Hành hương tháng ba ngắm mai vàng trên đỉnh Yên Tử

Chủ nhật - 25/03/2012 14:05
Yên Tử vẫn được xem là một thắng cảnh vào hàng đệ nhất vùng Đông Bắc, nơi được mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Không quá ồn ã, đông đúc như tháng giêng, hai, Yên Tử tháng ba mặc dù vẫn có những đoàn khách trẩy hội nhưng đã có sự vắng vẻ hơn. Cách Hà Nội hơn 200 cây số, khu danh thắng Yên Tử thuộc Đông Triều, Quảng Ninh trở thành trung tâm của Phật Giáo từ khi vua Phật Trần Nhân Tông lên núi tu hành và sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm.

Hơn 700 năm trôi qua, đã có biết bao dấu chân của du khách đến đây, đến nỗi nhiều phiến đá lót trên lối đi đã trở nên mòn nhẵn. Trong lịch sử nhân loại có lẽ hiếm có vị vua nào đang ở đỉnh cao của quyền lực và danh vọng, lại từ bỏ tất cả để bước chân vào chốn thiền môn như thế.

Vị vua anh hùng đã hai lần chiến thắng đại quân Nguyên Mông. Vị vua kiệt xuất ấy khi đất nước không còn tiếng gươm đao lại từ bỏ ngai vàng, từ bỏ vinh hoa phú quý, rũ bỏ bụi trần, lên chốn non thiêng tu đạo cứu đời. 

Chuyện rằng, sau khi rời thuyền rồng lên bờ, ngài bỏ vương miện đội chiếc nón tu lờ (loại nón của các nhà sư), cởi bỏ hia vàng đi giầy cỏ, chống gậy trúc mà lên đỉnh non thiêng. Voi, ngựa, võng lọng, kiệu rồng đều không được rước theo. Đến cái bóng của tán vàng lọng tía ngài cũng không cho che lên đầu.

Hành trình chinh phục danh sơn bắt đầu bằng Chùa Giải Oan.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan. Tục truyền xưa kia khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con tìm đến cõi Phật. Các cung tần và mỹ nữ quyết theo ngài đến tận chân núi để mong ngài trở về cung cấm mà không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan.

Đi qua hàng tùng 700 năm tuổi...

...Là tới vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp lớn nhỏ.

Nổi bật nhất là tháp tổ Huệ Quang.

Đi qua hàng tùng cổ thụ 700 năm là tới vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp lớn nhỏ. Nổi bật trong vườn tháp là tháp tổ Huệ Quang. Đây là ngôi tháp do đích thân vua Trần Anh Tông cho xây để chứa xá lỵ vua cha vào khoảng năm 1310. Các khối đá được gia công cẩn thận, mạch ghép rất thẳng và có thêm lỗ cá chì ghép mối, những viên đá ở phía ngoài có chạm nổi đề tài sóng nước.

Chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng.

Ấn tượng nhất là ba cây đại cổ thụ, gốc to lớn sần sùi, cành đan vào nhau giữa mây trời.

Một Mái chùa xưa giữa trần ai/Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài.

Chùa Bảo Sái nằm chênh vênh bên sườn núi ở độ cao 700m.

Sau chùa Hoa Yên là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là tới chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn.

Tượng An Kỳ Sinh vẫn trơ gan cùng sương gió.

Bước chân người lữ hành chênh vênh trên đá núi.

Đi lọt giữa những tảng đá.

Để tới được Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương, có lẽ đã xúc cảm trước cảnh núi mây hùng vĩ của Yên Tử mà viết lên bài “Trên đỉnh Phù Vân” nổi tiếng với những ca từ tuyệt đẹp. “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự/Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài/Vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu”.

Trên đường trở xuống bạn sẽ đi qua chùa Vân Tiêu nổi lên giữa mây trời bát ngát.

Những ngôi mộ tháp dưới gốc thông.

Ở Yên Tử, mỗi am và tháp đều được dựng giữa hai gốc thông, tùng vì theo quan niệm của người phương Đông, tùng vốn là cây thiêng, có khả năng hút linh khí của trời đất, việc tọa thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư. Thêm nữa, theo kinh Phật, khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Kushinagar (Ấn Độ), ngài nằm ở giữa hai cây Ta la song thọ đang nở hoa trắng...

Đến Yên Tử mùa này bạn còn có dịp ngắm những nhành mai vàng khoe sắc giữa rừng núi.

Đến Yên Tử mùa này, bạn có còn dịp trải lòng hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, được ngắm và hít thở thứ hương thơm lan tỏa đến nhẹ nhàng và thanh khiết từ một loài hoa có tên là mai vàng. Mai vàng Yên Tử độc đáo, tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển, cao sang và may mắn.

Tương truyền câu chuyện rằng, thời đó Phật hoàng Trần Nhân Tông đã mang theo giống mai tôn quý thanh cao này về trồng. Có lẽ vì thế mà mai ở Yên Tử còn được gọi là “đại lão hoàng mai”. Các điểm có nhiều mai vàng như thác Vàng, thác Bạc, khe Chè, dốc Hẩy. Những cây mai vàng cổ thụ vươn cao chọc trời, tỏa mùi hương thơm phảng phất và khoe sắc vàng rực giữa chốn núi rừng xanh thẳm.

Nguồn tin: Giang Hoàng - Afamily

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây