Giải mã bí ẩn Tiêu Sơn tự và thiền sư tịch trong tư thế ngồi

Thứ tư - 01/04/2015 07:21
Tiêu Sơn tự (ở núi Tiêu, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những nơi hiếm hoi ở Việt Nam còn để lại dấu tích của các bậc thiền sư nổi danh trong lịch sử như thiền sư Vạn Hạnh, Như Trí...
Trong đó, bức tượng táng ở tư thế ngồi tọa thiền của thiền sư Như Trí được xem là một trong những hiện tượng kỳ lạ khó lý giải nhất và hiện vẫn là thách thức lớn đối với giới khoa học hiện đại. Ngôi chùa này còn được biết đến là một nơi chứa đựng nhiều bí kíp võ học của dân tộc, nơi đào tạo và nuôi dưỡng Lý Công Uẩn thuở niên thiếu trước khi ông trở thành võ tướng danh chấn thiên hạ và một bậc minh quân của muôn đời.

Đi tìm lời giải cho khả năng bí ẩn của con người

Nhắc đến các bậc thiền sư, đến nay sử sách vẫn còn lưu truyền nhiều tên tuổi có tài năng xuất chúng cũng như khả năng kỳ lạ đến khó tin. Các khả năng đó tưởng chừng chỉ là các câu chuyện được thêu dệt mang màu sắc tôn giáo huyền bí. Nhưng kể từ khi Việt Nam phát hiện được 4 bức tượng táng của các vị thiền sư trong tư thế ngồi kiết xác, tọa thiền mà trăm năm vẫn trơ như gỗ đá thì người ta bắt đầu nghĩ đến khả năng kỳ lạ của các thiền sư được miêu tả trong sử sách trước đây không phải là không có cơ sở. Một trong những nơi được xem là còn giữ được các dấu tích một thời hưng thịnh của thiền phái cổ xưa của người Việt cũng như các bậc thiền sư nổi danh trong lịch sử là chùa Tiêu Sơn.

Tiêu Sơn tự hay còn gọi là chùa Thiện Tâm, là ngôi chùa có lịch sử ngàn năm tuổi nằm trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, bốn bề là ruộng đồng xanh ngát, không gian chùa xanh rợp với nhiều cây xanh, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm. Khung cảnh vắng lặng, thanh tịnh đặc trưng của chốn cửa thiền đậm nét vùng Kinh Bắc. Lịch sử từng ca ngợi ngôi cổ tự này là chốn tu hành đắc đạo của các vị cao tăng mà tiêu biểu là thiền sư Vạn Hạnh, Như Trí... Đây cũng là nơi Lý Công Uẩn học tập và rèn luyện võ học thuở niên thiếu, một trung tâm Phật giáo và thiền học của người Việt.

Đứng trên Tiêu Sơn tự, phóng tầm mắt ra xa ngắm cánh đồng xanh ngát lúc chớm thu, chúng ta còn bắt gặp những khúc sông, ao hồ bị ngắt quãng - dấu tích còn lại của dòng sông Tiêu Tương cổ thơ mộng. Trải qua bao thăng trầm và biến thiên, Tiêu Sơn tự vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp thanh tịnh của một danh lam, di tích lịch sử văn hóa, một trung tâm của Phật giáo. Chùa Tiêu Sơn giờ còn được giới phật tử biết đến và ca ngợi là số ít ngôi chùa ở Việt Nam không để hòm công đức, điều này cho thấy sự thuần khiết của ngôi trường Phật giáo nơi đây.

Đặc biệt, bức tượng táng của thiền sư Như Trí đã 300 năm tồn tại trong tư thế ngồi tọa thiền vẫn trơ như gỗ đá được xem là minh chứng cho sự kỳ lạ của thiền tông và khả năng phi thường của con người. Theo lịch sử Phật giáo, thiền sư Như Trí là người đã có công khắc in Thiền Uyển Anh vào năm 1715. Đây là bộ sử Thiền có giá trị trong kho tàng văn hoá Phật giáo nước nhà.

Trong bài kệ truyền pháp của chùa Tiêu Sơn cũng có một đoạn nói về thiền sư Như Trí: "Minh chân như tính hải. Kim tường phổ chiếu thông. Chí đạo thành chính quả. Giác ngộ chứng chân không". Theo một nhà nghiên cứu về đạo Phật thì hệ phái thiền Tông lấy pháp vô tướng làm căn bản, hành đạo mà không lưu dấu vết. Việc để lại xác thân của các thiền sư là một cách thể hiện lý tưởng Bồ tát đạo để cho người đời sau chứng nghiệm, có tu là có kết quả, tu kiếp nào thì kết quả hiện tiền kiếp ấy. Tượng thiền sư Như Trí tư thế ngồi thẳng, mắt mở to, tay để vững chãi, chân bán già.

Bức tượng táng này là một phát hiện gây chấn động của giới khảo cổ. Đích thân GS. TSKH Nguyễn Lân Cường đã phục hồi bức tượng thiền sư Như Trí cho rằng: "Thiền sư Như Trí tịch trong tư thế ngồi thiền kiết già và được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gồm: Đất tổ mối, sơn ta, mùn cưa. Điều khác biệt là trong lớp bồi không có thếp vàng, thếp bạc mà lại có những miếng đồng mỏng, có tác dụng đỡ cho nhục thân Ngài qua nhiều năm không bị gục xuống".

Trước hiện tượng này, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN nhận định: "Để có thể tượng táng được như thế cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là các Ngài biết được quy luật (nhà Phật gọi là tu chứng), có nhân duyên nhiều công quả và những công phu khác thường. Đồng thời phải hiểu rõ thời điểm nào mình sẽ viên tịch để mà có chế độ ăn thích hợp".

Trung tâm võ học cổ xưa của người Việt?

Hiện tượng những bức tượng táng trong tư thế ngồi kiết già của các bậc thiền sư vẫn luôn là bí ẩn. Tuy nhiên, đến nay nhiều người cho rằng để đạt đến khả năng này, những bậc thiền sư phải luyện được khí công thượng thừa. Chỉ khi đó, các thiền sư mới làm chủ được linh hồn, năng lượng và thể xác thì mới có thể viên tịch rồi thì thể xác vẫn ngồi trong tư thế tọa thiền vững chãi. Qua tìm hiểu về cuộc đời của thiền sư Như Trí, đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh và thuở niên thiếu của vua Lý Công Uẩn cho thấy, chùa Tiêu Sơn đã từng là trung tâm võ học, nơi lưu giữ nhiều bí kíp võ học của dân tộc.

Trước hết về cuộc đời của người trụ trì nổi tiếng nhất chùa Tiêu Sơn là thiền sư Vạn Hạnh. ông là một người văn võ toàn tài, có khả năng tiên tri và vận dụng kiến thức vào thực tiễn rất sinh động. Chính vị thiền sư này là người dạy học vua Lý Công Uẩn thuở niên thiếu, truyền thụ hết về kiến thức và võ học để khi trưởng thành vua Lý Công Uẩn trở thành một võ tướng xuất chúng và một vị minh quân nổi danh trong lịch sử.


Để lại nhục thân trong tư thế tọa thiền như thiền sư Như Trí phải luyện được khí công thượng thừa.

Những người có am hiểu về kiến thức Phật giáo đều biết rằng, thiền sư Vạn Hạnh là đệ tử đời thứ 12 của thiền phái Diệt Hỷ - một thiền phái do nhà tu hành Ti ni đa lưu chi từ ấn Độ mang sang Việt Nam. Dòng phái này được biết đến với nhiều tên tuổi của thiền sư có khả năng kỳ lạ như Pháp Hiền, Định Không, Ma Ha... Trong đó, nhiều thông tin cho rằng các vị thiền sư thuộc thiền phái này là những người nắm giữ bí kíp võ công thượng thừa. Đến nay, thiền sư Ti ni đa lưu chi được tôn vinh là người đã mang khí công và nền võ học của ấn Độ vào Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển của nền võ học dân tộc.

Với thiền sư Vạn Hạnh, lịch sử ghi lại rằng, ông chính là người quân sư cho vua Lê Đại Hành đánh quân Tống, quân sư cho vua Lý Công Uẩn lập ra triều Lý. Người am hiểu sâu sắc về võ học có khả năng tiên tri. Chính ông là người dạy võ công cho vua Lý Công Uẩn.

Trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật về vấn đề này, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, Phó trưởng ban liên lạc dòng họ Lý Việt Nam, ở Đình Bảng, Bắc Ninh thừa nhận: "Thiền sư Vạn Hạnh là một bậc thầy về võ học, người nắm giữ bí quyết luyện võ. Chùa Tiêu Sơn, nơi thiền sư Vạn Hạnh tu thiền cũng chính là nơi vị thiền sư này truyền bá kiến thức võ học và dạy võ cho vua Lý Công Uẩn lúc niên thiếu. Vua Lý Nhân Tông từng ca ngợi tài năng của thiền sư Vạn Hạnh rằng: "Học thông tam giới ghê thay/ Rằng thầy Vạn Hạnh thi tài rất cao/ Cửa làng Cổ pháp tiếng reo/ Gậy tăng đủng đỉnh bay vào Đế đô".

Thiền sư đắc đạo cũng là võ lâm cao thủ

Võ sư Nguyễn Văn Thắng - chưởng môn của môn phái Thăng Long Võ Đạo cho biết: "Võ học chính là phương tiện để tiếp cận tâm linh, hỗ trợ cho tâm linh. Do đó, các thiền sư giỏi về võ thuật không có điều gì bất ngờ. Bởi theo quan niệm của phương Đông, con người gồm ba thể, thể vật lý, thể năng lượng và thể tâm linh. Quan trọng nhất luyện võ để mở thể vật lý mạnh cơ bắp tức là lực. Lực phải có kình. Kình  là khí, tức phải có qua khí công. Cơ thể con người, ngoài thể vật lý, trong thể năng lượng thì thể tâm linh làm chủ. Vì vậy, muốn giỏi võ, đa số tất cả các thầy võ có danh tiếng đều ngồi thiền (để làm chủ được thể tâm linh). Ngược lại, phải dùng đến khí công hoặc yoga luyện võ học nhằm tiếp cận và làm chủ thể tâm linh”.

Tác giả bài viết: Trịnh Phúc - Vũ Phương

Nguồn tin: Vedepphatphap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây