Bí ẩn ngôi mộ hai gia đình cùng nhận là con mình

Thứ bảy - 28/09/2019 21:42
Tại Ninh Bình, trên cùng một ngôi mộ, hai cụ bà thay nhau cúng giỗ cho con, một người giữa năm, một người cuối năm.
Mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân tin hài cốt được đặt ở nghĩa trang dòng họ chính là của con trai mình.
Mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân tin hài cốt được đặt ở nghĩa trang dòng họ chính là của con trai mình.

Cụ Lưu Thị Hinh, 85 tuổi, mẹ của liệt sĩ Đinh Duy Tuân, mỗi lần ra thăm mộ đều chọn 7 bông hoa cúc trắng, vì lúc hi sinh, "con trai tôi còn thanh khiết".

Còn cụ Hà Thị Xuân, cũng 85 tuổi, mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân sẽ đặt lên ngôi mộ ấy 7 bông cúc vàng, vì trước ngày nhập ngũ, anh đã lập gia đình.

Đinh Duy Tuân và Bùi Thanh Tuân cùng quê Gia Viễn, Ninh Bình, cùng 21 tuổi, nhập ngũ cùng một sư đoàn và hi sinh cùng năm 1977. Người đầu mất ngày 25/12, người sau hy sinh ngày 13/7.

Năm 2002, người thân tìm được ngôi mộ khắc tên Đinh Duy Tuân, nhưng ngày hi sinh không giống (mà là 13/7, trùng với ngày mất của Bùi Thanh Tuân) tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc, ở Tịnh Biên, An Giang. Cho rằng đó là mộ của người nhà mình, hàng năm, dịp lễ tết, gia đình đều tới thăm viếng.

Ngôi mộ tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc có tên liệt sĩ Đinh Duy Tuân, nhưng ngày hy sinh là 13/7/1977, là ngày mất của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân.
Ngôi mộ tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc có tên liệt sĩ Đinh Duy Tuân, nhưng ngày hy sinh là 13/7/1977, là ngày mất của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân.

Tám năm sau, 2010, em trai liệt sĩ Bùi Thanh Tuân cũng đến nghĩa trang Dốc Bà Đắc, nhận ngôi mộ là của anh mình, bởi ngoài họ "Đinh Duy" là khác, các thông tin còn lại đều trùng khớp.

Hoàn tất các thủ tục pháp lý, em trai liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đưa hài cốt dưới mộ về quê, đặt trong nghĩa trang dòng họ theo nguyện vọng của người cha đã khuất, đắp bia mộ mang tên anh mình. 

Dù hài cốt đã được di chuyển, nhưng ngôi mộ ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc vẫn giữ nguyên. Mãi đến năm 2018, người nhà liệt sĩ Đinh Duy Tuân mới đau đớn biết, bấy lâu họ chỉ thắp hương lên "một cái vỏ".

Sau nhiều lần gặp mặt, bàn thảo, hai gia đình quyết định khai quật mộ ở Ninh Bình, lấy hài cốt xét nghiệm ADN. "Anh tôi đã mồ yên mả đẹp 8 năm liền, chúng tôi không muốn xáo trộn nữa, nhưng nghĩ đến nỗi đau chung nên chấp nhận", ông Bùi Văn Luân, 60 tuổi, em trai liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, nhớ lại.

Năm 1977, liệt sĩ Đinh Duy Tuân gửi 5 lá thư, cho bố, mẹ, em trai, cô ruột và người yêu - những lá thư cuối cùng.

Năm 1977, liệt sĩ Đinh Duy Tuân gửi 5 lá thư, cho bố, mẹ, em trai, cô ruột và người yêu - những lá thư cuối cùng. "Tháng nào nó cũng viết thư về cho gia đình, nhưng đến tháng 12/1977 thì không thấy nữa. Chiến tranh ác liệt, vợ chồng tôi biết mất con rồi", cụ Hinh nói.

Đêm trước ngày khai quật, ngôi nhà của hai người mẹ ở xã Gia Trấn và xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, sáng đèn cả đêm. Cụ Xuân dặn con mua 7 bông cúc vàng. Còn sáng hôm sau, cụ Hinh tự ra chợ, chọn 7 bông cúc trắng.

Ngày 3/9/2018, hai gia đình cùng đặt lễ cúng lên ngôi mộ. Một bên là hoa trắng, một bên là hoa vàng.

Ngồi bên mộ, hai người mẹ nắm tay nhau. "Bà ấy hỏi tôi, nếu là con bà thì bà đưa về đâu. Tôi bảo là con tôi thì tôi đưa về nghĩa trang huyện. Bà ấy gật đầu, bảo ‘Ừ, thế cũng gần đây thôi’", cụ Hinh, mẹ liệt sĩ Đinh Duy Tuân, nhớ lại. 

Thi hài liệt sĩ được đưa lên, nhưng cán bộ xét nghiệm AND thông báo các phân tử ADN đã đứt gãy, không thể xác định được danh tính.

"Kết quả như cái gai đâm vào tim tôi. Phải đến nước đào mộ lên thế này rồi mà ông trời còn gieo cảnh trái ngang", cụ Hinh than thở. Cụ Xuân động viên người ngồi kế bên: "Đằng nào cũng chết rồi, thôi để đâu cũng được, tôi với bà cứ nhớ ngày giỗ của chúng nó rồi cúng".

Không xác định rõ hài cốt là của ai, hai gia đình quyết định coi ngôi mộ hiện tại là mộ chung. Ngày giỗ của người thân ai, nhà đấy sẽ ra mộ cúng.

Tròn một năm sau ngày xét nghiệm ADN, cụ Hinh vẫn hi vọng sẽ có ngày xác định được người dưới mộ có phải con mình hay không. "Các con tôi sống trong Kiên Giang gọi về, tôi vẫn dặn, cố đi tìm thêm ngôi mộ liệt sĩ tên Tuân nữa. Tìm được, chúng tôi sẽ dễ xác định đâu là con mình, đâu là con nhà bên ấy", đôi mắt trũng sâu của cụ ánh lên hi vọng.

Mỗi lần các con sang nghĩa trang họ Bùi thăm mộ anh trai, cụ Hinh lại dặn dò: "Con thắp hương xong nhớ khấn, anh ngồi lên xe, em đèo anh, mình về nhà với mẹ!".

Ở cách đó 18 km, cụ Xuân cũng tin tưởng đứa con đang ngủ dưới nấm mộ là giọt máu của mình. Tuy không còn minh mẫn, nhưng cụ vẫn thường xuyên chống gậy ra nghĩa trang, cách nhà chỉ 100 m để thắp hương cho con.

Lần nào, người mẹ ấy cũng lúi cúi đọc đi đọc lại tên Bùi Thanh Tuân trên bia, như sợ con lạc mất.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây