Bí ẩn ngôi đền 300 tuổi thờ hộp sọ cọp khổng lồ

Thứ hai - 20/10/2014 06:38
Nguồn gốc bí ẩn của chiếc hộp sọ cọp khổng lồ trấn làng, hiện vẫn đang được người dân nơi đây lưu truyền.
Anh Trần Văn Gíp giới thiệu chiếc sọ cọp có tuổi đời ngoài 300 năm đang được thờ tại đình Quới Sơn (Ảnh: Hà Nguyễn)
Anh Trần Văn Gíp giới thiệu chiếc sọ cọp có tuổi đời ngoài 300 năm đang được thờ tại đình Quới Sơn (Ảnh: Hà Nguyễn)
Ngoài việc được xem là cổ đình, đình Quới Sơn còn chất chứa những giai thoại gắn bó với văn hóa, lịch sử nơi đây. Nguồn gốc bí ẩn của chiếc hộp sọ cọp khổng lồ trấn làng, ngôi miếu ông hổ linh ứng trừng trị kẻ ác, đình thiêng trấn yểm vượng khí đất làng... hiện vẫn đang được người dân nơi đây lưu truyền…

Phát hiện “lạ” khi trùng tu đình
Theo thời gian, đình Quới Sơn (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre) vẫn sừng sững trên nền cũ ngổn ngang gạch tàu, đá tổ ong. Theo những bậc cao niên tại xã Quới Sơn, đình cổ Quới Sơn đã ngoài 300 tuổi.

Anh Trần Văn Gíp, người trông giữ ngôi đình cho biết: “Cho tới nay, không có tài liệu chính thức nào ghi lại. Tuy nhiên, người xưa truyền lại rằng, đình thành lập cùng lúc với chùa Hội Tôn. Như vậy, cho đến nay, đình này đã ngoài 300 năm tuổi”.

Ngôi miếu thần hổ, nơi được xem như địa điểm linh thiêng bậc nhất đình (Ảnh: Hà Nguyễn).

Cũng theo anh Gíp, ngôi đình này có rất nhiều điều thú vị. Đình Quới Sơn được biết đến như một ngôi đình lớn nhất, bề thế nhất xã Quới Sơn xưa.

 
Bí ẩn ngôi đền 300 tuổi thờ hộp sọ cọp khổng lồ
Ngôi miếu thần hổ, nơi được xem như địa điểm linh thiêng bậc nhất đình (Ảnh: Hà Nguyễn)
“Theo lời người xưa, đình có khuôn viên rất lớn, có nhiều phòng, bệ thờ, có cả sân hát bội. Sự quy mô và tuổi đời cổ kính của đình thể hiện trên những phế tích còn được lưu giữ cho tới ngày nay.

Năm 1966, đình được trùng tu nhưng người ta không thể dùng cuốc để đào móng vì đụng phải lớp gạch ngói, gạch tàu, đá ong vụn vỡ từ những lần trùng tu trước còn sót lại. Đến nay, để đào, xới đất trong khuôn viên, người ta phải dùng xà beng chứ không có cuốc xẻng nào chịu nổi. Qua đó, có thể thấy ngày xưa đình lớn đến thế nào và trải qua biết bao lần trùng tu quy mô”, anh Gíp khẳng định.

Tuy nhiên, theo anh Gíp, điều khiến đình Quới Sơn trở nên linh thiêng bậc nhất nơi đây nằm ở chiếc hộp sọ to lớn, bí ẩn đang được thờ tại ban thờ chính của đình. Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn đình làng ở Nam Bộ đều có miếu thờ cọp ở phía trái sân đình với chức tước "Sơn lâm chúa tể”.

Tuy nhiên, những ngôi đình có và dùng một bộ phận nào đó của loài cọp để thờ thường rất hiếm. Đặc biệt, chiếc sọ cọp lớn và có tuổi đời cao như ở đình Quới Sơn lại càng vô cùng hiếm hoi.

Theo người dân nơi đây, nguồn gốc, xuất xứ của chiếc sọ này cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nhiều giai thoại ly kỳ xung quanh chiếc sọ này vẫn được các bậc cao niên nơi đây lưu giữ. Theo đó, có giai thoại cho rằng, xưa kia, vùng này vốn nổi tiếng có nhiều cọp lớn, trong số này xuất hiện một con cọp vằn to lớn nổi tiếng hung dữ.

Cứ nhập nhoạng tối, con cọp này thường đi từ rừng ra, vào làng tìm bắt trâu bò, trẻ nhỏ. Rất nhiều thanh niên trai tráng tìm cách tiêu diệt con thú dữ này nhưng đều thất bại cho đến khi có một con cọp trắng khác xuất hiện.

Hai con cọp này lao vào tử chiến. Cuối cùng, con cọp dữ bị hạ gục. Tuy nhiên, sau trận tử chiến, con bạch hổ cũng bị thương rất nặng, cố bước vào khuôn viên đình Quới Sơn trốn biệt. Sau trận tử chiến trên, dân làng không còn bị thú dữ quấy phá nên cho rằng chính con bạch hổ đến để bảo vệ dân làng.

Sau đó, khi trùng tu ngôi đình, người ta phát hiện hộp sọ cọp to lớn trong khuôn viên đình. Cho rằng đó chính là phần còn lại của ông hổ trắng, người dân đem hộp sọ này về thờ trong đình với mong ước dân làng được bảo vệ.

Liên quan đến nguồn gốc của chiếc hộp sọ cọp bí ẩn, anh Gíp cho biết: “Tôi được các hương cả đi trước kể lại rằng, trước khi dựng đình, dân làng phát hiện xác ông hổ nằm rũ ngoài đó. Tin tưởng việc thần hổ bảo vệ dân làng, người dân bàn nhau xây dựng đình và rước phần thể xác của ông vào thờ.

Trước đây, khu vực này nhiều cọp lắm nhưng sọ cọp lớn thế thì chưa ai thấy bao giờ. Ngỡ đó là “ông” về độ làng, nên người xưa tắm rửa sạch sẽ rước sọ ông về thờ trong đình”.

Tục cúng đầu heo và sự linh thiêng của đình cổ
Theo anh Gíp, sau ngày rước chiếc sọ trên về thờ trong đình, người dân trong làng không còn bị thú dữ quấy phá dù trước đó, làng Quới Sơn nổi tiếng nhiều cọp. Người xưa tin rằng “ông Ba Mươi” rất linh nghiệm nên có tục cúng đầu heo vào các dịp cúng đình.

Nói về tục này, anh Gíp cho biết: “Thời trước, các ông hương chức cũ đều đem một cái đầu heo đến trước miếu thờ ông hổ trong các dịp cúng đình. Điều kỳ lạ là sau khi tàn nhang, người ta quay ra chỗ cúng thì không còn thấy cái đầu heo nữa. Sau này, hiện đại hơn, chúng tôi vẫn giữ tục cúng heo nhưng không để nguyên nữa mà xẻ ra thành thịt”.

Nhiều năm trở lại đây, chuyện mất đầu heo trong các lễ cúng không diễn ra. Tuy nhiên, ngôi miếu nhỏ thờ “ông hổ” phía sau đình Quới Sơn vẫn là nơi bí hiểm và nổi tiếng linh ứng bậc nhất. Anh Gíp khẳng định có rất nhiều chuyện lạ diễn ra xung quanh ngôi miếu nhỏ này.

Anh kể: “Từ xưa, đình đã nổi tiếng linh thiêng. Rất nhiều người tin tưởng đã đến đình xin được bình an, làm ăn phát đạt và được toại nguyện. Các đời trước thì tôi không rõ, chứ từ khi tôi làm ông Từ ở đây thì chứng kiến rất nhiều người đến đình cầu con, xin sức khỏe, làm ăn phát đạt. Nhiều người trong số này đạt được ước nguyện và đến đình cúng trả lễ. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp bị quở vì dám mạo phạm đến nơi thiêng liêng”.

Anh Gíp cho biết chính anh đã chứng kiến trường hợp bị “thần hổ” quở vì mạo phạm đình. Anh kể: “Trước đây, khi ngôi miếu ông hổ bằng cây bị sập, người dân chưa kịp sửa chữa, có một người phụ nữ tự tiện đến lấy ba miếng gạch ở miếu đem về nhà mình để lót đường đi cho khỏi lầy lội.

Vài ngày sau khi người này đem ba miếng gạch về, tự nhiên chị không bệnh mà liệt nửa thân dưới không thể đi đứng. Sau này, khi được người lớn mách bảo, chị ta đem gạch đến miếu trả, mang đầu heo, lễ đến miếu ông hổ cúng thì đi lại bình thường”. Từ câu chuyện trên, ngôi miếu nhỏ càng trở nên huyền bí và linh thiêng trong tâm trí người dân Quới Sơn.

Anh Gíp cho biết, sau câu chuyện nhuốm màu liêu trai trên, nhiều người tin tưởng vào sự linh thiêng của ông hổ. Nhiều người vì tò mò tìm cách lén vào miếu, giở tấm khăn đỏ che kín tượng ông hổ trong miếu, và phải trả giá đắt.

Anh Gíp kể: “Ở đây, không ai dám chạm tượng trong miếu, cũng không ai dám giở tấm vải che tượng. Đó là điều cấm kỵ, đến nỗi, hằng ngày, khi gió thổi làm rơi tấm vải che tượng trong miếu, tôi cũng không dám tự tiện nhặt lên. Tôi phải đợi đến cuối ngày, tắm rửa sạch sẽ, thắp hương xin ông mới dám nhặt vải lên che lại”.

Anh cho biết, sở dĩ anh cẩn trọng như thế vì đã chứng kiến nhiều chuyện lạ sau khi có người tự ý giở khăn, xem tượng.

Anh kể: “Trước đây, có ông từ cũ, chưa thấy tượng trong miếu bao giờ nên tò mò. ông này lựa lúc vắng người, tự ý giở tấm vải che lên xem tượng rồi về khoe khoang. Về sau, ông bệnh rất nặng, thuốc thang không biết bao nhiêu nhưng không khỏi. Cuối cùng, ông này đành nằm một chỗ cho tới chết”.

Đình được nhận nhiều sắc phong nhất tỉnh
Anh Trần Văn Gíp cho biết: “Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, bị đạn bom, chiến tranh tàn phá, đình Quới Sơn vẫn lưu giữ được những cổ vật gắn bó với đình suốt 300 năm qua.

Ngoài các vật dụng như bàn ghế, ban thờ, tủ thờ, vật dụng, tượng thờ,... có tuổi đời hơn 300 tuổi, đình còn lưu giữ được các bức sắc phong của nhiều vị vua trong các triều đại khác nhau. Đến nay, đình còn lưu giữ vẹn toàn sáu sắc phong của các đời vua nước ta sắc phong cho đình. Theo tôi được biết thì đây là đình có nhiều sắc phong nhất của tỉnh”.

Nguồn tin: Đời Sống & Pháp Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây