Rất nhiều người buổi tối, sáng sớm đi qua đây đã sởn cả gai ốc và thậm chí có người còn suýt lao vào mộ. Lần theo những thông tin trên bia mộ, chúng tôi đã tìm dòng họ của ngôi mộ này để tìm lời giải vì sao lại có chuyện kỳ lạ như thế ngay giữa Thủ đô.
Sởn gai ốc
Bà lão bán quán nước ở cổng làng Di Trạch kể rằng trước đây chưa có đường thì khu vực này vẫn đồng không mông quạnh, ở giữa cánh đồng làng có một cái gò cao, dân gian gọi là gò Chong Chóng. Khu gò này rất linh thiêng và chẳng ai dám động tới, những người đi làm đồng không ai dám tới gần.
Khoảng vài năm trở lại đây, một dòng họ bên Kim Chung đi xem bói biết đó là mộ bà tổ của họ mình nên đã xây dựng trên đỉnh của gò Chong Chóng xưa thành một ngôi mộ.
Năm 2009, khi có dự án làm đường đi qua ngôi mộ đã xảy ra những hiện tượng rất lạ kỳ, nhiều công nhân lái máy xúc, máy ủi san đất đến gần khu mộ Chong Chóng đều bị ốm đau, tai nạn bất thường.
Nhiều người lo sợ, và không có công nhân nào dám ủi san đất đến gần ngôi mộ nữa.
Ngôi mộ tổ có tình cảnh trớ trêu nằm giữa đường suốt 3 năm qua đã mang lại những câu chuyện rất ghê người. Chúng tôi đi qua con đường này giữa ban ngày mà còn cảm thấy lạnh lạnh như có ai đó đang theo dõi mình, nếu chạy xe nhanh không để ý thì cũng có thể xảy ra nhiều mối nguy hiểm.
Anh S., một người bán hàng kính, quần áo vỉa hè ở gần đó cho biết: “Khi tôi chuyển đến đây bán hàng đã thấy ngôi mộ to kia ở giữa đường từ bao giờ rồi và chẳng biết ngôi mộ này của nhà ai nữa. Cũng có nhiều vụ tai nạn nhỏ xảy ra xung quanh khu vực ngôi mộ”.
Không chỉ anh S. tò mò thắc mắc mà tất cả người nào đi qua đây cũng ngoảnh lại nhìn ngôi mộ, trong lòng cảm giác ghê ghê và đều thắc mắc không biết vì sao nó lại mọc ở giữa đường.
Thậm chí một chị tên B., ở làng Di Trạch còn cho biết. “Mấy năm trước làng tôi vẫn đi con đường cũ để ra quốc lộ 32, nhưng từ khi có đường mới mở 2 làn rộng đến 24m, chúng tôi thường hay đi con đường mới hơn.
Trong một lần vào thăm người ốm ở bệnh viện, đi qua đây lúc đêm vắng vẻ, đến gần ngôi mộ trong người tôi cảm thấy sởn cả gai ốc, toát mồ hôi lạnh, thế là cứ nhắm mắt vít ga thật mạnh mà chẳng dám nhìn lại nữa”.
Cũng theo chị B. thì con đường này đẹp, vắng người và rộng nên ai đi qua cũng phóng nhanh mà chẳng bao giờ sợ bắn tốc độ. Do đó ở làng của chị đã có vài người phóng nhanh rồi suýt đâm vào ngôi mộ.
Những câu chuyện ma quái, sởn gai ốc, ghê người mà nhiều người đi qua đây kể lại chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng để hiện trạng như trên ở một con đường mới mở quả thực rất mất mỹ quan và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để đi tìm hiểu sự tình chúng tôi đã quyết định lần theo những dòng thông tin ít ỏi ghi trên bia mộ.
Giữ như mả tổ
Một ngôi mộ có vẻ như mộ cổ, cỏ mọc um tùm không được khói hương nên trông giống như một ngôi mộ bỏ hoang nhưng rất may là những dòng chữ trên bia mộ vẫn còn khá rõ nét. Theo đó, chúng tôi biết được đây là phần mộ của một người họ Phạm.
Loanh quanh đi tìm khắp làng trên, xóm dưới ở khu vực xã Kim Chung, Di Trạch, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra manh mối. Đây chính là phần mộ của dòng họ Phạm ở thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức. Người trông coi phần mộ và cũng chính là người quản trang của thôn Lai Xá là ông Phạm Văn Sang.
Ông Sang - người trông coi phần mộ, quản trang thôn Lai Xá.
Ông Phạm Văn Sang khá bất ngờ vì có người tìm gặp mình đề cập đến một ngôi mộ giữa đường, ông cho biết: “Mộ hiện nằm trên đường mà các cậu nhìn thấy chính là phần mộ tổ bà của chúng tôi. Bà họ Nguyễn hiệu Từ Hạnh là bà tổ của dòng họ Phạm chúng tôi. Bà sống cách đây gần 4 thế kỷ và đến chúng tôi là hậu duệ đời thứ mười mấy rồi đó”.
Ngày xưa khi mất, dòng họ Phạm để cụ tổ bà trong tiểu gỗ và đắp mộ thành một cái gò lớn. Kể về lai lịch của dòng họ mình ông Sang cho biết, Phạm gia trước kia là những người di cư từ Bát Tràng sang Lai Xá làm ăn sinh sống.
Ông Sang khẳng định rằng trước năm 2010, ngôi mộ nằm trên gò Chong Chóng ở giữa đồng. Nhưng từ khi có dự án mở đường vào khu đô thị Kim Chung-Di Trạch của Tổng công ty Thăng Long 9 thì phần mộ của cụ tổ bà họ Phạm mới có thực trạng trớ trêu như hiện nay.
Hiện nay, toàn bộ phần mộ của bà tổ họ Phạm nằm trọn trên một làn đường đi vào khu Kim Chung-Di Trạch. Theo quan sát của chúng tôi mộ có diện tích khoảng 6x9=54m2, nhưng dự án làm đường không dám tiến đến sát mộ nên bỏ trống chiều dài đến 20m để cho cỏ mọc um tùm.
Mộ được xây với nét khá cổ, viền mộ tạo thành các cánh uốn lượn như hình chong chóng, nên trước đây có tên gọi là gò Chong Chóng.
Chúng tôi trình bày thắc mắc: tại sao khi có dự án triển khai bên thi công không đến bàn bạc với gia đình để di chuyển ngôi mộ đi chỗ khác? Sau một lát trầm tư ông Sang cho biết: “Chính thằng cháu trong họ của chúng tôi là người trong công ty làm dự án đó. Khi chuẩn bị thi công đường họ có về trao đổi với dòng họ chúng tôi nhưng chúng tôi không thể di dời vì một lý do...”.
Trầm ngâm một lát, ông Sang kể tiếp: “Sau khi trao đổi việc di dời mộ, ngay sáng sớm hôm sau (khoảng 4 giờ sáng) bà cụ tổ về nhà thờ họ và nhập vào đứa cháu gái. Bà bảo rằng không được di chuyển tao đi đâu hết, nếu không nghe thì cả dòng họ sẽ bị “động”.
Cụ còn bảo: “Ở trong nội thành đất chật hẹp, người ta còn để mả tổ nguyên chỗ cũ thì hà cớ gì ở ngoại thành đất rộng thế này phải di chuyển mộ. Còn thằng cháu làm ở dự án, nếu cứ làm tao sẽ cho nó chết”.
Cỏ mọc um tùm quanh mộ, ông Sang cũng không thể nhổ hết.
Với hơn 700 suất đinh (tính riêng đàn ông-con trai) ở xã Kim Chung thì dòng họ Phạm là to nhất. Khi họp họ và mọi người biết có chuyện bà cụ tổ "về" thì đều nhất trí giữ nguyên mả tổ ở chỗ cũ.
Ông Sang cho biết, trong họ chẳng ai dám đào bới, di chuyển mộ tổ hết vì họ đều sợ bị trách phạt, vậy nên người ta mới có câu “Giữ như mả tổ”.
Mộ không được chuyển đi nhưng đường vẫn cứ mở, nên thành ra mới có tình cảnh trớ trêu như hiện nay. Ông Sang cho biết không hiểu tại sao có một số người làm đường ở đó đã bị tai nạn chỗ này chỗ kia, nhưng chỉ nhẹ nhẹ, chưa ai chết. Có lẽ vì họ sợ nên khi ủi đất đã dừng lại ở khoảng cách khá xa phần mộ.
Khi chúng tôi hỏi rằng dự tính về ngôi mộ trong thời gian tới họ Phạm sẽ làm thế nào, ông Sang cho biết: “Mộ bà tổ của họ chúng tôi vẫn sẽ để đó thôi, trong năm nay chúng tôi sẽ nâng lên cao bằng mặt đường, còn tương lai, nếu các cơ quan chức năng có ý kiến gì thì sẽ xem xét sau, chứ hiện nay chẳng có ai ý kiến gì hết”.
Ông Lê Văn Nhật, 64 tuổi trưởng thôn Lai Xá, xã Kim Chung cho biết: “Năm 2010 khi có dự án xây dựng khu đô thị mới Kim Chung-Di Trạch (gọi tắt là Thăng Long 9) thì bên chủ dự án là Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng của Bộ GTVT có về bàn bạc với chính quyền địa phương và đại diện dòng họ Phạm. Nhưng do vấn đề tâm linh và không thống nhất được chuyện đền bù bằng vật chất giữa dòng họ Phạm và bên chủ đầu tư dự án nên mới có tình trạng ngôi mộ nằm giữa đường như hiện nay”.
Còn theo đại diện xã Kim Chung cho biết, Thăng Long 9 là một dự án lớn của TP.Hà Nội đang được triển khai trên địa bàn 2 xã; về vấn đề ngôi mộ thì nhiều lần đại diện dòng họ Phạm ở Lai Xá, chính quyền địa phương và chủ dự án đã họp bàn để tìm cách di dời nhưng cho đến nay vẫn bế tắc. Tất cả đều do vấn đề này liên quan đến tâm linh và quan niệm của người Việt Nam “đã giữ là phải giữ như mả tổ”.