Về vùng cao huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nghe những câu chuyện kể của người đi gieo chữ, học chữ, mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của lớp lớp thầy cô đã ươm mầm cho các thế hệ học sinh ấm tình yêu thương.
Trong đó, câu chuyện cô giáo Đinh Thị Hương (37 tuổi) hơn chục năm qua phải xa mái nhà nhỏ, vượt hàng trăm cây số để gieo chữ cho trẻ em vùng cao Sán Sả Hồ - một trong những địa phương nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Mấy ai có dịp chứng kiến nỗi vất vả gian truân của các cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa mà không rơi nước mắt vì xót xa. Để đem được “con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, các cô giáo đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh.
Gian nan con đường đưa chữ lên vùng núi giờ đây không còn ở “ba cùng” mà giáo viên phải “bốn cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ ngôn ngữ với các em, mới có thể dạy tốt được.
Cô giáo Đinh Thị Hương kể: “Sau khi ra trường, tôi được phân công về đây dạy học, tới nay cũng đã hơn chục năm bám bản. Các em học sinh 100% là dân tộc thiểu số Tày, Nùng. Trẻ không được giao tiếp với xã hội nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế. Giáo viên chúng tôi phải học thêm luôn cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy các cháu”.
Niềm vui với các thầy cô giáo là được đem con chữ đến cho các em.
Ngày đến nhận việc, cô hoang mang khi càng đi càng heo hút, không thấy nhà cửa, phía trước chỉ là con đường đất, một bên là núi, một bên là vực. Lần đầu nhìn thấy trường, thấy lớp rồi nhìn học sinh, cô Hương thấy sợ.
“Lúc đó, mình chỉ muốn bỏ về nhà. Mình khóc một tuần, khóc vì không có nhà tắm, không có nước nóng, nhớ nhà. Dẫu đã tưởng tượng trước sự vất vả nhưng mình không nghĩ cuộc sống thực tế lại khắc nghiệt gấp nhiều lần như vậy", cô Hương nhớ lại.
Thế mà thấm thoát đến nay cũng đã hơn chục năm cô gắn bó với nơi đây. Trong những ngày gian khó cắm bản gieo chữ, cô Hương chứng kiến không ít những câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp.
“Trẻ ở đây rất khó khăn, đi bộ 6 - 7km đường rừng tới trường. Mùa đông giá rét, có những em chỉ có chiếc áo sơ mi để mặc, chân không có dép, vừa ngồi trong lớp vừa run.
Có những cháu nhà xa quá, lại học cả ngày nên mang cơm tới để ăn trưa, cơm chỉ có ít muối vừng, rau đắng ăn tạm bợ. Nhìn học trò của mình như vậy tôi đã không cầm nổi nước mắt”, cô Hương xúc động tâm sự.
Nhưng càng thấu hiểu những khắc nghiệt của vùng cao, cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn.
“Chọn nghề làm giáo viên do yêu nghề, được nhìn thấy các cháu tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất của tôi. Chỉ mong sao, mình góp một phần chút công sức bé nhỏ mang con chữ tới các em vùng khó khăn hẻo lánh này để các em được học tập và thoát nghèo”, cô giáo tiểu học bày tỏ.
Khi được hỏi về gia đình, một thoáng buồn hiện lên trong đôi mắt của nữ giáo viên. Sinh ra ở Ninh Bình, lớn lên, lập gia đình tại Tuyên Quang, cô Hương hiện có 2 người con (cháu lớn học lớp 5, cháu bé học lớp 2) nhưng đành phải gửi ông bà và chồng ở quê chăm sóc.
“Xa nhà nên nhớ con, nhớ chồng lắm. Đi dạy xa chỉ được về tranh thủ cuối tuần 1, 2 ngày bên con, dù mỗi lần đi về cũng mất 6 - 7 tiếng trên xe, nhưng thấy nụ cười các con thì bao nhiêu mệt mỏi tan biến.
Có những tuần không về được, mấy mẹ con chỉ có thể gọi điện, nhìn nhau qua chiếc điện thoại. Mà để gọi điện được đôi khi phải chạy ra xa chỗ có sóng mới nghe được giọng nói và nhìn được các con. Nhiều hôm buồn chỉ biết lôi ảnh chồng, con ra ngắm cho đỡ nhớ”, cô Hương rơm rớm nước mắt kể lại.
Cô Hương hơn 10 năm xa chồng, xa con lên vùng cao dạy chữ cho trẻ.
Thương vợ vất vả, lại xa nhà, xa con, đã rất nhiều lần chồng cô đã động viên nghỉ việc, về miền xuôi tìm công việc khác thay thế nhưng với tình yêu dành cho những đứa trẻ vùng cao, nhìn những đứa trẻ cần được học con chữ, cô không nỡ lòng rời xa chúng.
“Hồi trước khóc nhiều lắm, đêm nào cũng khóc ướt gối, thương con bé nhỏ đã phải xa vòng tay mẹ. Một mình trong căn phòng vắng, ngoài kia sương lạnh, tiếng thú rừng kêu, cảm giác tủi thân vô cùng.
Dù vẫn còn nhiều vất vả và thiếu thốn, nhưng đây là con đường tôi đã chọn và cũng là con đường mà tôi vẫn sẽ chọn. Tôi vẫn tự dặn mình sẽ giúp đỡ các em bằng tình yêu thật sự. Tôi cũng mong các em sẽ được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa để có điều kiện học tập thật tốt, để tôi được nhìn thấy các em bay xa và trưởng thành,” cô Hương nói.
Chia sẻ về các giáo viên trong trường, thầy Hà Duy Tân - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sán Sả Hồ cho biết, 70% giáo viên ở trường là người miền xuôi và các huyện lân cận đến dạy học. Cuộc sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn nên hành trình “gieo chữ” của các thầy cô đã gặp không ít chông gai.
“Các thầy cô giáo trên này phải chịu nhiều thiệt thòi như ít khi có dịp để diện quần áo đẹp. Ngày lễ ngành hay các dịp lễ, tết không khí trên này cũng trầm lắng hơn. Nhưng điều mà chúng tôi luôn động viên nhau và mong mỏi nhất là cùng nhau đưa học sinh được đến trường, học tập tốt để cuộc sống sau này bớt khổ”, thầy Tân cho hay.
Thầy Hà Duy Tân - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sán Sả Hồ.
Con chữ có nặng không mà hành trình mang con chữ tới bản lại gian nan tới thế. Hành trình ấy không chỉ được đo đếm bằng chiều dài những quãng đường mà hơn hết là tâm huyết, lòng yêu nghề của các thầy cô với các em học sinh vùng cao.
Sự hi sinh thầm lặng của cô Hương, chồng, con cô bao năm qua và nhiều thầy cô giáo khác không gì có thể diễn tả hết nỗi lòng ấy được. Công ơn của các thầy cô giáo, sao có thể nói hết được bằng lời khi đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, vì lửa nghề và nhiệt huyết cõng con chữ lên đồi cho các cháu dân tộc vùng cao.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự