Kỳ 1: Những chuyện kinh dị
Xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì, Hà Giang), có 100% người Nùng. Núi cao, mây vẫn mù và hoang thẳm. Đứng ở trung tâm xã, nhìn lên đỉnh Đản Kháo thấy rừng thăm thẳm lẫn trong mây mù.
Tôi đề xuất được vào rừng cấm, nhưng các cán bộ xã đều từ chối, người sợ thần quở, người sợ đồng bào phạt trâu, lợn, người sợ hổ báo, rắn rết, người lại sợ… ma! Đang lúc chán nản, thì xã đội trưởng Vàng Sải Phin xung phong nhận trách nhiệm dẫn tôi đi.
Ông Vàng Sải Phin từng đi bộ đội. Dáng người nhỏ, nhưng rắn rỏi, cương nghị. Ông là người duy nhất không sợ “ma”, tuy nhiên, để vào được rừng cấm phải được phép của thầy cúng trông chùa thiêng và cai quản rừng cấm. Bởi trong tín ngưỡng của người Nùng, rừng cấm là nơi trú ngụ của các vị thần, còn thầy cúng chính là cầu nối, người phiên dịch cho thần và người. Phải nhờ thầy cúng hỏi thần rừng và được phép của thần rừng mới có thể vào rừng cấm được. Vậy là chúng tôi cuốc bộ đến nhà thầy cúng Lù Vần Xẻng.
Dãy Đản Kháo Nhà ông Lù Vần Xẻng nằm trên sườn đỉnh Đản Kháo, đỉnh núi cao hơn 2 ngàn mét của dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Ông Xẻng ngoài 70 tuổi, lúc nào cũng đội mũ nồi và đeo chiếc đồng hồ đỏ chót.
Sau khi trình bày kỹ lưỡng, thầy cúng Xẻng mới đồng ý cho đi xem đền thiêng và rừng cấm. Ông rót rượu đầy chai, khói hương nghi ngút trên bàn thờ, rồi khấn thần rừng chứng dám, cho vị khách lạ là tôi được vào rừng cấm. Cúng bái xong, ông quay ra bảo, thần rừng cho phép vào, nhưng không được vào đền. Và chúng tôi lên đường…
Con đường cuốc bộ cheo leo trên sườn đỉnh Đản Kháo rêu phong dấu chân người. Mỗi năm chỉ có hai lần dân bản trầm lặng đi bộ vào rừng thiêng để cúng bái, khẳng định lời thề giữ rừng, còn lại, quanh năm suốt tháng, không có ai dám bước chân vào khu rừng cấm này.
Xã đội trưởng Vàng Sải Phin (phải) và thầy cúng Lù Vần Xẻng trước ngôi đền trong rừng cấm của người Nùng Kể cả các cán bộ văn hóa cũng chưa một lần lạc bước vào đây. Có thể họ sợ những câu chuyện kinh thiên động địa từ lời kể của đồng bào rằng, có những người chết bất đắc kỳ tử khi bẻ một nhành cây, đào một củ măng, trót tè bậy giữa rừng…
Trước khi vào khu rừng cấm với bao câu chuyện về các vị Thần Thiện - Ác, trú ngụ trong những thân cây ngàn năm tuổi, tôi cũng đã được nghe người dân ở đây kể về những cái chết kỳ lạ.
Nào là anh thanh niên tên Pao đi làm cán bộ ở xa về, học được cái văn minh, ra oai với dân bản, nên vỗ ngực xông vào rừng thách thần rừng vật chết. 3 tiếng sau, anh ta lên cơn điên, trèo lên đỉnh núi và phi thân xuống thung lũng, chết tan xương nát thịt.
Bà Cháy ở bản Hô Sán tham mấy củ măng to, lén vào rừng cấm đào về, rồi suốt 20 năm, bệnh điên của bà không khỏi. Bà đi lang thang trong rừng, chết ở đâu không ai biết.
Có một nhân chứng sống về sự xúc phạm linh thiêng mà người Nùng khắp xã Pờ Ly Ngài còn kể, đó là chuyện ông Nùng Seo Sấn và đàn con mắc chứng câm điếc. Dân ở đây kể rằng, ông Sấn có vợ, lại bồ bịch với bà R. Hai người không bồ bịch ở đâu, lại chui vào rừng cấm thế là tai họa cả hai đời.
Những người con câm điếc của ông Nùng Seo Sấn Sau khi ông Sấn bỏ vợ, bà R. bỏ chồng đến với nhau, ông Sấn đột nhiên cấm khẩu đến giờ. 8 người con ông sinh ra thì 7 bị câm điếc. Ông sám hối với rừng bằng cách, 10 năm nay, ông sống một mình trong túp lều trên đỉnh Đản Kháo.
Tôi đã vào nhà ông chụp ảnh đàn con câm điếc, nhưng không gặp được ông, vì phải leo núi nửa ngày mới đến túp lều của ông. Ông thả gà, chăn dê, rồi ngày ngày vái lạy thần rừng tha tội. Sự ăn năn của ông đã hiệu nghiệm. Cậu con út Nùng Seo Long 7 tuổi của ông biết nói, biết nghe và đứa cháu nội của ông cũng không phải gánh tội nợ xúc phạm thần rừng của cha mẹ, ông bà nó nữa.
Rồi chuyện nhà chị Lèng Già Cheng cũng vậy. Chỉ vì bắn con nai trong rừng cấm mà chồng chị chết bất đắc kỳ tử. Hai đứa con cũng tự dưng bị câm điếc, đến giờ vẫn chưa nói được…
Có một chuyện mà những người già vẫn còn kể lại cho thế hệ sau nghe, đó là sự xúc phạm thần rừng của lính Pháp.
Bộ phận của chiếc máy bay Pháp rơi ở Tây Côn Lĩnh
Tác giả bên khu mộ lính Pháp trong vụ máy bay rơi ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh Trước năm 1945, ở Hoàng Su Phì có một số lô cốt và sân bay dã chiến. Hiện di tích sân bay và lô cốt ở xã Pố Lồ vẫn còn.
Ngày trước, thực dân Pháp án ngữ trên điểm cao này và dùng súng cối nã xuống con đường mòn hành quân của ta từ Hà Giang sang Lào Cai. Tại đây, chúng bắt rất nhiều phụ nữ lên hãm hiếp.
Có người đàn bà lai, là sản phẩm của một cuộc hãm hiếp, sống cả đời trong lô cốt. Nghe người dân kể, người đàn bà này da trắng, tóc vàng, mắt xanh và thỉnh thoảng bà xuống thị trấn xin ăn, nhưng bị người dân đuổi như đuổi hủi.
Người đàn bà đó qua đời cách nay 20 năm. Một người thợ săn đi qua, gặp bà nằm chết trong lô cốt đã đem chôn tại đó.
Theo các cụ kể lại, 12 lính Pháp ở lô cốt thường xuyên cưỡi trực thăng đi cướp bóc của cải của đồng bào.
Tại đỉnh Đản Kháo cũng có một sân bay dã chiến. Đám lính Pháp này đã cưỡi trực thăng vào Pờ Ly Ngài cướp trâu bò. Dân bản nghe tiếng máy bay liền xua trâu bò, dê vịt vào rừng cấm rồi trốn ở đó để thần rừng bảo vệ. Đám lính Pháp đã xông vào rừng, bắn chết nhiều người, tàn sát trâu bò, xúc phạm nghiêm trọng đến thần rừng.
Và rồi, ngay đêm hôm đó, chúng tự dưng phát điên, vác súng bắn nhau chết mấy thằng. Những tên còn lại sợ hãi liền lái máy bay chạy khỏi Hoàng Su Phì, nhưng không hiểu sao máy bay lòng vòng mãi không vượt qua được dãy Tây Côn Lĩnh. Cuối cùng, chiếc trực thăng đã rơi xuống chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, 8 lính Pháp thiệt mạng. Hiện mộ lính Pháp vẫn còn ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh. Nhiều nhà dân vẫn giữ những mảnh vỡ máy bay, rèn xác máy bay thành dao, cuốc, điếu cày.
Còn nhiều chuyện ly kỳ huyễn hoặc về chết chóc, điên khùng liên quan đến sự xúc phạm và sự trừng phạt của rừng thiêng. Nghe người dân kể, rồi nghe ông thầy cúng Lù Vần Xẻng kể, thú thực, tôi cũng thấy lạnh gáy khi bước chân vào khu rừng cấm này.
Còn tiếp…