'Thánh' không can dự chuyện trần

Thứ ba - 10/11/2015 07:57
Yêu cầu bệnh nhân lột quần áo để dẫm chân lên truyền năng lượng; chữa bách bệnh bằng cách bắt tay, cho bệnh nhân quỳ lạy... là những phương pháp chữa bệnh thách thức cả khoa học và truyền thống.
'Thánh' không can dự chuyện trần

Tôi biết, một giảng viên Đại học Ngoại Ngữ đã từng phải vào viện làm tiểu phẫu cắt amidan chỉ bởi quá “tín” thầy. Chị ăn chay và thờ Phật, nên con người thành tâm ấy tin theo một ông lang “nghe đồn” là rất giỏi. Theo Phật dạy, thầy khám bệnh miễn phí, còn mua thuốc hay không thầy không quản. Tất cả mọi loại bệnh đều chỉ cần dùng một lọ thuốc, giá ngót triệu bạc thôi.

Dùng thuốc 2 ngày, họng chị sưng tấy. Sau cú điện báo của anh bạn khám cùng, rằng anh này đã ho ra máu vì hít lọ thuốc trị xoang, chị lập tức đi viện. Chỉ định làm tiểu phẫu được bác sỹ xác nhận ngay sau các bước khám sơ bộ đầu tiên.

Trình độ giảng viên Đại học mà còn lao đao vì lòng tín như vậy, thử hỏi những người dân lao động chân chất, ít tiếp xúc khoa học sẽ còn mù quáng cỡ nào trước vô vàn mánh khóe mị dân của đội ngũ “buôn thần bán thánh” hiện nay?

Không phủ nhận rằng trên thế giới, các nhà khoa học đã thừa nhận có cách chữa bệnh dựa trên nguồn siêu năng lượng, tâm linh. Nhưng ở Việt Nam, 10 vụ thì 5 vụ bị kết luận là lừa đảo, 3 vụ xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, 2 vụ cuối cùng dần chìm vào quên lãng... Vậy mà dăm bữa nửa tháng, truyền thông lại được dịp rộ lên thông tin: có hàng nghìn con bệnh và người thân bỏ nhà, bỏ việc, ùn ùn kéo nhau đến phục ở cổng cô nọ, ở cửa cậu kia. Ít thì vài tuần, vài tháng, lâu la có khi đến hàng năm trời, thậm chí đến khi... cơ sở chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động, cô cậu vướng vòng lao lí mới thôi. Phải chăng ta nên lấy làm vui mừng khi niềm tin của người dân luôn là suối nguồn vô tận như vậy?

Tự những người dân chân chất, khát khao được thánh thần cứu giúp tạo nên quy luật cung – cầu, dung dưỡng và tạo mảnh đất màu mỡ cho lúc nhúc quân “buôn thần bán thánh”. Không nhiều trường hợp đi khám chữa tại các cơ sở này, nhưng lại giấu giếm không cho ai biết. Có lẽ phần nào trong họ cũng tự nhận thức được rằng mình đang hùa theo một đám đông không đúng, hùa theo xu hướng vốn bị xã hội phê phán không ngừng. Và họ xấu hổ!Trong câu chuyện nào cũng lấp ló những gương mặt méo xệch, ỉ ôi: “có bệnh thì vái tứ phương bác ạ!”. Nhưng có muốn vái thì cũng phải ngẩng đầu nhìn cho rõ thánh rõ thần, rõ phương mình vái chứ. Cứ thấy thiên hạ đổ xô đi đâu là mình vội ào theo đó, cái tâm lý đám đông ấy chính là thủ phạm gây nên mớ hỗn tạp thánh thần ngày nay.

Khi mà bệnh đến mức độ y học bó tay, bệnh viện trả về, người ta lại càng có lý do để bám víu vào thánh thần như là cơ may duy nhất và cuối cùng.

Nhưng cũng có những người ngây thơ đến độ bỏ ngang cả quá trình điều trị tại viện, chỉ bởi đám cò mồi, chân rết rỉ tai: “cô chữa nhanh lắm, lại chẳng tốn kém là bao, thiên hạ kéo về ầm ầm kia kìa...”. Họ có biết đâu “thiên hạ” ấy cũng toàn là những người cả tin như họ, một “thiên hạ” cả tin tính theo cấp số nhân.

Những hình thức xử lý như cảnh cáo, phạt vài triệu đồng hay đình chỉ hoạt động...không ngăn được các cơ sở khám chữa bệnh trá hình, lừa đảo mới mọc lên như nấm sau cơn mưa. Cá biệt, có cơ sở ngang nhiên tồn tại cả chục năm trời (cơ sở tẩm quất trá hình của “cô” Phú - PV) khiến dư luận đặt nghi vấn về cách quản lý và trách nhiệm của chính quyền địa phương...

Giữa tôn giáo tín ngưỡng và mê tín dị đoan có tồn tại ranh giới nhưng rất mong manh, dù là trên lý thuyết hay trong thực tế. Trước khi chờ chính quyền hay cơ quan chức năng vào cuộc, nên chăng mỗi người hãy tự ngẫm lại mình. Vai trò của bác sỹ là chăm sóc sức khỏe, thân thể người bệnh. Còn thánh thần, các ngài chỉ có thể bao dung, che chở để tâm ta thanh thản mà thôi.

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây