Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Đây là di sản thứ ba, sau Mộc bản triều Nguyễn và Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Mộc bản kinh chùa Vĩnh Nghiêm có 3.050 tấm ván rời, được khắc để in kinh, sách, luật giới Phật giáo và thể hiện tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm.
Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, khắc bằng chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược - PV) chứa đựng những nội dụng: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Ngoài ra, còn khắc hình ảnh của Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát và các vị La Hán.
Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Kiểu chữ rất chân phương và sắc nét. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ giỏi về mặt kĩ thuật mà còn là những người rất am hiểu về cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo về chữ Hán và chữ Nôm.
Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50cm với những chạm khắc hoa văn độc đáo mang triết lý nhà Phật. Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt.
“Tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ gỗ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cây thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta” - thầy Thích Thanh Vịnh (trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm) cho biết.
Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Đặc biệt, sự xuất hiện hai loại hình chữ viết Hán và Nôm trên các mộc bản này còn là cơ sở giúp cho các nhà ngôn ngữ học và sử học lí giải được lịch sử và tiến trình phát triển chữ viết của người Việt nhất là quá trình chuyển biến từ chữ Hán sang chữ Nôm.
Chùa Vĩnh Nghiêm được mệnh danh là “đại danh lam cổ tự” - một trung tâm Phật giáo lớn nhất của thời nhà Trần, một chốn tố quan trọng của ba vị Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) từng trụ trì và mở đường huyết pháp.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự