Còn với hàng trăm bệnh nhân nghèo bị bệnh viêm loét dạ dày trong cả nước, anh là chủ nhân của những bọc thuốc Nam đủ để giúp họ quên đi bệnh tật.
Hơn ba mươi năm qua, dấu chân của người lương y phố núi đã in khắp các đỉnh núi cao nhất, những lòng thung sâu nhất trên dải đất hình chữ S dấu yêu.
Thậm chí, với những miền rừng thẳm trên nóc nhà của đất nước - dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ - thì anh luôn là người quen cũ, quen đến độ “Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao/ Gió bốn bề cây, cây ngả nghiêng chào…” như lời thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Người làm nghề Đông y trong nước biết tiếng anh bởi anh có được nhiều loại thuốc quí từng bị tuyệt diệt lại tâm huyết với nghề.
Thương nhân nước ngoài khó chịu với anh vì anh luôn vận động bà con các dân tộc không khai thác tận diệt, bán thuốc quí ra ngoài biên giới.
Còn với hàng trăm bệnh nhân nghèo bị bệnh viêm loét dạ dày trong cả nước, anh là chủ nhân của những gói thuốc Nam đủ để chữa bệnh và một chút tiền giúp đỡ họ qua cơn bạo bệnh.
Lương y phố núi
Người dân Lào Cai dường như ai cũng biết tiếng lương y Phạm Văn Thanh, chủ nhà thuốc Hoàng Liên Sơn nằm ngay khu trung tâm Tp. Lào Cai.
Trong câu chuyện thân tình, anh thường đùa, mình là người rừng, có sao thì nói thật cái bụng, mong bạn đừng cười. Cứ tưng tửng, giản dị và lành lẽ như cây rừng, đất bản, những ai mới gặp anh hẳn khó nghĩ rằng, vị lương y này vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống nhiều đời theo nghề Đông y với thang thuốc bí truyền chữa bệnh dạ dày hiệu nghiệm.
Điều bất ngờ hơn nữa là lương y Phạm Văn Thanh từng là một thầy thuốc Tây y được đào tạo bài bản tại Bệnh viện Việt Đức và có một thời gian dài công tác tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai.
Những tháng ngày làm việc trong môi trường y học hiện đại đã cho anh có thêm nhiều kiến thức khám chữa bệnh, nhưng đồng thời cũng giúp anh từng bước nhận ra giá trị hiếm có của những bài thuốc Đông y.
Vừa mẫn cán làm việc, anh vừa nghiên cứu, so sánh giữa Tây y và Đông y để rút ra những yếu tố tích cực của cả hai phương pháp để bổ trợ cho kiến thức của mình. Và, sau 20 năm theo đuổi Tây y, anh đã có một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên là… xin thôi việc để tập trung toàn bộ tâm lực vào việc nghiên cứu Đông y.
Anh chia sẻ rằng, kiến thức về Đông y của Việt Nam ta hiện nay thực sự quá ít ỏi, dẫu chúng ta từng có nhiều thần y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Hoàng Đôn Hòa… nên anh có tham vọng tìm lại được những bài thuốc quý của cha ông thường được giới lương y phương Bắc nghiêng mình kính phục.
Điều quan trọng là người thầy thuốc phải tìm ra quy luật, cách điều phối để cây cỏ phát huy được hết dược tính của nó trong điều trị bệnh.
Chính từ suy nghĩ ấy nên lương y Phạm Văn Thanh đã dành toàn bộ quỹ thời gian của mình cho cây thuốc. Anh ham học hỏi đến mức, hễ nghe nói ở đâu có bài thuốc quý, có cây thuốc lạ là anh xếp lại những ô thuốc để lên đường tìm hiểu.
Thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh con của dân tộc Dao, bài thuốc chữa rắn cắn của đạo sĩ Ba Lưới vùng Thất Sơn (An Giang), Kiến thức Tây y kết hợp cùng kinh nghiệm về Đông y gia truyền đã giúp anh giải đáp được tác dụng của chúng, đồng thời mang lại nhiều khám phá thú vị trong việc bào chế và chữa bệnh bằng thuốc Nam.
Cùng với nhiều bài thuốc khác thì bài thuốc chữa bệnh dạ dày của anh được xem là thực sự công hiệu đối với loại bệnh này. Từ bài thuốc gia truyền của gia đình, anh đã nghiên cứu và điều chế thêm các vị hoặc cân đối liều lượng từng loại để có được tác dụng triệt để. Đến nay, nhiều bệnh nhân trong cả nước đã đến nhà thuốc Hoàng Liên Sơn xin được thăm bệnh và đã thoát khỏi những cơn đau dạ dày dai dẳng nhờ bài thuốc này.
Vì những cây thuốc Việt
Yêu thiên nhiên, cây cỏ, anh cùng các lương y có cùng ý chí bỏ tiền túi lặn lội đến khắp các miền rừng xanh núi đỏ để tìm ra các loại thuốc quý trên đất Việt. Mỗi chuyến đi của anh thường kéo dài hàng chục ngày, trải rộng trên khắp mọi địa bàn từ vùng núi cao hiểm trở phía Bắc đến những đại ngàn rộng lớn Tây Nguyên hay vùng biên giới Tây Nam và thậm chí là sang tận Lào, Campuchia…
Không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi và đạt kết quả, nhưng sự nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp đã được bù đắp xứng đáng. Hàng chục loài tưởng đã tuyệt chủng đã được anh tìm ra khi chúng đang ẩn thân giữa triệu triệu cây rừng vạm vỡ và dây gai chăng lối.
Có lẽ gần cây thuốc, hiểu cây thuốc nên lương y Phạm Văn Thanh rất nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến cây. Mỗi lần thấy bà con các dân tộc ở Lào Cai đổ xô vào rừng đào các loại cây, củ bán cho thương lái người Trung Quốc là mỗi lần anh bỏ công đi tìm hiểu nguyên nhân và tác dụng của loại cây đó.
Hầu hết các loại cây họ mua đều chưa được xác định danh tính lẫn công dụng, anh không còn cách nào khác là tự mình phân tích mẫu hoặc tìm nhiều nguồn tin từ nước bạn. Qua nhiều lần dò la, anh hiểu rằng, bất cứ loại cây nào mà họ tìm mua với kiểu khai thác tận diệt thì loại cây đó đều là những cây thuốc quý mà Đông y nước ta chưa biết tiếng.
Mỗi khi xác định là cây thuốc quý, anh Thanh lại lặn lội đến từng chòm bản để vận động bà con không phá nhổ bừa bãi. Có người nghe theo, có người bỏ ngoài tai vì còn say cái lợi trước mắt.
Anh đành âm thầm tìm đến những gia đình thân thiết tại những vùng có cây thuốc để xin gửi trồng hoặc tự mình xới xáo những khe đất giữa rừng sâu để bảo tồn cây thuốc. Dẫu chỉ là vài chục cây trên những mảnh vườn nhỏ bên chái nhà nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhưng mai đây, đó sẽ là nguồn gen quý giúp gây dựng lại những loài thuốc đã bị khách buôn nước ngoài thôn tính hoàn toàn.
Mới đây, anh hồ hởi thông báo việc mình đã trồng thành công cây “Thất diệp nhất chi hoa” - loại thuốc có tác dụng ưu việt trong điều trị ung thư. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, loại cây này của anh còn có thể ra tới chín lá. Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, loại cây này đang bị ráo riết truy mua với giá lên đến 500.000 đồng chỉ cho một mẩu cây rất nhỏ.
Lặng lẽ giúp đời
Một trong những thói quen hàng ngày của vị lương y đặc biệt này là thường xuyên đọc báo. Mỗi khi thấy có một cảnh đời bất hạnh nào đó có những căn bệnh mà anh có thể chữa được, anh đều lưu lại tên tuổi, địa chỉ của họ. Rồi khi đêm xuống, bệnh nhân đã về hết, vợ con cũng đã đi nghỉ, anh lặng lẽ giở hồ sơ bệnh của từng người rồi bốc thuốc, đóng gói cẩn thận để gửi đi. Trong gói thuốc còn kèm theo một chút tiền nhỏ để họ có thể mua đồ tẩm bổ thêm cho chóng hồi phục sức khỏe. Những nhân vật nào bài báo nêu địa chỉ cụ thể thì anh đóng gói thuốc rồi gửi. Nếu chưa có, anh lại kỳ công gọi điện lên tòa soạn, xin gặp phóng viên viết bài để có được địa chỉ của nhân vật để tặng thuốc.
Biết tin đạo sĩ Ba Lưới vùng Thất Sơn (An Giang) có bài thuốc chữa rắn cắn, anh cũng lặn lội vào thăm Nhà báo Phạm Ngọc Dương – phóng viên VTC New kể lại cho tôi nghe câu chuyện về những nhân vật có số phận hết sức éo le mà anh đã từng viết trong các loạt phóng sự của mình. Đó là ông Vũ Minh Tằng - nạn nhân của những cuộc tra tấn tàn ác nhất lịch sử Việt Nam như ăn phân người, uống nước tiểu, dùng chày đập vỡ đầu gối, đóng đinh vào chân, dùng tuýp nước bẻ từng chiếc răng và bắt nuốt… Ra tù, ông mắc đủ thứ bệnh, mà khốn khổ nhất là bệnh loét dạ dày, tá tràng. Mỗi khi lên cơn đau, ông đều gần như ngất lịm. Hay chị Dung, người phụ nữ đáng thương đã tình nguyện gắn bó đời mình với chàng trai tật nguyền Phạm Văn Hương ở Tam Nông, Phú Thọ. Chồng mới mất do bạo bệnh, chị phải bươn chải theo các kíp thợ xây làm phụ hồ kiếm tiền nuôi con. Đã vậy, chị còn mắc đủ thứ bệnh: sỏi thận, viêm loét dạ dày, thoái hóa cột sống, viêm hành tá tràng…
Họ đều nhận được những gói thuốc từ một người nào đó có tên là T. ở Lào Cai gửi cho. Lúc đầu cũng có nhiều nghi ngại, sau rồi họ dùng thử và kết quả không ngờ tới là dạ dày đều có dấu hiệu hồi phục, các cơn đau cũng dần mất đi và sức khỏe ổn định hơn. Từ tò mò chuyển sang cảm mến, nhà báo Phạm Ngọc Dương đã quyết tâm tìm ra vị lương y đáng kính này. Và anh đã có dịp gặp mặt anh Phạm Văn Thanh rồi từ đó trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó.
Trên thực tế, những người như chị Dung, ông Tằng chỉ là hai trong số hàng trăm người bệnh có hoàn cảnh éo le từng được anh Thanh giúp đỡ. Anh nghĩ rằng, nghề y vốn là một nghề cao quý, liên quan đến sinh mạng của con người nên y đức luôn cần được đề cao. Nhà thuốc của anh không phải lúc nào cũng đông khách nhưng thu nhập đủ để anh nuôi sống gia đình và dành phần nào cho việc giúp đỡ những người nghèo khổ. Có những trường hợp như bà Nguyễn Thị Đáng (60 tuổi, ở xóm Đền, thôn Trung, Bình Lục, Hà Nam) toàn thân nổi những khối u và rất nhiều cục to, tròn mọc khắp cơ thể, sống cô quạnh trong bốn bức vách tối tăm, không người thân thích, anh Thanh cũng bắt xe khách xuống tận nơi thăm bệnh cho bà. Khi biết bệnh tình của bà Đáng đã không còn khả năng chạy chữa, anh đành tặng lại bà một chút tiền những mong giúp bà có thêm chút ấm áp của tình đời.
Tiếng lành như hương hoa, tự nó có sức lan tỏa. Hơn nữa, qua một số bài báo viết về mình, lương y Phạm Văn Thanh cũng công bố số điện thoại và địa chỉ của mình trên báo để những ai cần đến sự giúp đỡ của anh có thể trực tiếp liên hệ xin thuốc. Điều kiện cũng rất đơn giản là cần gửi về cho anh bệnh án kèm theo một lá đơn có xác nhận là gia đình có hoàn cảnh éo le, hộ nghèo của chính quyền địa phương nơi bệnh nhân cư trú… Với mỗi lời đề nghị như vậy, dẫu chưa từng gặp mặt bệnh nhân hay biết được hoàn cảnh thực sự của họ, song lương y Phạm Văn Thanh vẫn kiên nhẫn sàng lọc thông tin trong bệnh án để gửi cho họ những thang thuốc thích hợp. Tới đây, anh còn có một dự định là về thăm khám và bốc thuốc miễn phí cho trại thương binh nặng ở tỉnh Thái Bình với sự góp sức của Công ty Nam Dược Nam Định.
“Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao/Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào/Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng/Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay…”. Những câu thơ ấy cứ buột thốt trong tôi mỗi khi nghĩ về vị lương y có niềm đam mê vô tận với cây thuốc và một tấm lòng ấm áp với cộng đồng. Trong những câu chuyện của anh, thấp thoáng đâu đó sự chua xót trước tình trạng chảy máu cây thuốc quí, thấp thoáng nỗi buồn khi có đồng nghiệp chưa hiểu mình, thấp thoáng nỗi ưu tư khi người dân còn chưa thực sự coi trọng thuốc Nam và cả niềm lo âu trước những kẻ chực chờ đánh cắp những “tài sản” vô giá đang thả sức sâu rễ bền gốc, hít thở hương rừng, khí núi để lên xanh của anh nơi rừng sâu…