Mười năm cửa chùa rộng mở “đón” người nghiện, HIV

Thứ tư - 03/10/2012 22:27
Đức từ bi luôn là nét đẹp trong văn hóa nhà Phật, nhưng với tôi, cái tâm cái tình của thầy Huân, người trụ trì Pháp Vân thiền tự nơi cửa ngõ Thủ đô cùng các đệ tử với những phận đời bất hạnh, đặc biệt người nhiễm HIV, thật vô bờ...

Đúng mười năm cửa chùa rộng mở, tôi đã gặp lại người tu hành ấy sau một chặng đường hành đạo bằng cách nhập thế, vì đời...


Thầy Huân

Rồi thầy Huân cũng đã xuất hiện: Niềm nở bình thản như chưa hề có dấu vết khổ hạnh nào trên gương mặt nhà tu hành tận tụy nhiều năm với việc đạo, việc đời... Đại đức dẫn tôi đi thăm nơi ở của những người có HIV đương nương tựa tại đây.

Căn nhà phía sau chùa bừa bộn, chăn chiếu - đặc điểm của cảnh sống của người nghiện và có HIV là thế. Ngủ và thức, nằm ngồi suốt ngày tại một nơi nên chả cần dọn dẹp...

Thấy tôi có vẻ băn khoăn khi trên giá treo quần áo toàn đồ cà sa, thầy Huân bảo: Các bạn ấy vào đây bình đẳng, hòa đồng với nhà chùa. Chỉ khác là không buộc phải xuống tóc và không bắt ai cũng ăn chay...

Đại đức Thích Thanh Huân kể: “Đến nay nữa là mười năm, chùa rộng cửa đón các bạn có hoàn cảnh như vậy. Họ đến đây mỗi người mang theo một thân phận, một nỗi đau... nhưng có một điểm chung, họ muốn tìm nơi nương náu, được đối xử bình đẳng, được sẻ chia an ủi, tư vấn tâm lý, sức khỏe và biết cách để chung sống với bệnh...”.

Đã có bao nhiêu người có hoàn cảnh như vậy qua cửa chùa từ bấy đến nay? Sư Huân bảo: Không thống kê hết. Từ nhóm Vì ngày mai tươi sáng lập năm 2003 đến nay còn nhiều nhóm khác hoạt động chủ yếu ở cộng đồng. Sau nhóm ấy là CLB Hương Sen hàng trăm hội viên lấy chùa Pháp Vân làm nơi liên lạc... Nhà chùa từng là nơi cưu mang những người có HIV.

Bây giờ chủ yếu chỉ là trung tâm tư vấn và chữa bệnh chứ không thể thu nạp hết mọi người. Phải để họ hòa nhập cộng đồng. Như vậy sẽ tốt hơn cho họ, bởi không ai có thể hơn người thân yêu ruột thịt...

Cái cách chữa nghiện (ma túy) và chữa bệnh của thầy Huân thật lạ: Đó là chữa bằng “liệu pháp tâm lý” dùng tình thương yêu an ủi, tư vấn để mỗi người có HIV, hoặc người nghiện ma túy cảm thấy được sẻ chia, giúp đỡ...Nhiều người trong số họ sau khi đến đây đã tìm lại được chính mình, sống bình đẳng, lạc quan, tự tin và muốn hòa nhập với cộng đồng...

Đó chính là phương pháp “tâm y” - một cách chữa bệnh dùng bằng... trái tim của người thầy thuốc. Thầy Huân kể: Mỗi người vào đây có một nỗi đau riêng nhưng cùng một nỗi đau chung là sự nghiệt ngã của số phận.

Người có HIV dịu bớt nỗi đau khi bên cạnh có người sẻ chia an ủi, động viên, tư vấn tâm lý và sức khỏe. Liệu pháp tâm lý đó đã có công hiệu giúp các bạn ấy lấy lại được sự tự tin, niềm lạc quan vui sống và từ đó thể lực ổn định, sức khỏe tiến triển hơn.

Nhập thế cả khi tu hành có lẽ cũng là một cách tu hành chăng?! Tôi không hiểu sao giữa nhà chùa và những người từng sa ngã ấy, họ như hai thế giới ngỡ khác xa nhau về cách sống, lại có thể hòa hợp với nhau ở chốn thiền môn.

Có lẽ là cái tâm người tu hành và cái tình người của nhà sư trong ứng xử với người bất hạnh đã đưa họ lại bên nhau, đặng làm nơi nương tựa sẻ chia. Ai có thể biết rằng trong nội tự Pháp Vân có lúc la liệt những người từng là con nghiện, thậm chí là kẻ cắp và đa phần nhiễm “căn bệnh thế kỷ”.

Mỗi sáng phải đánh thức họ dậy lấy nơi hành lễ. Bao năm như thế. Lúc đầu là cưu mang, an ủi họ đem lại niềm tin vào cuộc sống phía trước. Đó mới là điều quan trọng. Nhưng rồi dần phải đưa các bạn ấy về với gia đình cộng đồng. Trừ những người bị kỳ thị, bị người thân xua đuổi, không chốn nương thân mà thôi.

Những người bị HIV, bị AIDS vào đây tìm được người sẻ chia an ủi lại có bạn cùng cảnh chăm sóc nhau. CLB, hay rộng ra là cửa chùa đang là nơi nương tựa của những phận người không may…

Với người tu hành, đâu chỉ làm chùa đẹp, hay lo tu tập, tụng kinh niệm Phật, mà là phải biết nhập thế, gắn lẽ đạo với việc giúp đời. Ấy là hành đạo. “Người nghiện, người có HIV vào đây được ở trong môi trường thanh tịnh, được đọc sách, ngồi thiền, chữa bệnh...

Người có sức khỏe thì lấy việc lao động tự giác làm niềm vui, tìm sự khuây khỏa” - sư Huân tâm sự. Nhiều người vào đây được sư thầy cảm hóa, nhận ra lỗi lầm và quyết tâm phục thiện.

Vị Đại đức kể: “Trò chuyện với các bạn ấy bằng chính cái tâm của nhà Phật và rồi lấy tình người sẻ chia cảm hóa, làm họ tự tin hơn, lấy lại niềm tin vào con người, vào xã hội. Qua những câu chuyện riêng tư mà có thể chuyển hóa niềm đau khổ cá nhân. Người ta khổ là do phần hồn bị đày đọa bởi sự cô đơn.


Chùa Pháp Vân

Khi bên cạnh có người hiểu và chia sẻ, họ tự tin và lạc quan với quãng đời còn lại. Tâm y đã phát huy tác dụng bên cạnh dùng thuốc và tập luyện. Cứ thế, cửa thiền nơi đây cởi mở và rộng mở với mọi kiếp người... Sư Huân kể, có lần nhà chùa quyết giữ lại một người, dù anh muốn ra hòa nhập xã hội.

Anh là người nghiện và nhiễm HIV, từng phạm tội trộm cắp cướp giật... Nếu để họ ra xã hội sẽ lại gây án, lại gieo rắc đau khổ thêm cho người đời... “Mình lấy cái tình cảm con người và giáo lý nhà Phật ra cảm hóa, phân giải, cuối cùng anh ấy ở lại chùa, dù có thể tốn tiền triệu cho họ. Để họ ra ngoài là có tội”.

Lại có cô gái mới 23 tuổi đời, từng có những năm tháng làm ở nhà hàng, từng trót sa chân vào chốn ăn chơi hư hỏng nhưng sau khi vào chùa, được các thầy sẻ chia, tư vấn và đặc biệt được cảm hóa bằng tâm Phật, cô gái tâm sự: “Con tìm vào đây như được cứu sống và sau khi gặp thầy, con không “giết người” nữa”. Lúc đầu nghe mà ghê sợ, chưa hiểu ý cô, nhưng khi hiểu ra mới hay rằng cô ấy thề từ bỏ việc gieo rắc căn bệnh chết người đang mắc phải...

Có người là giáo viên, biết mình bị HIV, vào đây lúc đầu anh ta bi quan chán nản nhưng chỉ một thời gian được động viên, tư vấn, anh lại tự tin trở về chỗ của mình trên giảng đường. Có người sĩ quan quân đội từ một trường đại học quân sự hẳn hoi không may nhiễm HIV định vào đây trốn đời nhưng khi nghe tư vấn và động viên, anh quay về với môi trường công tác của mình dẫu âm thầm sống chung với căn bệnh và nỗi đau riêng.

Ngoài tổ chức cai nghiện, chữa bệnh, nhiều người đã được sư Huân tìm cho chỗ học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống và giúp đỡ gia đình...

Mười năm là bấy nhiêu ngày sư Huân và các đệ tử chùa Pháp Vân nhập thế theo cách của mình và từ khi cửa chùa rộng mở lập các nhóm đồng đẳng, những người có “H” đến đây như được trở về chốn nương náu tâm hồn một cách ấm áp, được giáo huấn và tư vấn để lòng được thanh thản an nhiên tiếp tục cuộc sống hòa nhập mà không hề mặc cảm, cô đơn... Sự an lạc của người tu hành có được từ trong sự an lạc của chúng sinh vậy...

Chia tay sư Huân, tôi chắp tay trước cửa Phật từ bi. Mong có nhiều ngôi chùa như vậy để những cuộc đời bất hạnh có chốn đi về nương tựa, sẻ chia…

Nguồn tin: Tâm Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây