Kỳ bí về ngôi miếu cổ rửa mối oan tình

Thứ sáu - 02/03/2012 15:46
Dưới chân núi Xuân Dương của làng chài Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có ngôi miếu cổ hàng trăm năm tuổi, tương truyền trong dân gian là miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân.

Ngôi miếu gắn liền sự tích trận chiến xảy ra từ 700 năm trước, được nhiều nhà sử học hiện đại xác định, thêm một bằng chứng để rửa sạch mối oan tình giữa võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân...

Trận chiến giải cứu Công chúa Huyền Trân 

Làng chài Nam Ô nằm ở phía nam Hải Vân - dãy núi khởi từ Trường Sơn hùng vĩ choài chân đến mép biển Đông. Xuân Dương chỉ là một núi nhỏ đứng tách biệt với Hải Vân. Song, bao trùm cả ngọn núi nhỏ này là sắc rừng xanh ngút, ngày nay vẫn còn nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, soi mình trên từng con sóng biển. 

Điều kỳ lạ là dưới núi Xuân Dương lại có ngôi miếu cổ, theo lời các bô lão trong làng đó là nơi thờ vọng Công chúa Huyền Trân. Điều đó được xác thực hơn, vì cách ngôi miếu không xa là di tích mộ tiền hiền của các chư phái tộc làng Nam Ô. Tương truyền, đây là mộ của vị tướng quân đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm để Công chúa Huyền Trân cùng quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng dùng thuyền nhẹ thoát ra biển trở về Đại Việt... 

Trên đường đưa tôi đến di tích ngôi mộ của vị tướng quân tử trận đã hơn 700 năm trước, anh Phạm Trưng - cán bộ phụ trách văn hóa phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: Hiện nay, chính quyền Tp Đà Nẵng đồng ý cho Tập đoàn Trung Thủy quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô. Nhưng, dân làng chài Nam Ô ai nấy đều vui mừng khi được cầm trong tay văn bản do chính Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho chính quyền quận Liên Chiểu phối hợp cùng Hội đồng chư phái tộc làng Nam Ô lập phương án trùng tu, tôn tạo di tích mộ tiền hiền làng... 

Di tích mộ tiền hiền làng chài Nam Ô nằm trên một doi cát, bên chân sóng. Đứng ở nơi này phóng tầm mắt nhìn về núi Xuân Dương trông dải núi nhô ra phía biển tựa như một lưỡi kiếm. Xa hơn nữa là Hòn Hành cũng tách biệt với dãy núi Hải Vân chơ vơ, cô độc giữa mênh mông sóng vỗ, ẩn hiện trong làn sương khói lênh đênh. Gió biển thổi lồng lộng, song chất giọng "ăn sóng, nói gió" của người đã ngoài lục tuần, ông Đặng Dùng cứ sang sảng khi đọc hai câu đối khắc trước trụ đá nhà bia: "Hóa công lưu nghiệp thiên thu tại. Ba huệ khai cơ vạn cổ tồn". 

Rồi ông Dùng giải thích rằng, kể từ đời vị tổ đầu tiên các dòng tộc rời đất Bắc vào mảnh đất dưới chân núi Xuân Dương này khai ấp, lập làng đã nghe truyền tụng chuyện về tấm gương trung liệt của vị tướng quân nhà Trần anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm truy đuổi Công chúa Huyền Trân trên bước đường hồi cố quốc. Vì vậy, các chư phái tộc làng Nam Ô đã đồng lòng suy tôn vị tướng quân, dù không rõ danh tánh, quê quán, là "Tiền hiền triệu cơ" (Tiền hiền mở cõi) của làng, bằng tất cả tấm lòng tri ân, ghi nhớ công đức tiền nhân mở cõi đất phương Nam..


Ông Đặng Dùng (bên trái) kể chuyện xưa trước ngôi miếu tương truyền trong dân gian là thờ vọng Huyền Trân Công chúa đã đổ nát, hoang tàn.

Những cụ già cao niên của làng Nam Ô đều nói rằng, họ luôn khắc cốt ghi tâm lời dặn dò của ông, cha  về việc cúng giỗ hương khói mộ vị tướng quân và tại ngôi miếu Huyền Trân Công chúa. Rồi các cụ kể cho tôi nghe câu chuyện truyền miệng của người làng… Chuyện kể rằng, vào mùa hạ năm Đinh Mùi - 1307, sau gần một năm làm dâu Chiêm quốc được tấn phong Hoàng hậu với mỹ hiệu Paramesvari thì Công chúa Huyền Trân không may góa bụa, vì Chế Mân bị bạo bệnh qua đời. Hủ tục của người Chiêm lúc bấy giờ: "Vua chết, hậu phải chết theo", nhưng do Công chúa Huyền Trân đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại. 

Đến tháng 10 năm đó, biết chuyện nên Vua Trần Anh Tông sai quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn cùng đoàn tùy tùng đi thuyền sang Chiêm quốc viếng tang, nhằm giải cứu Công chúa Huyền Trân về Đại Việt. Sau khi làm lễ tế ở bãi biển Thị Nại (Quy Nhơn), võ tướng Trần Khắc Chung cùng An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng theo mưu kế định sẵn, đã đưa Công chúa Huyền Trân xuống thuyền nhanh chóng dong buồm ra Bắc. Đoàn chiến thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Từ đó, họ đi bằng đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô (Nam Ô)... 

Tại làng Nam Ô, đoàn người nán lại để tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu. Khi biết Công chúa Huyền Trân cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung đang trên đường từ Chiêm quốc về lại Đại Việt, dân làng Nam Ô lúc bấy giờ đã tiếp đón và che chở một thời gian… 

Nhưng, chẳng bao lâu sau, quân Chiêm nghe ngóng được sự tình, kéo đến bao vây bốn mặt. Dân làng đã cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung chống trả quyết liệt. Song quân Chiêm đông như kiến cỏ nên viên tùy tướng của Trần Khắc Chung nhận lệnh chỉ huy một toán quân liều chết đánh chặn hậu để quân của võ tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi, và cả đoàn dong buồm thẳng hướng Hòn Hành, thoát ra thành Hóa Châu. 

Khi những chiếc thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung mờ khuất trong màn sương khói khơi xa thì viên tướng giữ nhiệm vụ đánh chặn hậu cũng anh dũng hy sinh. Ghi nhớ công đức mở đất phương Namcủa Công chúa Huyền Trân, dân làng Nam Ô lập miếu thờ bà. Còn vị tướng dưới trướng Trần Khắc Chung lâm trận hy sinh cũng được chôn cất tử tế và phong làm tiền hiền của làng... 

Trước di tích mộ tiền hiền làng Nam Ô, ông Đặng Dùng ngậm ngùi đọc mấy câu trong bài văn tế được truyền lại từ hàng trăm năm trước: "Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình" (Tạm dịch: Sấm mây xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, bồn chồn nhớ nước, kiên gan chờ nuốt cả kình ngư). Bài văn tế được xướng lên trong ngày giỗ tiền hiền của làng Nam Ô vào mỗi độ 24/6 âm lịch hằng năm. 

Miếu giải oan tình... 

Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" của sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn phát hành vào thời Hậu Lê - năm 1697, tức là sau 390 năm xảy ra vụ giải cứu Công chúa Huyền Trân thoát họa "lửa thiêu" của người Chiêm Thành, ông lên án gay gắt đối với võ tướng Trần Khắc Chung, nhất là chuyện tư thông với Công chúa Huyền Trân. Có thể, từ cơ sở này nên nhiều người đời sau đã thêu dệt nên câu chuyện tình đầy lâm ly, bi đát giữa Công chúa Huyền Trân và võ tướng Trần Khắc Chung. 

Thậm chí, có người còn dựa vào câu ca dao: "Tiếc thay hạt gạo trắng ngần. Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm", cho là dân gian muốn ám chỉ câu chuyện thất tiết của nàng công chúa Đại Việt "Mượn màu son phấn. Đền nợ Ô, Lý". Công chúa Huyền Trân 18 tuổi trăng tròn; trắng trong như hạt gạo tám thơm, song vì để cho đất nước Đại Việt có thêm hai châu Ô, Lý đành phải gạt lệ giã biệt quê hương lên đường sang Chiêm quốc làm vợ Chế Mân. Rồi khi Chế Mân chết, nàng được Trần Khắc Chung giải cứu khỏi kiếp nạn giàn hỏa và trên hành trình trở về cố quốc lại có tư tình với vị võ tướng này (?!). 

Thực ra, đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh câu hỏi, có hay không có chuyện tình giữa Huyền Trân Công chúa và võ tướng Trần Khắc Chung? Tuy nhiên, phần đông sử gia thời hiện đại khẳng định, câu chuyện tình là sự gán ghép ác ý của các sử gia thời Hậu Lê. Vì rằng, trên bước đường giải cứu Công chúa Huyền Trân, không chỉ có mỗi võ tướng Trần Khắc Chung, mà còn có An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng. Vả lại, Khắc Chung vốn người họ Đỗ, song do đã lập nên công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 nên được nhà vua ban quốc tính đổi thành Trần Khắc Chung, phong chức Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ thì con người đảm lược tài ba ấy đâu thể làm chuyện bại hoại danh tiếng. Thêm vào đó là sự chênh lệch tuổi tác giữa Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân...

Ngôi mộ vị tùy tướng của võ tướng Trần Khắc Chung được suy tôn Tiền Hiền làng Nam Ô.

Và, trong hàng loạt ý kiến đó, ý kiến xác đáng nhất là việc bác bỏ giả thuyết võ tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp Huyền Trân Công chúa từ bãi biển Thị Nại đưa ra biển lớn và đi loanh quanh trên biển một năm sau mới về tới Thăng Long. Các sử gia khẳng định, điều ấy hoàn toàn vô lý. Bởi vì, tiết trời tháng 9, tháng 10 ở miền Trung mưa, bão liên miên. Một chiếc thuyền nhỏ làm sao có thể bám biển, chống chọi với phong ba bão tố. Huống gì, thuyền nhỏ để cho võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân tư tình thì thử hỏi An phủ sứ Đặng Văn cùng những người khác trong đoàn tùy tùng đi ngã nào?... 

Từ luận điểm này, dẫn lại chuyện kể về trận đánh chặn hậu của vị tùy tướng ở làng Nam Ô, cùng miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa, cho thấy dù đây là chuyện ngoài chính sử, song cũng thêm một cứ liệu xác đáng để các nhà khoa học quan tâm mà có thể rửa sạch mối oan tình bấy lâu nay người đời đồn đại giữa võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân…    

Rời di tích mộ tiền hiền làng Nam Ô, tôi đến miếu thờ dưới núi Xuân Dương. Trước cảnh ngôi miếu cổ hàng trăm năm tuổi đổ nát theo thời gian mà không khỏi chạnh lòng. Các bô lão cho biết, khắc ghi lời dạy của cha, ông, hằng năm, cứ "xuân thu nhị kỳ" dân làng đều cúng tế tại miếu này. Song, việc trùng tu, bảo tồn di tích thì chưa có sự quan tâm của cơ quan chức năng.

Họ cũng tiết lộ về những bài vị trong miếu là do mới được làm lại sau này chứ không phải có cùng thời khi ngôi miếu được xây dựng. Vì thế, có thể tên những vị thần ghi trên bài vị khác với ý nghĩa được truyền tụng trong dân gian... 

Đem điều mắt thấy, tai nghe trò chuyện với Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô thì ông cho rằng: Vùng đất rộng lớn thuộc hai châu Ô - Lý, kéo dài từ bờ Nam sông Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) vào đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam), trở thành đất của Đại Việt, kể từ khi Chế Mân dâng cho vua Trần làm sính lễ để xin cưới Huyền Trân Công chúa (1306). Cho nên, khắp dải đất này nhân dân lập nên nhiều ngôi miếu thờ tưởng nhớ công lao của nàng công chúa "lá ngọc cành vàng" phải ra đi làm dâu Chiêm quốc vì nghĩa nước non...

Xuất phát từ lẽ đó, theo Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô thì câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng chài Nam Ô, thiết nghĩ cũng là đề tài đáng để cho các nhà sử học quan tâm, làm sáng tỏ mối oan tình giữa võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân. Bên cạnh đó, cơ quan có nhiệm vụ bảo tồn di tích văn hóa lịch sử của TP Đà Nẵng không thể để bỏ phế một ngôi miếu cổ đã hàng trăm năm tuổi, mặc cho thời gian và mối mọt làm đổ nát, hoang tàn. 

Thạc sĩ Lưu Anh Rô kể rằng, ông cũng đã từng nghe câu chuyện về di tích mộ tiền hiền làng Nam Ô và miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân nên nhiều lần đi điền dã, gặp gỡ trao đổi với các bô lão làng Nam Ô. Cứ mỗi lần gặp gỡ, các cụ già ở Nam Ô thường ngậm ngùi, rằng thấy ngôi miếu đổ nát mà chẳng được phép trùng tu thì thật đau lòng... 

Tiến sĩ sử học Lưu Trang cũng tìm được một điều hết sức lý thú qua bản cổ chỉ "Đà Sơn phổ chí". Đó là sau đám cưới của Công chúa Huyền Trân với Chế Mân khoảng 40 năm, Vua Trần Minh Tông còn gả một nàng công chúa khác cho vị tướng quốc người Việt gốc Chăm là ông Phan Công Thiên - người được hậu thế phong thành tiền hiền làng Đà Sơn (thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng ngày nay).

Nàng công chúa này đã xin vua cha cho chở nhiều thóc, trâu vào và dạy cho dân từ đèo Hải Vân đến bờ Bắc sông Thu Bồn cày cấy. Nàng còn chỉ dạy người dân làm hàng chục kho lớn để chứa thóc giống... 

Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô trầm ngâm mà rằng, công lao mở cõi của hai nàng công chúa nhà Trần đã in đậm trên từng tấc đất miền Trung thì việc người dân có lập miếu thờ ngưỡng vọng, ghi nhớ ơn đức muôn đời cũng là điều dễ hiểu!...

Nguồn tin: Long Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây