Ni cô giả nượn áo cà sa đi bán nhang

Thứ bảy - 17/03/2012 20:01
Dựa vào sự thành tâm công đức và tấm lòng luôn hướng về cửa Phật của người dân, mỗi ngày những người mưu sinh bằng nghề bán nhang dạo cũng kiếm được không dưới 1 triệu đồng.

Trong khi tình trạng ăn xin trá hình, chèo kéo khách mua nhang của một nhóm người tại những địa điểm, nơi thờ tự tôn giáo ở Đà Nẵng có xu hướng “hạ nhiệt” trước sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn thành phố, thì những ngày qua, lại xuất hiện nhiều người giả ni cô, phật tử mượn danh đi bán nhang quyên góp tiền “từ thiện”, xây chùa... để tư lợi cá nhân. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “đội ngũ” này không lưu trú cố định tại một địa phương nào mà chỉ “trọ” vài tuần để bán nhang, kiếm được số tiền lớn rồi “dạt” qua tỉnh, thành phố khác. Những nhóm người này thường tập trung ở một địa điểm, một khu trọ, sau đó chia từng tốp đến khắp hang cùng ngõ hẻm từ thành thị đến nông thôn, vào từng nhà chào mời, gây phiền phức cho không ít người.

Để làm tin, họ cũng trình ra các giấy tờ và tự giới thiệu mình là phật tử của chùa này ở miền Tây, chùa kia ở miền Namđược cử đến Đà Nẵng bán hương và kêu gọi các phật tử quyên góp từ thiện với các mục đích như: trùng tu, xây chùa... Tuy nhiên, khi xem kỹ giấy chứng nhận và con dấu, người tinh ý sẽ nhận ra đây là những giấy tờ giả. Vậy nhưng, không ít người vẫn tin đó là người của nhà chùa để rồi bị “ép” mua hương với số tiền từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mà giá trị thực thì không đáng là bao. 

Chưa hết, sau khi bán được hương, các “phật tử”, “ni cô” giả này còn bày đủ trò để xin tiền công đức, nào là chùa đang chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi, người khuyết tật, đang xây dựng dở dang... nên cần sự hỗ trợ của những người hảo tâm. Có nhiều vị “phật tử”, “ni cô” sau khi kêu gọi không được thì nổi đóa văng tục, chửi thề.


Hai ni cô “dỏm” bị CA bắt giữ

Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi “chộ” 2 chàng thanh niên cao to trong trang phục cà sa, trên tay cầm quyển sổ và chiếc giỏ xách đựng đầy nhang đang bước vào một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh nên theo vào. Không cần biết chủ nhà có nhu cầu mua nhang hay không, người thanh niên đã đưa ra một số hình ảnh về ngôi chùa nào đó đang xây dựng, lật từng trang cuốn sổ ghi dày đặc danh sách những người mua nhang, mời: “Xin mời thí chủ mua nhang giúp nhà chùa.

Có ít thì mua ít, có nhiều thì mua nhiều”. Sau khi xem ảnh và danh sách những “nhà hảo tâm”, bà chủ vội vào trong lấy ra 40.000 đồng mua 2 thẻ nhang. Nhận tiền xong, 2 chàng “phật tử” mới hỏi danh tính, địa chỉ và số điện thoại của bà chủ để ghi vào “sổ công đức”. 

Cáo từ bà chủ, 2 vị “phật tử” tiếp tục đến những nhà bên cạnh. Tại ngôi nhà gần ngã tư Quang Trung - Nguyễn Chí Thanh, sau khi được giới thiệu và mời mua nhang, chủ nhà hỏi: “Vậy tôi mua bao nhiêu là vừa?”. Vị “phật tử” đáp: “Tùy vào khả năng của thí chủ, nếu có ít thì mua một thẻ, còn nhiều thì 2 hoặc 3 thẻ. Làm từ thiện, nếu có lòng nhiều thì được hưởng phước lộc nhiều”. Nghe vậy, bà chủ nhà đưa tờ 100.000 đồng cho vị “phật tử” rồi nhận lấy 5 thẻ nhang nhỏ... 

Mặt trời đã đứng bóng, 2 chàng “phật tử” vẫn tiếp tục gõ cửa hết nhà này đến nhà khác mời mua hương. Theo quan sát của chúng tôi thì hầu như các “vị” vào nhà nào cũng được gia chủ mua ủng hộ 1-5 thẻ nhang, số ít không có nhu cầu mua nhưng cũng ủng hộ cho “nhà chùa” một số tiền. Để xác minh 2 “phật tử” này có đúng là chân tu, tôi tiếp cận hỏi thăm thì được cho xem giấy giới thiệu có dấu đỏ nhưng đã nhàu nát. Hỏi về giấy giới thiệu của Ban Trị sự Hội Phật giáo TP Đà Nẵng thì 2 “phật tử” này vội giật lại giấy giới thiệu rồi đi ngay, kèm theo lời trách: “Không có lòng hảo tâm thì thôi. Người ta đi làm từ thiện cho nhà chùa mà còn làm khó dễ”.


Đội ngũ “phật tử” này cứ lang thang hết nhà này đến nhà khác để bán nhang “từ thiện”

Theo chúng tôi được biết, các ni cô, phật tử ở các tỉnh, thành phố khác đến Đà Nẵng để quyên góp với mục đích từ thiện hoặc xây dựng chùa thì phải có văn bản gửi đến Ban Trị sự Hội Phật giáo TP Đà Nẵng. Sau khi xem xét lý do, mục đích và xét thấy hợp lý, cần thiết thì Ban Trị sự Hội Phật giáo TP sẽ cấp giấy giới thiệu để họ đi quyên góp, gây quỹ. Chính vì vậy, những trường hợp chỉ có giấy giới thiệu của chùa ở các tỉnh, thành phố khác hoặc các ban, ngành mà tự xưng là ni cô, phật tử đi quyên góp, bán hương gây quỹ đều không đáng tin cậy. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với chiêu thức đó để tránh bị lừa... 

Lời kết 

Với thực trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, băng đĩa dạo, đánh giày, lợi dụng trẻ em, người tàn tật, giả danh phật tử đi bán nhang... mà chúng tôi phản ánh trong loạt phóng sự này cho thấy, dù các cấp, ban, ngành TP Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng hiệu quả thì vẫn chưa như mong muốn. Thậm chí, trên những tuyến đường cấm như Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, khu vực Công viên 29-3, cầu Sông Hàn, Quảng trường 2-9... thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện. 

Theo một số nhà chức năng, để ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương thì mỗi người dân cũng phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của thành phố.

Thực tế cho thấy, những chủ trương, chính sách của chính quyền được người dân đồng lòng hưởng ứng thì khó mấy cũng thành công. Xây dựng Đà Nẵng ngày càng đẹp, văn minh, hấp dẫn hơn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính quyền đến mỗi người dân và nhiệm vụ ấy đang được thực thi quyết liệt để mang lại thành công.

Nguồn tin: CA Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây