Ở gần thành phố Pereslavl-Zaleski (nước Nga) xinh đẹp và cổ kính có hồ nước Plescheevo với phong cảnh nên thơ.
Nhưng điều thu hút các du khách tới đây lại là một phiến đá lớn màu xanh biếc nằm bên hồ.
Tảng đá trông bình thường nhưng lại đặc biệt: mùa đông không bao giờ bị tuyết phủ kín, khi trời mưa đá chuyển sang màu xanh biếc hệt như hồ nước. Người dân địa phương gọi nó là tảng đá xanh biếc.
Theo truyền thuyết, tảng đá xanh biếc từng nằm trên đỉnh ngọn núi nhỏ cách không xa hồ Plescheevo. Đó là ngọn núi thiêng và bộ tộc ở nơi đây dùng tảng đá mầu nhiệm làm nơi đặt đàn tế lễ.
Vào cuối thế kỷ X, nước Nga cổ công nhận quốc giáo mới - đạo Kitô. Các tầng lớp phong kiến và tôn giáo bắt đầu cuộc đấu tranh không ngừng với tà giáo, xóa bỏ hình ảnh thần linh ngoại đạo, phá hủy các nơi thờ phụng.
Năm 1152, tảng đá xanh biếc bị đẩy từ trên đỉnh núi xuống bờ hồ Plescheevo. Nhiều người truyền tai nhau rằng chính điều này đã khiến một nhà thờ bị cháy rụi, sau đó đến lượt dinh thự ngoại ô của công tước bị đổ. Kể từ đó đến nay, không có công trình nào được dựng trên núi.
Vào đầu thế kỷ XVII, mặc dù các cha cố nghiêm cấm, cư dân địa phương vẫn đến chỗ tảng đá xanh biếc. Một số người tin phiến đá kỳ diệu sẽ chữa cho họ lành bệnh, những người khác tổ chức lễ hội, nhảy múa bên những đóng lửa. Sau đó, các nhà tu hành quyết định đem chôn đá xanh vào lòng đất. Nhưng 12 năm sau, tảng đá bí ẩn lại trồi lên trên mặt đất.
Năm 1788, nhà chức trách quyết định đặt tảng đá làm móng cho một nhà thờ. Khi tảng đá nặng mấy chục tấn này được xe trượt tuyết vận chuyển qua hồ Pleshcheevo, mặt hồ đóng băng giữa mùa đông bỗng nứt toác và chiếc xe chìm nghỉm cùng tảng đá.
Năm 1858, người ta phát hiện tảng đá di chuyển tới gần bờ hơn và nó nằm ở vị trí cách chỗ bị mang đi khoảng 300m.
Hơn thế kỷ rưỡi qua, các nhà khoa học vật lộn với bí ẩn "tảng đá di chuyển". Một số cho rằng, đá nổi lên bờ do thủy lưu mạnh (một con sông chảy vào hồ). Những người khác lập luận rằng tảng đá bị đóng vào băng mỗi mùa đông và di chuyển theo dòng băng tan lúc xuân đến. Nhưng làm thế nào băng hay thủy lưu có thể lay chuyển khối đá nặng vài chục tấn và kéo nó vào bờ?