Catherine Kerr, Trợ lý Giáo sư (nghiên cứu) về y học gia đình tại ĐH Brown, nói: “Trong khoa học thần kinh nghiên cứu về quán niệm và thiền định, một trong những vấn đề mà chúng tôi gặp phải là sự không hiểu biết về cách thực hành từ trong ra ngoài. Điều mà chúng tôi thực sự cần chính là các cơ chế tốt hơn để tạo ra các giả thuyết có khả năng kiểm chứng, tức là giả thuyết có thể trải nghiệm và thử nghiệm lâm sàng.”
Các nhà nghiên cứu hiện nay đã có được những công cụ theo dõi trải nghiệm mà người ngồi thiền mô tả ứng với các hoạt động cụ thể trong não bộ. Một nhóm nhà nghiên cứu tại ĐH Brown, dẫn đầu bởi Juan Santoyo, đã trình bày cách tiếp cận trong nghiên cứu của họ tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Thường niên lần thứ 12 của Trung tâm Quán niệm tại Đại Học Y Dược Massachusetts (Center for Mindfulness at the University of Massachusetts Medical School).
Santoyo nói: “Chúng tôi sẽ [thảo luận] cách ứng dụng nghiên cứu này thành một công cụ chung cho việc phát triển các phương pháp điều trị sức khỏe tinh thần. Chúng tôi có thể khám phá xem những trải nghiệm cụ thể tương ứng với những mô hình hoạt động não bộ cụ thể nào. Chúng tôi biết rằng một số mô hình nhất định trong hoạt động não bộ là có liên quan đến các chứng rối loạn tâm thần.”
Cấu trúc tinh thần
Tại hội nghị, nhóm sẽ trình bày những tác động rõ ràng tương ứng với những điều tưởng chừng chỉ là một khác biệt nhỏ, đó là người ngồi thiền tập trung vào hơi thở ở mũi hay ở bụng. Hai phương pháp thiền định này bắt nguồn từ khác biệt trong các truyền thống Đông Á. Các số liệu trải nghiệm được cẩn thận thu thập và mã hóa bởi Santoyo, Kerr, và Harold Roth, giáo sư nghiên cứu tôn giáo, chỉ ra rằng hai phương pháp này đã tạo ra những trạng thái tinh thần khác biệt đáng kể ở những sinh viên tham gia ngồi thiền.
“Chúng tôi phát hiện rằng khi các sinh viên tập trung vào hơi thở ở bụng, mô tả trải nghiệm của họ sẽ hướng sự chú ý đến những vùng nhất định trên cơ thể và những cảm giác toàn cơ”, các nhà nghiên cứu viết trong bài tóm tắt của mình. “Còn khi họ mô tả trải nghiệm thực hành liên quan đến việc tập trung hơi thở vào mũi trong lúc thiền định, họ có xu hướng mô tả về chất lượng tinh thần, đặc biệt là sự chú ý vào cách thức họ “cảm giác được” những cảm nhận về tinh thần.”
Để rút ra sự khác biệt rõ rệt giữa hai loại trải nghiệm nói trên, các nhà nghiên cứu không chỉ dựa vào việc phân chia ngẫu nhiên các sinh viên thành hai nhóm thử nghiệm – một nhóm tập trung vào hơi thở mũi, và một nhóm tập trung vào hơi thở ở bụng – mà còn thuê hai người mã hóa độc lập để thực hiện các phân tích tiêu chuẩn cho những dữ liệu mà nhóm sinh viên thực hiện ngay sau khi ngồi thiền.
Loại hoạt động mã hóa có kết cấu liên quan đến trải nghiệm cá nhân tự kê khai này được gọi là “phương pháp luận lý thuyết nền tảng.”
Ví dụ, Kerr nói: “Dựa trên những mô tả cơ thể về trải nghiệm quán niệm của nhóm tập trung vào bụng, chúng tôi dự đoán nhóm này sẽ có nhiều liên kết chức năng hơn diễn ra trong trạng thái thư giãn với những phần khác nhau của một vùng đại não được gọi là thùy não, giữ chức năng mã hóa những cảm giác bản thể; nó còn giúp ta thấy được những khía cạnh cảm xúc của một trạng thái được gọi là ‘linh cảm’.”
Hợp nhất trải nghiệm và não bộ
Bước tiếp theo là liên hệ giữa số liệu về những trải nghiệm được mã hóa với số liệu từ bản thân não bộ. Một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Kathleen Garrison tại ĐH Yale, gồm cả Santoyo và Kerr, đã thực hiện điều này trong một bài nghiên cứu trên báo, mục “Frontiers in Human Neuroscience”, công bố vào tháng Tám 2013. Nhóm đã làm việc với những người đã có kinh nghiệm ngồi thiền để liên hệ giữa những trạng thái tinh thần mà họ mô tả trong quá trình quán niệm với những hoạt động đồng thời xảy tra tại vỏ não vùng đai sau (posterior cingulate cortex – PCC). Các nhà nghiên cứu đã đo được liên hệ này bằng việc chụp cộng-hưởng-từ chức năng theo thời gian thực.
Theo khám phá từ thử nghiệm này, khi những người ngồi thiền thuộc các truyền thống khác nhau báo cáo về cảm giác “không nỗ lực thực hiện” và “ý thức tập trung” trong lúc thiền, PCC của họ cho thấy có ít hoạt động; nhưng khi họ báo cáo về việc bị mất tập trung và phải nỗ lực quán niệm, thì PCC hoạt động nhiều hơn một cách đáng kể. Và khi được quan sát những phản hồi về hoạt động PCC của những người này theo thời gian thực, thì cho thấy một số người tham gia thiền định có thể kiểm soát được mức độ hoạt động tại vùng não này.
“Bạn có thể quan sát cả hai hiện tượng này cùng nhau, và khám phá cách chúng chi phối lẫn nhau,” Santoyo nói. “Qua những lần thử nghiệm kéo dài 10 phút, họ đã có thể phát triển một số chiến lược nhất định để gợi lên những trải nghiệm và sử dụng nó để điều khiển tín hiệu.”
Hướng đến các phương pháp điều trị
Một chủ đề trong cuộc hội nghị, và cũng là động lực chủ yếu cho cuộc nghiên cứu của Santoyo và Kerr, đó là kết nối kết quả nghiên cứu với những ích lợi thiết thực trong y học. Những người ngồi thiền từ lâu đã có được các lợi ích này, nhưng chỉ gần đây nó mới được hỗ trợ từ khoa học thần kinh và tâm thần học.
Trong một bài báo đăng vào tháng Hai 2013, trong mục “Frontiers in Human Neuroscience”, Kerr cùng các cộng sự đề xuất rằng: giống như người ngồi thiền có thể kiểm soát hoạt động trong PCC, những người luyện tập quán niệm cũng có thể nâng mức kiểm soát các nhịp alpha trong vỏ não về cảm giác. Những sóng não này có thể điều hòa cách não bộ hoạt động và lọc các cảm giác, bao gồm nỗi đau, và những ký ức như là nhận thức trầm cảm.
David Orenstein
Theo vietdaikynguyen
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự