng. Thế nhưng, sau này người ta đến ở đông rồi làm nhà đến sát đất đình. Có thể họ thấy tảng đá rồi di chuyển dần vào sân đình mà thôi".
 
Ông cũng bác bỏ chuyện trấn yểm trong đình bởi "Ngày xưa, các cụ trông coi đình rất nghiêm. Chỉ nam giới mới được vào trong đình. Trông coi đến mức ấy thì làm gì có chuyện người lạ mang tảng đá đó vào, nhất lại là người Tàu khi họ đã dựng nghĩa trang ở trên núi nhìn thẳng vào đình. Không thể có chuyện đó được! Thêm nữa, nếu nói rằng hòn đá dùng để yểm thì có một thời gian, người ta ngồi chơi lên tảng đá ấy cũng có bị sao đâu?", ông Liên lập luận.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Cửu, thành viên Ban Quản lý di tích đình, đền, chùa Vạn Phúc thì: "Phú quý sinh lễ nghĩa" là chuyện thường tình. Tảng đá có tâm linh hay không là tùy theo từng góc độ tiếp cận. Người cho rằng nó hoàn toàn bình thường, người lại phong thần nó lên. Có điều, nếu nói rằng tảng đá trấn yểm, làm cho dân làng lụn bại là không có cơ sở, vì người dân lập nhà ở quanh khu đó có sao đâu, thậm chí giá đất ở đó còn tăng cao. Chuyện người điên, người khuyết tật thì ở đâu chả có. Ngay cả nghĩa trang người Tàu cũ - nơi có miếu và giếng được cho là để trấn yểm giữ của cũng đã được san lấp hàng chục năm nay, nhà cửa dựng lên san sát mà chẳng thấy có khu đất hay nhà nào bị bỏ hoang vì yếu tố ma mãnh cả".
 
"Tôi làm thủ từ ở đình được hai năm nay, cũng là người ở làng này nhưng chẳng bao giờ nghe người ta nói là có chuyện tảng đá trấn yểm nào cả. Tôi cũng không biết việc đo năng lượng cảm xạ ấy thế nào. Nếu hòn đá ấy thực sự trấn yểm thì tại sao lúc người ta di chuyển nó đi ra nơi khác thì chẳng có vấn đề gì? Tôi nghĩ không có chuyện trấn yểm gì ở đây cả". Ông Nguyễn Huy Yên (thủ từ đình Vạn Phúc)

Nguồn tin: Kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây