Áo cà sa tượng trưng cho Đạo Pháp
Chiếc áo cà sa (pháp phục - PV) được xuất hiện sau khi Đức Phật thành đạo, Tăng đoàn bắt đầu được thành lập và theo như kinh sách tiếng Hán, áo cà sa còn gọi là Cát triệt y hay Điền tướng y, là những mảnh vải vụn nhặt được ở bãi tha ma, tượng trưng cho những gì tầm thường nhất và cũng để nhắc nhở người xuất gia cần có một đời sống khiêm tốn và đơn sơ nhất.
Các sư tăng Phật giáo Nguyên thuỷ cho đến nay vẫn mặc bộ cà sa do Đức Phật chế ra.
Người xuất gia khoác lên người áo cà sa để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám níu. Chiếc áo ấy đem đến sự an lạc cho họ, giúp họ phát lộ lòng từ bi, làm gia tăng trong tâm thức họ sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh và trí tuệ.
Mặt khác áo cà sa còn gây nhiều sự chú ý của giới nghệ thuật, đã đi vào văn học dân gian, in đậm vào văn hoá và tư tưởng con người. Người xuất gia mặc áo này trông trang nghiêm và dễ mến, kể cả nếp nhăn hoặc nếp rũ trên cà sa.
“Những ai đã Giác Ngộ đều tôn kính chiếc áo cà-sa, tin tưởng nơi chiếc áo đó. Họ xem đó là chiếc áo của giải thoát, một cánh đồng của phúc hạnh, một mảnh áo vô tướng, mảnh áo của Như Lai, mảnh áo của sự Giác Ngộ hoàn toàn, hoàn hảo và không có gì so sánh được” - Đạo Nguyện (đại thiền sư người Nhật) nhấn mạnh.
Trong kinh Pháp Hoa, áo cà sa còn là biểu tượng của hạnh khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục và trong Phật giáo những biểu tượng ấy có liên hệ mật thiết với tinh thần bình đẳng, tin chắc rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính và khả năng thành Phật. Đó là tâm từ, là hạnh thành Phật.
Ngày nay, mặc dù tùy theo truyền thống của từng học phái, địa phương, phong tục, khí hậu… mà chiếc áo cà sa cũng biến dạng đi, từ cách may cho đền màu sắc nhưng những biến đổi đó vẫn luôn luôn giữ được truyền thống và phong cách hàng ngàn năm của Phật giáo. Tất cả đều không đi ra ngoài... Đạo Pháp.
Bình bát là bảo vật truyền thừa của chư Phật
Trong kinh Phật bổn hạnh có nói: Khi đức Phật còn tại thế, có hai thương gia là Đế Ly Phú Bà và Bạt Ly Ca đều ở phía bắc Ấn Độ. Hai vị này, một hôm đem sữa cúng dường đức Phật nhưng đức Phật không có đồ đựng.
Bình bát - bảo vật truyền thừa của chư Phật
Lúc bấy giờ có bốn vị thiên vương đem bốn cái bát bằng vàng đến dâng cúng đức Phật để đựng sữa, ngài không nhận. Bốn vị thiên vương ấy lại trở về đem bốn cái bát khác bằng những thứ quý: ngọc, ngà, xa cừ... để dâng cúng đức Phật, ngài cũng không nhận. Sau cùng bốn vị ấy đem dâng cúng bốn cái bình bát khác bằng đá, đức Phật rất hoan hỷ.
Theo tiếng Phạn thì bình bát gọi là Bát Đa La (người Trung Quốc dịch là Ứng lượng khí) nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người.
Bình bát chỉ được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi thấm nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý... Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của bậc xuất gia. Và thông thường túi đựng bình bát bằng vải, cùng màu với màu y.
Ở các nước Tiểu thừa Phật giáo, chư Tăng thường đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Đại thừa Phật giáo thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong ba tháng an cư kiết hạ, có nơi còn ba tháng kiết đông nữa.
Đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm cúng dường trai tăng (thực phẩm và những vật dụng cần thiết) thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai. Sau khi các vị đã đắc giới, chư giới sư trao truyền bình bát và bắt đầu trì bình (ôm bát đi khất thực) từ đó.
Mỗi lần đi khất thực, tay nâng bình bát đang còn trống không, đức Phật dạy đệ tử của ngài không phiền muộn, không lo lắng mà phải an tịnh và nhận đồ cúng dường với tâm bình đẳng.
“Pháp phục và bình bát là tài sản thiêng liêng, quý báu của người hành Đạo. Vì nó là phương tiện giúp cho Tỳ Kheo an ổn trong sinh hoạt hằng ngày và phòng hộ thân tránh tham đắm dục lạc. Khi còn tại thế Đức Phật vẫn luôn nhắc nhở, khuyến khích các Tỳ Kheo hãy thường giữ bên mình 3 y và 1 bình bát. Đó là Pháp phục truyền thống của ba đời Chư Phật” - Giáo lý của Đức Phật viết.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự