Thời gian gần đây, nhiều gia đình có người thân bị tai biến xôn xao bởi thông tin về một vị lương y người Mông ở tận vùng biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, có biệt tài chữa tai biến mạch máu não, giúp người liệt giường chiếu đi lại được.
Nhiều gia đình đã tìm lên lấy thuốc, thậm chí đưa cả người thân vào cáng rồi chở lên non xanh, hòng gặp được “thần y”, những mong cứu mạng người thân. PV đã tìm lên vùng biên giới xa xôi, diện kiến vị lương y bí ẩn này, những mong giải mã để bạn đọc có thông tin.
Chủ nhật, chợ phiên Bảo Lạc người kín như nêm. Đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, với váy áo rực rỡ, từ khắp núi cao rừng thẳm tụ họp về trung tâm huyện.
Hỏi han ở trung tâm huyện, đủ biết tiếng tăm của lương y Sùng A Tú thật vang xa. Gần như người dân ở thị trấn Bảo Lạc đều biết đến ông, với những câu chuyện mang màu sắc huyễn hoặc. Ông như một vị thần cứu thế, như thể từ trời cao cử xuống.
Bà chủ quán phở gà bảo: “Trước ông lang này ở núi cao lắm, tít biên giới, đi bộ cả buổi mới tới nhà cơ. Nhưng giờ bệnh nhân nhiều quá, nên ông ấy chuyển xuống chân núi rồi, trên đường đi đồn biên phòng ấy. Chú cứ đi độ vài km, thấy cái biển ghi Sùng A Tú thì đến. Dọc đường chẳng có nhà cửa nào đâu, có mỗi nhà Sùng A Tú thôi”.
Con đường ra biên cương dốc ngược như đường lên trời. Bản Nà Tao (Cô Ban, Bảo Lạc, Cao Bằng) nằm bên sông Gâm, dựa lưng vào những dãy núi sừng sững. Ngay bên đường, có tấm biển ghi: “Thầy thuốc Sùng A Tú”, cùng mũi tên trỏ vào vách núi.
Lương y Sùng A Tú đi lấy thuốc về. Quả thực, có khu nhà hiện ra giữa rừng xanh bát ngát. Ngoài ngôi nhà chính, thì bao quanh là dãy nhà lúp xúp. Người ra, người vào lố nhố.
Tôi đến từ 7 giờ sáng, nhưng đã có mấy chục người ngồi ngoài sân uống nước. Những đống cây thuốc tươi nguyên chất ngất mới được gùi về.
Mọi người bảo, thầy thuốc Sùng A Tú đã đi chợ huyện từ 5 giờ sáng. Ở vùng núi cao biên cương này, chợ chỉ họp mỗi tuần một lần, nên già trẻ, gái trai đều bỏ hết việc để chơi chợ, trừ khi có sự kiện cháy nhà, chết người thì họ mới ở nhà. Thầy thuốc Sùng A Tú cũng vậy, cứ chợ phiên là phải đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Cả nhà thầy thuốc đều đi chơi chợ.
Tôi vòng ra phía chái nhà. Đó là một “bệnh viện dã chiến”, được dựng bằng gỗ, lợp phibrôximăng. Có tới cả chục chiếc giường, mỗi người nằm một giường, không phải chung chạ như những bệnh viện dưới Hà Nội.
“Bệnh viện dã chiến” chia làm 3 phòng, gồm một phòng bệnh nhân, một phòng tắm thuốc và một phòng bếp dùng để đun thuốc, nấu nướng thức ăn.
Kho thuốc sau nhà lương y Sùng A Tú. Thực ra, đây là khu vực nội trú cho những bệnh nhân ở xa, đến tận nhà ông lang Sùng A Tú để được tắm thuốc, đắp thuốc, uống thuốc trị bệnh. Nhìn cảnh bệnh nhân nằm, ngồi la liệt, còng queo thật thảm thương. Những bệnh nhân tìm lên đây đều bị tai nạn thảm khốc, hoặc tai biến một sống mười chết.
Trong vai người nhà bệnh nhân đi lấy thuốc, tôi lân la trò chuyện với bệnh nhân và người thân, để thu thập thông tin khách quan về ông lang Sùng A Tú.
Ngồi trên chiếc giường ngay lối ra vào là người đàn ông dáng thấp đậm, đầu trọc, khuôn mặt lầm lì, ít nói. Ông ngồi bám thành giường, thi thoảng phóng ánh mắt nhìn về phía những dãy núi xa xăm.
Chăm sóc ông là một người đàn ông, dáng vẻ cán bộ, và một người phụ nữ ăn mặc sang trọng.
Người nhà bệnh nhân tự nấu thuốc. Người đàn ông xắn tay áo chăm sóc người bệnh giới thiệu là em trai của bệnh nhân. Anh bảo rằng, người anh trai là phó tổng giám đốc của một công ty lớn của nhà nước ở Việt Trì. Việc ông anh bị tai biến, chỉ một số người ở công ty biết. Do vậy, dù bị tai biến, nằm liệt một năm nay, song ông vẫn… đương chức. Vì thế, tác giả xin được giấu tên vị bệnh nhân này.
Hồi năm ngoái, vừa từ nhà tắm ra, anh Nguyễn Quang T. đột nhiên bủn rủn tay chân, rồi ngã quỵ. Gia đình lập tức đưa ra Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cấp cứu. Bệnh viện tỉnh chuyển về Bệnh viện Việt Pháp. Từ đây, anh T. được chuyển đến tất cả các chuyên khoa hàng đầu ở Bệnh viện Bạch Mai, 108, 103, Nhiệt đới, Việt Đức…
Gia đình cũng đã đưa sang cả Singapore, Mỹ, nhưng các bác sĩ với máy móc hiện đại cũng bó tay. Sau gần 1 năm điều trị, anh T. vẫn không tỉnh, sống hoàn toàn thực vật.
Canh bạc cuối cùng, gia đình đã đưa sang Trung Quốc, sử dụng phương pháp làm sạch máu tụ trong não. Đây là phương án mạo hiểm, một sống 9 chết. Các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã vào cuộc và gia đình tốn kém thêm 3 tỷ đồng.
Thế nhưng, kết quả chỉ là não bộ sạch máu tụ, chứ không hoạt động trở lại bình thường. Không còn cách nào khác, gia đình đưa về Việt Nam, chấp nhận để anh T. sống đời thực vật.
Gia đình có điều kiện, không tiếc tiền của, nhưng phương pháp điều trị hiện đại nhất thế giới đều đã sử dụng, mà không ăn thua gì, đành phải tìm niềm tin ở những ông lang quê nhà.
Qua giới thiệu, gia đình biết đến một ông lang người Mông, chuyên chữa tai biến ở Cao Bằng. Dù không tin lắm, song gia đình cũng cử người lên tận nơi dò hỏi, rồi mua thuốc về dùng thử.
Mang bao tải thuốc to tướng về, toàn là những cây rừng băm chặt thô sơ, những người thân không tin lắm, nhưng không còn phương cách nào nữa, đành phải dùng thử.
Theo hướng dẫn của ông lang Sùng A Tú, hàng ngày, người thân đun nồi nước to tướng, đổ vào bồn tắm, rồi khênh anh T. đặt vào, ngâm cả tiếng đồng hồ trong nước thuốc. Ngoài ra, còn bóp rượu ngâm thuốc, uống thuốc sắc và một chén rượu ngâm thuốc mỗi ngày.
Lương y Tú chăm sóc bệnh nhân Điều kỳ lạ đã xảy ra: Từ một người sống hoàn toàn thực vật, không biết gì ngoài há miệng ăn, anh Nguyễn Quang T. đã có chuyển biến tích cực. Cái lưỡi cứng đờ đã mềm ra và nói được mấy từ; đang nằm liệt bất động thì đã trở được mình dậy, bám vào thành giường lần đi nhẹ nhàng.
Thấy chuyển biến, tin vào phương thuốc thần kỳ của ông lang người Mông, gia đình đã đưa anh T. lên tận vùng biên giới để được ông lang Sùng A Tú điều trị trực tiếp.
Ở đây, ngoài việc được ngâm thuốc, uống thuốc, anh T. còn được ông lang Sùng A Tú trực tiếp bóp thuốc cho hàng ngày, thổi hương thuốc vào các huyệt đạo ở lưng. Chính vì thế, bệnh tình anh T. tiếp tục chuyển biến tốt hơn hẳn. Anh đã nói được, nhúc nhắc đi lại được. Đại gia đình đang tràn trề hi vọng anh T. hồi phục sau 1 năm sống cuộc đời thực vật. Họ coi ông lang Sùng A Tú như vị cứu tinh.
Còn tiếp…