Hai bên đường dẫn vào làng là hàng tùng thẳng tắp. Phía trái, trên gò đất, là ngôi miếu mới được trùng tu to đẹp, xây dựng theo lối kiến trúc cổ.
Cả ngàn năm nay, huyền tích về ngôi miếu này được truyền miệng qua bao thế hệ người dân địa phương với cái tên Miếu Kiến, gắn liền với giai thoại về Thần Hoàng làng - Ngài Chàng Rồng (Trần Long), có vương phụ là Trần Lân – là khởi Thủy tổ họ Trần ở nước ta. Chàng Rồng là người con của vùng đất Quần Anh (nơi hội tụ các anh tài), nay là làng Tri Yếu (chốt phòng thủ trọng yếu xưa kia).
Ông Lê Toàn Thắng (63 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên trưởng làng văn hóa Tri Yếu, xã Đặng Cương) cho biết, làng Tri Yếu xưa kia là ấp Quần Anh, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là một làng cổ có lịch sử hình thành, phát triển cùng với lịch sử của dân tộc.
Theo thần tích của Thành Hoàng làng, vào thời Vua Hùng thứ 18, tức Hùng Duệ Vương, ấp Quần Anh thuộc vùng Duyên hải Bắc Bộ, luôn có giặc phương Bắc nhòm ngó, do đó vua Hùng Duệ Vương cử hai tướng là Cao Sơn và Quý Minh đến dẹp giặc.
Đến đất Quần Anh, hai người gặp được một người bản xứ có vóc dáng hơn người. Biết người này văn võ toàn tài, đức độ hơn người, hai vị tướng liền dò hỏi, thì biết đó là Chàng Rồng tức Trần Rồng (Trần Long).
Tượng Chàng Rồng được thờ trong Miếu Kiến.
Bản thần tích ba vị Đại vương Tri Yếu do Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn dưới triều Lê Anh Tông, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572) và Trạng nguyên Nguyễn Hiền chức Hùng lĩnh thiếu khanh quân giám bách thần sao y bản chính đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu năm đầu (1735) hiện lưu giữ tại di tích cho biết đôi nét về tiểu sử và sự nghiệp của 3 vị Thành hoàng trong đó có Chàng Rồng như sau:
Lúc bấy giờ, ở khu nông trại Tri Yếu có một người tên là Chàng Rồng. Cha mẹ sinh ra ông là Trần Lân và Nguyễn Thị Miễu, hiền hậu và có đức. Hai người ra sức làm điều thiện như xây cầu, đắp đường, dựng miếu, sửa chùa, tô tượng, đúc chuông...
Bức hoành phi treo trước vọng cung thờ Chàng Rồng khắc 4 chữ: Vạn - Cổ - Anh - Linh.
Chuyện kể rằng, một hôm ông Trần Lân đi đánh cá bằng chiếc thuyền con, đi qua cửa biển Yên Hưng (Quảng Ninh) đến cửa biển Kỳ Hoa là nơi có thần thuồng luồng bay gây việc quái hại người, đã có nhiều thầy phù thủy cao tay có phép thuật màu nhiệm cũng không làm gì được nó.
Thuyền ông đến nơi thì trời vừa tối, ông cột thuyền trước cửa miếu thờ, mang rượu ra uống đến khi say mềm, nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm, trông lên trên miếu, ông thấy một đám lửa sáng lòa hình quả quýt len trên xà. Ông cầm mác dài tới xem, thấy con thuồng luồng dài chừng 10 trượng, ông vung mác chém đứt đôi con vật.
Khi về thuyền ngủ, ông chiêm bao thấy một người mình đầy vẩy rồng, mặc áo giáp vẩy cá, đầu đội mũ hồng diêu từ dưới sông đi lên trước mặt ông lạy chào và nói: “Con là quan viên dưới thủy cung thuộc dòng dõi 50 người con theo cha (Lạc Long Quân) về biển ngày xưa. Vừa qua, thấy ông có công diệt trừ con yêu thuồng luồng, Thượng Đế khen ngợi nên cho con vào nhà đầu thai để báo ơn lớn, làm rạng danh gia đình”.
Về nhà đem chuyện chiêm bao kể lại cho bà nghe, bà nói: “Đêm rồi tôi cũng nằm mơ thấy con rồng đen phủ lên người, tôi nắm được cái vuốt thì tỉnh giấc”. Hai ông bà đều lấy đó làm mừng.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Miễu có mang, sinh được một người con trai vào ngày 5 tháng 4 (Âm lịch), mặt tựa mặt rồng, mắt như mắt hổ. Ông bà vui mừng bèn đặt tên con trai là Chàng Rồng.
Lên 8 tuổi, Chàng Rồng đã tỏ rõ khí khái anh hùng, mưu trí, sức vóc hơn người. Chàng chạy nhanh như gió, có thể thu lôi đuổi chớp, có sức khỏe nhấc vạc bạt sơn. Khi 15 tuổi thân thể nở nang, văn võ toàn tài. Các trang hào kiệt tuấn tú quanh vùng xin dưới trướng có hàng trăm người.
Lại nói khi Cao Sơn và Quý Minh tới làng Tri Yếu, Chàng Rồng nguyện đưa theo các hào kiệt dưới trướng hàng phục. Hai ông cho mời song thân Chàng Rồng hỏi nguyên do, ông bà trình bày lại đầu đuôi chuyện gia cảnh. Hai ông biết rằng với người này trăm năm trước là đồng khí nhất nguyên, tức khắc kết nạp Chàng Rồng làm phó tướng.
Hai ông dừng lại ở Tri Yếu 10 ngày, các phụ lão trong ấp cùng lần lượt đến lạy tạ xin làm thần tử, rồi tiếp đó các địa phương xung quanh cũng đến thuần phục.
Từ đây, ba vị kết nghĩa anh em, đồng tâm hiệp lực dẹp yên quân giặc. Khi về triều, hai vị giao cho Chàng Rồng cai quản vùng Duyên hải.
Không bao lâu sau, Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, các quan trung thành với nhà Hùng cáo quan về quê, riêng Chàng Rồng, với tước Bình Nhung Hầu, Ngài thề không thờ hai chúa nên đã chống lại Thục Phán đến cùng. Khi bình định được giang sơn, Thục Phán cầm quân đánh Chàng Rồng.
Trong một trận tử chiến, Ngài đã hy sinh tại bãi sậy phía Đông của làng. Lạ thay, ngay hôm sau, chỗ thi hài của Ngài đã bị mối đùn thành một đống cao. Biết là Ngài linh thiêng nên nhân dân đất Quần Anh đã sửa sang và xây một ngôi miếu bao quanh đống mối chứa thi hài Chàng Rồng và đặt tên là Miếu Kiến. Tên Miếu Kiến có từ đó cho đến ngày nay.
Miếu Kiến mới được tôn tạo, trùng tu xây dựng.
Các đời vua sau, xét công lao, đức độ của Ngài, đã sắc phong, cấp tiền bạc để nhân dân thờ cúng 4 mùa hương khói và xây dựng Đình Đông, thờ 3 vị thần hoàng có công với dân làng, với dân tộc là Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và Chàng Rồng Đại Vương.
Trong tiềm thức của nhân dân Tri Yếu, Miếu Kiến, Đình Đông nơi thờ Thần hoàng làng là Chàng Rồng (Chàng Long) là công trình tín ngưỡng, văn hóa mà mọi người dân Tri Yếu luôn kính ngưỡng.
Hàng năm, từ ngày 7-10/2 (âm lịch) dân làng mở hội để tưởng nhớ công đức của Thần Hoàng làng, tổng kết một năm lao động, học tập, công tác của con em nhân dân trong làng, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, an khang thịnh vượng cho mọi người. Đây cũng là nét đẹp tín ngưỡng của nhân dân làng Tri Yếu.
Từ ngoài cổng vào, hai bên có 2 giếng Mắt Rồng, người dân địa phương không biết có từ khi nào, mới được trùng tu, xây dựng lại.
Ông Trương Văn Thiết, Phó chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, Miếu Kiến thuộc Di tích lịch sử đình Tri Yếu đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 1991, thờ Đức Thánh Chàng Rồng là bậc quân thần trung quân ái quốc thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18.
Miếu Kiến là nơi thờ tự hết sức linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh không chỉ của người dân làng Tri Yếu. Đây là một công trình góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã Việt Nam.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự