Kỳ 1: "Kho báu bị yểm bùa" và ngôi nhà bị bỏ hoang
Rời ngôi nhà bỏ hoang dưới chân đồi Chè, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ xíu, nằm ngay mặt đường, cách đồi Chè chừng vài trăm mét, thuộc làng Kim Tiến (Kim Sơn, Định Hóa, Thái Nguyên). Gọi cửa một lát, thì cụ bà Nguyễn Thị Đính lọ mọ ra mở cửa.
Ngôi nhà gỗ ván ghép tềnh toàng chẳng có thứ gì giá trị. Trong nhà chỉ có mỗi mình bà Đính. Bà bảo, có hai đứa cháu nội, nhưng đứa lớn 19 tuổi đi làm thuê ở Thái Nguyên. Một cháu nhỏ thì đi học chưa về.
Hỏi chuyện gia đình, bà Đính ngước lên ban thờ nhìn di ảnh chồng, con trai, con gái, hai người con dâu, rồi cứ bật khóc nức nở, không nói được gì. Lát sau, người con gái của bà, chị Vũ Thị Dần, là chị gái của anh Vũ Văn Đường, tìm đến. Ký ức ấy khiến chị cũng hãi hùng.
Theo chị Dần, từ nhỏ, chị cũng đã được ông bà cha mẹ kể nhiều chuyện về kho báu Tàu trên đồi Chè, ngay sau nhà chị. Những câu chuyện liêu trai đó chị chỉ nghe các cụ kể thì biết vậy, chứ chẳng tin, vì chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Sợ hãi mảnh đất ở đồi Chè, chị V. cùng hai người con trốn ra ngôi nhà này ở. Thế nhưng, chuyện gia đình chị, cứ người nọ chết, người kia chết, mắc hết bệnh nọ đến tật kia, thì chị cũng thấy sợ hãi tột độ.
Thế hệ các cụ chết chóc xa xưa, thời đói kém, loạn lạc chiến tranh thì không nói làm gì, nhưng đến thế hệ chị, phải chứng kiến sự ra đi lần lượt của người thân, thì chị thực sự không thể an lòng.
Cái chết đầu tiên, trước mắt chị, là bố đẻ, người thân yêu nhất. Ngày đó, cả nhà còn sống ở chân đồi Chè. Đó là năm 1979, là một cái tết đầy đau buồn.
Bố chị rất khỏe, chẳng ốm đau bao giờ. Nhà khá giả, nuôi được nhiều lợn, nên ông bắt con to nhất làm thịt, để cả nhà ăn tết. Mổ lợn, chia cho con cái, gói ghém bánh chưng xong, thì tự dưng ông thấy mình cứ yếu đi, kêu ốm. Đúng ngày tết, con cái đưa ông đi bệnh viện.
Thế nhưng, Bệnh viện Thái Nguyên khám mãi chẳng ra bệnh gì, lại trả về. Về nhà, bố chị càng mệt thêm. Mọi người sốt ruột lại đưa xuống Hà Nội. Thế nhưng, các bác sĩ ở Hà Nội cũng chẳng tìm ra bệnh gì. Gia đình lại đưa về nhà. Về được vài hôm thì ông qua đời.
Lúc ông qua đời, tròn 42 tuổi. Đến nay, chị Dần cũng không biết bố mất vì bệnh gì. Bà Đính cũng chẳng rõ chồng mình chết vì sao.
Bố chết năm trước, thì năm sau tai họa tiếp theo xảy đến với đại gia đình chị Dần, là cái chết thảm thương, tức tưởi của cô em gái Vũ Thị Nhẫn.
Bà Nguyễn Thị Đính, mẹ đẻ anh Đường. Đó là năm 1980, Nhẫn đang học lớp 6, mới 13 tuổi. Thời điểm đó là mùa hè, khi Nhẫn đi học về, con chó vẫn chạy ra ngõ vẫy đuôi đón chủ bỗng có biểu hiện lạ, mắt long sòng sọc, tiếng sủa rất ghê rợn. Nó chạy loanh quanh trong vườn, cắn xé mọi thứ.
Cô bé Nhẫn thấy con chó có biểu hiện lạ, thì đuổi theo đòi bế, an ủi chó. Ai ngờ, vừa đến gần, con chó xông vào cắn một nhát vào tay. Cắn Nhẫn xong, con chó bỏ chạy mất hút, không thấy quay lại nữa.
Ngày đó, chó cắn là chuyện bình thường, chẳng ai tiêm phòng cả. Thế nhưng, thật đen đủi cho đại gia đình bà Đính, là con chó đó lên cơn dại. Cú đớp của nó, dù chỉ làm xước nhẹ da tay của Nhẫn, cũng đã cướp mạng cô gái.
Trong đại gia đình bà Đính, chỉ có anh Vũ Văn Đường, sinh năm 1962 là vất vả nhất, không được học hành nhiều, nên ở nhà làm nông nghiệp. Người con cả của ông bà làm bác sĩ, là lãnh đạo bệnh viện tỉnh.
Anh Đường được ông bà để lại cho mảnh đất rộng, ngay chân đồi Chè, rồi vợ chồng dựng nhà sinh sống. Anh lấy vợ, là chị Hứa Thị Tông. Chị Tông cũng là bác sĩ sản của Bệnh viện huyện Định Hóa.
Cuộc sống vợ chồng anh Đường lẽ ra không đến nỗi nào, nếu không nói là rất ổn định. Thế nhưng, tai họa lại liên tiếp đổ lên đầu đại gia đình anh, thảm khốc đến nỗi không tưởng tượng nổi.
Ngôi nhà bỏ hoang của gia đình anh Đường ở đồi Chè. Năm 2004, vợ anh Đường bỗng kêu đau bụng. Là bác sĩ, nên vừa có dấu hiệu khác lạ, chị đã đi khám ngay. Ở bệnh viện tỉnh, anh chồng là lãnh đạo, nên chị được khám chữa chu đáo.
Tin sốc đã đến với gia đình, là chị Tông đã bị ung thư. Khối u đã hình thành ở trong ruột. Người anh chồng đã tiến hành mổ gấp, cắt một đoạn ruột, để loại bỏ khối u.
Theo lẽ thường, nếu phát hiện sớm, thì chỉ cần mổ, loại bỏ khối u, sau đó hóa trị và xạ trị sẽ qua khỏi. Thế nhưng, điều đau buồn, là chị Tông đã qua đời sau khi phẫu thuật, gây bàng hoàng, tang tóc cho đại gia đình.
Một mình anh Đường làm lụng, nuôi con và đôn đáo ngược xuôi tìm thầy, những mong có thầy cao tay giải giúp cái hạn mất người kinh hãi này. Rất nhiều thầy cúng tìm đến, cúng bái ngày đêm, trấn yểm khắp nơi và đều khẳng định đã giải xong cái hạn mất người rất lớn.
Sau mấy năm ở vậy, tin rằng mảnh đất và cái sự “ma ám” bám riết lấy gia đình anh đã qua, nên anh đi bước nữa với chị Nguyễn Thị V. Chị V. lúc đó đã đứng tuổi, là giáo viên mầm non, người cùng xã Kim Sơn, nhưng ở làng cạnh. Chị V. tuy lấy chồng muộn, nhưng chị có vóc dáng đẹp, là thôn nữ dịu dàng, đằm thắm.
Cưới nhau xong, sống ở nhà chồng, chị V. cứ có cảm giác bất an. Đêm ngủ cứ chập chờn, không được ngon giấc, như thể có ai đó dựng dậy. Sống ở nhà chồng thời gian, chị cảm thấy người mệt mỏi, cơ thể như đi mượn của người khác.
Nghe hàng xóm nói nhiều về chuyện mảnh đất linh thiêng, bị người Tàu yểm, chị V. đi xem bói. Vừa gặp thầy bói, nhìn chị, ông này đã trợn mắt kinh hãi xua tay từ chối giúp. Ông ta bảo: “Tôi không có cách nào cứu được gia đình đâu. Tôi mà giúp thì tôi cũng chết. “Nó” sẽ tiếp tục bắt người sống, sẽ còn có người chết”.
Nghe ông thầy bói nói vậy, chị V. vái sống, nhưng ông ta vẫn không nhận giúp. Chị khóc lóc rồi bỏ về, nghĩ trước sau cái hạn cũng sẽ xảy đến với mình. Chị V. mặc kệ mọi chuyện. Chị tin vào số phận và chị chấp nhận.
Thế nhưng, điều kinh khủng và khiến chị đau lòng, là người chồng tốt bụng, hết mực thương yêu vợ con lại bị “bắt” trước.
Di ảnh anh Đường và hai người vợ. Chị Vũ Thị Dần nhớ lại: “Hồi đó là năm 2010, khi tôi về thăm quê, qua nhà Đường, thấy kêu mệt, da mặt thì vàng vọt, người gầy rộc đi. Tôi giục Đường đi kiểm tra, khám xét xem thế nào. Đường nghe tôi xuống bệnh viện tỉnh.
Về nhà, thấy vẻ mặt buồn rầu, tôi hỏi thì bảo là bị dương tính với bệnh gan. Tôi không rõ là dương tính gì, nhưng chắc là viêm gan do virus gì đó. Những bệnh viêm gan B, C thì ở trên này nhiều người mắc. Những bệnh đó cũng đơn giản, chứ đâu có kinh khủng gì. Nhiều bài thuốc của người dân tộc trong vùng chữa viên gan rất tốt.
Thế nhưng, kỳ lạ thay, thuốc gì uống cũng chẳng ăn thua. Đường cứ suy kiệt từng ngày, nhìn thương tâm lắm. Gia đình đã chạy chữa đủ kiểu, ở đâu mách có ông lang giỏi, có bài thuốc tốt đều tìm đến, nhưng không có tác dụng gì. Gia đình cũng cúng bái nhiều lắm, nhưng Đường vẫn chết”.
Anh Vũ Văn Đường qua đời, để lại người vợ và hai đứa con, một đứa con với người vợ trước và đứa con chung với chị V., mới chập chững biết đi.
Sợ hãi mảnh đất dưới chân đồi, nên chị V. không dám ở ngôi nhà đó nữa. Đại gia đình xúm vào, dựng ngôi nhà nhỏ, ghép ván gỗ ra mặt đường, cách đồi Chè vài trăm mét, để chị V. và hai cháu nhỏ ở.
Thế nhưng, nghiệp chướng không tha đại gia đình này. Đúng 1 năm sau ngày anh Đường qua đời, tin dữ đến với gia đình, khi bệnh viện thông báo chị V. bị ung thư vú. Tài sản trong nhà ra đi sạch sẽ, nhưng chị V. vẫn qua đời trong túp lều nhỏ, trong nước mắt xót thương của người thân, dân làng.
Giờ đây, trên ban thờ gá trên bức vách căn nhà nhỏ, có di ảnh của anh Đường và hai người vợ hai bên. Bà cụ Đính ngày ngày hương khói cho chồng, con gái và con trai, cùng hai con dâu. Bà cầu trời khấn Phật cho đại gia đình tai qua nạn khỏi. Mấy năm qua, gia đình mới được bình yên.
Ông Vũ Thế Khanh: “Tôi đã nghiên cứu nhiều ngôi làng, nhiều gia đình có cảnh chết chóc hàng loạt như thế. Người ta cứ đồn chết trùng, chết dây, rồi do động mồ mả, phá đình chùa. Là người nghiên cứu tâm linh lâu năm, tôi không tin có chuyện đó. Nó chỉ có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, là bệnh tật hay tai nạn mà thôi.
Chẳng có ma, quỷ nào bắt được người, cũng chẳng có thần phật nào lại đi hại người cả. Âm mà hại được dương thì có mà loạn à. Nhiều khi, lo lắng, sợ hãi quá, cũng dẫn đến sinh bệnh, mà chết.
Tôi công nhận là cũng có đất dữ, đất lành, nhưng đó hoàn toàn là vấn đề khoa học, chứ không phải mê tín dị đoan. Phải xem đến lĩnh vực tia đất, bức xạ, từ trường thế nào. Ở chỗ nào có các loại bức xạ độc hại, thì con người dễ sinh bệnh, chết yểu lắm”.
Còn tiếp…