Là một doanh nhân Phật tử tôi hay đi tham quan các chùa từ nam chí bắc. Rất nhiều chùa được xây đẹp, hoành tráng. Nhất là các chùa mới. Các chùa cũ giữ được cảnh quan tuyệt vời, tượng cổ, chuông mõ cổ thật uy nghi và linh thiêng. Các chùa phía bắc, ngoài chánh điện thường xây thêm nhà tổ để thờ các Tổ.
Có điều lạ là rất ít nơi tại Việt Nam chúng ta thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tôi cứ suy nghĩ hoài cả chục năm nay!
Chúng ta ai cũng biết Phật Tổ Như Lai sinh quán tại vườn Lâm Tỳ Ni và đắc đạo tạo Bồ Đề Đạo Tràng. Ngài là con vua Tịnh Phạn đã quyết định xuất gia, từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát. Đạo Phật được hình thành. Và đến 80% dân số Việt Namta là Phật tử và đều thờ cũng như tưởng nhớ đến công đức của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là vị Phật từ xứ Ấn Độ.
Chúng ta ai cũng biết, đất nước Việt Namyêu quý có một vị vua tài ba Trần Nhân Tông cũng đã quyết định nhường ngôi cho con. Và cuối cùng Ngài vào núi tu. Tìm con đường giải thoát. Giác ngộ cho chính mình và là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Đích thân tôi đã đến Yên Tử quãng gần chục lần. Và có gần một nửa trong số đó là đi cáp treo. Nghĩ lại càng thấy hổ thẹn!
Ngày đó vua Trần Nhân Tông, một người rất tài giỏi, nổi tiếng, đang sống trong triều với đầu đủ tất cả về vật chất và tinh thần, không thiếu thứ gì trên đời mà lại trèo lên núi cao, rừng thẳm để tu. Mà thời đó đường lên đâu có bậc. Thời đó từ chân núi leo lên đâu có dễ. Chỉ nghĩ riêng về việc trèo núi thôi đã thấy Ngài vĩ đại!
Vua Trần Nhân Tông quyết định rời chốn đô thành về Yên Tử ẩn tu. Rừng núi hoang vắng, hoang thú không ít, khí hậu nơi rừng sâu đâu có dễ chịu. Tôi đã đứng trên núi và thấy rét run, mặc dù mặc bao quần áo trong người. Ấy vậy mà đức Vua của chúng ta tu ở đó 9 năm trời, đến khi nhập Niết Bàn. Ngài vĩ đại làm sao!
Tôi đã từng tham gia các khóa tu thiền. Trong ngôi nhà giữa rừng với biết bao thiền sinh cùng tham dự mà ban đêm tỉnh dậy vẫn thấy sợ. Chợt nghĩ, nếu một mình trong rừng này, liệu có dám ở lại. Mà nếu không có nhà cửa đàng hoàng, chỉ 1 mái lều hay hang đá, chắc mình bỏ về ngay. Còn thời đó rừng còn xa lắm, vắng lắm, hoang lắm. Đức Vua của chúng ta đâu có được ngôi nhà tử tế để tu. Ngài sao mà vĩ đại đến vậy!
Những gì Ngài đã để lại cho chúng ta ngày nay là quá nhiều. Di sản Phật giáo của Ngài vẫn còn đang hiện hữu khắp mọi miền đất nước. Cả 88 triệu dân Việt Nam tôn vinh. Hàng triệu người dân ngưỡng mộ. Công đức của Ngài quá bao la!
Và Ngài cũng là người Việt Namduy nhất trong lịch sử 4 ngàn năm lập ra trường trường phái thiền riêng của người Việt. Mà dòng thiền tuyệt vời này vẫn đang được duy trì đến tận hôm nay.
Bao năm qua tôi cứ suy nghĩ về sự vĩ đại của một vị vua. Một CON NGƯỜI quá vĩ đại! Tôi chưa nói đến việc Ngài đã tu đắc đạo mà chỉ muốn luôn cúi đầu lạy Ngài đã dám và quyết từ bỏ cuộc sống vương giả, đầy đủ để lên núi cao tu. Quyết tâm ba la mật của Ngài quá là bài hoc lớn, là tấm gương trời biển cho tôi và mỗi chúng ta noi theo.
Trên thế giới này có mấy vị vua đã quyết định rời ngôi để xuất gia? Còn đất nước Việt Nam ta có 1 vị Phật Hoàng. Tấm gương của ngài sáng chói và chắc chắn đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Tôi thiết nghĩ, cả thế giới cần tôn vinh Ngài như một vị Phật Thích Ca Mâu Ni thứ 2.
Mà tại sao các nhà tổ tại các chùa Việt Namchỉ có thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma? Tại sao rất ít chùa Việt có thờ Tổ người Việt của chính chúng ta? Chẳng lẽ Phật Hoàng Trần Nhân Tông không đáng được thờ tại các nhà tổ, tại các chùa Việt ư?
Là người sơ cơ, mới tu tập chính thức hơn chục năm nay tôi cứ trăn trở một mình, không dám nói ra. Cứ nghĩ, chắc có nhiều điều quanh đây mà mình chưa hiểu hết. Chắc chắn có lý do của nó mà do mình vô minh không thấy.
Thôi thì cứ mạo muội viết ra. Ít nhất để được nói ra trăn trở khó giãi bày. Rồi biết đâu, một ngày nào đó Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ được thờ rộng rãi tại các chùa Việt Nam. Thậm chí tại mỗi gia đình.
Nguồn tin: Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự