Lạ lùng chuyện tiên giáng, nuốt xác ở 'hang chết' Cao Bằng

Thứ tư - 14/03/2012 14:38
Lối vào chỉ một người khom người trườn như con rắn nhưng bên trong là khoảng không gian rộng lớn, hang Cô Tiên đang chứa đựng những bí ẩn nằm sâu trong dãy núi Khum Khảu thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).

Hang cửa hẹp

Hang Cô Tiên nằm ẩn sâu trong một dãy núi dài thuộc địa phận xã Thông Huề, từ nghìn đời nay đó là chứa đựng đầy bí ẩn với những câu chuyện lạ lùng có một không hai.

Người Trùng Khánh cho rằng, đó là hang chết. Nhiều người vào đó không chết thì cũng mất trí, thậm chí điên dại vì những lời nguyền bí ẩn hằn sâu trong vách đá.

Tin đồn cho rằng, đó là hang "nuốt xác", chỉ có vào mà không có ra. Đơn giản vì đó là "nhà" của một nàng tiên bị Ngọc Hoàng giáng xuống trần vì trót phạm tội với bề trên. Vì thế, nàng tiên này rất ác, thích hại người và làm những điều gây đau khổ cho người khác.

Một trong những câu chuyện rùng rợn ấy liên quan đến một thanh niên trong huyện Quảng Uyên đi tìm kho báu. Anh chàng này phát hiện cửa hang thì bò vào mặc cho người khác can ngăn. Một ngày rồi một tuần không thấy anh chàng kia ra. Người ta chỉ thấy ban đêm, có bóng một chàng trai bị xích bên cửa hang mà không cách nào thoát được.


Vẻ đẹp kỳ thú của hang Cô Tiên.

Thậm chí, nhiều đàn trâu bò lai vãng đến khu vực núi Khum Khảu thì lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Như năm 2008, nhiều người trong xã Thông Huề bị thiệt hại trâu bò vì lỡ để gia súc lên núi ăn cỏ, phạm vào lãnh thổ của Cô Tiên.

Một số người tò mò cũng vào hang để xem thực hư bên trong có gì mà tin đồn khủng khiếp đến vậy. Trong đó, có ông Nông Văn An ở xã Phong Châu đã mạo hiểm đốt đuốc chui qua cửa hang. Nhưng bên trong quá tối và rộng, lại có những tiếng kêu khó hiểu nên đành phải ra.

Không ngờ, về đến nhà ông An lăn đùng ra ngất xỉu. Gia đình cứu chữa mãi mới tỉnh, được ba hôm lại co giật sùi bọt mép và tử vong sau đó ít hôm. Gia đình biết chuyện ông An mạo phạm thánh thần nên phải mời thầy Tào đến giải hạn đuổi ma và cúng bái suốt 3 ngày liền.

Mặc cho những lời gièm pha, chúng tôi quyết định vào hang Cô Tiên để khám phá sự thật. Phải leo lên lưng chừng núi Khum Khảu, vạch lá chặt gai mới vào được cửa hang. Đường vào hang rất hẹp, chỉ một người khéo léo trườn vào như con rắn mới có thể qua. Sau 15 phút khom mình trườn, chúng tôi mới vượt qua đường cửa hẹp. Phía trong tối như hũ hút, nút rộng mênh mông. Những tiếng động lạ bên trong đập vào các thành đá tạo ra âm thanh vô cùng khó hiểu, tựa như tiếng thú hoang trong rừng già.

Soi đèn pin, đốt đuốc và dùng những vỏ trấu vừa đi vừa rắc để đánh dấu đường vào, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến quang cảnh bên trong với nhiều điều thú vị.


Phải bò mới vào được Hang Cô Tiên.

Giường tiên ngự và khu ruộng kỳ bí

Trải qua nhiều bậc đá lởm chởm những tai mèo, chúng tôi cũng đến được "chính điện" của hang Tiên. Giường tiên nằm hiện ra trước mắt, đó là khối đá lớn màu vàng nhạt, bằng phẳng như được mài. Tảng đá có chiều rộng 3 mét, dài khoảng 5 mét, hơi dốc về phía có tảng đá nhỏ (tương truyền đó là chiếc gối của Cô Tiên - PV).

Phía dưới có một cột nhũ đá lớn 5 người ôm không xuể mà theo như người Trùng Khánh đó là cột chống trời. Nhiệm vụ hình phạt của cô tiên là phải canh giữ cột đá này để đảm bảo cho thiên đình không bị kẻ xấu xâm hại đến.

Chưa hết, cách giường tiên khoảng 30 mét có một khu được gọi "ruộng tiên". Đó là một dải đá cát vàng hình ruộng bậc thang rộng khoảng vài chục m2 nhìn rất đẹp mắt.

Phía trên, là một vũng nước tự nhiên, đáng chú ý là vũng nước đó cứ tát cạn lại đầy. Chúng tôi quan sát kỹ thấy nước thẩm thấu từ phía dưới đáy của phiến đá và tràn ra ngoài. Theo ước tính, phía bên trong hang Cô Tiên rộng khoảng 1.000m2. Các cột thạch nhũ đá cùng những hang động nhỏ đã tạo cho hang Cô Tiên một vẻ đẹp kỳ thú lẫn kỳ bí.


Cột chống trời.

Xuất hiện "rắn thần"

Theo ông Nông Lưu Đồng - Phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã Thông Huề: "Thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, hang Cô Tiên là nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng và nhân dân địa phương. Với địa thế hiểm trở như hang Cô Tiên thì rất khó để người ngoài phát hiện".

Cũng theo ông Đồng và người dân địa phương, mấy năm trước trong hang Cô Tiên xuất hiện "rắn thần" có mào đỏ. Đó là con rắn lớn, nặng trên 20kg, người Trùng Khánh cho rằng, đó là hiện thân của Cô Tiên nên không đám thợ săn nào dám vào hang truy tìm.

Chính mắt ông Đồng cũng đã hai lần nhìn thấy con rắn lớn bò ra khỏi hang: "Hôm đó tôi qua cửa hang thì thấy động trong lùm cây, chạy lại nhìn thì thấy con rắn lớn có mào. Con rắn lớn phùng mang rồi phì phì mấy cái rất đáng sợ"."Hang Cô Tiên là một danh thắng đẹp có khả năng thu hút du lịch của huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi sẽ kiểm tra, lập hồ sơ, khoanh vùng bảo vệ để có kế hoạch lâu dài cho phát triển du lịch địa phương".

Không chỉ ông Đồng nhìn thấy mà khá nhiều người ở xã Thông Huề đi lấy củi đã thấy con rắn này. Điều lạ lùng, con rắn lớn có khả năng ngụy trang rất giỏi. Lúc thì đổi thành màu lá cây, lúc lại màu đá núi. Có lẽ vì những lời đồn ma quái cũng như sự xuất hiện của con rắn khổng lồ đã khiến nhiều người sợ hãi không dám vào hang Cô Tiên.

Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Lù - Chủ tịch MTTQ xã Thông Huề, ông Lù cho biết: "Đó là một hang thiêng, sự xuất hiện của con rắn lớn là có thật. Tuy nhiên, tin đồn ma quái liên quan đến hang Cô Tiên thực hư thế nào thì chúng tôi không dám khẳng định".

"Hang Cô Tiên được người dân phát hiện từ thời kháng chiến. Tuy nhiên, vì những tin đồn chết chóc nên rất ít người dám vào. Bản thân tôi cũng chưa từng một lần vào đó. Còn tin đồn ma quái bắt người thực ra không có thật, chúng tôi luôn bám sát dân để đẩy lùi những tin đồn mê tín ấy".

Ông Lưu Hồng Sơn (Chủ tịch UBND xã Thông Huề)

"Hang Cô Tiên là một danh thắng đẹp có khả năng thu hút du lịch của huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi sẽ kiểm tra, lập hồ sơ, khoanh vùng bảo vệ để có kế hoạch lâu dài cho phát triển du lịch địa phương".

Ông Lương Văn La (Trưởng phòng văn hóa huyện Trùng Khánh) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây