Nghiên cứu nhiều năm về cổ vật sành của ngôi làng Gò Sành nổi tiếng của vương triều hoa lệ Vijaya, Nguyễn Vĩnh Hảo có nhiều phát hiện chấn động. Những thông tin anh nói ra thời điểm đó, đều khiến các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ quan tâm.
Theo anh, Vương triều Vijaya gắn chặt với những sản phẩm ở làng Gò Sành. Vương quốc Vijaya hình thành từ thế kỷ 11 và lụi tàn vào thế kỷ 15, là một tiểu vương của Chiêm Thành.
Tiểu vương Vijaya bao gồm vùng Bình Định và Quảng Ngãi bây giờ. Vương quốc Vijaya vốn sử dụng nhiều vật liệu vàng, bạc, đồng. Đó cũng là lý do vùng đất này thi thoảng lại đào được tượng vàng, đồng, bạc và cũng là nơi xuất phát nhiều câu chuyện về vàng Hời.
Thời kỳ đó, Vương quốc Vijaya buôn bán khắp thế giới bằng đường biển, nên giàu có cực thịnh.
Triệu phú Nguyễn Vĩnh Hảo giờ sống một mình ở resort bỏ hoang
Con đường tơ lụa trên biển
Thời kỳ nam và bắc Tống giao tranh, rồi thời Nguyên thôn tính người Hán, đặc biệt là thời kỳ triều Minh bế quan tỏa cảng, người Hoa theo thuyền buôn di chuyển về phía nam.
Do người Vijaya buôn bán giao thương khắp thế giới, nên thu nhận những nhóm người di cư này. Nhiều nghệ nhân người Hán phục vụ trong Vương triều Vijaya. Các nghệ nhân này đã xây dựng những lò gốm và tạo ra một dòng gốm men Tống cung đình tại bản địa.
Thế kỷ 15, người Minh nhập cư vào nhiều, xây dựng nên cả một khu công nghiệp gốm rất lớn. Người Minh đã tạo nên cuộc cách mạng lửa, họ đã thay ngọn lửa nung gốm 600 độ C bằng ngọn lửa 1.200 độ, tạo ra các tuyệt tác. Ngoài các món đồ gia dụng, ngự dụng, người Minh có biệt tài sản xuất đồ gốm thờ cúng, tạo ra những tuyệt tác.
Tượng nữ thần bằng đất nung từng trưng bày ở Bảo tàng Gò Sành Thế kỷ 15, trong khi Trung Quốc và nhiều nước bế quan tỏa cảng, thì người Vijaya có cơ hội buôn bán khắp thế giới. Những thuyền buôn đi khắp biển cả đã kích thích sự hình thành các khu công nghiệp gốm và ngược lại.
Vương triều Vijaya trở thành khu công nghiệp gốm lớn của thế giới thời bấy giờ. Cửa Thị Nại (Bình Định) cũng trở thành nơi buôn bán gốm cực kỳ sầm uất.
Nguyễn Vĩnh Hảo đã chu du khắp nơi để tìm hiểu về gốm Tống, gốm Minh và phát hiện ra rằng, rất nhiều tuyệt phẩm đó sản xuất ở Bình Định xưa, chứ không phải ở Trung Quốc như cả thế giới đã lầm tưởng.
Sản phẩm ấy là kỹ thuật của Trung Quốc, nhưng được sản xuất bởi các nghệ nhân ở Vijaya, tức các khu công nghiệp gốm trên đất Bình Định, và đã được bản địa hóa.
Tượng tròn tu sĩ bằng đất nung ở Bảo tàng Gò Sành Từ cảng Thị Nại của Vijaya, gốm đã đi qua eo biển Malắcca, đến 49 nước trên thế giới, hình thành nên “con đường tơ lụa trên biển Đông”, con đường buôn bán trên biển sôi động nhất thế giới thời bấy giờ.
Những con thuyền buôn chở gốm đắm ở Biển Đông, chứa hàng vạn cổ vật gốm sứ được khai quật trong nhiều năm qua đã chứng minh nhận định đó. Sự thật là, “con đường gốm sứ trên Biển Đông” hình thành không chỉ bởi các thuyền buôn Trung Quốc xa xưa, mà còn bởi các thuyền buôn của Vương triều Vijaya.
Có trong tay hàng ngàn món cổ vật quý, Nguyễn Vĩnh Hảo mang ước vọng góp phần dựng lại hình ảnh cực thịnh của cư dân Biển Đông rực rỡ một thời.
Anh muốn chứng minh cho thế giới biết rằng, trên mảnh đất Việt Nam này, từng có một vương triều cực kỳ giàu có, sung túc. Anh muốn bổ sung vào bản đồ gốm sứ thế giới vốn có một lỗ hổng.
Nhưng, điều mong ước sâu xa hơn nữa của Nguyễn Vĩnh Hảo, là anh muốn chứng minh cho thế giới biết rằng, người Bình định xưa đã làm chủ Biển Đông từ cả chục thế kỷ trước rồi.
Bảo tàng biến mất
Sau nhiều năm trằn trọc, theo Nguyễn Vĩnh Hảo, như có một thế lực xui khiến, anh đã nảy sinh ý tưởng xây dựng bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Khi đó, bảo tàng tư nhân là một thứ gì đó rất lạ lẫm, nên phải vất vả lắm Nguyễn Vĩnh Hảo mới xin được giấy phép. Trên mảnh đất khá rộng hai mặt đường giữa trung tâm TP. Quy Nhơn, Nguyễn Vĩnh Hảo đã xây dựng Bảo tàng Gò Sành – Vijaya – Chăm Pa, là bảo tàng trưng bày gốm Chăm của Vương triều Vijaya, nhằm làm sống dậy tinh hoa một thời vàng son.
Nguyễn Vĩnh Hảo bảo rằng, anh không biết gì về xây dựng, thiết kế, thế nhưng, cứ nhắm mắt lại, cái hình ảnh bảo tàng độc đáo lại hiện ra rõ mồn một trong đầu.
Nửa đêm, anh chỉ việc mở mắt và vẽ lại. Đêm nào cũng như thế. Có một điều ma quái, nói ra ít người tin, nhưng Nguyễn Vĩnh Hảo khẳng định rằng, đêm nào anh cũng được “vị thần” người Chăm hướng dẫn tỉ mỉ, động viên tinh thần (?!).
Bên ngoài Bảo tàng Gò Sành Bảo tàng của Nguyễn Vĩnh Hảo sử dụng chất liệu gỗ (biểu trưng cho Đại Việt) và gạch là thế mạnh của người Chăm. Hình thái bảo tàng mang phong cách ngôi nhà cổ vùng Bình Định. Những thứ đó phối hợp hài hòa, đạt trình độ mỹ thuật rất cao.
Thế nhưng, Nguyễn Vĩnh Hảo kể rằng, cầm tiền trong tay, khi chưa dùng đến, anh lại nảy sinh ham mê rước đồ cổ về. Mấy tỷ bạc mà một người bạn góp cho, anh “xà xẻo” một lượng lớn mua thêm cổ vật.
Thậm chí, đến chiếc xe tay ga của vợ, anh cũng bán đi để mua thêm cổ vật về. Không còn tiền xây dựng tiếp bảo tàng, anh phải cắm chính mảnh đất xây dựng bảo tàng để có tiền làm tiếp.
Và rồi, năm 2006, Bảo tàng Gò Sành - Vijaya – Chăm Pa đã hiện hữu, thu hút hàng vạn khách, trong đó rất đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, các chuyên gia nước ngoài, các lãnh đạo Nhà nước đến thăm. Ai cũng ngỡ ngàng trước một bảo tàng nho nhỏ, nhưng lưu giữ những món cổ vật có một không hai trên thế giới.
Một đại gia biết chuyện, đã gặp gỡ và thỏa thuận mua lại toàn bộ bảo tàng với giá 5 triệu USD, thế nhưng, Nguyễn Vĩnh Hảo nhất định không bán.
Nguyễn Vĩnh Hảo tâm sự: “Thời điểm đó, tôi đang tính toán, tìm một số nguồn thu để trả nợ. Tôi muốn đổi tên Bảo tàng Gò Sành - Vijaya - Chăm Pa thành Bảo tàng Biển Đông, bởi vì, những sản phẩm gốm của vùng Gò Sành đã góp phần tạo nên con đường tơ lụa trên biển, đã khẳng định chủ quyền biển Đông từ cả ngàn năm qua của người Việt rồi.
Ý tưởng này của tôi cũng được các nhà khoa học, các nhà quản lý ủng hộ lắm và tôi đang thực hiện thủ tục. Tôi mong muốn, nếu giải quyết xong mọi thủ tục, đổi tên, tôi sẽ hiến cả cái bảo tàng này cho Nhà nước quản lý.
Thế nhưng, khi tôi đang ở Hà Nội, thì ngày 15/9/2011, chính quyền Bình Định đã dọn toàn bộ hiện vật đưa về không đúng nơi quy định của pháp luật. Bảo tàng bị máy ủi san phẳng. Mảnh đất của tôi được bán với giá chỉ bằng 1/3 giá trị thực cho Ngân hàng ACB. Bảo tàng mất đi, để lại bao nuối tiết cho người Bình Định”. Không còn chỗ ở, Nguyễn Vĩnh Hảo ra Hà Nội, vạ vật ở chùa Kim Sơn (phố Kim Mã). Ngày anh làm công quả ở chùa, tối về ngủ nhờ nhà bạn.
Ở chùa Kim Sơn 6 tháng, anh lại trở vào Bình Định. Anh được người bạn cho mượn cả khu resort bỏ hoang ở xã Xuân Hải (Sông Cầu, Phú Yên) để ở tạm.
Anh sống cô đơn một mình cùng con gà trong khu resort bỏ hoang đó. Triệu phú một thời, ông chủ bảo tàng tư nhân nổi danh thiên hạ biến thành một bóng ma trong con mắt của những người xung quanh.
Ngồi trước biển lộng gió, Nguyễn Vĩnh Hảo bảo rằng, dù giờ đây, anh bị mất nhà, mất bảo tàng, không còn chỗ dung thân, nhưng anh vẫn tin rằng, anh sẽ đấu tranh dựng lại bảo tàng mà anh mất cả đời tâm huyết. Nguyễn Vĩnh Hảo tin rằng, anh sẽ làm được điều đó.