Người nói thì nói rất thật. Người nghe thì chỉ nghe, chỉ cảm thông, không phán xét, không phân tích, không vặn hỏi. Nghe để hiểu, để thương, để rút kinh nghiệm, để có thêm những bài học và kinh nghiệm tu tập.
Trong 1 buổi thiền sẻ chia diễn ra sau bài giảng về ngũ giới, tôi không quên được câu chuyện của 1 Phật tử. Chị kể rất thật, rất xúc động, rất ân hận với tâm thành thật sám hối. Chị phụ nữ này chuyên sản xuất và bán café. Chị làm việc này từ lâu rồi, từ hồi café hạt còn khó khăn, từ thời vận chuyển café còn bị bắt bớ do ngăn sống cấm chợ của thời bao cấp. Thế là chị và các nhà sản xuất café nghĩ ra cách xay ngô (bắp) rồi trộn hương vị café vào bán cho người tiêu dùng.
Chị tâm sự rất thật rằng loại café dổm này bán rất chạy vì có mùi thơm rất dễ chịu, ai cũng mê. Café thứ thiệt rang không thể có mùi thơm như café dổm pha hương vị hóa chất. Chị cho biết thêm làm như vậy là siêu lợi nhuận. Và rằng nếu chỉ cần bán 3-4 ngàn 1 ly cũng lãi chứ không nói đến 6-8 ngàn. Người ta thi nhau mua. Các quán café mua ùn ùn.
Hàng sản xuất ra bán không đủ phải tăng công suất. Chị cho biết, 1 ngày kia chị được xem 1 đĩa Đạo Phật dạy về luật nhân quả. Rằng gieo nhân nào gặt quả đó. Những câu chuyện rất xúc động và gây chấn động tâm chị. Chị nằm suốt đêm suy nghĩ. Nhiều đêm suy nghĩ. Bởi café dổm làm từ bắp rang cháy đen chắc chắn làm cho người uống bị ung thư. Hơn nữa cái hóa chất mang mùi café kia chắc chắn là độc hại. Siêu lãi thật đấy nhưng hậu quả mà người uống gánh chịu thì quá nặng. Nghiệp này ai trả. Chị quyết định bỏ café dổm đi sản xuất café thật.
Tuy nhiên khi sản xuất café thật bằng hạt café xịn thì không bán được. Bởi café thật rang lên không thơm bằng café làm bằng bắp (ngô) có mùi hương liệu café. Nếu thiếu loại hương liệu này, khách hàng không mua. Chỉ đã giải thích rằng đây mới là café thứ thiệt. Tuy nhiên những người mua nói rằng khách hàng uống café đã quen lại kia rồi, và nhất quyết đòi mua café dỏm. Lại thêm 1 lần đấu trí. Tiếp tục nói dối, làm dối, lừa đảo hay quyết bỏ. Chị mua sách Đạo Phật về đọc. Đọc và đọc. Cuối cùng quyết tâm không sản xuất cafe dỏm nữa. Chỉ sản xuất café xịn, thật 100%. Mua thì bán, không thì thôi.
Quyết không bán ngô rang cháy đen trộn hương café. Cuối cùng, chị không bị phụ lòng: khách hàng cũng chấp nhận. Vấn đề khác xuât hiện: lãi rất ít. Gia đình kêu ca. Lương nhân viên bị ảnh hưởng. Chị suy nghĩ: hay là ta làm 1 phần café thật, 1 phần bắp rang cháy đen. Hay là vẫn cho chút mùi café hóa chất kia vào. Đêm đêm suy nghĩ. Lại đọc sách. Đọc nữa cho ngấm. Cuối cùng sức mạnh của Đạo Phật đã chiến thắng. Chị bỏ hoàn toàn café dổm. Trong lúc thiền sẻ chia chị cho biết rằng luật nhân quả nhãn tiền luôn. Có người làm café dổm bị công an bắt. Khổ lắm.
Hoặc là phải chạy chọt gần chết. Hoặc là hệ lụy nhiều vô cùng. Nhân quả nhãn tiền. Hơn nữa khi sản xuất café dổm thì luôn phải đề cao cảnh giác, mọi lúc mọi nơi, tâm không lúc nào an. Đặc biệt khi đi vắng xa hay đi công tác thì lo ngay ngáy. Vắng mình thì sao. Nhỡ xảy ra chuyện thì thế nào. Từ ngày giữ giới chị sống an vui và hạnh húc, chị sống với bình an và thảnh thơi. Chị có thể đi công tác, đi du lịch thoải mái mà không phải lo lắng gì.
Chị thật sự biết ơn Phật Pháp và thấy Phật Pháp quá nhiệm màu, rất tuyệt vời. Chị cũng thành tâm khuyên mọi người cố gắng giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất kích thích. Chị còn tâm sự rằng nếu có thời gian chị có thể kể ra hàng trăm câu chuyện có thật mà chị đã chứng kiến hay trải nghiệm. Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của chị. Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt chị. Tôi nhất định sẽ tìm chị để được uống café thứ thiệt, xịn 100% mà chị cam kết. Tôi không muốn uông bắp rang đen trộn hương liệu thơm và quyến rũ. Tôi muốn gặp lại chị để nghe những câu chuyện của đời chị. Biết đâu xuất bản được 1 cuốn sách quý. Biết ơn câu chuyện rất thật và ý nghĩa này.