Giai thoại về bà Nghi được đồn đại, ca tụng quá mức theo hướng thần thánh hóa, làm nhiều người nhầm lẫn. Ngược lại, cũng có người quy kết hoạt động của bà là vi phạm pháp luật, mê tín dị đoan hòng trục lợi. Phóng viên Năng lượng Mới đã cất công tìm hiểu thông tin, hy vọng giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực nhất về người phụ nữ này.
Kỳ 1: Huyền thoại và những nghi vấn
Xuất thân… khác người
Lý lịch cũng như xuất thân của bà Nghi trong những năm qua được nhiều người và kể cả một số cơ quan thông tấn, báo chí làm sai lệch nhiều chi tiết theo hướng thần thánh hóa, làm người đọc hiểu lầm. Qua tiếp xúc với những người thân cận với bà Nghi, đặc biệt là chính quyền xã Lạc Long, Kinh Môn, Hải Dương, chúng tôi đã có được những thông tin về xuất thân của bà một cách chính xác.
Bà Nguyễn Thị Nghi sinh ngày 20/9/1956, tuổi Bính Thân, tại thôn Phương Quất, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Gia đình bà Nghi là làm nông hoàn toàn bình thường, bố mẹ và họ hàng chủ yếu sống tại tỉnh Hải Dương. Được biết, bà Nghi học hết lớp 7, học chuyên tu thêm vài năm và đã từng là cô giáo dạy trẻ ở xã. Người chồng đầu tiên của bà Nghi là ông Nguyễn Thế Truyền. Họ lấy nhau được vài ngày thì ông Truyền đi bộ đội và hy sinh năm 1975 ở mặt trận phía nam. Vài năm sau, bà Nghi tái giá với ông Phạm Quốc Mười và có với nhau hai mặt con, một trai, một gái. Đen đủi thay, ông Mười lại tiếp tục hy sinh năm 1982 tại Campuchia khi bà vừa sinh người con gái thứ hai.
Nữ sinh này bị ngất xỉu là do ma ám hay bị bệnh hysteria?
Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch xã Lạc Long, hiện nay, con trai bà Nghi – anh Phạm Quốc Kiên đã tốt nghiệp thạc sĩ, là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông, vợ anh Kiên hiện công tác tại một đài truyền hình ở Hà Nội; con gái là chị Phạm Thị Ánh Tuyết hiện công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chồng chị Tuyết hiện đang là giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân.
Cũng theo những nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi thu thập được, những khả năng đặc biệt của bà Nghi chỉ xuất hiện sau một trận ốm nặng năm 1986. Hoàn cảnh này rất giống với những nhà nhà ngoại cảm khác, cũng xuất hiện khả năng đặc biệt sau một trận ốm thập tử nhất sinh.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Lượng – trợ lý của bà Nghi hơn 20 năm qua thì sau khi bà Nghi bị bệnh, gia đình đã đem bà đi chữa trị khắp nơi (đông, tây y kết hợp với… cúng!) nhưng không khỏi. Đến khi bệnh viện trả về thì bà đã không ăn uống được gì ngoài nước cháo. Ốm đến tháng thứ tư thì bà Nghi nằm liệt giường, không tự ngồi dậy được.
Theo lời kể của chị Lượng và theo tài liệu chúng tôi có từ Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người thì hoàn cảnh bà Nghi có được những khả năng đặc biệt mang đậm tính hư cấu, tâm linh và huyễn hoặc.
Chuyện kể lại rằng, giữa lúc tính mạng của bà Nghi đang ngàn cân treo sợi tóc thì như có sức mạnh vô hình tiếp vào người, bà Nghi đang nằm ở giường bỗng bật dậy và nhảy lên xà nhà trên đầu giường cao chừng… 2m và ngồi trên đó. Bà nói với hai người em đang có mặt ở nhà khi đó là mời bố mẹ sang. Bà yêu cầu bố mẹ mình tìm một thầy cao tay nhất vùng về lập bàn thờ để bà cúng trời Phật, nếu không thì bà sẽ chết. Sau khi bố mẹ hứa sẽ mời thầy cao tay lập bàn thờ, bà lại tự mình nhảy xuống nền nhà, không hề xây xước gì và tiếp tục… nằm liệt giường.
Theo những tài liệu này ghi lại, sau khi lập bàn thờ cúng vái xong, bà cảm thấy rất dễ chịu và bình phục như không còn bệnh gì. Có một điểm khác biệt mà những tài liệu này không có mà chị Lượng đã kể lại với chúng tôi rằng, người thầy lập bàn thờ cho bà Nghi là một người phụ nữ đến từ Đông Triều, Quảng Ninh. Người này sau khi cúng vái xong, trên đường về nhà thì chết bất đắc kỳ tử khi đi qua núi.
Hàng ngày, bà Nghi tụng kinh niệm Phật vào buổi tối. Sau hai mươi ngày thì bà nằm mơ thấy một cụ già râu tóc bạc trắng đến dạy học chữ Thiên (chữ viết sớ hiện tại). (Chúng tôi cũng đã có được mẫu chữ này, nó gần giống chữ nho, cũng viết theo hàng dọc từ trên xuống. Khi đem hỏi nhiều chuyên gia Hán Nôm, họ cũng không đọc được).
Hàng ngày, cứ đến 12h đêm là bà Nghi bị đánh thức dậy để học chữ. Lúc đầu, bà tưởng mình nằm mơ nên không dậy thì như bị đánh, véo không chịu nổi nên phải dậy. Sau vài phút tĩnh tâm, bà thấy chữ hiện trên tường nhà, bên dưới là chữ quốc ngữ. Bà chỉ ăn ba muỗng cơm với nước trắng, muối hột và 5 trái ớt. Sau 3 tháng 10 ngày thì bà học xong và bắt đầu biết chữa bệnh. Ban đầu bà Nghi chỉ chữa cho người thân trong gia đình, trong làng, về sau, khi có tiếng tăm mới chữa cho khách thập phương.
Nghi vấn từ ngôi trường bị “vong” ám
Nhân thân, lý lịch và những chuyện liên quan đến hoàn cảnh xuất hiện khả năng đặc biệt của bà Nghi đã được chúng tôi kiểm định qua rất nhiều người, nhiều cơ quan chức năng. Họ đều khẳng định những thông tin này là chính xác. Bên cạnh đó, chúng tôi nghe được vô số những câu chuyện về khả năng chữa bệnh và tìm mộ như huyền thoại của bà Nghi. Chúng tôi đã cố gắng rạch ròi những yếu tố tâm linh và yếu tố khoa học, làm cho đầu óc tỉnh táo để sàng lọc và nhận định vấn đề. Từ đó chúng tôi thấy rằng, một số câu chuyện về quá trình chữa bệnh của bà Nghi có thể lý giải theo một hướng khác. Tuy nhiên, chúng tôi và nhiều người khác nữa đều chưa thể khẳng định tuyệt đối một cách lý giải nào hết.
Câu chuyện xảy ra đã lâu, từ năm 2004 tại Trường THPT Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ. Đích thân ông Nguyễn Quang Tuân, nguyên Hiệu trưởng nhà trường đã xác nhận câu chuyện này.
Dạ "Chữ Thiên" được bà Nghi viết trên sớ
Khoảng 7h55, tại sân trường THPT Xuân Áng, một nữ sinh bỗng dưng nổi loạn, hú hét, cắn xé quần áo sau đó ngất lịm tại chỗ. Mọi người vội vã đưa nữ sinh này vào phòng y tế của trường để cấp cứu. Kỳ lạ thay, trong khoảng 20 phút sau đó, 118 em lần lượt ngất theo. Đến ngày sau tiếp tục có 43 em bị ngất, trong đó 3 trường hợp phải chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.
Thời điểm năm 2004, đã có một số cơ quan báo chí thông tin về hiện tượng lạ này. Chúng tôi đã kiểm tra lại và khẳng định, việc này là có thật.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Ban Giám hiệu đã điện báo cho cơ quan chức năng, đồng thời tổ chức đưa 36 học sinh bị nặng nhất tới các cơ sở y tế và sơ cứu tại chỗ hàng chục em khác. Không khí lo sợ và căng thẳng tràn ngập trường. Ngày 19/10 đã có 250 nữ sinh 3 khối nghỉ học. Phụ huynh một số xã lân cận không cho con em đến trường.
Các thầy cô đã gặp gỡ, động viên và giải thích, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa tâm lý cho những nữ sinh này nhưng sức khỏe của các em vẫn rất yếu, cách điều trị chưa hiệu quả.
Trước tình hình đó, có người đã giới thiệu nhà trường đến Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi được giới thiệu lên trực tiếp giúp trường.
Theo bà Nghi, trong khu đất của trường hiện còn ngự 2 vong là… quân của Cao Biền. Khi nhà trường đào hai giếng nước năm đó đã làm đứt thượng tầng long mạch nên thần linh, thổ thần không hộ độ nữa. Bà Nghi đề xuất làm lại cổng trường, thay đổi phong thủy, hoàn thổ long mạch, xây nhà vệ sinh mới đồng thời trồng thêm hoa và một số cây ăn quả trong khuôn viên trường.
Khi bà Nghi lên trường, bà đã tặng nhà trường rất nhiều bình nước và rượu đã được làm phép. Nước này để các nữ sinh mắc bệnh đem về uống và xoa bóp.
Ngôi nhà nơi bà Nghi sinh sống
Sau khi làm lễ tại trường xong, bà Nghi khẳng định, ngày mai chắc chắn không còn học sinh nào bị ngất nữa. Việc này đã được một số cán bộ trong trường xác nhận. Như vậy, chỉ trong vòng ít ngày, với sự can thiệp của bà Nghi, tình trạng học sinh tự nhiên bị bệnh lạ đã được chặn đứng.
Việc nhiều người cho rằng, bà Nghi dùng khả năng ngoại cảm, chữa bệnh thành công cho Trường THPT Xuân Áng là hoàn toàn có căn cứ. Kết quả là rất tốt, triệt để mà chi phí lại không đáng kể.
Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu tập được, từ năm 2004 tới nay đã có rất nhiều trường học trên cả nước gặp phải hiện tượng các nữ sinh bị ngất hàng loạt như Trường THPT Xuân Áng. Điều đặc biệt, họ không dùng phương pháp chữa bệnh này nhưng các nữ sinh vẫn khỏi bệnh.
Trong các ngày 10 và 11/9/2010, hàng chục nữ sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã bị ngất xỉu đồng loạt trong giờ học. Bắt đầu là một nữ sinh lớp 11B9 bỗng nhiên hét lên một tiếng rồi ngất xỉu khi đang ở trong lớp học. Các nữ sinh khác hoảng loạn rồi đồng loạt ngất theo. Đến ngày 11/9, cũng tại lớp này, gần 20 nữ sinh cũng ngất xỉu tập thể. Các nữ sinh bị ngất đã được Ban Giám hiệu, giáo viên và nhân viên y tế kịp thời sơ cứu, chăm sóc nên hồi tỉnh nhanh sau 5-10 phút và trở lại học tập bình thường.
Tại nhiều địa phương như Phú Yên, Long An… cũng liên tiếp xảy ra những vụ việc tương tự. Biểu hiện của những học sinh này giống hệt những vụ ngất xỉu từ trước ở các địa phương khác.
Mới đây nhất, cuối năm 2011 lại xảy ra vụ ngất xỉu hàng loạt với con số kỷ lục tại Trường THPT Yên Thành 3 (huyện Yên Thành, Nghệ An). Tổng số học sinh ngất xỉu trong lớp 8 lên tới gần 300 em.
Người không hiểu chuyện, lờ mờ đồn đoán các em bị ma ám. Nhưng những bác sĩ có chuyên môn thì không nghĩ thế.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra tại Trường THPT Xuân Áng, Bác sĩ Hoàng Huy Giáp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa đã xác định ngay đây là bệnh hysteria, chỉ xảy ra ở nữ giới. Triệu chứng bệnh là hốt hoảng, nhịp thở nhanh, co quắp, phản xạ tự nhiên không bình thường hoặc ngất xỉu. Đây là hiện tượng hay gặp ở những em nữ dễ nhạy cảm, ủy mị, được nuông chiều, những người bị stress. Bệnh lan truyền rất nhanh, nhất là trong điều kiện tập thể song không phải là bệnh truyền nhiễm.
Tại các tỉnh Long An, Phú Yên, Nghệ An, những chuyên gia y tế cũng đã kết luận đây là hậu quả của căn bệnh hysteria. Với nhiều người, đây có lẽ là một căn bệnh rất lạ, không phổ biến ở Việt Nam. Bản thân chúng tôi, những người thực hiện bài viết này cũng có rất ít thông tin về căn bệnh trên.
Bác sĩ Lưu Xuân Thu cho biết, bệnh hysteria là một dạng rối loạn tâm thần kinh. Căn bệnh này xảy ra đột ngột, biểu hiện đa dạng và sau đó bệnh nhân lại bình thường. Y học hiện đại xếp hysteria vào nhóm bệnh loạn thần phân ly. Tần suất bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 10 lần do phụ nữ trẻ có hệ thần kinh nhạy cảm, thiếu sự chịu đựng. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em được nuông chiều quá mức.
Bệnh thường xuất hiện từng cá thể, nhưng đôi lúc cũng gây ảnh hưởng cho những người có hệ thần kinh yếu, chịu chung hoàn cảnh sang chấn, làm nhiều người cùng bị bệnh tập thể.
Để chữa trị căn bệnh này điều quan trọng nhất là phải ổn định tâm lý người bệnh, uống thuốc an thần, hướng bệnh nhân vào các hoạt động vui chơi, giải trí… là bệnh sẽ tự khỏi. Điều này giống với những động tác của thầy cô giáo, bố mẹ học sinh đã từng làm khi có nữ sinh mắc bệnh!
Như vậy, việc lý giải hiện tượng mà bà Nguyễn Thị Nghi cho rằng bị ma ám bằng luận giải khoa học hiện đại cũng là những lý giải hết sức thấu đáo. Việc khẳng định bệnh nhân khỏi bệnh là do được “trừ tà” hay do tác động của y học hiện đại chúng tôi cũng chưa thể trả lời ngay.
Nếu xét về sự nổi tiếng, thì có lẽ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi không thể bằng những tên tuổi như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên… Nhưng nếu xét về thâm niên làm nghề thì thấy rằng, bà Nguyễn Thị Nghi có quá trình dài hơn, ổn định hơn và làm từ thiện rất "đậm" tay.
Quá trình củng cố tài liệu, thu thập, kiểm chứng thông tin về bà Nghi chúng tôi thấy có nhiều lời đồn đại thật, giả khác nhau về khả năng chữa bệnh của bà. Và sự thật của những tin đồn này như thế nào?
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự