Huyền thoại khó tin về cao thủ

Thứ tư - 21/03/2012 20:19
“Có Dương vừa xông đến, nhanh như cắt Thoong Phênh đã tung người tung cú đòn cước như trời giáng. Và, chỉ một đòn duy nhất ấy, Có Dương đã bị ông Thoong Phênh đánh bật vào một bức tường ở gần đó…”

Vùng núi Tây Bắc nhiều đời nay vẫn là mảnh đất ẩn chứa bao điều bí ẩn. Nếu không được mắt thấy tai nghe, có lẽ chẳng ai tin khi nhắc đến những khả năng kinh dị, phi thường của những cao nhân ẩn tích dưới điệp trùng núi non vời vợi ấy. Ông Thoong Phênh, người dân tộc Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp là một trong những nhân vật đầy huyền bí mà chúng tôi đã được Lò Siêng Ón, “truyền nhân” của ông kể lại một lần băng rừng lên đất Sơn La.

Cao nhân xuất chiêu

Ông Lò Minh Ón hiện là Phó chủ tịch Hội khuyến học của huyện, tuy nhiên, đam mê của ông là nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Thái, Lào đang sinh sống ở mảnh vùng biên xa xôi này. Ông cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài khoa học được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, đạt được nhiều bằng khen cao quý.

Để đạt được những thành quả ấy, chính bản thân ông đã phải mày mò, đi và ghi chép quá nửa đời người. Chính bởi thế, có thể nói, về mảnh đất vùng Sốp Cộp này, khó có ai thông thạo bằng ông. Tuy nhiên, như lời ông Ón thừa nhận, dù đã dày công nghiên cứu, nhưng chính mảnh đất mà ông sinh ra và lớn lên vẫn ẩn chứa bao điều kỳ bí mà ông chưa thể lý giải được. Một trong số đó là cao nhân “võ Lào” Thoong Phênh, người ông đã từng tôn làm thầy và theo học một thời gian.

Theo lời ông Ón, ông Thoong Phênh sinh vào đầu những năm đầu thế kỷ trước và mất vào chừng năm 1985. Ông người dân tộc Lào, khoác áo tu hành từ tấm bé và tu tập trong chùa ở khắp Luông Pha Băng tới Sầm Nưa. Ông Phênh dáng người to cao, lực lưỡng. Chừng ngoài 30 tuổi, ông hoàn tục trở lại Mường Và xây dựng gia đình. Kể từ đó, những câu chuyện về tài năng võ thuật xuất chúng như truyền thuyết của ông được truyền tụng khắp các bản làng. Tên tuổi của ông vẫn được nhắc tới như một bậc cao nhân vĩ đại mảnh đất Mường Và đến tận ngày nay.

“Không ai biết trong những năm bôn ba trên nước bạn Lào ông Thoong Phênh đã học được những gì. Thế nhưng, rất nhiều người dân và chính mắt tôi cũng được chứng kiến nhiều câu chuyện khó tin về ông. Những câu chuyện về Thoong Phênh cũng được truyền tai như huyền thoại.

Đầu tiên, phải kể đến là ông có sức khỏe vô địch, gấp mấy lần người bình thường. Có bận, trong bản có nhà bị cháy, ông đến giúp dập lửa. Nếu những người bình thường hổn hển đi được một chuyến nước thì ông đi được hai chuyến. Không những thế, những người khác chỉ mang được một chum thì chạy phăm phăm, ông ôm được hai chum nước trên tay.

Tôi cũng từng đứng hò reo cổ vũ bởi màn biểu diễn ông dùng răng của mình mà nhấc được cả một chum to chứa đầy nước mà hai người khênh đi xiêu vẹo”, ông Ón kể.

Tuy nhiên, màn võ mà ông Ón cho rằng “cả đời không quên được”, đó là cuộc tỷ thí giữa ông Thoong Phênh và đoàn người Tàu.

Ngày ấy, ở Mường Lay (Lai Châu), ông Đèo Văn Mun, em trai “vua Thái” Đèo Văn Long là người thích giao du, thích học võ thuật, phép thuật nên hay mời các võ sư, pháp sư ở khắp nơi đến tư gia của mình chơi. Một ngày, khoảng năm 1950, có võ sư người Trung Quốc tên là Có Dương cũng nghe tiếng trọng hiền, đãi sĩ của Đèo Văn Mun mà tìm tới và có lời thách đấu với tất cả những cao thủ trong vùng. Nghe tiếng ở Mường Và có ông Thoong Phênh tài sức hơn người nên thông qua ông Mun gửi lời thách đấu. Nhận lời mời đó, một sáng, cùng với đám thanh niên trai tráng, hai ông cắt đường rừng tìm đến Mường Lay.


Màn tỷ thí của Thoong Phênh và Có Dương đã khiến cho nhiều người chứng kiến một phen đã mắt. Đó cũng là câu chuyện được kể như huyền thoại. Ảnh minh họa.

Tới nơi, Có Dương đã đánh bật bao cao thủ chỉ với vài quyền thế khiến người xem khi ấy kinh hồn bạt vía. Nhiều người lo ngại, ông Thoong Phênh tuy có võ thuật tài ba nhưng khó lòng đánh lại, như thế thì người Việt mình “bẽ mặt lắm”.

Khi mọi người còn đang nhớn nhác sợ hãi thì phắt một cái, ông Thoong Phênh đã bật lên đài. Chẳng cần thủ thế gì nhiều, thấy đối thủ xuất hiện, Có Dương lao vào đánh tới tấp. Thế nhưng, vừa xông đến, nhanh như cắt Thoong Phênh đã tung người tung cú đòn cước như trời giáng. Và, chỉ một đòn duy nhất ấy, Có Dương đã bị ông Thoong Phênh đánh bật vào một bức tường ở gần đó. Sau cú đánh, Có Dương lảo đảo bước nhưng không thể nào đứng vững mà đổ ụp xuống. Tiếng hò reo dậy đất lại ầm ầm cất lên.

Màn biểu diễn… “rợn tóc gáy”


Ông Lò Minh Ón.


Đi đến nhiều nơi, nghiên cứu nhiều năm, ông Ón vẫn còn nhiều điều chưa thể lý giải về mảnh đất vùng biên giới này.

Ngày vùng đất này mới giải phóng, bộ đội biên phòng đến để dựng đồn, bảo vệ biên cương. Nghe tiếng ông Phênh giỏi võ, nhiều anh lính trẻ tò mò, muốn thử tài nghệ. Thế nhưng, ông bảo không chịu, ông bảo “nghề” của ông có những phép tắc, cấm kỵ riêng, không tiện sử dụng bừa bãi được.

Thế nhưng, vì quá tò mò lại hiếu thắng, những anh lính trẻ vẫn khăng khăng muốn mục sở thị cho kỳ được tài nghệ của vị cao nhân nức danh vùng Tây Bắc này. Thậm chí, để “mục kích”, những anh lính trẻ này còn dùng đủ mọi chiêu trò quyết để ông Phênh “ra đòn”.

Cực chẳng đã, thấy từ chối chẳng yên, một lần, ông Phênh quyết định biểu diễn tài nghệ cho các anh lính biên phòng. Trước sự chứng kiến của cả dân làng, Thoong Phênh bảo, nếu anh nào đủ sức dùng dao chém ông chảy máu thì ông sẽ đi khỏi đất này, còn không thì hãy để ông yên.

Nói rồi ông đưa cho các anh bộ đội con dao sắc lẹm, gạt mọi người ra, mắt nhắm nghiền ngồi thu lu ở giữa bãi đất trống. Tuy nhiên, nhìn cao dao sáng quắc, chặt thử cành cây thì chỉ cần nhẹ tay cũng đủ lìa cành, chẳng anh lính nào dám vung tay đọ sắt với… da thịt. Thấy lính cứ lần chần mãi chẳng chịu ra tay, đoạn, ông đứng phắt dậy, giật lấy con dao sắc lẹm cứ thế… bùm bụp chém thẳng tay vào da thịt. Chém hết ở vai, ông Phênh lại chém xuống cẳng chân. Nhát nào cũng đầy uy lực.

Mấy anh lính trẻ thấy vậy thì giật mình kinh hãi, nhiều người còn phải nhắm mắt quay đi, không dám chứng kiến. Thấy ông buông dao, mới dám hé mắt nhìn. Tuy nhiên, lạ thay, da thịt ông vẫn vẹn nguyên. Có anh lính bạo gan tiến lại, sờ thử da thịt ông thì thấy không hề xầy xước. Sau bận ấy, ai ai cũng nể sợ, cũng không ai dám đòi thử tài vị cao nhân ấy nữa…

“Chứng kiến từ đầu đến cuối màn biểu diễn, tôi như người bị bỏ bùa. Vừa sợ, vừa thích thú, vừa tò mò… tôi quyết tâm “bái sư” cho kỳ được con người kỳ lạ này”, ông Ón kể lại cái “cơ duyên” mà sau này ông đã theo chân Thoong Phênh học võ…

Môn võ kỳ bí và mối họa ‘sát vợ’

 Theo học võ của cao nhân Thoong Phênh, rồi lại bái ông Kha Lai làm thầy, nhưng cuối cùng ông Ón cũng phải bỏ dở giữa chừng. Bởi, theo ông, những “thuật” này có những cấm kỵ rất nghiêm ngặt và cái họa “sát thê” luôn đeo đẳng bên mình…

Chứng kiến tài năng đến độ khó tin của Thoong Phênh, ông Ón quyết tâm gặp kỳ được vị cao nhân này để bái sư học đạo. Tuy nhiên, bao nhiêu lần đến năn nỉ xin học là bấy nhiêu lần ông bị từ chối.

“Ông Phênh cứ lắc đầu nguầy nguậy, không chịu nhận tôi. Ông bảo, cái “nghề” này phải có duyên mới học được, cực khổ trăm đường. Không những vậy, quan trọng hơn cả là phải có cái “tâm”, biết từ bỏ những dung tục đời thường mới mong thành công được. Nếu vẫn vướng bận, không rũ bỏ được “thú vui hồng trần” thì sẽ rước họa vào thân.

Thế nhưng, lúc ấy, bởi quá say mê nên tôi vẫn kiên trì xin học cho kỳ được. Mãi sau, ông Phênh mới gật đầu đồng ý. Nhưng ông cũng cảnh báo, tôi hãy “chừa cho mình một cửa lui”, không nên dấn thân quá sâu để sau còn có thể quay lại được. Tôi đồng ý”, ông Ón kể.

Theo lời ông Ón, trong quá trình theo học ông Phênh, nhiều lần ông Ón còn được chứng kiến ông Phênh làm phép “đuổi ma” chữa bệnh cứu người. Ông Phênh có cây gươm sáng loáng. Ông quý thanh gươm hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Ông bảo, thanh gươm đó đã được thầy ông yểm phép, nên có thể xua đuổi ma tà. Trước đây, khi mới trở về, Phìa Tạo vùng này đã dùng nhiều bạc trắng và cả chục con trâu mộng để gạ ông nhượng lại thanh gươm đó. Dù sống trong nghèo khổ nhưng trước những của nải đó, ông chẳng động lòng.

Trước khi chữa bệnh, ông Phênh thường “làm sạch” bản thân mình bằng chính thanh gươm đó.

“Ông lấy mũi gươm ngoáy thật mạnh vào mũi, mắt mình rồi cứa cả vào những kẽ tay, kẽ chân. Lưỡi gươm nhọn hoắt, sắc lẹm thế nhưng kỳ lạ, da thịt ông vẫn trơn tru không mảy may tì vết. Nhờ thanh gươm ấy, người bệnh được ông chữa cho cũng nhiều vô kể”, ông Ón gật gù nhớ lại.

Nghe chuyện ông Ón kể về màn “làm sạch” khó tin này, anh bạn tôi là một người ngược xuôi Tây Bắc nhiều lần cũng thừa nhận, chính anh cũng chứng kiến cảnh ấy. Nhưng cũng như ông Ón, anh cũng không thể lý giải tại sao mà chỉ giật mình kinh sợ.

“Cả tôi và mấy người bạn đi cùng đều chứng kiến thanh gươm nhọn hoắt, thử chạm vào thì sắc đến độ xước da thịt, ấy vậy mà ông ta cứ dùng lưỡi gươm đâm qua kẽ chân kẽ, kẽ tay. Thậm chí, lưỡi gươm ấy còn đứng thẳng trên bát gạo, không hề suy chuyển. Liệu có phải là một phép “ảo thuật” đánh lừa thị giác không hay một điều kỳ bí khó giải thích thì tôi không dám chắc”, anh bạn kể chắc nịch.


Ông Lò Văn Pín, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng có thuật chữa bệnh bằng kiếm tương tự như ông Thoong Phênh. Ông Lò Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cũng xác nhận việc chữa bệnh của ông Pín là có thật.


Tuy nhiên, cũng phải chịu nhiều cấm kỵ nên ít người dám theo học. Thanh kiếm của ông Pín giờ được cất giữ cẩn thận trên ban thờ. “Không biết ở bên Lào thế nào chứ ở đây thì không ai học nữa rồi. Thanh kiếm này chắc phải chôn theo tôi thôi”. Tay mân mê thanh gươm, ông Pín nói giọng đầy tiếc nuối.

Những cấm kỵ nghiêm ngặt và mối họa “sát thê”

Tò mò và ham mê đến vậy, thế nhưng, ông Ón chỉ học được một thời gian rồi lại bỏ dở giữa chừng. Bởi, theo ông Ón, lời cảnh báo của ông Phênh năm nào tưởng như chỉ là câu nói “lửa thử vàng” hóa ra lại “vận” vào rất nhiều cao nhân không đành lòng rũ bỏ “thú vui hồng trần”.

Theo đó, những người học không được lấy vợ, không được ham muốn cuộc sống giàu có, phải chấp nhận cả đời sống trong nghèo khổ. Nếu ai cố tình bước qua những phép tắc trên thì như một lời nguyền, người đó sẽ không bao giờ có được hạnh phúc, thậm chí còn mang họa diệt thân.

“Ông Phênh, sau này, cũng đã lấy vợ. Nhưng chẳng bao lâu thì vợ ông lăn ra chết. Rồi đến ông Khăm Phăn Ắc, cũng là người vùng này, so với Thoong Phênh thì không nổi tiếng bằng nhưng tài chữa bệnh cũng thuộc hàng danh tiếng. Khi gặp ông Ắc và tìm hiểu, tôi cũng được ông cho hay, ông học những thuật này bên nước bạn Lào.

Sau đó, vì không tuân thủ các phép tắc khi nhập môn nên ông Ắc đã phải chịu số phận rất bi đát. Đó là người vợ của ông không ốm đau bệnh tật mà đột tử khi còn rất trẻ. Người vợ thứ hai chưa kịp sinh cho ông được mụn con cũng rời bỏ ông về thế giới bên kia. Lần thứ 3 ông lập gia đình cũng không thoát khỏi mối họa “sát thê”. Người vợ ấy cũng bị chết bất đắc kỳ tử.

Bởi thế, từ bỏ thú ham, tôi chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu chứ không dám dấn thân quá sâu vào việc học những thuật này”, ông Ón kể.


Ông Ón và vợ, cùng nhiều tài liệu mà ông sưu tầm, ghi chép bằng chữ cổ.

Cũng bởi mối họa luôn canh cánh ấy mà sau này, ông Phênh và ông Ắc cùng nhiều người khác cũng mất đi trong cảnh cô độc và nghèo khổ. Vì thế, nên theo lời ông Ón, truyền nhân của những vị cao nhân ấy đến giờ hầu như không còn ai. Những câu chuyện về võ Lào lừng danh hay nhiều thuật chữa bệnh lạ kỳ cũng dần dần chỉ được kể lại như những truyền thuyết một thời.

“Tôi cũng đã xuất bản nhiều cuốn sách và đang trong quá trình hoàn thiện một số công trình nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng bằng tiếng dân tộc. Dù mất cả nửa cuộc đời để tìm hiểu, sưu tầm tôi vẫn chưa thể lý giải hết, vén bức màn huyền bí của mảnh đất này. Thế nhưng, dù thế nào, những nét huyền bí ấy cũng là một phần không thể thiếu làm nên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Lào, Thái nơi đây”, ông Ón nói.

Nguồn tin: Infonet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây