Biết rõ cơ quan UIA đang thực hiện chương trình khảo nghiệm tìm mộ liệt sỹ bằng khả năng ngoại cảm đặc biệt, “thần y Hơ Phượng” bèn đưa con lắc ra khua khua trên đầu một số cán bộ làm ở phòng giao lưu tâm linh, rồi phán: “Cô Hồng Hạnh và cô Thu Hương bị “bệnh âm”, mà đã mắc “bệnh âm” thì chỉ khi nào uống thuốc của thầy mới khỏi, nếu không uống thuốc của thầy thì không bao giờ khỏi được”.
"Thần y Hơ Phượng" đã được khảo nghiệm với rất nhiều "bệnh nhân" ở Liên hiệp UIA. Ảnh: Hoàng Nguyên. Thầy phát cho mỗi người một chai thuốc và dặn uống trong một tuần. Thuốc không ghi rõ nguồn gốc, không ghi thành phần, hạn sử dụng… Thầy đã chế sẵn thành dạng lỏng, được đựng trong chai bia của Trung Quốc, có dán tên từng “bệnh nhân” và liều lượng dùng hàng ngày. Cứ mỗi lần sang Liên hiệp UIA khảo nghiệm, nhìn thấy chai thuốc cạn dần, thầy lại lấy con lắc ra khám và hồ hởi phán: “Bệnh âm” đang thuyên giảm, uống hết chai thuốc này thì khỏi hẳn!
Khi Hội đồng khoa học chưa họp để công bố kết quả khảo nghiệm, “thần y” đã đến Liên hiệp UIA đề nghị được lấy giấy chứng nhận về tài năng của mình. Gặp ai ông cũng vui mừng hớn hở.
Nhưng trước khi nhận kết quả, ông Tổng giám đốc Liên hiệp UIA Vũ Thế Khanh yêu cầu “thần y” khám lại bệnh cho cô Hạnh và cô Hương xem đã khỏi “bệnh âm” chưa, vì hai cô đã uống hết thuốc rồi. Thật là kỳ diệu! Thầy khẳng định rằng “bệnh âm” của cô Hạnh và cô Hương đều đã khỏi hẳn vì con lắc đã báo như vậy!
"Thần y" Chương Phượng. Ảnh: Thùy Linh. Ông Vũ Thế Khanh tươi cười đến bắt tay chúc mừng “thành công” của thầy. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa ông Khanh và “thần y Hơ Phượng”:
- Thuốc của ông chế bằng loại dược liệu gì mà mầu nhiệm như vậy?
- Tôi chế bằng một số vị thuốc bắc, đồng thời có niệm thần chú tâm linh nữa.
- Bài chú tâm linh như thế nào, có thể cho chúng tôi biết không?
- Thiên cơ bất khả lậu, không thể nói được!
- Vậy nếu nay mai đem thuốc này ra thị trường chữa cho dân thì giá thành thế nào?
- Tôi thu về 150 ngàn đồng một chai. Tôi và cơ quan hợp tác nên cơ quan có thể cộng thêm 100 ngàn nữa. Giá bán như vậy cũng là rẻ, coi như ta cũng đang đi làm từ thiện vậy!
- Làm sao biết được ai bị “bệnh âm”, và liệu sau khi chữa có khỏi vĩnh viễn không?
- Dùng con lắc là khám ra “bệnh âm” liền, rồi cho uống thần dược của tôi. Uống xong tôi cam kết khỏi 100%.
- Phi vụ làm ăn này sộp đấy, mỗi năm cơ quan tôi và bác sẽ có lợi nhuận hàng tỷ đồng chứ không ít đâu!
- Đúng vậy, chúng ta đi chữa bệnh trên tinh thần nhân đạo, đồng thời tôi cũng góp phần làm giàu cho cơ quan bằng tài năng thực sự đặc biệt của tôi đấy!
- Vâng, cám ơn bác! Nhưng hôm nay tôi thấy người không được bình thường, cụ thể là tay phải thì vẫn rất khoẻ, còn tay trái thì đau lắm, không giơ lên được.
Nói xong, ông Vũ Thế Khanh từ từ đưa cánh tay trái lên, nhưng mới đưa đến ngang vai là mặt ông đã nhăn nhó, có vẻ đau đớn lắm!
- Phải khám cẩn thận xem là bệnh gì rồi tôi sẽ chữa cho khỏi! Ông Phượng vừa nói vừa lôi con lắc ra “khám”. Lia con lắc theo cánh tay của ông Khanh, “thần y” luôn miệng vừa hỏi vừa tự trả lời: “Đau bờ vai? Không! Đau khuỷu tay? Không ! Cánh tay? Không! Khô khớp? đúng! đúng !. ông bị khô khớp. Chỗ này đau lắm. Nếu cố gắng chịu đau thì chỉ chữa 2 lần và uống thuốc của tôi là khỏi”.
- Đến lúc này, ông Vũ Thế Khanh mới bật cười và khôi hài: “Chỉ cần nghe thấy bài thuốc của ông, chưa cần uống mà tôi đã khỏi liền”.
Vừa nói, ông Khanh vừa vung tay lên một cách thoải mái và tiếp: “Bây giờ tôi có thể dùng tay trái để vật nhau với tay phải của ông xem ai thắng thua trước sự chứng kiến của mọi người ở đây”.
- Bất ngờ hơn nữa, đúng lúc ấy cô Hồng Hạnh và cô Thu Hương xuất hiện, cầm trên tay 2 chai “thần dược” còn nguyên xi của “thần y”. Cô Hạnh nói: “Tôi khỏi bệnh rồi, cám ơn thần y!”.
Ông Vũ Thế Khanh, người vừa lật tẩy trò bịp của "thần y" có cái tên hài ước "Hơ Phượng". Ảnh: Hoàng Nguyên. Ông TGĐ nghiêm giọng nói:
- Theo phác đồ điều trị của thầy, phải uống hết thuốc mới khỏi được “bệnh âm”, sao bây giờ chưa uống giọt nào mà “con lắc ” đã nói khỏi “bệnh âm” rồi?
- Rõ ràng tôi thấy 2 cô đã uống hết hai chai thuốc rồi mà!
- Tuần trước tôi có chỉ đạo cán bộ đi kiếm 2 chai khác có cùng màu sắc và kích thước, rồi pha nước chè cho đúng với màu thuốc của ông, sau đó tôi tạm bóc cái tờ “hướng dẫn sử dụng” của ông dán sang. Chai “thuốc giả” này mỗi ngày được đổ đi một ít, và cố ý để cho ông nhìn thấy vẫn “đang uống thuốc đều đều”. Bây giờ ông nhìn cho rõ đi, 2 chai thuốc này có phải của ông không?
- Lúc này mặt “thần y” tái mét, vừa gói vội đồ nghề vừa lẩm bẩm: “Cơ quan này không có khả năng thẩm định được tài năng của tôi, tôi sẽ đi tìm cơ quan khác để thẩm định”. Nói chưa dứt câu mà chân ông đã bước lập bập ra khỏi cửa phòng rồi.
Chai thuốc vẫn còn nguyên xi của "thần y". Ảnh: Hoàng Nguyên. Kết luận của Hội đồng khoa học UIA: “Ông Trần Chương Phượng chưa hề có khả năng đặc biệt trong việc khám chữa bệnh. Một vài thủ thuật day ấn, xoa bóp (mat-xa) mà ông Phượng thường dùng là dựa theo kinh nghiệm dưỡng sinh sẵn có trong dân gian, bất cứ ai học hỏi một vài ngày là có thể tự day ấn, tự mat-xa được.
Sự hiểu biết về y học của ông Phượng còn rất hạn chế, thậm chí sai phạm rất nhiều (nhất là khi dùng con lắc chẩn đoán huyết áp, tim mạch…), nếu tin vào kết quả khám bệnh kiểu này thì sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ông Phượng “sáng tác” ra “bệnh âm” và bán thuốc chữa “bệnh âm” là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, không những gây tốn tiền cho khổ chủ mà còn tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, gieo mầm mống mê tín dị đoan trong cộng đồng xã hội.
Hầu hết chuyện chữa "bệnh âm" là bịp bợm của đám đồng cô bóng cậu. Ảnh: Hoàng Nguyên. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: chính quyền và các ban, ngành liên quan ở địa phương (nơi cư trú của ông Phượng) đã nhiều lần nhắc nhở, phạt hành chính, cảnh cáo ông về việc lừa bịp, hành nghề trái phép, nhưng ông vẫn lén lút hành nghề một cách bất chính.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần triệt để ngăn chặn hành vi khám bệnh theo kiểu “buôn thần bán thánh” của ông Phượng cũng như một số kẻ bịp bợm khác, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người để ngang nhiên moi tiền một cách bất chính. Đặc biệt Liên hiệp UIA cũng khuyến cáo: Nếu ai có bệnh thì nên đến khám tại các cơ sở bệnh viện, các phòng khám có uy tín để khỏi rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang” bởi các “thần y” dỏm.