Tôi vòng đi vòng lại mấy lần phố Nhật Tân, tìm quán thịt chó Trần Mục, nơi mà dân nhậu Hà thành không ai không biết, vì nó là thương hiệu quá nổi tiếng, nhưng không thấy đâu cả.
Hỏi chị bán hàng nước, chị chỉ ngôi nhà ngay cạnh bảo: “Trần Mục thịt chó đây anh này”.
Đó là ngôi nhà 2 tầng với vách tôn, mái tôn, cổng rả đóng kín, bụi phủ trắng nhợt, thậm chí cỏ mọc thành bụi từ những kẽ nứt trước nhà. Chị bán hàng nước bảo: “Cả phố Nhật Tân chỉ còn mỗi quán Anh Tú Béo thôi, không có quán nào khác cho anh lựa chọn nữa đâu”.
Phố Nhật Tân giờ không còn thịt chó
Tôi hỏi lý do vì sao quán thịt chó Trần Mục quá nổi tiếng, mà lại đóng cửa, chị bán nước bảo: “Mấy chục quán thịt chó ở đây đều phá sản hết anh ạ. Dù họ giàu có cỡ nào, nhưng làm công việc sát sinh, mà lại giết hại con vật nuôi yêu quý của con người, nên đều không có kết cục tốt. Bà Xìu chủ quán Trần Mục chuyển nghề rồi, giờ buôn bán bất động sản”.
Chị chủ quán nước chỉ tòa nhà màu vàng bên kia đường và bảo đó chính là nhà bà Nguyễn Thị Xìu, vốn là chủ quán thịt chó Trần Mục.
Tòa nhà lớn ngay mặt đê quả là trụ sở một doanh nghiệp, chuyên môi giới bất động sản.
Người đàn bà độ ngoài 60 tuổi, dáng vẻ chậm rãi, khuôn mặt phúc hậu, miệng hay cười tiếp đón niềm nở. Bà vồn vã mời tôi vào phòng khách, pha nước, mà không hỏi là ai, đến có việc gì, như phần lớn gia chủ khác khi có khách lạ đến gặp. Đó chính là tính cách thân thiện của người Hà Nội gốc.
Khi tôi hỏi chuyện vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất, bà Nguyễn Thị Xìu không vào ngay chuyện. Bà nhớ lại một thời vàng son của Trần Mục quán, cùng phố thịt chó Nhật Tân thơm lừng thịt chó, mắm tôm.
Quán thịt chó Trần Mục đóng cửa mấy năm nay
Theo bà Xìu, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, cỏ cây lau lách, dân cư thưa thớt. Chồng bà, ông Trần Mục đã cắm một mảnh đất ven đê, dựng mái lều tranh, viết tên mình gắn với món thịt chó lên cái mẹt, rồi cắm triền đê. Không ngờ, quán lá ven sông giữa bốn bề lau lách, lại hấp dẫn thực khách đến vậy.
Khách tìm đến quán thịt chó Trần Mục ngày càng đông. Người Hà Nội tìm ta tận ngoại thành để hưởng hương đồng gió nội. Khách tỉnh xa qua cầu Thăng Long cũng dừng lại triền đê thưởng thức thịt chó Trần Mục, hít thở gió sông Hồng.
Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, nên ông Trần Mục phá căn lều nhỏ, dựng ngôi nhà hai tầng, rộng mấy trăm mét vuông.
Thời vàng son kéo dài suốt hai chục năm. Mỗi ngày quán Trần Mục đón 600 - 1.000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23 giờ đêm để phục vụ khách.
Để có thể đáp ứng nhu cầu thực khách, mỗi ngày quán giết mổ từ 100 đến 150 con chó.
Gia đình bà Xìu chuyển sang làm những nghề khác
Bà Xìu nhớ lại: “Quán Trần Mục đông đến nỗi, nhà hàng rộng vậy mà không đáp ứng nổi. Những ngày cuối tháng, quán chỉ nhận phục vụ những khách đặt trước. Chuông điện thoại đặt hàng reo inh ỏi suốt ngày, đến nỗi tôi phải rút điện thoại ra, để khỏi phải nghe nữa”.
Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó.
Cứ chiều xuống, con phố lại chìm trong làn khói mờ ảo của những lò thui chó, những xiên chả nướng chó. Nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Giờ thì cả con đê Nhật Tân, chỉ còn lại mỗi quán Anh Tú Béo.
Tôi cắt ngang hồi tưởng của bà Xìu bằng câu hỏi: “Nghe đồn bà đóng cửa quán vì sợ sát sinh loài vật thân thiết với con người?”. Bà Xìu bảo, bà không tin vào chuyện mê tín, nhưng chuyện bà đóng cửa quán, nghỉ bán thịt chó, cũng có phần lớn là vì nỗi sợ hãi vô hình đó.
Theo lời bà Xìu, chính chồng bà, ông Trần Mục là người gây dựng nên thương hiệu thịt chó Trần Mục nói riêng và thịt chó Nhật Tân nói chung, tuy nhiên, khi quán hoạt động được vài năm, đúng lúc thịnh vượng, thì ông Mục đòi đóng cửa quán, không làm công việc sát sinh này nữa.
Quán thịt chó Trần Mục giờ phủ bụi, cỏ mọc
Ông Mục bảo rằng, không ai làm giàu nhờ sát sinh được, nhất là làm giàu trên sự chết chóc của loài chó. Tuy nhiên, khi đó, việc kinh doanh thịt chó đang rất thịnh vượng, mang lại tiền bạc như nước, nên bà Xìu không chấp nhận đóng cửa quán.
Không thuyết phục được vợ, ông Mục bỏ mặc quán cho vợ quản lý, còn ở nhà trông cháu, chăm sóc cây cối vui tuổi già. Mình bà Xìu phải vật lộn với việc quản lý quán thịt chó. Bà phải tự tay pha chế thịt chó mới đảm bảo chất lượng.
Nghe chồng nói nhiều về chuyện không có hậu trong nghề kinh doanh thịt chó, rồi bà chứng kiến nhiều người làm nghề giết mổ và đón nhận kết cục không tốt đẹp, nên bà Xìu cũng hoang mang.
Thịt chó Trần Mục nổi tiếng một thời. Ảnh: Tiến Dũng
Bà không dám tự tay giết chó nữa, mà sai nhân viên làm việc đó. Để giải bớt nghiệp cho mình và gia đình, bà Xìu đi lễ rất nhiều nơi. Mỗi năm, bà đi hàng chục ngôi chùa, cúng lễ rất chu đáo, đốt vô số vàng mã cúng cho linh hồn loài chó. Bà Xìu tin rằng, do bà đi lễ cẩn trọng, nên đại gia đình bà mới không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, những điều xảy đến với sức khỏe, khiến bà cũng phải bận tâm suy nghĩ. Mấy năm trước, dù hàng loạt quán thịt chó ở Nhật Tân đã đóng cửa, song quán Trần Mục có thương hiệu, nên vẫn rất đông khách.
Đúng thời điểm đó thì bà mắc nhiều thứ bệnh như cao huyết áp, thoái hóa các khớp khiến bà không đi nổi, đôi mắt cứ mờ dần phải tiến hành mổ gấp mới không bị mù… Thời điểm đó hầu như tháng nào bà cũng phải đi viện vài lần.
Nỗi sợ hãi về việc sát sinh loài chó đã nhen nhóm xuất hiện trong đầu bà và đại gia đình. Chồng, con ra sức ngăn cản bà, yêu cầu bà đóng cửa quán thịt chó. Nhưng chỉ đến khi ngã gãy tay, phải bó bột, không tự tay pha chế được thịt chó nữa, bà mới sực tỉnh, sợ hãi thực sự.
Cái lần ngã rất nhẹ mà gãy tay, đã khiến bà suy nghĩ nhiều, rồi quyết định đóng cửa thương hiệu thịt chó Trần Mục nổi tiếng, mà không một chút lưu luyến nào nữa.
Phố thịt chó biến mất
Như đã nói ở kỳ trước, bà Nguyễn Thị Xìu, chủ quán chó Trần Mục nổi tiếng nhất Hà Nội, dù đang lúc ăn nên làm ra, vẫn quyết định đóng cửa quán, bởi những lo âu hư hư thực thực.
Theo bà Xìu, những người con của bà đều không theo nghiệp kinh doanh thịt chó, mà làm những lĩnh vực khác. Bà không tin vào chuyện đen đủi do sát hại chó, nhưng có một điều bà nhận thấy, là nhiều gia đình trở nên lục đục, không có hậu khi làm nghề này.
Nỗi sợ hãi nghề sát sinh loài vật thân thiết với con người sẽ không có hậu bao trùm các gia đình kinh doanh thịt chó ở Nhật Tân, nên hễ nhà nào làm ăn khá giả, có đủ vốn, là họ đóng cửa quán, đi làm thứ khác.
Rời nhà bà Xìu, tôi tạt vào quán nước của bà Minh, cách quán thịt chó Anh Tú Béo không xa. Quả thực, những bà chủ quán nước là cái túi đựng thông tin kiểu truyền miệng quanh vùng.
Bà Minh khoe rằng, bà đã bán hàng nước ở con phố thịt chó này được ngót 20 năm, từ khi quán Trần Mục và Anh Tú Béo mở ra, rồi cả đoạn đê thành phố thịt chó. Giờ các quán đã phá sản, đóng cửa hàng loạt, chỉ còn mỗi quán Anh Tú Béo vắng teo khách, bà vẫn kiên trì ngồi bán hàng nước, dù khách chẳng còn mấy. Quán thịt chó đóng cửa sạch sẽ, khách không đến nữa, thu nhập của bà cũng giảm.
Tôi hỏi: “Bác có biết vì sao các quán thịt chó ở Nhật Tân đóng cửa hết không ạ?”. Bà Minh oang oang: “Trời ạ, làm cái nghề giết chóc ghê rợn ấy thì làm sao mà có hậu được hả cậu? Mấy gia đình kinh doanh thịt chó không gặp chuyện nọ, thì cũng vướng chuyện kia. Dù họ có nhiều tiền như nước thì cuối cùng cũng hết sạch thôi. Của thiên trả địa mà. Cũng có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, nhưng lục đục lắm, vợ chồng đánh lộn, con cái hư hỏng cả”.
Bà Minh bấm đốt ngón tay từng gia đình kinh doanh thịt chó, như ông M., bà K., anh V., chị H… Mỗi gia đình bà đều kể vanh vách từ khi mở quán, ăn nên làm ra hay phá sản, đóng cửa ra sao.
Bên trong quán thịt chó Trần Mục
Trong mấy chục gia đình kinh doanh thịt chó không có hậu, tôi ấn tượng với câu chuyện về ông S., chủ quán thịt chó A.X. một thời làm ăn thịnh vượng ở phố Nhật Tân.
Nếu so về thương hiệu, thâm niên, thì quán thịt chó A.X. không nổi tiếng bằng Trần Mục và Anh Tú Béo.
Ông chủ quán là người làng Trung Hòa, trước kinh doanh cá sông, gà đồi. Thấy mấy nhà hàng thịt chó ở Nhật Tân phục vụ khách không xuể, ông này đóng cửa nhà hàng ở Trung Hòa, thuê địa điểm rồi mở quán thịt chó ở Nhật Tân.
Do có kinh nghiệm chế biến thịt chó, địa điểm quán lại đẹp, nên quán thịt chó A.X. nhanh chóng thu hút thực khách, làm giàu nhanh chóng. Ông này thuê tiếp địa điểm và mở quán thứ hai cũng với thương hiệu đó.
Tuy nhiên, đúng lúc công việc kinh doanh thịt chó phất lên, thì vận rủi liên tiếp đổ xuống gia đình ông. Đầu tiên là chuyện xảy ra với người con trai lớn của ông, là người ông hướng theo nghề, tiếp tục nối nghiệp cha quản lý, kinh doanh thịt chó.
Để có chó xịn, thịt ngon, nhiều khi anh này phải lên tận Phú Thọ, Sơn La để chọn chó từ những lái buôn. Những con chó được làm thịt chỉ là chó dé, lông vàng, nặng trên dưới 10kg, sống ở vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Thịt loài chó này nạc, ngọt, mềm, thơm. Chính sự cầu kỳ đó mà quán A.X., sinh sau đẻ muộn, song lại hút khách không kém.
Vào năm 2000, khi người con trai của ông chủ này đang tóm con chó từ lồng ra để đập chết, làm thịt, thì vô tình bị con chó này cắn vào tay. Vết cắn xước nhẹ nên anh này chẳng thèm để tâm.
Chuyện nhân viên giết mổ chó bị chó cắn thường ngày, chẳng ai đi tiêm phòng. Thế nhưng, thật đen đủi, khi con chó cắn anh ta lại là chó dại.
Chó là vật nuôi thân thiết với con người
Chừng tháng sau, anh này lên cơn, sùi bọt mép và chết trong bệnh viện nổi tiếng ở Singapore. Dù ông bố đã đổ ra cả đống tiền, đưa con ra nước ngoài điều trị, song vẫn không cứu được con.
Vận hạn tiếp theo đổ lên gia đình ông, là bà vợ bị tai biến, nằm liệt. Mặc dù chuyện bệnh tật là đen đủi, vận hạn, nhưng nghe nhiều người can dán, ông đã đóng cửa vĩnh viễn cả 2 quán thịt chó A.X ở Nhật Tân. Bao năm nay, ông chủ quán thịt chó A.X. thay vì giết chó, thì chú tâm đi chùa, giải nghiệp.
Cũng theo bà chủ quán nước tên Minh, thì rất nhiều gia đình kinh doanh thịt chó ở đây không có hậu. Phần lớn là phá sản, thất bại về tiền bạc.
Có gia đình con cái dính vào lô đề, cá cược, cờ bạc, nghiện ngập, nên dù làm ra bạc tỉ cũng trắng tay. Nhiều gia đình bỏ xứ trốn đi nơi khác vì bị bọn giang hồ tróc nợ.
Có gia đình cũng vì nỗi sợ hãi nghiệp sát sinh, như ông G., bà D., đã đóng cửa quán, rồi đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, mấy năm nay đất cát xuống giá thảm hại, nên không những họ đều trắng tay, mà thành con nợ.
Bà Nguyễn Thị Xìu, chủ thương hiệu thịt chó Trần Mục cũng bảo: “Dù tôi nghỉ đã mấy năm nay, nhưng vẫn thường xuyên nhận điện thoại đặt hàng của khách. Kinh doanh thịt chó rất có lãi, nên dù ít khách hơn xưa, nhưng chắc chắn không lỗ được. Tuy nhiên, ai cũng sợ hãi nghiệp báo sát sinh nên không dám tiếp tục kinh doanh thịt chó nữa”.
Như vậy đã rõ, vì nỗi sợ hãi vô hình, liên quan đến nghiệp báo, sát sinh trong thuyết giáo nhà Phật, mà mấy chục quán thịt chó Nhật Tân bỗng dưng biến mất.