Nghi lễ “khai mắt” cho... tượng Phật

Thứ sáu - 05/10/2012 08:02
Khi tạo xong một tượng Phật, trước khi thờ người ta phải làm lễ, niệm Kinh, đọc Chú và điểm vào cặp mắt Phật. Nghi lễ này được gọi là lễ Khai Quang hay còn gọi là Điểm Nhãn hoặc Hô Thần Nhập Tượng.


Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cử hành lễ hô thần nhập tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Đối người tại gia, khi thỉnh tượng Phật từ cửa hàng về nhà, cần tẩy uế và rửa sạch bụi. Bằng cách dùng nước sạch, bỏ ít nước hoa vào; trì chú Thanh Tịnh Pháp Án Lam Xóa Ha dùng với ấn Bảo thủ và kiết tường, đồng thời trì thêm chú Cam Lồ Thủy vào nước. Nước rửa khi dùng xong thì đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống. 

Khi Khai Quang Điểm Nhãn, vị thầy sẽ chỉ cho hành giả cách hành lễ thờ cúng, giữ giới luật, những điều kiêng kỵ. Sau cùng là làm phép Trấn Thần, nơi bức tượng ấy không cho vong linh hỗn tạp vào.

Sư thầy Thích Ngộ Dũng (TPHCM) cho biết: “Khai có nghĩa là mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu, còn Quang là sáng. Khai Quang là lễ dâng cúng đức Phật. Khai Quang còn có nghĩa là lễ Điểm Nhãn cho tượng. Cũng có một số quan niệm hòa đồng cùng lễ Hô Thần Nhập Tượng.

Khi một tượng Phật được đắp và tô vẽ xong, đem tượng Phật đặt đúng vị trí rồi lựa ngày tổ chức lễ Khai Quang Điểm Nhãn cho tượng Phật. Sau đó mới bắt đầu thờ cúng tượng Phật”.

Đây là nghi lễ không liên quan đến nghi thức Phật giáo mà xuất phát từ Trung Quốc thời xưa. Người ta tin rằng: nếu không làm lễ Khai Quang tức là đưa Thần Lực của Phật an ngự vào tôn tượng thì có những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường.

Ý nghĩa của việc này là làm tăng linh khí của pho tượng trước khi thờ cúng. Trong khi làm lễ, các vị thầy thường có những bài Chú hay những linh phù (một loại bùa hoá khí nhân tạo - PV) mượn sắc lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đồng thời làm phép Trấn Thần vào tượng mới mua (thỉnh - PV) hoặc được tạo. 


Nhà sư thực hiện nghi lễ hô thần nhập tượng tại chùa Già Lê (Hà Nội)

Trên thực tế, có rất nhiều người rất tin tưởng vào vấn đề tâm linh, một bức tượng hay một vật thể. Nếu gọi đúng tên, đúng lúc thì sự linh thiêng sẽ ứng nghiệm. Sự cầu khẩn đó ứng nghiệm không phải là ngẫu nhiên mà các vật thể đó đã được vị Thầy làm cho trở nên linh vật, huyền bí. 

Như vậy, việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng thì phải có những vị thầy biết được bộ môn Khai Quang Điểm Nhãn. Tức là phải biết mật mã để khai mở.

Đối với Phật giáo Nguyên thủy thì trước đây họ không có nghi thức này. Thậm chí chuyện đúc tượng hay vẽ ảnh cũng là sau này mới có. Cái này tùy theo pháp môn mà có sự khác biệt nên cũng không thể nói đúng sai được.

Việc Khai Quang cho 1 tượng Phật chính là làm sạch năng lượng của tượng đó và gia trì lực vào tượng. Tùy theo năng lực của vị thầy mà tượng được đến mức độ nào.

Trong dân gian cũng tồn tại một tập quán là khi tạo ra những pho tượng. Nhất là những pho tượng đặc biệt thì họ thường cất giấu những thứ đặc biệt tại những chỗ đặc biệt nào đó trong pho tượng.

Việc cất giấu này không chỉ có tính đơn thuần là cất giữ của cải mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh. Người xưa quan niệm rằng nhờ những bí mật có tính bùa chú mà pho tượng sẽ trở thành một thực thể linh thiêng với những quyền năng siêu phàm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây