Chuyện về những tấm áo blouse trắng “xua đuổi tà ma” nơi biên cương Tổ quốc

Thứ hai - 06/03/2017 13:48
Dù điều kiện sống thiếu thốn, nhưng họ đã quyết tâm bám làng, bám bản hàng chục năm với mong mỏi được chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chính những tấm áo blouse trắng ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân vào những lúc khó khăn, bệnh tật khổ ải.
Bác sĩ A Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới
Bác sĩ A Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới

Tuổi thanh xuân bám bản

Là một trong những người đầu tiên lên huyện vùng cao A Lưới làm bác sĩ ngoại trú, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Quang Phú (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) bày tỏ: “Chớp mắt đã 35 năm nhưng kỉ niệm về những ngày đầu đặt chân lên vùng đất biên cương của Tổ quốc vẫn in đậm trong tâm trí tôi”.

Năm 1982 chàng thanh niên Lê Quang Phú khi ấy mới 21 tuổi và vừa mới tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bình Trị Thiên. Tốt nghiệp chưa lâu, người thanh niên này tình nguyện lên huyện miền núi A Lưới để làm bác sĩ ngoại trú, trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên của huyện biên giới này. Thời điểm đó các bác sĩ ngoại trú chỉ công tác tại địa phương 3 năm nhưng vì A Lưới thiếu bác sĩ nên Phú quyết định ở lại.

Ngày ấy, phương tiện không có, đi lại khó khăn, muốn đi từ Huế lên A Lưới, bác sĩ Phú phải mất một ngày đường để đi từ đường 9 – tỉnh Quảng Trị, rồi tiếp tục đi theo đường Hồ Chí Minh mới đến được huyện miền biên. Sau này Quốc lộ 12 được xây dựng và lưu thông, di chuyển mới bớt khó khăn. Ngày đầu mới lên, cơ sở vật chất kỹ thuật sơ sài, đội ngũ y bác sĩ thiếu thốn, chỉ có vài người là quân y vẫn ở lại địa phương sau khi chiến tranh kết thúc. 

Bác sĩ Phú kể lại rằng, những ngày ông mới tới, người dân địa phương nhìn ông với ánh mắt ái ngại, bởi xưa nay, người dân ở đây chữa bệnh chủ yếu nhờ thầy lang, thầy mo. Sự xuất hiện của một thanh niên mặc áo blouse trắng, chữa bệnh bằng y học là điều chưa từng xảy ra.

“Ngày đó người dân A Lưới chưa quen với việc đến trung tâm để chữa trị mà đa phần là điều trị tại nhà. Sốt rét, tai nạn bom mìn, chữa trị không khỏi, người dân chỉ biết cúng bái. Sau này chúng tôi tích cực tuyên truyền, người dân mới dần bỏ các hủ tục chữa bệnh và tìm đến trung tâm”, Giám đốc Trung tâm y tế A Lưới nhớ lại.

Trong kí ức của bác sĩ Phú, có biết bao kỉ niệm vui buồn về nghề, nhưng ca đỡ đẻ trong trận lụt lịch sử năm 1999 để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Năm đó, Huế gánh trận lụt nặng nề nhất trong lịch sử với số người chết lên đến gần 400 người. Riêng con đường độc đạo nối A Lưới với thành phố Huế bị lũ nhấn chìm, huyện A Lưới gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Khi nước lũ đang lên thì một sản phụ người Tà Ôi tại xã Hồng Vân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Phú nhớ như in, sản phụ mang song thai nằm ngang, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Kỹ thuật viên gây mê mắc kẹt ở Huế không thể tới được, bác sĩ Phú đã quyết định cho tiền gây mê và gây tê tại chỗ để tiến hành mổ cấp cứu. Sau những phút cam go, ca phẫu thuật thành công, ba mẹ con được cứu sống trong niềm vui khôn tả của đội ngũ y bác sĩ trong kíp mổ.


Bác sĩ Khang thăm khám cho bệnh nhân

Với nhiều đóng góp cùng nỗ lực không ngừng nghỉ xuất phát từ cái tâm của người thầy thuốc, bác sĩ Phú nhận được sự tin yêu của Ban giám đốc Trung tâm y tế huyện và nhân dân huyện A Lưới. Giữ các vị trí quan trọng như Trưởng khoa ngoại, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó giám đốc cho đến giám đốc Trung tâm vào năm 2006 đến nay, bác sĩ Phú không ngừng bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho đồng bào A Lưới theo đúng kim chỉ nam “lương y như từ mẫu”.

Để lại con thơ để cứu người trong đêm mưa bão

Năm 2014, chị Hồ Thị Linh Khang tốt nghiệp Đại học Y dược Huế chuyên ngành bác sĩ Đa Khoa. Là người dân tộc Tà Ôi nên hơn ai hết chị Khang thấu hiểu được những vất vả của bà con quê mình. Ngay khi tốt nghiệp, chị tình nguyện xin lên xã Hồng Thượng làm bác sĩ nội trú. Hồng Thượng là xã giáp ranh biên giới, mặc dù được sự quan tâm của chính quyền nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. “Khó khăn thì nhiều nhưng mình vui vì chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở đây, đó chính là lý do giữ mình ở lại”, chị Khang nói.

Khu vực huyện A Lưới thường xảy ra mưa gió, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thế nhưng, chị Khang đã không quản đường sá, gửi lại con nhỏ ở nhà, một mình lặn lội tới trạm xá cứu ca sinh khó.

Chị Khang nhớ lại, đêm đó trời mưa bão rất to. Đang cho con ngủ ở nhà thì chị nhận được tin báo có một ca sinh khó đã được đưa về trạm xá xã để cứu chữa. Chị Khang liền để lại con nhỏ 2 tuổi cho ông bà ngoại trông giữ rồi chạy xe máy xuống trạm xá.


Bác sĩ Quân y Thiếu tá Đặng Hồng Minh tại trạm xá xã Nhâm-huyện A Lưới

Từ nhà của chị đến trạm xá chỉ 4km nhưng trời mưa, đường trơn trượt, dọc đường đi xe chị trượt bánh suýt ngã không biết bao lần. Vừa đến trạm xá chị liền bắt tay vào việc ngay, dù áo quần ngấm nước mưa ướt sũng. Ca sinh bắt đầu từ 2h sáng đến 4h sáng thì kết thúc, sản phụ sinh được bé trai kháu khỉnh nặng 3,2kg. Kỉ niệm đó chị không bao giờ quên.

Đã gần 5 năm kể từ khi Trạm quân dân y thuộc Đồn Nhâm nằm ở biên giới Việt-Lào nằm trên địa bàn xã Nhâm (H.A Lưới, TT-Huế) được thành lập, hình ảnh thiếu tá - BS Đặng Hồng Minh đã quá đỗi thân thương với bà con dân bản. Còn nhớ, năm 2012, thiếu tá Minh - lúc đó là BS quân y tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh TT-Huế đã chấp nhận xa vợ con, tình nguyện lên vùng biên giới công tác.

Vốn là người lính, quen đối mặt với nhiều thử thách, gian khổ nên khi lên vùng biên đầy thiếu thốn, thiếu tá Minh sớm hòa nhập với môi trường mới, cuộc sống mới. Mỗi tuần 3 buổi, thiếu tá Minh kết hợp với Trạm y tế xã Nhâm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con đồng bào thuộc diện được hưởng bảo hiểm và hộ nghèo.

Những ngày còn lại trong tuần (trừ ngày chủ nhật), thiếu tá Minh khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại trụ sở của Trạm quân dân y xã Nhâm. Bà Quỳnh Đơ (82 tuổi, trú thôn A Hưa, X. Nhâm) thổ lộ: “Vốn bị bệnh cao huyết áp nên có những ngày trái gió trở trời, đường sá cách trở không đến trạm xá được. Rứa là mế nhờ người nhắn cho BS Minh. Ngay trong hôm đó, sớm muộn gì BS Minh cũng đến tận nhà khám bệnh cho mế”.

Xưa nay người dân vùng cao A Lưới vốn quen với việc chữa bệnh bằng bùa phép và duy trì hủ tục cúng bái vì cho rằng con người bị bệnh là do bị “ma” nhập và quấy rối. Nhưng, chính sự xuất hiện của những người như bác sĩ Phúc, Minh hay chị Khang đã tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc nơi đây. Với những người Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều... những tấm áo blouse trắng giờ đã quen thuộc và là điểm tựa tinh thần cho người dân mỗi khi đau ốm.

Nguồn tin: Tamsugiadinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây