Bắt nguồn từ lòng hỷ xả, ai đến đền chùa cũng muốn cỗ bàn thật tố hảo để dâng lên Phật. Chính vì thế sự hỗn loạn của cỗ chồng lên cỗ, lễ chồng lên lễ, người đi chùa, đền chen chúc nhau, chụp giật nhau từng chỗ đứng, từng vị trí đặt lễ và thi nhau khấn vái thật to để Phật nghe thấy nguyện cầu của mình cho thấy một bức tranh ngao ngán nơi chốn tâm linh.
Dịch vụ cúng đơm
Phú quý sinh lễ nghĩa. Không thể nói, sự hỗn loạn ở đền, chùa bắt nguồn từ lòng tham của mỗi người khi đi lễ chùa. Khi đời sống đã ở mức cao hơn, nhu cầu tâm linh, văn hóa thờ cúng trong mỗi gia đình càng được đặt làm trọng.Việc cúng lễ tại nhà, hay lên đền, chùa để cầu khẩn đã như là một nhu cầu tự thân thiết yếu trong đời sống hằng ngày của con người. Người giản đơn thì các nhu cầu cúng, niệm, tụng để đến với Phật cũng giản đơn. Lên đền chùa đi lễ là để gần hơn với Phật, để ngộ lòng từ bi hỷ xả trong cuộc đời. Nhưng với nhiều người khác, việc lễ cúng đã gần như là một hoạt động tín ngưỡng biến thái. Chính vì nắm bắt nhu cầu của người dân mà nhà đền, nhà chùa sẵn sàng đáp ứng những dịch vụ mà người dân mong muốn.
Trước đây, nghề thầy cúng là tự phát, hoặc cha truyền con nối. Hiện nay, có một số chùa lớn có các lớp hẳn hoi đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho thầy cúng với danh hiệu là Pháp sư. Đội ngũ pháp sư chủ yếu là ghé một chân phục dịch và phụ việc ở các đền, chùa lớn. Giúp nhà sư cúng bát hương, hô thần nhập tượng, cúng cầu siêu, cầu an, giải hạn, viết sớ... cho những người dân có nhu cầu đến chùa lễ. Ngoài ra, nghề chính của họ là đáp ứng tất cả các nhu cầu về dịch vụ cúng đơm của khách hàng có nhu cầu rước thầy về nhà làm lễ, cầu an, giải hạn hay cúng đơm khác tại nhà. Cái giá để rước một vị sư nhiều kinh nghiệm ở một ngôi chùa nào đó, hay một thầy pháp sư giỏi về lập đàn siêu độ cho gia tiên, hay lập đàn cúng giải hạn cầu an đầu năm cho một gia đình là vô giá.
Các dịch vụ thi nhau mọc ở chùa.
Phần lớn, các ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều đưa ra rõ ràng, niêm yết bảng giá các loại dịch vụ cúng từ giải hạn, đến cầu siêu, gửi trẻ sơ sinh lên chùa, hay cho thờ ảnh người thân đã quá cố tại chùa. Tùy vào mức độ công việc cụ thể của từng gia chủ, hoặc tùy vào từng lễ mà nhà chùa trên cơ sở bảng giá đó tăng hay giảm tiền.
Ví dụ để mời một Pháp sư ở chùa Phúc Khánh về lễ tại nhà, đơn giản nhất tiền công của cả pháp sư chính và giúp việc cho pháp sư phải trên dưới 3 triệu đồng, chưa kể vàng mã hạn chế lắm thì cũng phải trên dưới 2 triệu, ngoài ra còn lễ chay lễ mặn... để được đặt một cái ảnh người thân quá cố lên chùa thì phải mất từ 3-5 triệu đồng nộp cho nhà chùa. Để mời rước được nhà sư về cúng, hoặc làm lễ nhập trạch, hay siêu độ gia tiên, tiền công ít nhất cũng phải từ 3 đến 10 triệu đồng. Đó là đối với giới công chức, còn giới làm ăn buôn bán thì một cái lễ như vậy không thể tính bằng tiền triệu được mà phải lên tới hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Tiền tỷ chảy về đâu?
Ở chùa Tứ Kỳ, nhà chùa bán những chiếc lá cầu nguyện để treo lên cành cây đặt dưới bàn nhà thờ tổ. Nhà chùa sẽ thỉnh chuông, làm lễ và cầu nguyện bình an, may mắn, tài lộc cho những ai có tên trên những chiếc lá treo dưới cành cây bồ đề này. Nhưng thay vì việc làm từ thiện như bản chất của chùa chiền, thì nhà sư ngồi cạnh bàn và yêu cầu ai muốn lấy lá, ghi tên mình thì phải mua lá bằng giá tiền 50 ngàn đồng. Giá như cũng với công việc tâm linh, cứu nhân độ thế của Phật, nhà chùa chỉ cần đặt chiếc hòm công đức, và để cho người lễ chùa tùy tâm thì có lẽ việc làm này trở nên linh thiêng và có ý nghĩa hơn nhiều. Việc đưa ra giá tiền của các loại dịch vụ đến cúng ở chùa, đền cho thấy ngay ở nơi Phật ngự trị, thì những người hành lễ cũng sẵn sàng “buôn thần bán thánh” và kinh doanh trên đức tin của con người.
Lợi dụng lòng tin của con người, nhà chùa tha hồ trục lợi từ các dịch vụ cúng lễ. Mỗi một gia đình đăng ký cầu an giải hạn đầu năm ở chùa nếu chỉ 1 lần thì 3 đến 5 trăm ngàn đồng. Cả năm tùy vào sao xấu hay đẹp mà một gia đình phải từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Nhà chùa trong tháng giêng đầu năm, ngày nào cũng lập một đàn dâng sao giải hạn, mỗi một đàn có từ 500 đến 1000 người đến giải hạn. Vậy cứ tính sơ sơ, những chùa lớn như chùa Phúc Khánh, Quán Sứ, Tứ Kỳ, Chùa Hà... trong những dịp đầu năm có thể thu hàng chục tỷ từ việc cầu an giải hạn cho mọi người. Trong khi đó, số tiền thu từ các dịch vụ liên quan đến lễ cúng ở nhà chùa, giáo hội Phật giáo không quản lý được, mà để cho nhà chùa tùy nghi sử dụng như một món tiền quỹ của nhà chùa. Vậy số tiền này sẽ đi về đâu, chảy vào túi ai, và được sử dụng vào những mục đích gì? Đó là những băn khoăn chưa có lời giải.
Người nghèo đương nhiên không thể lên chùa cúng sao, giải hạn nếu không có tiền nộp lệ phí. Tất nhiên để mua lễ, để sắm vàng mã, để công đức cho nhà chùa thì người dân phải có những khoản tiền chi phí nhất định. Không ai đến chùa và lợi dụng nơi chùa, đền để mưu cầu những lợi ích cho cá nhân mà không bỏ tiền ra để công đức.
Tuy nhiên, giá như nhà chùa mở lòng từ bi hỷ xả, mọi việc cúng cầu cho quốc thái dân an là một phần trong những sứ mệnh cao cả của nhà chùa. Và nhà chùa không coi đó như một dịch vụ kinh doanh ngay trên tín ngưỡng của người dân để ra bảng giá, thu tiền dân mà có thể chọn hình thức để hòm công đức để người giàu hay người nghèo, người có tiền, người không có tiền đều có thể bình đẳng đến đây cầu phúc trước Đức Phật. Người giàu thì có thể cúng nhiều tiền tùy tâm, người nghèo với dăm ba chục ngàn vẫn có thể được nương nhờ cầu an, giải hạn ở chốn linh thiêng này.
Hiện nay, không ít người dân đến chùa nhưng không hiểu được bản chất của việc đi lễ chùa. Người dân nên đến chùa với tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản, không vấn vương đến chuyện lễ ít hay nhiều mà quan trọng là lòng thành tâm của mình, dù chỉ một bông hoa đặt ở một ban Phật, mà ở đó có chỗ để đặt hoa, đặt với lòng thành tâm và tất cả sự cung kính của mình. Chứ không phải đến chùa một cách vô cảm, với một bông hoa cắm vào đâu đó, xiêu vẹo, không ý thức với việc mình làm, mà chỉ chăm chăm với lòng tham của mình. Chúng ta đi cầu có được hay không, điều đó thể hiện sự màu nhiệm trong tôn giáo. Đó là niềm tin của con người trong cuộc sống. Nếu chúng ta đến bằng sự thành kính, không bằng vật chất mà bằng tinh thần của mình. Không lệ thuộc vào việc chúng ta đem cái gì đến chùa.
Dân đi chùa với tâm lý đám đông, cứ nơi nào đông là đến, và coi việc mình đến được là hơn người khác dẫn đến tình trạng xô bồ chen lấn ở nhiều đền, chùa. Không có chuyện chùa này thiêng, chùa kia không thiêng. Phật là người thầy chỉ đường cho chúng ta, và Phật ở đâu cũng chỉ có một con đường, đem đến sự an lạc, giải thoát.
Còn sự linh thiêng là ở mình, cổ nhân dạy, linh tại ngã. Chính con người làm nên cái thiêng.
- Nhưng nhiều người hoang mang trước tình cảnh lộn xộn nơi thanh tịnh. Đến chùa thấy lòng tham sân si chất cao như núi, thậm chí nhiều ngôi chùa công khai kinh doanh các dịch vụ như hòm công đức, lễ cầu an giải hạn...
- Tôi có đọc trên các trang báo mạng, và thấy rõ, đó là một vấn nạn trong Phật giáo hiện nay. Tôi cũng là thành viên của giáo hội, cũng có một phần lỗi trong đó, vì mình chưa giảng dạy cho các con nhang đệ tử hiểu cặn kẽ. Tất nhiên trách nhiệm cũng thuộc về các vị sư trụ trì ở đó. Chúng ta cầu sự bình an trong sự bất an, dân đứng chen chúc nhau ở chùa Phúc Khánh trong lễ giải hạn đầu năm, rất phản cảm. Một phần do lỗi của người dân thiếu hiểu biết, cuồng tín, chạy theo đám đông, nhưng nhà chùa và các vị sư trụ trì cũng có một phần lỗi, đã không giải thích cho người dân hiểu, là nhà ai ở gần chùa nào đều có thể làm giải hạn cầu an ở chùa đó, không cứ gì phải tập trung đến một nơi, gây lộn xộn, ách tắc. Bởi giải hạn là phải có đăng ký trước cơ mà. Không thể chỉ đổ lỗi cho hiệu ứng đám đông mà còn có phần trách nhiệm của nhà chùa.
- Vâng, người đến lễ Phật tùy tâm. Nhưng thực tế bây giờ, ở các chùa hòm công đức nhan nhản, các dịch vụ ở chùa cũng trở nên đắt đỏ, nguồn tiền thu được của nhà chùa hàng năm rất lớn. Nhiều người băn khoăn, không biết, nguồn tiền khổng lồ đó sẽ chảy về đâu, thưa thầy?
- Đó cũng là một vấn nạn của Phật giáo hiện nay, mà chưa giải quyết được. Dân mình có thói quen đến chùa thường đặt tiền lễ, việc đó là thành tâm và tùy tâm của mỗi người, nhà chùa không có quyền ép buộc, hay quy định, thậm chí mời gọi. Hòm công đức chỉ nên để ở những nơi chính cho người dân có nhu cầu làm công đức, như ban Tam bảo, ban thờ mẫu... Nhưng đặt nhiều quá là phản cảm. Tình trạng này vẫn thấy ở nhiều đền chùa, và nhiều năm qua chưa khắc phục được.
Đó cũng là vấn nạn của Phật giáo Việt Nam, cũng như vấn nạn giao thông hay vấn nạn giáo dục mà cả xã hội chúng ta đang đau đầu giải quyết. Chúng tôi đã có kiến nghị với hội Phật giáo Việt Nam, thực ra tiền công đức của nhà chùa, hội Phật giáo không quản lý, mà số tiền đó, do nhà chùa trang trải cho công tác tu bổ ở chùa, và làm từ thiện. Còn việc giải hạn đầu năm mà người dân phải nộp tiền đến hàng triệu đồng như một số chùa, thì tôi nghĩ, cần phải thay đổi. Lễ Phật, tôi muốn nhấn mạnh chữ thành tâm, Phật ở chính trong tâm mình. Nhà chùa không được lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi.
Sư thầy trụ trì rất quan trọng trong vấn đề định hướng cho ngôi chùa. Hiện nay vẫn có những quy định của giáo hội phải tổ chức các ngày lễ tết cho trang nghiêm, và giao quyền chủ động cho từng ngôi chùa. Còn việc diễn ra ở một số chùa, theo tôi là cần phải chấm dứt. Giáo hội cũng sẽ có ý kiến trong vấn đề này. Một phần do một số chùa không có thầy sư trụ trì, một phần là do tập tục của địa phương từ lâu để lại. Ví như tục đốt hình nhân thế mạng không có trong Phật giáo, mà do những ảnh hưởng của tôn giáo khác trong nhà chùa, người dân cũng phải xem lại.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự