Thôn Mục Long, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) gồm các ngôi nhà nằm khuất trên các ngọn đồi. Chính vì địa hình đồi núi phức tạp nên việc “đưa ma” của đồng bào Mường nơi đây cũng lạ và khác với nhiều nơi. Ở đây bà con khi tiễn đưa người mất không có xe tang mà phải dùng bằng đòn luồng, sau đó buộc quan lên rồi khiêng qua các ngọn đồi chót vót.
Vì tập quán sinh sống của bà con gắn liền với đồi núi từ hàng nghìn năm nay nên mới có phong tục “đưa ma” kỳ lạ này. Anh Bùi Văn Khuyên (50 tuổi) người ở trong bản cho hay: “Tục “đưa ma” độc đáo này đã có từ ngày xưa rồi. Ở đây có nhiều đồi núi nên không tiện để đẩy xe tang như ở các nơi khác. Với lại đây là phong tục của các cụ ngày xưa truyền lại rồi, nên chúng tôi vẫn phải lấy cây luồng làm đòn khiêng”.
Thông thường cứ nhà ai có người chết là trưởng bản sẽ giao công việc buộc đòn khiêng cho một người có kinh nghiệm lâu năm. Theo các bậc cao niên, việc buộc cây luồng phải thật chắc chắn. Nếu buộc lỏng lẻo, cây luồng sẽ bị đứt lạt, bung quan tài ra và rơi xuống đất ngay tức khắc. Bởi khi đưa tiễn quan tài người chết vào những đồi núi cao, người nhà thường hay níu kéo đòn khiên, khiến cho quan tài bị lắc lư chao đảo.
Anh Bùi Văn Khuyên nói về cách buộc đòn “khiêng ma”. Cụ Nguyễn Văn Thành (75 tuổi) góp chuyện: “Đã có trường hợp từng bị đứt lạt, rồi bung quan tài ra rồi các cháu à. Ngày xưa lúc tôi đi xem “khiêng ma” cũng đã từng chứng kiến việc gãy đòn khiêng. Bởi vì lúc đó, người dân họ chủ yếu lấy thân gỗ cây trám khoét rỗng làm quan tài. Nắp thường hay bị vênh, thân cây rất nặng nên việc đưa tiễn rất là khó khăn. Nếu buộc “dây chão” không chắc là dễ đứt như chơi”.
Chính vì độ an toàn cho việc đưa tang, nên anh Khuyên được làng giao trọng trách buộc cây luồng. Cũng theo anh Khuyên, ngay nay quan tài thường lấy ở xưởng mộc nên nhẹ, ấy vậy mà đòn luồng cũng không cần dài. Nguyên tắc đưa tiễn, đòn phía trong là dành cho con cháu, còn đòn bên ngoài dành cho bà con dân làng khiêng.
Khiêng quan tài khi đến huyệt phải nhanh tay chặt lạt rồi quàng “dây chão” vào hai đầu quan tài; phải nghe hiệu lệnh mới được hạ quan tài xuống huyệt. Ngắt lời anh Khuyên, ông mo Nguyễn Văn Tình (55 tuổi) người ở bản nói thêm về phong tục “đưa ma”: “Ma chay ở người Mường chúng tôi có nhiều cái lạ lắm. Cụ nhà mất đây là họ Quách, các nàng dâu vẫn phải quạt ma nhưng lại phải mặc váy Mường đội mũ lụa. Riêng với dòng họ Bùi tức họ nhà cuội, họ còn phải mặc áo đỏ tế lễ quạt ma.
“Đưa ma” trên những cung đường núi ở bản Mục Long. Theo ông Tình, lúc đưa tiên chỉ cần nhìn vào trang phục của các nàng dâu thì ai cũng có thể đoàn biết được dòng họ này là họ Bùi hay họ Quách. Bởi nàng dâu nhà họ Quách sẽ phải đội mũ lụa dệt bằng vải tơ tằm. Còn nàng dâu nhà họ Bùi lại phải mặt trang phục áo đỏ sặc sỡ có dính hạt cườm tế lễ “quạt ma”, (dùng quạt cọ, hoặc bẹ luồng quạt vào quan tài) . Chính vì những nghĩ lễ độc đáo này mà mỗi khi nhìn lên các đỉnh đồi, sẽ thấy rõ nét bản sắc trong "ma chay" dựa trên những nét truyền thống cổ xưa.
Anh Quách Văn Quý trưởng bản Mục long cho biết: “Hiện, nay do nếp sống văn hóa mới nên các thủ tục tang lễ được cắt bớt đi rất nhiều khâu. Trước đây ông mo thường được một cái vai lợn, bây giờ các gia đình đều trả công bằng tiền nên rất gọn”.
Theo phong tục ma chay Mường, ông mo chính là người chủ trì tang lễ. Bên cạnh ông mo còn có “thấy chuốc” (người phục vụ đồ lễ cho thầy mo). Ngoài tiền công cho ông mo, thầy chuộc cũng sẽ được hưởng một phần lộc. Bởi nhiệm vụ của “thấy chuốc” là quấn mũ rơm, chặt cây vầu làm gậy, mang đồ cúng vào huyệt… Chính vì thế nên “thầy chuốc” bao giờ cũng dưới quyền của ông mo và luôn bị sai bảo.
Quan tài được khiêng trên cây luồng. Khi làm lễ cúng, thầy chuốc phải đi một đường về một đường, chủ yếu là đi đường vòng tránh đường chính. Theo các cụ cao niên, vì ông mo và thầy chuốc là “người âm”, nếu đi đường chính thì gia đình sẽ bị con ma quấy phá, làm ăn không mát lành.
Khi đưa tiễn, để phân biệt giữa họ nội và họ ngoại, người Mường thường dùng lá cờ. Theo quy định, lá cờ của hai họ sẽ đi trước đám tang. Người cầm cờ đỏ sẽ đại diện cho họ nội, còn người cầm cờ trắng sẽ đại diện cho họ ngoại. Bên cạnh đoàn cầm cờ sẽ là đoàn trống kèn, cộng thêm tiếng khóc day dứt cứ lan đi khắp các ngọn đồi.
Về phần mộ của người Mường, nếu tinh mắt nhìn vào đống là có thể biết được thân phận người chết. Dân thường chôn 5 hòn đá nhỏ, xưa kia mộ lang cun được chôn 9 hòn đá to, lang đạo 7 hòn đá to. Cuối cùng là việc dựng nhà mồ bên trên ngôi mộ để chứa đồ đạc do mọi người gom góp. Riêng con dâu phải có trách nhiệm lấy củi, nước, cho người quá cố. Sau một ngày gia đình sẽ tổ chức lễ đổ nước niếng nhuộm áo chàm, đồng thời ông mo có trách nhiệm gọi hồn người chết về thờ cúng trong nhà.
Cờ màu đỏ là đại diện cho bên đằng nội. Cờ màu trắng là đại diện cho bên đằng ngoại. Cụ Quách Thị Dụ (80 tuổi) người tỏ tường với phong tục ma chay của người Mường chia sẻ: “Xưa kia việc tổ chức ma chay ở trong bản phải trải qua rất nhiều tục lệ. Cứ có khách đến viếng là phải bưng mâm dọn cỗ rồi. Gà, lợn giết không biết bao nhiêu cho xuể. Đồng thời các con vật này đều phải xẻ một nửa cho người nhà gói về. Ngày nay tục đã được đơn giản hóa, thời gian làm đám chỉ còn một ngày, thậm chí thực hiện nhanh hơn. Quá trình lễ tang bớt rườm rà hơn, xong người Mường vẫn giữ lại nét riêng độc đáo của phong tục, vì nó được các cụ ngày xưa truyền lại rồi”.