Tiệm sửa xe đặc biệt
Nói đến anh Phúc là không thể không nhắc đến tiệm sửa xe đặc biệt của anh. Đặc biệt là vì những người thợ của tiệm sửa xe toàn là những thanh niên có hoàn cảnh rất khó khăn hoặc là khuyết tật.
Tiệm sửa xe Tân Phúc Mập không chỉ đơn giản là tiệm sửa xe đơn thuần mà còn là “trường dạy nghề” sửa xe hai bánh của anh Phúc cho những học viên khuyết tật.
Anh Phúc đang hướng dẫn cho học viên của mình thao tác.
Những tưởng nghề sửa xe gắn máy chỉ dành cho những người lực lưỡng chứ những người khuyết tật thì không thể làm được. Nhưng tận mắt chứng kiến những bạn học viên trong tiệm người thì mất một chân, người thì cụt một tay, ai cũng miệt mài bên chiếc xe gắn máy thì mới thấy nghị lực của họ thật đáng nể.
Nghị lực của học viên có một thì sự kiên nhẫn của người thầy phải là mười. Dạy nghề cho những học viên khuyết tật này khó hơn dạy cho người bình thường gấp nhiều lần. Anh Phúc chia sẻ: “Mình cũng phải giả bộ giống như tụi nó thì mới dạy được”.
Bốn người thợ học việc đang sửa chữa xe cho khách hàng.
Bằng tấm lòng hảo tâm của mình, anh Phúc đã đào tạo hơn 200 thanh niên khó khăn, khuyết tật trở thành thợ sửa xe máy cho tới thời điểm này. Mỗi một học viên khi ra nghề đều được "thầy Phúc" tặng cho một bộ đồ nghề trị giá 50 triệu đồng. Hiện tại tiệm đang có 9 học viên với 6 bạn trẻ bị khuyết tật.
Những điều tâm niệm của anh Phúc dành cho những học trò của mình.
Một quá khứ khó khăn
Anh Phúc thừa nhận các hoạt động từ thiện nhiều khi cũng làm anh mệt mỏi, vừa phải chăm lo cho nhiều mảnh đời bất hạnh, vừa phải đón tiếp rất nhiều phóng viên báo đài. Thế nhưng khi được hỏi động cơ nào khiến anh không dừng lại, người đàn ông tốt bụng này lại kể về quá khứ của mình.
Người đàn ông này chính là ân nhân của không biết bao nhiêu người lao động nghèo.
Anh Phúc quê ở Tiền Giang, do nhà đông anh em mà lại quá nghèo nên ông đã phải lên thành phố lập nghiệp từ năm 14 tuổi. Ít học nhỏ tuổi nên ai kêu gì anh làm nấy kiếm từng đồng lẻ để sống qua ngày. Nhiều lúc muốn quay trở về quê nhưng vì không đủ tiền nên anh đành bám trụ thành phố, sống lay lắt. Rồi một lần ngủ trước cổng nhà người ta, chủ nhà về thấy ông nằm ngủ bèn gợi chuyện hỏi. Sau khi biết rõ sự tình nảy lòng thương cho anh đi học nghề sửa xe.
Giai đoạn học nghề cũng lắm gian truân. Anh cũng phải làm rất nhiều việc vặt khác ở tiệm của thầy, mỗi ngày cũng chỉ được học 1 tiếng đồng hồ. Nhưng nhờ có nghị lực, anh đã có thể tự tin mở được một tiệm sửa xe “lề đường” cho riêng mình. Sau nhiều năm vất vả dành dụm tích cóp, anh cũng có được một tiệm sửa xe như vậy hiện tại và đồng vô đồng ra để chăm lo cho những bà con nghèo.
Một quá khứ vất vả như vậy cho người đàn ông này đủ trải nghiệm về sự khốn khổ mà những hoàn cảnh xung quanh đang phải đối mặt. Anh thừa nhận chính bản thân ông cũng đã từng nhận được sự giúp đỡ của xã hội nên mới có được như ngày hôm nay. Cho nên bây giờ anh thấy bổn phận là phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.
Anh nói như nhận trách nhiệm về mình: “Chừng nào tui còn sức khỏe, còn làm được, là còn đóng góp cho xã hội, còn chăm lo cho bà con nghèo. Ngày xưa tui nghèo tui đi lang thang hổng sao, chứ để tụi nhỏ nó vừa không có việc làm vừa nghèo khổ, lang thang lỡ tụi nó đi trộm cắp rồi sao?”.
Ông bụt của người nghèo
Tôi lại hỏi anh về tất cả những hoạt động từ thiện mà anh đã làm thì được nghe một danh sách khá dài: bánh mì miễn phí, phát cơm miễn phí, lớp học tình thương, dạy nghề sửa xe miễn phí, sửa chữa xe gắn máy miễn phí cho người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí và những chuyến đi tặng quà từ thiện ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ…
Thùng bánh mì miễn phí đặt trước tiệm nhanh chóng hết sạch.
Trong lúc trò chuyện, chốc chốc lại có một người bán vé số, bán báo dạo đi ngang qua lấy bánh mì. Có một vài người vì ngại mà hơi chần chừ thì anh Phúc phát hiện ngay, liền chạy ra lấy bánh mì phát cho họ. Thùng bánh mì cả trăm ổ mà chỉ tới khoảng giữa trưa là đã trống trơn.
Khi làm công việc tự thiện này, anh cũng có nhiều kỉ niệm buồn. Có lần có người mang đến tiệm một chiếc xe máy rồi nhờ anh sơn lại toàn bộ không khi không có hỏng hóc đáng kể. Anh nhẹ nhàng từ chối, người này liền trách: “Để cái bảng sửa xe miễn phí cho người khuyết tật mà muốn sơn lại cái xe cho đẹp thôi cũng không được”. Rồi nhiều lần có những thanh niên ăn mặc đẹp, đi xe mắc tiền đến lấy cơm từ thiện. Bị nhắc nhở, họ cũng không tiếc lời trách móc anh.
"Biển quảng cáo" từ thiện của ông bụt.
Tôi hỏi anh có ngại ngần không khi tình trạng nhiều người lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác thì anh trả lời đầy hào sảng: “Tui muốn sự giúp đỡ của mình đến đúng tay người nhận. Cũng có người này người kia giả bộ tới xin tiền rồi hăm he này nọ. Nhưng kệ, ai muốn nói gì làm gì kệ người ta, mình cứ làm vì bà con thôi”.
Giúp đỡ nhiều như vậy, nhưng chưa bao giờ anh Phúc mong muốn nổi tiếng hay đòi hỏi một sự báo đáp nào. Niềm vui của người đàn ông chân phương này đôi khi chỉ là nụ cười của một bà bán vé số nhận được ổ bánh mì giữa trưa, một lời chúc mừng của cậu học trò học sửa xe nhân ngày 20/11.
Tôi chào anh ra về cũng là lúc có một người bán vé số đi ngang qua vào xin ổ bánh mì. Anh lại vội vã bước ra, cho tay vào thùng lấy cái bánh… Dẫu cuộc sống có thật nhiều những nỗi bất hạnh nhưng chỉ cần có những người như ông bụt Nguyễn Văn Phúc, chúng ta vẫn có quyền hi vọng vào tình đời.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự