Ngay ven đường liên xã Xuân Phong (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) xuyên qua cánh đồng, có một ngôi mộ chơ vơ ven đường. Nhiều chứng cứ cho rằng, đây có thể là mộ vua Lê Huyền Tông - tức hoàng đế thứ 8 nhà Lê Trung Hưng.
Ngôi mộ nằm sát lề đường, thấp hơn mặt đường gần 1m. Khi vô tình được phát hiện cách đây hơn 10 năm, ủy ban xã đã nhanh chóng cho người đến tôn tạo, đổ xi măng cốt thép, đồng thời phát quang bụi rậm, nâng nền và xây rào tường thấp bao quanh ngôi mộ cỡ chừng 30m vuông.
Đi cùng chúng tôi có ông Vinh – cán bộ xã Xuân Phong. Ông Vinh cho biết: “Lúc đó anh Ninh phó chủ tịch huyện chỉ đạo xuống, xã chỉ làm đến thế này, chưa dám làm hơn vì tất cả mới dừng lại ở nghi vấn, chưa có khẳng định cụ thể. Bác Hoàng Hùng là nhà nghiên cứu đầu tiên có mặt và đưa ra những bằng chứng cho rằng đây chính là mộ của vua Lê Huyền Tông. Nhưng để chắc chắn thì còn cần đến sự vào cuộc của trung ương nữa. Một ngôi mộ cổ mà lại nghi là của vua thì không thể làm bừa được.”
Ngôi mộ cổ phát lộ ngay cạnh đường liên xã Xuân Phong.
Trước khi đến khảo sát ngôi mộ, đoàn chúng tôi đã chuẩn bị một lễ nhỏ để thắp hương. Vừa bày lễ lên ban trước ngôi mộ, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng vừa nói: “Mình làm việc với người chết, lại còn cách mình cả mấy trăm năm, mà họ chẳng phải người thường, đều là vua một nước hay hoàng hậu, phi tần cao sang, từng là những người có quyền lực tối cao của cả một triều đại, nên làm gì cũng cần phải có sự kiêng nể, không được mạo phạm. Bản thân tôi mỗi lần có ý định làm gì, tôn tạo ở đâu, tìm mộ vua nào cũng thắp hương thành khẩn, xin được phù hộ thì công việc mới thuận buồm xuôi gió”.
Thấy vị trí ngôi mộ nằm ngay bên đường, tôi tò mò hỏi ông Vinh: “Mộ cổ ở ngay cạnh đường đi lối lại của xã thế này thì những bọn mộ tặc lại chẳng mò đến đây bao giờ hay sao?”. Ông Vinh liền trả lời ngay: “Không phải là mê tín nhưng trong vùng này chẳng thiếu những chuyện chết bất đắc kỳ tử khi phạm phải mộ thiêng. Cứ đồn thế, nên ai cũng sợ. Mà chính tại ngôi mộ này cũng đã xảy ra nhiều điều khó lý giải khi phát lộ.
Năm đó là 2008, xã tiến hành san đất để làm trại giống, sau đó thì làm mương. Trong quá trình vét mương thì người làm bỗng phát hiện ra mộ lạ bèn lập tức báo lên chính quyền. Một phần quách bên ngoài đã bị đập vỡ. Ông Hùng khi đó tuy đã về hưu được mấy tháng, nhưng có việc hệ trọng thì vẫn phải vời đến ông.
Biết tin thì ông Hùng ra ngay. Ông xem xét kỹ lắm, còn thò cả tay vào trong xem có gì. Lúc đó ai nhìn thấy cũng hơi có phần ghê sợ. Sau một lúc kiểm tra kỹ lưỡng thì ông cho biết khả năng cao đây chính là mộ vua, nhưng cần về tìm thêm tài liệu để nghiên cứu. Có mấy mảnh quách vỡ, ông Hùng bỏ túi mang về phòng văn hóa xã, mấy hôm sau thì ông mang ra mộ trả lại luôn. Hỏi ra mới biết, từ hôm ông cầm mấy mảnh quách đó về thì hàng trăm con gà nhà ông đang nuôi khỏe mạnh bỗng nhiên lăn ra chết mà không biết vì sao. Sợ mạo phạm nên ông ấy đem trả luôn.
Chưa kể đến những người trực tiếp phạm phải mộ cũng gặp những tai ương không ngờ ngay sau đó. Nhưng danh tính và trường hợp cụ thể thì tôi cũng chỉ được người dân cho biết qua, không xác thực được vì quan hệ làng xã ở nông thôn phức tạp và gắn kết, họ thường không nói để tránh phiền phức.
Mộ tặc thì vùng này cũng nhiều, chúng cũng táo tợn lắm. Thường quật trộm những ngôi mộ cổ, đặc biệt là mộ Tàu, mộ vua chúa để lấy cắp của cải bên trong. Chính vì thế mà khi phát hiện ra, chúng tôi mới cần phải đổ bê tông cốt thép để ngăn chặn bọn mộ tặc. Còn dân thường thì chả ai dám động vào”.
Vị vua không có con
Vua Lê Huyền Tông tên thật là Lê Duy Vũ làm vua được 9 năm từ năm 1663 đến 1671 (niên hiệu Cảnh Trị). Thời ông làm vua thì đất nước cũng yên bình, kinh tế ổn định, không có biến chuyển. Phò tá ông trị nước là Trịnh Tạc.
Vua Huyền Tông yểu mệnh mất sớm, triều đình cho lập điện Càn Long để thờ cúng, theo về quê ngoại. Sau này, điện Càn Long thờ thêm thân sinh là vua Lê Thần Tông, mẹ là bà Trần Thị Ngọc Hậu và cả ông tổ họ ngoại. Hàng năm vào ngày 15 tháng 10 – ngày mất của vua Lê Huyền Tông, từ sau ngày phát lộ ngôi mộ thì nhân dân làm giỗ cho ông. Đặc biệt là năm đầu tiên thì đích thân nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cũng tham gia và tổ chức giỗ lớn.
Thanh Hóa có điện Lam Kinh và điện Càn Long. Đã là cung điện thì phải là nơi ở làm việc của vua và hoàng tộc. Khi vua Lê Huyền Tông mất đi, hoàng tộc muốn đưa ông về quê ngoại là Thanh Hóa để họ ngoại lo phần lễ nghi giỗ chạp. Bởi lẽ, ông tuy là vua nhưng yểu mệnh mất sớm mà chưa có quý tử. Những vị vua và phi tần không có con, hoặc không có con nối dõi thì sau khi mất sẽ được đưa về quê ngoại để an táng. Hoàng tộc về sau không còn liên quan nên ưu tiên để nơi thờ ông là điện Càn Long.
Khi lập điện, triều đình cũng phát về 90 mẫu ruộng, sau này thờ thêm Lê Thần Tông và thái hậu Trần Thị Ngọc Hậu thì số ruộng cũng được tăng lên khoảng 150 mẫu.
Phần vì Quả Nhuệ (Xuân Phong ngày nay) là quê ngoại của vua, phần vì đất Thanh Hóa là nơi phát tích nhà Lê, địa thế có sông, có núi, có biển, âm dương hòa hợp, thích hợp làm nơi yên nghỉ của bậc đế vương.
Mộ vua Lê Huyền Tông?
Từ khi phát hiện ra ngôi mộ, thời gian sau đó, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng kiên trì nghiên cứu. Sự thay đổi của phong hóa cũng như những tác động của con người qua nhiều thế kỷ đã khiến những dấu tích bị mờ nhạt, khó xác định.
Tuy nhiên, các tài liệu cổ còn lưu giữ đến ngày nay, đã phần nào đã hé mở những nghi vấn quanh ngôi mộ này.
Ông Hùng cho biết: “Các tài liệu mà tôi nghiên cứu là Đại Việt sử ký toàn thư, Thông sử của Lê Quý Đôn, gia phả họ Lê tại Thọ Xuân, Địa chí Thọ Xuân, nội dung văn bia được viện Viễn Đông Bác Cổ lưu lại đều cho biết mộ vua Lê Huyền Tông được an táng tại lăng Cảnh Thịnh (hay một số nơi còn gọi là lăng Quả Thịnh) chính là thuộc xã Xuân Phong ngày nay”.
Theo đó, lăng Cảnh Thịnh trước kia là khu đất cấm, không phải ai cũng được phép đến đó. Người dân không được sống tại đó bởi đây là nơi an nghỉ của hoàng tộc. Chỉ có hậu duệ dòng họ vua chúa mới được lui đến khi muốn tảo mộ, thắp hương.
Nhà nghiên cứu địa phương Hoàng Hùng bên ngôi mộ cổ mà ông tin rằng là mộ vua Lê.
Thời kỳ Pháp thuộc thì khu vực này bị tàn phá, đổ nát, rồi bị bỏ hoang. Đến những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chính quyền có kế hoạch làm cánh đồng lúa giống nên đã cho san phẳng quả đồi khoảng 10 mẫu.
“Ở trong lăng vốn có một văn bia bằng đá nhưng sau này đã bị người dân đem ra nấu vôi nên không còn lại dấu tích. Tuy nhiên, những ghi chép, bản dập văn bia còn lại cho thấy phần mộ phong có bia thì không có hài cốt. Mộ phần có chứa linh cữu của vua thực chất lại nằm ở dưới chân đồi.
Nền đất ở đây đủ cao ráo và có kết cấu vững chắc, đảm bảo cho thi hài của ngài được bảo quản tốt nhất. Thời gian qua đi, dấu tích về phần mộ thực sự của vua Lê Huyền Tông dần bị lãng quên. Về sau, dân cư đông đúc lên, lấy đất đai sinh sống, canh tác rồi chẳng hề hay biết” – ông Hùng cho biết.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng có cung cấp cho chúng tôi những tài liệu mà nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp – Dumoutier ghi lại rằng, ông không thể tìm được gì nhiều hơn là lăng Cảnh Thịnh thờ vua. Nơi có văn bia chỉ là một ngôi mộ phong.
Ông Dumoutier có chép lại như sau: “Thời gian tôi đi qua lăng Kim Bảng (lăng Quả Nhuệ xưa), các hào mục cho biết là ngôi mộ của Lê Huyền Tôn (đời XVIII của Lê – triều) vẫn còn những đám đất có ngôi mộ này thuộc về làng Mạnh Chư Thượng, xưa kia thuộc làng Quả Nhuệ thượng. Tôi chẳng khai thác được gì, và những người giúp việc của tôi đến tận nơi cũng chẳng báo cáo được vấn đề gì chính xác.
Tài liệu Dumoutier ghi chép về điện Càn Long và mộ vua Lê Huyền Tôn lưu giữ ở Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Tuy vậy, ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tôn, gọi là Càn Long Điện. Đền nay dựng thẳng hơi cao. Có một cửa tam quan đơn giản nay chỉ còn 4 chân cột: trước cửa tam quan có hai con chó canh giữ, đến một cái sân lớn hình chữ nhật, cuối sân có xây hai cái nhà. Nhà thứ nhất chỉ có một phòng gồm 3 gian dài và 2 gian ngang, trước mỗi gian có một cầu thang. Những tay vịn của cầu thang giữa chạm rồng và bề dài đo được 1m65, cao 0m60; các cầu thang 2 bên thì thường, không chạm. Trước cầu thang chính có một cái bình phong, sau bình phong có 2 con rùa đá, ngày xưa trên lưng có cắm hai con hạc lớn, nay không còn nữa. Đằng sau cái phòng thứ nhất còn có phòng thứ hai – chính tẩm – nền xây bằng đá, dài 10m, rộng 7m50...”.
Lúc ngôi mộ phát lộ, khi người dân đào trúng, ông Hùng đã lập tức đến hiện trường. Người dân đã phá vỡ một mảng “bê tông” dày. Ông Hùng đã kiểm tra, và xác định chắc chắn đây là mộ hợp chất.
Ông lý giải: “Đó là một ngôi mộ trong quan ngoài quách, tức mộ hợp chất. Mà mộ hợp chất chỉ mới xuất hiện từ thời Hậu Lê, và có nhiều thời Lê Trung Hưng. Loại mộ này chỉ được dùng cho vua, hoàng hậu, thái hậu, hoặc quan lớn, nhà giàu. Mộ xác ướp trong quan ngoài quách ở khu vực này, thì có lẽ chỉ có của các vua nhà Lê. Tại gần đó thì phần mộ của bà mẹ tức thái hậu Trần Thị Ngọc Hậu đã được phát lộ và cải táng. Mộ Lê Dụ Tông cũng đã phát lộ. Ngôi mộ này phát lộ ở vị trí ứng với các tài liệu còn ghi chép từ thời Pháp thuộc, nên gần như rất chắc chắn là mộ vua Lê Huyền Tông”.
Mặc dù, rất tin ngôi mộ phát lộ bên đường thuộc xã Xuân Phong là mộ vua, nhưng ông Hùng cũng cho rằng cần phải có sự đầu tư của Nhà nước và sự tham gia nghiên cứu, khai quật của các nhà khoa học thì mới có thể khẳng định chính xác liệu đây có phải nơi an táng của vua Lê Huyền Tông hay không. Trước mắt, chính quyền xã Xuân Phong và huyện Thọ Xuân đã bảo vệ rất tốt ngôi mộ này.